BỆNH LỞ MỒM LONG MỐNG GIA SÚC TẠI XÃ CAM THÀNH, HUYỆN CAM LỘ, NHẬN BIẾT TRIỆU CHỨNG BỆNH VÀ HƯỚNG DẪN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, ĐIỀU TRỊ

Thứ ba - 12/07/2022 04:04
BỆNH LỞ MỒM LONG MỐNG GIA SÚC TẠI XÃ CAM THÀNH, HUYỆN CAM LỘ, NHẬN BIẾT TRIỆU CHỨNG BỆNH VÀ HƯỚNG DẪN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, ĐIỀU TRỊ
          Từ ngày 23 tháng 5 năm 2022 đến nay, bệnh lở mồm long móng gia súc đã xảy ra tại 07 hộ chăn nuôi ở thôn Mỹ Tường, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ làm 18 con trâu bò (17 con bò và 01 con trâu) mắc bệnh do không được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng vụ Xuân năm 2022. Chi cục Chăn nuôi và Thú y xác định nguồn dịch tại chỗ. Tính đến ngày 09 tháng 6 năm 2022, toàn tỉnh mới tiêm được 24.700 liều vắc xin lở mồm long móng vụ Xuân năm 2022, đạt 41,6% kế hoạch đề ra. Nhiều địa phương có tỷ lệ tiêm đạt thấp như: huyện Hướng Hóa đạt 10% kế hoạch, thị xã Quảng Trị đạt 25% kế hoạch, huyện Triệu Phong đạt 29,2% kế hoạch, huyện Gio Linh đạt 36% kế hoạch và đặc biệt là huyện Đakrông đến nay vẫn chưa tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn trâu bò tại địa phương nên tiềm ẩn nguy cơ tái phát và lây lan dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là rất cao do tính chất lây lan nhanh mạnh của bệnh lở mồm long móng gia súc.
          Để giúp người chăn nuôi có nhận biết chính xác về bệnh lở mồm long móng gia súc, sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số nội dung cơ bản về bệnh lở mồm long móng, các biện pháp phòng và điều trị bệnh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh dịch gây ra cho đàn gia súc để người chăn nuôi thực hiện.
image 20220712150811 1

1. Đặc điểm của bệnh
Bệnh lở mồm long móng gia súc là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút hướng thượng bì gây ra. Bệnh lây lan nhanh, mạnh ở các loài động vật móng guốc chẵn như: Trâu, bò, lợn, dê, cừu,... Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường xuất hiện nhiều và lây lan nhanh vào các tháng mưa lạnh, khí hậu ẩm ướt trên các loài động vật cảm nhiễm không được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Đặc điểm của bệnh là hình thành các mụn nước ở niêm mạc miệng, mũi, da mỏng và kẽ móng chân. Bệnh gây chết nhiều ở gia súc non do không bú sữa được hoặc không ăn được nhưng bệnh gây tổn thất lớn về kinh tế, làm trở ngại tới sản xuất chăn nuôi. 
Vi rút gây bệnh có 7 type gồm: O, A, C, Asia1, SAT1, SAT2, SAT3 với hơn 60 serotype khác nhau nhưng không gây miễn dịch chéo cho nhau. Vì vậy, người ta thấy gia súc đã mắc bệnh rồi vẫn có thể mắc bệnh trở lại trong một thời gian ngắn nếu như xuất hiện một type vi rút khác hoặc biến chủng mới của vi rút xâm nhập vào đàn vật nuôi. Ở Việt Nam đến nay đã phát hiện có 3 type vi rút gây bệnh lở mồm long móng là: O, A, Asia1 và ở tỉnh Quảng Trị những năm gần đây chủ yếu là type O gây bệnh cho đàn trâu, bò, dê, lợn.
Vi rút gây bệnh LMLM dễ bị tiêu diệt bởi ánh nắng mặt trời, nhiệt độ cao (như đun sôi 1000C). Vi rút tồn tại được nhiều tháng trong thịt đông lạnh, ở nhiệt độ 0 - 40C vi rút sống được 425 ngày; ở nhiệt độ 600C vi rút chết sau 5 - 15 phút; vi rút chết nhanh ở nhiệt độ 1000C. Vi rút dễ bị tiêu diệt bởi các loại hóa chất như Benkocid, BKA, Iodine, Xút (NaOH), vôi,…  Trong các chất thải hữu cơ ở chuồng nuôi vi rút sống được khoảng 07 ngày.
Vi rút xâm nhập vào cơ thể vật nuôi và gây bệnh chủ yếu qua niêm mạc đường tiêu hoá và đường hô hấp. Ngoài ra, vi rút có thể qua xâm nhập và cơ thể vật nuôi qua các vết thương ngoài da.
Trâu bò mắc bệnh có thể mang trùng từ 2 đến 3 năm, cùng với những khó khăn trong việc quản lý, đánh dấu, cách ly hoặc xử lý gia súc đã mắc bệnh, vì vậy bệnh dịch lở mồm long móng có thể thường xuyên tái phát nếu người chăn nuôi không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của cơ quan thú y. 
2. Triệu chứng bệnh 
a) Ở trâu, bò, dê:
Trâu, bò, dê mắc bệnh có biểu hiện mệt mỏi, ủ rũ, lông dựng, ăn ít hoặc không ăn, sốt cao 41 - 420C kéo dài trong 2 - 3 ngày, sau đó xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi, mũi, kẽ móng chân và chỗ da chỗ mỏng; Lưỡi dày lên, sưng to khó cử động; vật bệnh đi lại khó khăn. 
- Ở miệng: Xuất hiện mụn nước ở miệng, lưỡi, lợi. Sau vài ngày các mụn nước vỡ ra làm cho miệng, lưỡi, lợi bị lở loét làm cho gia súc không ăn được. Dịch viêm từ các mụn nước hoà với nước dãi liên tục chảy ra giống như bọt xà phòng, đôi khi có lẫn máu. 
- Ở mũi: Cũng xuất hiện nhiều mụn nước ở trong mũi, nước mũi chảy ra có mùi hôi thối.
- Ở chân: Nhất là xung quanh vành móng xuất hiện rất nhiều mụn nước làm trâu, bò, dê đi lại khó khăn. Sau vài ngày những mụn nước này vỡ ra tạo thành những vết loét xung quanh viền móng. Nếu vệ sinh và xử lý vết loét không tốt sẽ bị nhiễm trùng tạo thành những ổ loét có thể làm cho móng bị bong ra. 
- Ở vú: Cũng xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ. Toàn bộ vú bị sưng lên, da vú tấy đỏ và rất đau, gia súc đang nuôi con rất sợ cho con bú vì bị đau, lượng sữa bị cạn dần và có thể mất sữa.
b) Ở lợn:
Lúc đầu lợn mệt mỏi, ăn ít hoặc không ăn, sốt cao trên 400C, đau ở 4 chân nên đi lại khó khăn. Nếu bị nặng lợn sẽ đi khập khiễng hoặc chỉ ngồi mà không đi được. Sau đó xuất hiện mụn nước ở miệng, lợi, lưỡi, kẽ móng chân, đệm bàn chân, lợn có thể bị tụt móng chân nếu không được chăm sóc điều trị đúng cách.
- Lợn nái xuất hiện nhiều mụn nước ở vú. Lợn nái nuôi con mất sữa, không cho con bú sợ bị đau.
- Lợn con 1 - 2 tháng tuổi có biến chứng viêm phổi, viêm ruột, tụt móng chân, tỷ lệ chết rất cao.
3. Phòng bệnh
a) Khi chưa có dịch:
Thực hiện tiêm vắc xin lở mồm long móng theo hướng dẫn của cơ quan thú y cho gia súc 2 lần/năm (cách nhau khoảng 6 tháng). Liều tiêm: 1 - 2 ml/con (theo hướng dẫn của nhà sản xuất). Đối với gia súc mới tiêm vắc xin lần đầu thì phải tiêm nhắc lại mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất 28 ngày.
Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại từ 1 - 2 lần/tuần bằng các loại hóa chất như: Benkocid, BKA, Iodine, Xút (NaOH) hoặc nước vôi 20 - 30%.
Chăm sóc nuôi dưỡng gia súc chu đáo. Thường xuyên bổ sung thêm các loại vitamin vào thức ăn, nước uống nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Hạn chế chăn thả trâu, bò, dê tại những khu vực có ổ dịch cũ.
b) Khi có dịch:
- Khi phát hiện có bệnh dịch xảy ra tại địa phương, phải báo ngay cho Nhân viên thú y xã, phường, thị trấn, chính quyền địa phương hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y để có biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. 
- Đối với trâu, bò, dê: Phải cách ly triệt để, quản lý tại chỗ số trâu, bò, dê mắc bệnh để điều trị và tránh lây lan cho số trâu, bò, dê đang còn khoẻ mạnh. 
- Đối với lợn: Khi lợn mắc bệnh thì phải tổ chức tiêu huỷ theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
- Gia súc chết vì bệnh lở mồm long móng phải đem chôn, rắc vôi bột sát trùng và lấp đất kỹ theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
- Nghiêm cấm vận chuyển, giết mổ trâu, bò, dê, lợn tại các địa phương đang có dịch lở mồm long móng gia súc xảy ra.
- Tổ chức tiêm vắc xin lở mồm long móng xung quanh ổ dịch cho toàn bộ số gia súc chưa được tiêm phòng hoặc sắp hết thời hạn miễn dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y. 
- Thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh khu vực có dịch từ 01 - 02 lần/ngày trong 01 - 02 tuần đầu, 02 - 03 lần/tuần trong tuần thứ 03 - 04, sau đó 01 - 02 lần/tuần cho đến khi hết dịch bằng các loại hóa chất như Benkocid, BKA, Iodine, Xút (NaOH), hoặc nước vôi 20 - 30%,…
4. Điều trị
- Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho gia súc mắc bệnh lở mồm long móng do đó khi gia súc mắc bệnh phải thực hiện tốt các biện pháp hộ lý, chăm sóc nuôi dưỡng; Đồng thời, phải nâng cao sức đề kháng và xử lý nhiễm trùng kế phát tại các vết loét để cho gia súc mắc bệnh nhanh chóng khỏi bệnh.
- Đối với vết loét ở miệng: Dùng các loại quả chua như: Chanh, khế,… chà sát vào các mụn loét trong miệng, lưỡi, lợi từ 1 - 2 lần/ngày, thực hiện trong khoảng 2 - 3 ngày.
- Đối với các vết loét ở móng chân: Dùng nước sạch hoặc nước sinh lý 0,9% rửa sạch đất, phân bám dích tại vết loét và để khô, sau đó dùng Xanhmethylen 1% hoặc cồn Iod 5 - 10%,… bôi vào các vết loét hoặc có thể dùng 1 trong 2 dung dịch sau bôi đắp vào vết thương sau khi được rửa sạch và để khô:
+ Nước lá ổi sắc đặc 500 ml hoặc nước 100 gam nghệ giã nhỏ, có thể trộn thêm bột Sulfamid 150 gam để bôi đắp vào vết loét hàng ngày. 
+ Bột than xoan 50 gam giã nhỏ trộn với tỏi 10 gam, nghệ 50 gam, dầu lạc 200 ml để bôi đắp vào vết loét hàng ngày. 
    - Để chống nhiễm trùng kế phát ở các vết loét có thể tiêm thêm 01 trong số các loại kháng sinh chậm như: Ampiciline LA, Oxytetracycline LA, Pen-Strep LA,... Liều dùng theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm hoặc theo hướng dẫn của Nhân viên thú y. Ngoài ra, cần bổ sung thêm các loại thuốc tăng sức đề kháng cho vật nuôi để chống lại bệnh như: Vitamin C, ADE-Bcomplex, Cafein, Strichnine,... Đồng thời chú ý khâu hộ lý, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, không để gia súc bị đói dẫn đến kiệt sức mà chết.
 Đào Văn An
                                                            Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị

 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây