BỆNH VIÊM LOÉT MIỆNG TRUYỀN NHIỂM Ở DÊ VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ

Thứ ba - 12/07/2022 04:33
Đối với dê, ngoài bệnh ký sinh trùng, bệnh truyền nhiễm cũng thường xảy ra gây thiệt hại kinh tế không nhỏ, đó là các bệnh như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm loét miệng truyền nhiễm… Trong đó, bệnh viêm loét miệng truyền nhiễm là bệnh lây lan nhanh, mạnh và lây sang người. Vì vậy, phòng trị bệnh này là việc cần quan tâm..
BỆNH VIÊM LOÉT MIỆNG TRUYỀN NHIỂM Ở DÊ  VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ
Đặc điểm và nguyên nhân gây bênh
Bệnh viêm loét miệng truyền nhiễm ở dê, cừu do một loại virus thuộc họ Poxviridae, giống Parapoxvirus hướng thượng bì gây ra. Bệnh xảy ra ở dê, cừu mọi lứa tuổi. Đặc điểm của bệnh là gây ra hiện tượng viêm loét miệng, làm cho dê không ăn được, dê con không bú được dẫn đến sức đề kháng giảm sút, dễ kế phát các bệnh khác.
Virus tồn tại 1 tháng trên lông và da sau khi tổn thương lành lại. Virus dễ bị sức nóng tiêu diệt (5 phút ở 600C), trong vảy khô virus vẫn sống sót được hàng tháng, thậm chí đến 1 năm. Vài tháng sau khi lành bệnh vẫn tìm thấy virus trong những mảnh thượng bì tróc ra, phơi nắng 42 giờ vẫn chưa diệt được virus trong các mảnh thượng bì này.
Triệu chứng và bệnh tích
Thời kỳ đầu của bệnh xuất hiện các nốt nhỏ bằng hạt đậu xanh ở trên bờ môi, mép của dê. Sau đó, các mụn phát triển nhanh chóng thành các mụn nước, mụn mủ rồi vỡ ra và tạo ra vẩy cứng và xù xì trên môi và mép dê. Khi cậy ra dưới lớp vẩy là lớp keo nhầy màu vàng, đôi khi có lẫn máu và mủ.
Thời kỳ đầu dê bị bệnh vẫn ăn uống bình thường, về sau do những chỗ tổn thương bị nhiễm trùng kế phát làm cho con vật đau đớn, vật có thể giảm ăn hoặc bỏ ăn.


Các vết viêm loét xuất hiện ở những vị trí da mỏng khác nhau như ở tai, bụng, đầu vú, núm vú, bìu dái, âm hộ. Đặc biệt, ở dê non các mụn loét xuất hiện ở lưỡi và niêm mạc miệng làm dê bị bệnh rất đau đớn, chảy nước dãi, nước dãi cò mùi hôi thối khó chịu, dê kém ăn, sức đề kháng của cơ thể giảm, dê dễ bị nhiễm trùng gây các bệnh kế phát như viêm phổi, viêm ruột…

Bệnh kéo dài từ 1 – 4 tuần, nếu không bị nhiễm trùng kế phát thì các tổn thương sẽ tự khỏi, các mô lành lại và không để lại sẹo. Tuy nhiên, với các điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng hiện nay con vật dễ bị nhiễm trùng kế phát làm cho các tổn thương trầm trọng hơn. Những dê đang cho sữa khi núm vú bị tổn thương thường nhiễm trùng kế phát gây viêm vú nghiêm trọng, dẫn đến mất khả năng cho sữa.
Chẩn đoán 
  • Căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng của bệnh là nổi mụn nước ở môi, mép, đầu vú, núm vú, âm hộ, bìu dái nhưng không xuất hiện mụn nước ở móng chân. Cần chẩn đoán phân biệt với bệnh lở mồm long móng và bệnh đậu dê.
  • Lấy bệnh phẩm (vẩy, mụn) gửi đi xét nghiệm virus ở các phòng thí nghiệm hiện đại. Chẩn đoán phân biệt: với bệnh lở mồm long móng và bệnh đậu dê.
 
Biện pháp phòng và kiểm soát dịch bệnh
 
  • Giảm thiểu stress khi vận chuyển.
  • Chỉ mua giống ở người cơ sở uy tín và an toàn dịch bệnh
  • Luôn kiểm dịch động vật mới trước nhập và cách ly trước khi nhập đàn
  • Trong trường hợp bùng phát, cách ly động vật ốm để điều trị.
  • Đốt bao tay và tất cả băng, gạc khi tiếp xúc với thương tổn, dịch viêm từ động vật bệnh.
  • Vi rút có thể tồn tại trong mô động vật trong một thời gian dài, trở thành nguồn lây nhiễm . Tăng cường tiêu độc, sát trùng chuồng trại.
  • Luôn luôn đeo găng tay điều trị, tiếp xúc với động vật vì con người có thể mắc bệnh.
  • Tránh tiêu thụ sữa từ những con vật có tổn thương trên núm vú và vú.
  • Cần có người chăm sóc và điều trị vật nuôi ốm riêng. Tránh lây lan bệnh cho vật nuôi khoẻ mạnh
  • Cho dê ăn những thức ăn mềm, non và bồi dưỡng bằng các vitamin A, B…
  • Tiêm phòng vacxin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.
Điều trị
Đây là bệnh do virus gây ra nên việc điều trị bằng kháng sinh không có hiệu quả.
Điều trị cục bộ:
  • Cạy bong vết thương, dùng khăn sạch và nước muối sinh lý rửa sạch vết thương.
  • Dùng chanh, khế, phèn chua… chà vào vết loét, sau đó dùng xanh metylen bôi vào vết loét hoặc có thể dùng dung dịch Iod-Tetran bôi vào vết loét ngày 2 – 3 lần.
  • Những dê có triệu chứng nhiễm trùng kế phát thì phải dùng kháng sinh như: streptomycin, tetracyclin, ampicillin, penicillin, amoxylin… hoặc các thuốc kháng sinh dạng mỡ bôi vào vết thương cho dê.
 
http://nhachannuoi.vn/wp-content/uploads/2017/11/loet-mieng-8.png

Điều trị toàn thân
 
  • Điều trị toàn thân bằng thuốc khi bị nhiễm trùng kế phát nặng.
  • Thuốc kháng sinh có thể dung: Gentamycin,  Amoxylin…Tiêm bắp thịt, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất
Một số lưu ý trong quá trình  điều trị
  • Lưu ý: Chỉ khi nào dê khỏi hoàn toàn mới được thả chung vào đàn.
  • Giữ môi trường thông thoáng, khô ráo, sạch sẽ.
  • Nuôi dưỡng, chăm sóc tốt dê con, nhất là sau khi vận chuyển xa.
  • Cách ly ngay những dê bệnh ra xa, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho ăn thức ăn dễ tiêu.
  • Nếu dê con mắc bệnh thì không cho bú trực tiếp mà vắt sữa mẹ cho dê uống để tránh lây lan sang vú mẹ.
  • Hàng ngày phải thu dọn, vệ sinh tiêu độc khu vực nuôi dê mắc bệnh; dụng cụ bôi thuốc điều trị xong phải được sát trùng kỹ…
  • Đốt toàn bộ băng, gạc sau khi sát trùng cho dê
Nguyễn Ngọc Chiến - Trạm KN Đakrông

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây