THÔNG TIN CHUNG VỀ BỆNH CÚM GIA CẦM A/H5N8 VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG

Thứ hai - 06/09/2021 21:21
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
1. Tóm tắt đặc điểm chung của bệnh Cúm gia cầm
- Bệnh Cúm gia cầm (Avian Influenza) là bệnh truyền nhiễm ở gia cầm (bao gồm cả gia cầm nuôi, chim yến và chim hoang dã) và động vật có vú (gồm một số loài gia súc, các loài động vật hoang dã và người). Bệnh Cúm gia cầm (CGC) do vi rút cúm típ A thuộc họ Orthomyxoviridae, là loại vi rút có bộ gien ARN, có vỏ bọc bằng lipit.
- Căn cứ đặc tính kháng nguyên, vi rút CGC có hai loại kháng nguyên H (Hemagglutinin) và N (Neuraminidase). Kháng nguyên H có 16 subtype đánh số thứ tự từ H1 đến H16; kháng nguyên N có 09 subtype được đánh số thứ tự từ N1 đến N9. Tuỳ theo chủng vi rút CGC gây bệnh, ký hiệu của subtype H và N được chỉ định cho chủng vi rút đó.
- Căn cứ độc lực, vi rút CGC được phân loại thành các chủng vi rút CGC độc lực cao (bao gồm các chủng H5, H7) và các chủng vi rút CGC độc lực thấp. Tuy nhiên, việc phân loại có tính tương đối, phụ thuộc các đặc điểm dịch tễ, tình trạng miễn dịch của mỗi cá thể động vật, có những chủng vi rút CGC H5/N1 ít gây bệnh lâm sàng hoặc thậm chí không gây bệnh lâm sàng ở gia cầm; có những chủng vi rút CGC độc lực cao H7 có thể gây bệnh ở người (như H7N9) nhưng ít hoặc không gây bệnh ở gia cầm.
- Trong chăn nuôi, gà thường bị mắc bệnh CGC trầm trọng, tỷ lệ chết có thể lên đến 100%; vịt thường mang mầm bệnh, có thể có hoặc không có triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc vi rút CGC ra môi trường. Một số chủng vi rút CGC không gây bệnh hoặc ít gây bệnh lâm sàng ở gia cầm nhưng có thể lây truyền bệnh và gây tử vong ở người (ví dụ chủng vi rút CGC A/H7N9,…).
2. Bệnh Cúm gia cầm A/H5N8
2.1. Tình hình dịch bệnh Cúm gia cầm A/H5N8 trên thế giới
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), từ năm 2014 đến nay, chủng vi rút CGC thể độc lực cao A/H5N8 đã xuất hiện, gây bệnh trên gia cầm (giai đoạn đầu chủ yếu xảy ra ở trên chim hoang dã), sau đó lây lan nhanh, ở phạm vi rất rộng và gây ra dịch bệnh trên gia cầm nuôi.
Tính đến tháng 6/2021, tổng cộng đã có 64 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo phát hiện chủng vi rút này; từ đầu năm 2021 đến nay, trên thế giới có tổng cộng 2.757 ổ dịch do chủng vi rút CGC A/H5N8 gây ra, chiếm gần 70% trong tổng số các ổ dịch CGC do các chủng vi rút khác nhau gây ra tại hàng chục quốc gia (trong đó có các quốc gia chung biên giới, gần Việt Nam); trong tháng 02/2021, có 07 người tại Liên bang Nga được xác định nhiễm vi rút cúm A/H5N8 với các triệu chứng nhẹ (theo Tổ chức Y tế thế giới, đến nay chưa có bằng chứng về vi rút CGC A/H5N8 lây từ người sang người).
2.2. Nhận định tình hình và nguyên nhân lây lan
Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, chỉ trong vòng 1 tháng (từ 28/6 đến 21/7), đã phát hiện chủng vi rút Cúm gia cầm (CGC) A/H5N8 tại 08 tỉnh: Hòa Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thái Bình và Bắc Ninh  với tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy gần 20.000 con; và nhận định trong thời gian tới, nguy cơ dịch CGC A/H5N8 lây lan và xảy ra trên diện rộng là rất cao do các nguyên nhân: (i) Vi rút CGC A/H5N8 lần đầu tiên xuất hiện tại nước ta; (ii) do có chung đường biên giới dài với các nước trong khu vực, các hoạt động giao lưu thương mại, phương tiện, con người và đặc biệt là chim hoang dã có thể nhiễm vi rút CGC A/H5N8 ở các nước và xâm nhiễm vào Việt Nam; (iii) Vi rút được phát hiện từ các gia cầm được chăn thả trên khu vực rộng; đặc biệt được phát hiện từ giám sát chủ động tại chợ buôn bán gia cầm sống, nơi việc buôn bán, giết mổ gia cầm diễn ra thường xuyên, điều kiện vệ sinh thú y chưa đảm bảo, việc truy xuất - tiêu hủy gia cầm mắc bệnh gặp khó khăn; (iv) Việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia cầm tăng cao trên tổng đàn gia cầm lớn, mật độ chăn nuôi cao, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học; (v) Thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng, làm bệnh phát sinh và lây lan.
Riêng tại Quảng Trị, ngoài những nguyên nhân nêu trên, hiện nay vẫn đang tổ chức việc tiêm phòng vắc xin CGC nhưng tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đạt rất thấp, nhất là tại các vùng chăn nuôi gia cầm trọng điểm, ổ dịch cũ nên nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể bùng phát và lây lan ra diện rộng.
3. Công tác chủ động phòng, ngăn chặn chủng vi rút CGC A/H5N8 xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh
3.1. Văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn phòng và ngăn chặn chủng vi rút CGC A/H5N8 vào địa bàn tỉnh
- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh đã và đang đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh CGC. Do đó, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để chỉ đạo phòng, chống dịch CGC như: Quyết định số 1032/QĐ-UBND, ngày 08/5/2019 về Kế hoạch phòng, chống bệnh CGC trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019-2025; Quyết định số 2716/QĐ-UBND ngày 23/9/2020 về Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản tỉnh Quảng Trị năm 2021; Công văn số 651/UBND-NN ngày 26/2/2021; số 2359/UBND-NN ngày 10/6/2021; số 2790/UBND-NN ngày 02/7/2021 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh CGC và các chủng vi rút CGC độc lực cao…;
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y ban hành kế hoạch số 441a/KH-CNTY-QLDB ngày 12/7/2021về kế hoạch tiêm vắc xin CGC; 
- Tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm của gia cầm nhập lậu vào trong nước tiêu thụ.
3.2. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã tổ chức thực hiện
- Ngay khi có thông tin dịch bệnh trên đàn gia cầm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện đã đi kiểm tra trực tiếp tại cơ sở và lấy mẫu gửi xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh.
- Chỉ đạo hệ thống Thú y địa phương kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm (kể cả vịt trời nuôi, chim bồ câu, chim cút, chim trĩ và chim cảnh); phối hợp với cơ quan Y tế, chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể của địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là các huyện có khu vực giáp với ranh giới các tỉnh, các quốc gia khác.
- Tăng cường công tác giám sát đến tận trại, hộ chăn nuôi gia cầm, tổ chức quản lý đàn vịt chạy đồng, lò ấp, cơ sở kinh doanh, chợ buôn bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh các trường hợp gia cầm mắc bệnh, chết nghi do cúm gia cầm để xử lý kịp thời.
- Tổ chức việc tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho những đàn gia cầm hết miễn dịch, đàn nuôi mới chưa được tiêm phòng. Tính đến ngày 12/8/2021, đã tiêm phòng vắc xin CGC được 164.565 con gia cầm tại 8 huyện, thành phố, thị xã.
- Đối với cơ sở, hộ ấp nở gia cầm phải thực hiện cam kết thực hiện các biện pháp an toàn sinh học đối với cơ sở ấp nở, nguồn trứng đưa vào ấp phải có nguồn gốc từ đàn bố mẹ đã được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh H5N1, có sổ sách theo dõi nhập trứng giống và xuất gia cầm con;
- Cử cán bộ bám địa bàn để chỉ đạo, theo dõi tình hình, giám sát công tác tiêm phòng và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương.
3.3. Giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới
- Tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật thú y, các văn bản hướng dẫn Luật và đặc biệt là Công điện khẩn số 163/CĐ-TTg về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh CGC và các chủng vi rút CGC lây sang người, bao gồm chủng vi rút CGC A/H5N8..
- Chi cục Chăn nuôi phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh thành lập đoàn công tác đến các địa phương có nguy cơ cao để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và hỗ trợ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
- Xây dựng kế hoạch giám sát chủ động, phát hiện sớm, điều tra, xử lý ổ dịch CGC A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn người dân, các địa phương trong việc phòng, chống bệnh CGC.
- Chuẩn bị phương tiện, hoá chất, vật tư, thiết bị phục vụ công tác phòng dịch, sẵn sàng chống dịch.
4. Phòng bệnh CGC ở người
 Theo cảnh báo từ WHO, vi rút cúm A/H5N8 và các chủng vi rút cúm gia cầm độc lực cao khác không thể truyền nhiễm qua đường ăn uống và thực phẩm nấu chín nên người tiêu dùng vẫn có thể sử dụng thịt gia cầm nấu chín ở nhiệt độ cao. Hiện chưa có vắc xin để phòng chống CGC ở người nên cách phòng ngừa tốt nhất là:
- Không ăn gia cầm mắc bệnh, không ăn tiết canh gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa nấu chín; khi tiếp xúc với gia cầm phải có bảo hộ cá nhân; chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm soát thú y để sử dụng làm thực phẩm;
- Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc, chế biến gia cầm;  hạn chế tiếp xúc với những trường hợp bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính.
- Đồng thời vệ sinh nhà cửa, nâng cao thể trạng và tránh tiếp xúc người bị viêm đường hô hấp, nếu có thì nên đeo khẩu trang.
- Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở mà không rõ nguyên nhân thì cần đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán, phát hiện sớm và được điều trị kịp thời.
6. Một số quy định, chủ trương chính sách của Nhà nước
- Khoản 1, Điều 19, Luật Thú y quy định về khai báo dịch bệnh“Chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cá nhân hành nghề thú y khi phát hiện động vật mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm phải báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất”.
- Khoản 1, Điều 25, Luật Thú y  quy định “Chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi có nghĩa vụ: (a) Cách ly ngay động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh; (b) Không giết mổ, mua bán, vứt động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra môi trường; (c) Thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; (d) Cung cấp thông tin chính xác về dịch bệnh động vật theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và nhân viên thú y cấp xã; (đ) Chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Điểm b, khoản 4, Điều 5 Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh, quy định “hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức hỗ trợ cụ thể 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn; 45.000 đồng/kg hơi đối trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai; 35.000 đồng/con gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng)”.
Không hỗ trợ đối với trường hợp người chăn nuôi không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh bắt buộc cho vật nuôi; không thực hiện tiêm phòng vắc xin CGC, nếu mắc bệnh cương quyết tiêu hủy và không hỗ trợ./.
Nguyễn Thị Thúy Hằng -
 TP Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây