CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO DƯỠNG CÁC HỒ ĐẬP THỦY LỢI NHỎ SAU KHI BÀN GIAO

Thứ hai - 05/07/2021 03:53
Phải nói rằng: Công tác thủy lợi trong những năm qua đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển sản xuất ở địa phương. Ngoài việc cấp nước tưới, còn tăng cao mực nước ngầm góp phần cải thiện môi trường và làm tăng cảnh quan nông thôn. Do đặc thù của các công trình thủy lợi là xây dựng ở ngoài trời, đầu mối nằm ở vùng xa khu dân cư. Vì vậy, để giúp các địa phương nắm bắt một số thông tin kỹ thuật để theo dõi và thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng định kỳ nhằm hạn chế những hư hỏng, đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ cần phải thực hiện một số nội dung sau:
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
1. Đối với các công trình hồ, đập trong giai đoạn đầu đưa vào khai thác sử dụng cần chú ý:
+ Phải theo dõi sát động thái của đập. Đặc biệt phải kiểm tra lưu lượng nước ngấm xuống hạ lưu đập. Nếu ngấm lớn phải báo ngay với các cơ quan chuyên môn tìm ra nguyên nhân của rò rỉ để có biện pháp xử lý đường rò ở thượng lưu, ở hạ lưu đảm bảo đủ khả năng tiêu thoát nước.
+ Phải theo dõi các bước lún của đập: Bình thường trong những năm đầu đập lún nhè nhẹ và dần dần, chỉ cần đắp bù lại đất lên mặt đập đủ cao trình thiết kế. Tuy nhiên, nếu thấy lún không đều và xuất hiện khe nứt lớn hoặc nhiều khe nứt nẻ ngang, cần báo cáo ngay cho cơ quan chuyên môn để tìm nguyên nhân xử lý. Lún như vậy thường là do: nền móng không ổn định, tiêu nước ở phần hạ lưu không đầy đủ, trong quá trình thi công việc đầm nện đất đắp đập chưa đủ dung trọng thiết kế.
2. Trong thời gian khai thác hồ, đập tiếp theo:
Sau thời gian đập làm việc ổn định, lưu lượng rò rỉ qua thân đập giảm bớt vì do đã có bùn, đất bồi lắng ở các đường rò nước. Tuy vậy, vẫn phải tổ chức bảo dưỡng thường kỳ đối với các bộ phận trên thân đập, cụm đầu mối nhằm hạn chế mưa lũ và hạn hán ảnh hưởng đến chất lượng của công trình, đó là:
+ Tu sửa và chăm sóc cỏ mái đập: Muốn mái đập hạ lưu không bị hư hỏng thì lớp thực vật bảo vệ mái hạ lưu phải đủ dày và đồng đều, trồng lại những chỗ cỏ bị chết. Vào mùa khô phải tưới nước cho mái cỏ; cắt bỏ những mầm cây bụi, cây thân gỗ; phát quang thông thoáng đường công vụ, hành lang bảo vệ để thuận lợi đi lại quản lý và quan trắc. Xử lý các hang ổ thú, động vật trong thân đập. Đắp bù phần mái bị sạt. Duy trì rãnh đá phân ô dẫn nước trên mái đập. Nghiêm cấm không cho trâu bò thả rong ăn cỏ trên mái đập.
+ Tu sửa đường tràn: Trước mùa mưa lũ phải thường xuyên kiểm tra đường tháo lũ. Tu sửa ngay những chỗ hư hỏng do nước xói gây ra, phải đảm bảo không có chướng ngại vật cản trở dòng chảy, loại bỏ các vật nổi làm hư hỏng công trình. Cần chăm sóc lớp phủ thực vật ở lòng kênh dẫn thượng lưu tháo lũ qua tràn
+ Cống lấy nước dưới đập: Cửa van đóng kín nước, nếu bị rò rỉ phải kiểm tra tìm ra nguyên nhân: do cửa bị cong vênh hoặc roăng cao su củ tỏi bị bong ra, nẹp thép bị hoen rỉ, hoặc tổn thất nước do thấm ở mang cống, thân cống để báo cáo cơ quan chuyên môn tìm biện pháp xử lý. Dàn tháp, cầu công tác phải an toàn. Định kỳ sơn sửa cửa van, cầu công tác không để thép hoen rỉ, gỗ mục ruỗng.
+ Sau một thời kỳ sử dụng, lòng hồ bị bùn cát bồi lấp nên phải kiểm tra bồi lắng, có kế hoạch nạo vét lòng hồ và khơi thông kênh dẫn thượng lưu cửa vào cống áp lực để duy trì dung tích hữu ích và lấy nước thuận lợi.
3. Phải có chủ quản lý thực sự cụm công trình đầu mối:
Qua đợt điều tra các công trình thủy lợi nhỏ trên địa bàn các huyện: Vĩnh Linh, Hướng Hóa, Cam Lộ, Hải Lăng, ĐaKrông chúng tôi thấy: Hiện nay các công trình hồ, đập nhỏ tưới cho nhiều địa phương, sau khi bàn giao phần lớn Xã quản lý cụm công trình đầu mối; các HTX hoặc thôn, bản chỉ quản lý hệ thống kênh mương nội đồng thuộc khu tưới của mình, còn cụm đầu mối không có chủ sở hữu thực sự, nên việc theo dõi hư hỏng, tình hình nguồn nước trong hồ thiếu cập nhật.
Vì vậy, để thực hiện tốt phương châm “ Nhà nước và nhân dân cùng làm” cần có sự thống nhất trong quản lý công trình từ cụm đầu mối cho đến hệ thống kênh mương nội đồng đối với các công trình tưới cho nhiều HTX (nên giao địa phương ở thượng nguồn quản lý cụm công trình đầu mối). Thành lập bộ máy Tổ chức thủy lợi cơ sở đủ năng lực điều hành hoạt động và thường xuyên tuyên truyền cho mọi người dân thực hiện tốt công tác khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày một hiệu quả hơn./.
Hoàng Chiến Thắng- Chi cục Thủy lợi
 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây