GIẢI PHÁP CHO THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN TRONG BỐI CẢNH DỊCH BỆNH COVID 19

Chủ nhật - 13/02/2022 22:58
Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành nông nghiệp nước ta nói riêng và nền kinh tế nói chung đã chịu nhiều ảnh hưởng của các đợt dịch bệnh Covid-19. Với tốc độ lây lan khá nhanh, dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt, ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến tốc độ phát triển kinh tế khi nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh phải trì trệ do những bất lợi trong vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa.
Ảnh: internet
Ảnh: internet
Có thể thấy, Việt Nam là quốc gia có nhiều loại nông sản xuất khẩu chủ lực có tính chất mùa vụ, dễ gặp khó khăn, áp lực tiêu thụ khi vào mùa vụ thu hoạch, nhất là phải đối mặt với dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.  Để hạn chế thiệt hại cho người sản xuất, rất cần một hệ thống bảo quản và các nhà máy chế biến tại các địa phương, khu vực; trong khi đó, hệ thống logistics kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản ở nước ta còn hạn chế. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Với số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu.
Theo số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả nước hiện có trên 43.000 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản, trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Thế nhưng, khâu chế biến đang là điểm nghẽn khiến cho nông sản Việt Nam bị giảm tính cạnh tranh. Hầu hết sản phẩm nông sản chỉ mới xuất khẩu ở dạng thô, hàm lượng giá trị gia tăng khá thấp. Hiện nay, nông sản trong nước mới có từ 20% đến 30% thông qua chế biến xuất khẩu. Chế biến và thị trường là những khâu rất quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến bàn ăn của người tiêu dùng. Chế biến tạo giá trị gia tăng trong khi lợi nhuận của cả chuỗi thì phần lớn trong khâu kinh doanh thị trường của nông sản.
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I/2021 đạt 10,61 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020. Sự tăng trưởng này có được là nhờ vào sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc ứng phó linh hoạt với các diễn biến phức tạp về dịch COVID-19 trên toàn cầu cũng như nỗ lực mở rộng thị trường, tránh được tình trạng tập trung vào số ít thị trường truyền thống. Ngoài ra, để thúc đẩy xuất khẩu, ngay từ những tháng đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế. Đồng thời phổ biến, hướng dẫn các quy định, rào cản kỹ thuật trong thương mại nông sản, định hướng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tại các thị trường trọng điểm. Từ đó giúp doanh nghiệp và người sản xuất định hình được thị hiếu cũng như nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng để tạo ra những sản phẩm phù hợp.
Cần tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định và chủ động: Trên thực tế, thời gian qua, nhất là trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân trên cả nước đã có hướng đi mới trong sản xuất và tiêu thụ nông sản khi dịch bệnh đang tái bùng phát trở lại. Bắt nhịp với xu hướng công nghệ 4.0, nông cần từng bước thay đổi tư duy trong sản xuất, thực hiện cách làm mới để tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh. Việc thay đổi này bước đầu giúp nông dân nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu hiện nay…Có thể thấy, qua các đợt dịch tại Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất nông sản… đã chủ động và có các sáng kiến để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên thị trường trong và ngoài nước, vừa đảm bảo phòng, tránh dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, tình trạng dư cung hoặc giá giảm sâu đối với một số nông sản trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua tại một số địa phương cũng là bài học kinh nghiệm, nhằm hoàn thiện cơ chế vận hành kết nối địa phương với địa phương nhằm tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định và chủ động.
Vai trò của mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp cần được phát huy và mở rộng:  COVID-19 khiến người dân e ngại khi mua sắm, sức mua giảm, một số nông sản không xuất khẩu được dẫn đến giá cả các mặt hàng nông sản giảm mạnh. Trong bức tranh khá ảm đạm về tiêu thụ nông sản trong mùa dịch, lại là lúc hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp được phát huy rõ rệt khi mọi hoạt động từ khâu tiêu thụ sau thu hoạch đến lưu thông, vận chuyển vẫn được duy trì tốt. Không tổ chức cuộc họp hay tập trung thu mua cùng lúc nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, Giám đốc Hợp tác xã là người đứng ra làm trung gian, trực tiếp liên hệ với lãnh đạo Công ty tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong quá trình thu trái hay những yêu cầu về công tác phòng, chống dịch trong quá trình vận chuyển từ vườn đến điểm thu mua và từ điểm thu mùa đến Công ty tiêu thụ. Rõ ràng, chỉ khi tham gia vào mô hình kinh tế hợp tác, người nông dân mới tìm được tiếng nói chung khi phát sinh những khó khăn, trở ngại trong sản xuất; hộ nuôi có sự đồng nhất trong phương thức canh tác, cung ứng được cho công ty, doanh nghiệp lượng tôm nguyên liệu đủ lớn và đảm bảo về mặt chất lượng để từ đó duy trì tốt hoạt động chế biến, xuất khẩu.
   Sự cần thiết của các tiêu chuẩn chất lượng trong canh tác: Vừa qua, hàng nghìn tấn nông sản các loại thu hoạch đồng thời với thời điểm thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, địa phương.  Đã có có sự vào cuộc rất tích cực trong việc phối hợp cùng các đơn vị có liên quan hỗ trợ khó khăn trong tiêu thụ thông qua việc đưa nông sản lên các kênh phân phối bán lẻ của ngành bưu điện (VietNam Post), Viettel Post hay Trung tâm xúc tiến thương mại... Bên cạnh đó, sau nhiều lần rơi vào “sự cố giải cứu”; cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn buộc phải tìm một hướng đi phù hợp hơn để kịp thời gỡ khó cho nông sản trước điều kiện dịch bệnh, và tiêu thụ ngay trong thị trường nội địa là giải pháp căn cơ được đặt ra. Tuy nhiên, chính giải pháp này đã vô tình vạch ra những “lỗ hổng” trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Theo đó, để sản phẩm vào được chuỗi siêu thị, yếu tố quan trọng là phải đảm bảo được các tiêu chuẩn về chất lượng, số lượng ổn định, mẫu mã, nhãn mác đạt yêu cầu. Sự hạn chế trong tất cả các yêu cầu vừa nêu khiến các siêu thị không mặn mà trong việc liên kết tiêu thụ lâu dài cho sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, bởi hiện nay, cái mà người tiêu dùng cần là sản phẩm phải đáp ứng cả 03 yếu tố: “Ngon - đẹp - an toàn”. Ngoài các kênh phân phối, bán lẻ từ các đơn vị, nhiều nhà vườn phải tiêu thụ nông sản bằng việc đăng thông tin lên trang facebook, zalo và sàn thương mại điện tử. Đây là cách làm hay và chủ động trong thời đại mà công nghệ thông tin đang cần được phát huy.
 Nông dân phải biết cách “nâng niu” nông sản: Nông dân có lẽ là những người “xót” nhất khi thành quả lao động mà chính mình miệt mài chăm bón phải rơi vào tình cảnh ùn ứ kéo dài và gắn liền với 02 từ “giải cứu”. Bởi giá trị của mỗi một sản phẩm nông nghiệp bất kỳ không đơn thuần chỉ được định giá bằng tiền tệ; mà giá trị đích thực hơn đằng sau đó là sự khẳng định chất lượng sản phẩm và uy tín của người tạo ra sản phẩm. Chính vì vậy, không ai khác ngoài nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm phải tự biết cách “nâng niu” trước “trái ngọt” mà chính mình đã tạo ra. Đã đến lúc người nông dân cần có sự thay đổi về tư duy, về nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp bằng việc chủ động tham vào hợp tác xã, tổ hợp tác. Bởi khi đó, họ sẽ có điều kiện tiếp cận được với các phương thức canh tác khoa học, bài bản hơn; xây dựng được kế hoạch sản xuất gắn liền với kế hoạch tiêu thụ chứ không còn trông chờ sự “may rủi” về giá, về đầu ra cho sản phẩm như hình thức canh tác manh mún, nhỏ lẻ trước kia.
Để góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì ngành nông nghiệp cần ưu tiên thị trường nội địa thông qua kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân, nhằm giảm bớt gánh nặng đầu ra nông sản cho nông dân. Bên cạnh đó, với trách nhiệm của mình, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục chủ động làm tốt công tác tham mưu với UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh và địa phương có giải pháp hiệu quả hơn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó chú trọng đẩy mạnh áp dụng quy trình cấp mã số vùng trồng; kiểm dịch, xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi, mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm khép kín… nhằm góp phần đảm bảo, ổn định giá, thị trường tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn cho người dân./.
Nguyễn Thị Thu Hiền – TT Khuyến Nông

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây