PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ – HƯỚNG ĐI BỀN VỮNG, DÀI LÂU

Chủ nhật - 04/04/2021 23:11
Như chúng ta đã biết, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ mang lại lợi ích nhiều mặt; là xu thế phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, hành trình này không đơn giản chút nào, chính vì thế khi đã có chủ trương của Đảng, cùng với các chính sách của Nhà nước cần phải có sự vào cuộc của các ngành liên quan để nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Trong những năm trở lại đây, tỉnh Quảng Trị có những bước đi trong sản xuất hữu cơ khi xây dựng các mô hình cây trồng và con nuôi theo hướng này và đã đạt được những kết quả đáng tự hào khi mà các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mang thương hiệu Quảng Trị có mặt ở nhiều nơi trên thị trường trong nước và quốc tế. Điển hình như Gạo sạch Triệu Phong được sản xuất theo quy trình canh tác tự nhiên đã đạt giải nhất về công nghệ phù hợp thân thiện với môi trường năm 2017 tại Hội nghị quốc tế về công nghệ phù hợp thân thiện với môi trường diễn ra tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc và được người tiêu dùng trên khắp cả nước ưa chuộng và đánh giá rất cao;Mô hình sản xuất lúa trên cánh đồng lớn, hợp tác với Công ty Cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ cho ra sản phẩm Gạo hữu cơ Quảng Trị đã được đưa vào phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn trên toàn quốc như: 7Eleven, US Mart, Queenslan…;Mô hình sản xuất hồ tiêu hữu cơ tại Gio Linh và Vĩnh Linh đã được tổ chức đánh giá độc lập Châu Âu Control Union chứng nhận sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Hữu cơ của Châu Âu và Mỹ. Trong năm 2019, đã bán 18 tấn hồ tiêu hữu cơ cho công ty với giá bán 78.000đ/kg. Cao hơn 18.000- 20.000 đồng so với giá thị trường tại Quảng Trị ở cùng thời điểm. Đây được xem là hướng đi đột phá mới cho ngành hàng Hồ tiêu Quảng Trị để xâm nhập các thị trường tiềm năng ở Châu Âu và các nước khác.Ngoài ra còn có các mô hình hữu cơ khác như: Mô hình trồng cam hữu cơ với quy mô gần 20 ha tại Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa và Hải Lăng; Mô hình cà phê hữu cơ sinh thái với quy mô 19 ha tại Hướng Phùng, Hướng Hóa; Mô hình sản xuất Thanh Long ruột đỏ, ruột tím theo hướng hữu cơ tại Phường 3 - Đông Hà, Vĩnh Thủy-Vĩnh Linh, quy mô gần 10 ha; và một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ trên một số cây trồng có giá trị cao khác như dưa hấu, dươi lưới, rau màu ... cũng cho hiệu quả cao. Bước đầu có nhiều sản phẩm tham gia vào Chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm chủ lực. Đây chính là những sản phẩm hữu cơ mà tỉnh Quảng Trị đang từng bước khẳng định.
Trong thời gian tới, Ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để có những quyết sách, chiến lược phù hợp với xu thế phát triển trong thời kỳ mới, khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở các quyết sách, kết hợp với những tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết, Quảng Trị lựa chọn mục tiêu là địa phương tiên phong về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên quy mô lớn gắn với các sản phẩm chủ lực là Gạo hữu cơ chất lượng cao, cà phê Arabica Khe Sanh, Hồ tiêu Quảng Trị và cây ăn quả đặc sản. Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thông qua Doanh nghiệp… tạo sản phẩm có quy mô lớn, đồng nhất, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, ổn định tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thủy sản bình quân hàng năm đạt trên 3,7%, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, sản phẩm hữu cơ Quảng Trị đã có mặt thị trường trong nước và quốc tế, góp phần rất lớn thực hiện thành công Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, để phát huy những kết quả đạt được trong sản xuất nông sản hữu cơ, Quảng Trị tiếp tục chỉ đạo tập trung, phát triển và mở rộng diện tích sản xuất nông sản hữu cơ, canh tác tự nhiên, chú trọng các sản phẩm nông sản chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như: Lúa chất lượng cao, hồ tiêu, cà phê, cam, bơ, chuối, chanh leo, dược liệu ... Đây được xem là giải pháp đột phá để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với các Doanh nghiệp xúc tiến để xây dựng các Nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn nhằm mục tiêu ổn định đầu ra, mở rộng quy mô, diện tích sản xuất, tạo vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất hữu cơ trên tất cả các loại cây trồng đạt 5.000 ha – 10.000 ha. Tiếp tục mời gọi, huy động các nguồn lực từ các Doanh nghiệp, Dự án, các tổ chức đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết, đầu tư sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh theo chuỗi giá trị, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu; Tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương với bạn bè trong nước và quốc tế.
 

          Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị trong năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Việc phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ mà Quảng Trị đang lựa chọn là hướng đi đúng. Trong 5 năm tới, Quảng Trị vẫn phải lấy nông nghiệp làm trọng tâm. Điều này thêm một lần nữa khẳng định, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Quảng Trị, góp phần bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Theo chủ trương đó, đại diện lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh nhà, ông Trần Thanh Hiền – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  cụ thể hóa về giải pháp thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 và định hướng sản xuất hữu cơ tại tỉnh Quảng Trị: Ngành nông nghiệp chủ động tham mưu cho tỉnh để có những giải pháp triển khai chỉ đạo, thực hiện sản xuất hữu cơ. Trước hết chú trọng tuyên truyền sâu rộng trên nhiều phương tiện để giúp cho cán bộ, nông dân hiểu rõ hơn và nắm chắc về vấn đề sản xuất hữu cơ. Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ và khuyến khích người nông dân tham gia thực hiện sản xuất theo phương pháp này. Ngành NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường cán bộ về tận cơ sở để cùng địa phương có hướng dẫn trong quy trình thực hiện sản xuất hữu cơ và giúp người dân nắm chắc quy trình cơ bản và triển khai đồng bộ thực hiện hiệu quả. Sở NN&PTNT tỉnh cũng phổ biến những quy định về mặt pháp luật cũng như quy trình phổ biến đến tận người nông dân, giúp họ càng ngày có hiểu biết sâu sắc và nắm chắc cơ bản, cùng cơ quan quản lý cơ quan chuyên môn triển khai đồng bộ, quyết liệt trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi và thủy sản theo hướng hữu cơ./.
Trần Thị Thúy – Trạm KN Triệu Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây