THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ BẢO QUẢN, CHẾ BIẾN NÔNG SẢN TẠI QUẢNG TRỊ

Thứ hai - 05/07/2021 03:41
Ở nước ta, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng kể, tuy nhiên, sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của ngành nông nghiệp và thế mạnh của nhiều địa phương.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
         Mức độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp ở một số khâu còn thấp; công nghiệp phụ trợ chưa phát triển khiến giá vật tư, trang thiết bị cao do phải nhập khẩu. Sản phẩm chế biến nông sản chủ yếu vẫn là sơ chế nên giá trị gia tăng thấp (chiếm tới 70 - 80%), chủng loại chưa phong phú; các nông sản xuất khẩu chủ yếu vẫn là xuất thô, sơ chế, tỷ lệ chế biến sâu chỉ đạt khoảng 30%; nhiều doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng; trình độ công nghệ chế biến nông sản nhìn chung đạt ở mức độ trung bình trên thế giới.
         Mặt khác, ngành công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới nông nghiệp của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cụ thể như: Tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, nghiêm trọng; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi xuất hiện thường xuyên và có nguy cơ tái diễn rất cao nếu không được kiểm soát tốt và đặc biệt đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, không chỉ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn đảo lộn nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển sản xuất, gián đoạn trong khu vực và toàn cầu của việc cung ứng hàng hóa nông sản, tác động trực tiếp đến phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản và đặt ra thách thức lớn đối với việc đòi hỏi nâng cao trình độ công nghệ thích ứng ngày càng cao của lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp.
         Nông sản sau khi thu hoạch sẽ chịu nhiều tác động từ môi trường. Các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, không khí sẽ làm hư hỏng nông sản. Vì lý do đó mà sau khi thu hoạch, nông sản cần được bảo quản để giữ được chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng bên trong. Mỗi loại nông sản khác nhau sẽ có đặc điểm sinh học khác nhau, vì vậy nên cách bảo quản cũng có thể khác biệt đối với mỗi loại nông sản. Có nhiều phương pháp trong bảo quản nông sản như: để ở môi trường thông thoáng, bảo quản lạnh, bảo quản bằng phương pháp hóa học,... tuy nhiên, phương pháp bảo quản phổ biến nhất là sấy.
         Sấy là một khâu quan trọng trong dây chuyền công nghệ, được sử dụng phổ biến ở nhiều ngành công nghiệp chế biến nông sản. Sấy không chỉ đơn thuần là tách nước và hơi nước ra khỏi vật liệu mà là một quá trình công nghệ phức tạp, đòi hỏi vật liệu sau khi sấy phải đảm bảo chất lượng theo một chỉ tiêu nhất định với mức chi phí năng lượng tối thiểu. Từ lâu, để làm khô nguyên liệu người ta chủ yếu sử dụng hình thức phơi tự nhiên, dựa vào bức xạ mặt trời và đối lưu gió. Phương pháp này tồn tại nhiều nhược điểm như: Hiệu suất thấp, lượng sản phẩm phơi sấy không nhiều mà lại tốn nhiều công, phụ thuộc vào thời tiết, chất lượng sản phẩm không đảm bảo..
Ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã phát minh ra các công nghệ, thiết bị sấy giúp cho người sản xuất làm chủ, điều khiển được quá trình sấy như mong muốn và không phụ thuộc vào thời tiết, chất lượng sản phẩm tốt hơn. Các phương pháp, kỹ thuật sấy hiện nay là: Sấy đối lưu, sấy tiếp xúc, sấy bằng tia hồng ngoại, sấy lạnh, sấy thăng hoa, sấy chân không,... Nông sản được sấy với nhiều mục đích như: Sấy để giảm khối lượng sản phẩm dễ dàng vận chuyển; sấy để bảo quản sản phẩm tránh mọc mầm, hư thối; sấy để làm thay đổi cấu trúc, hương vị sản phẩm theo mục đích sử dụng...
         Các phương pháp, kỹ thuật và thiết bị sấy rất đa dạng, phong phú. Tùy vào nhu cầu, mục đích sử dụng để có thể cân nhắc lựa chọn thiết bị sấy phù hợp cho sản phẩm. Đối với những sản phẩm có giá trị cao thì có thể sử dụng loại máy sấy hiện đại như máy sấy thăng hoa, máy sấy lạnh, máy sấy vi sóng.. còn đối với những sản phẩm có giá trị thấp thì có thể sử dụng các loại máy sấy đơn giản với nguồn nhiên liệu giá rẻ như sấy nhiệt nóng, nhà phơi sấy sử dụng bức xạ mặt trời.
         Ở Quảng Trị, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến nông sản cũng đã có sự đầu tư trong việc lựa chọn và sử dụng các loại thiết bị sấy hiện đại khác nhau. Đối với dược liệu, thực phẩm tinh nên lựa chọn thiết bị máy sấy lạnh. Sử dụng phương pháp sấy lạnh giúp giữ được các vi chất trong sản phẩm sau khi sấy. Tuy nhiên, dải nhiệt độ hoạt động của các máy sấy rộng nên có thể sấy ở nhiệt độ cao bằng cách sử dụng bộ gia nhiệt phụ nên thích hợp với sấy nhiều loại sản phẩm. Đối với những mặt hàng rẻ tiền, khối lượng nhiều thì nên lựa chọn lắp đặt nhà phơi sấy sử dụng năng lượng mặt trời, phù hợp với điều kiện nắng nóng của tỉnh. Đây là phương pháp sấy đang được phát triển, ứng dụng nhiều trong thời gian gần đây với chi phí rẻ, không tiêu tốn năng lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
    Những năm qua, người dân huyện Hướng Hóa có đầu tư chế biến chuối quả bằng các lò sấy thủ công, sấy theo công nghệ chiên giòn nhưng sản phẩm sau chế biến đạt chất lượng chưa cao, khó tiêu thụ trên thị trường. Để khắc phục tình trạng đó dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến để chế biến và bảo quản nâng cao giá trị chuối trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”  của Sở Khoa học Công nghệ Quảng Trị đã lựa chọn công nghệ sấy lạnh cho ra sản phẩm chuối sấy dẻo có độ ẩm dưới 20%, mỗi mẻ sấy từ 300-400 kg. Chuối được sấy qua 2 công đoạn: công đoạn 1 là sấy sơ cấp ở nhiệt độ tương đối thấp giúp bốc hơi một lượng nước lớn trong quả chuối mà không làm se khít màng ngoài của quả chuối giúp tăng khả năng bốc hơi; công đoạn 2 là sấy thứ cấp, thời gian sấy 25 giờ ở nhiệt độ 90 độ C tiếp tục giúp quả chuối bay hơi nước, cô đặc lượng đường và giữ được vị ngon tự nhiên. Thành phẩm chuối sấy dẻo được đóng vào bao nilon hút chân không, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chuối sấy dẻo là một phương pháp giúp gia tăng giá trị của sản xuất chuối, góp phần giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm chuối quả.
         Ở HTX Đông Triều (xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong) đã sử dụng máy sấy lạnh để sấy các sản phẩm như: rau má, củ dền, cà rốt, rau diếp cá, rau tía tô... sản phẩm sau khi đưa vào sấy lạnh giữ được chất lượng, hương vị, màu sắc đẹp, giá trị sản phẩm được nâng lên. Mặt khác, việc sử dụng máy móc để chế biến sản phẩm gừng, nghệ ở HTX Tân Hợp (huyện Hướng Hóa); đầu tư máy xay xát trong chế biến gạo sạch canh tác tự nhiên cho HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong; sử dụng máy chiết xuất tinh dầu để sản xuất dược liệu ở HTX Trường Sơn, Cam Lộ; sử dụng dàn phơi tự nhiên và máy xay xát chế biến cà phê sạch theo hướng hữu cơ của HTX Chân Mây (thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa),.....đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giá thành cho sản phẩm. Mặc dù đã có những kết quả bước đầu, song công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản của tỉnh vẫn còn gặp khó khăn. Chưa hình thành được nhiều tổ chức liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Một số sản phẩm có sản lượng lớn như tôm, gia súc, gia cầm, rau củ quả... chủ yếu xuất bán sản phẩm thô, chưa qua chế biến. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất chưa chú trọng việc xây dựng và duy trì các loại chứng nhận như VietGAP, sản xuất hữu cơ, ISO,.. Do đó, không đáp ứng được yêu cầu khi ký kết với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Nhiều sản phẩm có mẫu mã, bao bì chưa được đầu tư, số lượng sản phẩm đã và đang làm thủ tục đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ của tỉnh còn ít. Vì vậy, để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản của tỉnh nhà cần có các giải pháp trong việc tăng cường liên kết sản xuất nông sản thành chuỗi trong các khâu từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẽ vẫn đang còn diễn ra khá phổ biến đã kéo theo các hoạt động trong lĩnh vực logistics có quy mô nhỏ, hoạt động rời rac, thiếu trang bị cơ sở vật chất, thiếu công nghệ dẫn đến tổn thất về cả lượng và chất tạo ra rào cản cô lập người sản xuất với thị trường, và càng chịu sự phụ thuộc vào thương lái. Cần có sự đầu tư trong phát triển chế biến sâu, tăng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, xây dựng thương hiệu, đổi mới trong từng công đoạn sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông sản của tỉnh nhà./.
Nguyễn Thị Thu Hiền – TT Khuyến Nông

 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây