QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ KHÔNG THUỘC DIỆN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM

Thứ hai - 02/08/2021 05:43
Hiện nay, an toàn thực phẩm là vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó có vai trò rất lớn của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thời gian qua một số vụ vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm trên cả nước đã được phát hiện và xử lý, tuy nhiên an toàn thực phẩm vẫn đang là thách thức to lớn. Thực phẩm không đảm bảo an toàn sẽ gây ra nhiều tác hại nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng, có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm như Ung thư, ảnh hưởng đến kinh tế của đất nước, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến giống nòi Việt Nam.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Để quản lý an toàn thực phẩm, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật như Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Luật an toàn thực phẩm, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, các Thông tư hướng dẫn thực hiện của các Bộ chuyên ngành.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã bàn hành Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT (Thông tư 17) ngày 31 tháng 10 năm 2018 Quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn. Để triển khai thực hiện Thông tư 17, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định 32/2019/QĐ-UBND (Quyết định 32) ngày 29  tháng 7 năm 2019 Quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối vơi cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quan lý của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Theo đó đã quy định các cơ sở không thuộc diện được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là các cơ sở sau:
- Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ là cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác các nguyên liệu thực phẩm ở quy mô hộ gia đình, hộ cá thể có hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018).
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh (thực phẩm nông lâm thủy sản) không có địa điểm cố định, trừ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thường xuyên thay đổi địa điểm như tàu cá có chiều dài lớn nhất nhỏ hơn 15 mét, những người bán hàng rong, buôn chuyến,…
- Cơ sở sơ chế nhỏ lẻ: sơ chế thực phẩm  là việc xử lý sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác nhằm tạo ra thực phẩm tươi sống có thể ăn ngay hoặc tạo ra nguyên liệu thực phẩm hoặc bán thành phẩm cho khâu chế biến thực phẩm (Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12). Cơ sở sơ chế nhỏ lẻ là cơ sở sơ chế thực phẩm ở quy mô hộ gia đình, hộ cá thể có hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018), ví dụ: cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẽ.
- Cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ (thực phẩm nông lâm thủy sản): là cơ sở do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật. (Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018). Ví dụ: Cửa hàng kinh doanh rau củ quả, trái cây, thịt, thủy hải sản (kho lạnh).
- Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn (thực phẩm nông lâm thủy sản): Theo khái niệm được nêu tại Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 thì Thực phẩm bao gói sẵn là thực phẩm được bao gói và ghi nhãn hoàn chỉnh, sẵn sàng để bán trực tiếp cho mục đích chế biến tiếp hoặc sử dụng để ăn ngay. Ví dụ: cơ sở kinh doanh thịt, rau, thủy hải sản đã được đóng gói; nước mắm, ruốc đóng hộp; nem chả.
* Phương thức quản lý: Thực hiện thông qua việc tổ chức ký cam kết, kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết và xử lý các cơ sở vi phạm cam kết. Thời hạn ký cam kết là 3 năm/lần.
Tại Quảng Trị, cơ quan được giao tổ chức ký cam kết là Ủy ban Nhân dân cấp xã, cơ quan thực hiện việc kiểm tra là Ủy ban Nhân dân cấp huyện,
Xử lý vi phạm: Các cơ sở vi phạm cam kết lần đầu, cơ quan quản lý nhắc nhở cơ sở tuân thủ bản cam kết; Đối với các cơ sở vi phạm cam kết lần thứ hai, cơ quan quản lý công khai việc cơ sở không thực hiện đúng cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; Đối với cơ sở vi phạm cam kết gây hậu quả nghiêm trọng hoặc cơ sở vi phạm cam kết từ lần thứ 3 trở đi thì tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan quản lý kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định pháp luật hiện hành.
* Nội dung ký cam kết: Các cơ sở phải cam kết thực hiện đầy đủ các yêu cầu đảm bảo  an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật hiện hành trong đó cơ bản cần thực hiện theo quy định của Luật An toàn thực phẩm 2010, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, bao gồm một số nội dung cơ bản như sau:
- Đối với cơ sở sản xuất ban đầu: Bảo đảm các điều kiện về đất canh tác, nguồn nước, địa điểm sản xuất để sản xuất thực phẩm an toàn; Tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng giống cây trồng, giống vật nuôi; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất kích thích tăng trưởng, chất tăng trọng, chất phát dục, chất bảo quản thực phẩm và các chất khác có liên quan đến an toàn thực phẩm; Tuân thủ quy định về kiểm dịch, vệ sinh thú y trong giết mổ động vật; về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt; Thực hiện việc xử lý chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Chất tẩy rửa, chất diệt khuẩn, chất khử độc khi sử dụng phải bảo đảm an toàn cho con người và môi trường; lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất.
- Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, bao gói sẵn, không có địa điểm cố định: Có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;  Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ kinh doanh thực phẩm; Có trang thiết bị phù hợp để kinh doanh thực phẩm không gây độc hại, gây ô nhiễm cho thực phẩm; Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp kinh doanh thực phẩm; Thu gom, xử l‎ý chất thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Bảo đảm và duy trì vệ sinh nơi kinh doanh; lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.
- Đối với cơ sở sơ chế thực phẩm: Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác; Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sơ chế, kinh doanh thực phẩm; Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại; Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm;. Quy trình sơ chế phải bảo đảm thực phẩm không bị ô nhiễm chéo, tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm hoặc độc hại.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 16.494 cơ sở thuộc diện ký cam kết, trong đó tỉ lệ ký cam kết hiện nay 82% (13.496/16.494) so với nhiều tỉnh thành trên cả nước thì tỉ lệ này vẫn chưa cao. Thời gian qua, Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản được sự phân công của Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành tập huấn hướng dẫn cho cán bộ địa phương tổ chức triển khai thực hiện Thông tư 17 và Quyết định 32, đồng thời hướng dẫn các cơ sở thuộc diện ký cam kết các nội dung phải cam kết thực hiện theo quy định. Triền khai thực hiện tốt Thông tư 17 nhằm quản lý tốt về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản nhỏ lẽ, đồng thời đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá xếp hạng chỉ số quản lý về an toàn thực phẩm của tỉnh Quảng Trị. Do đó để đạt hiệu quả cao thì các cơ quan được phân công quản lý các cơ sở thuộc diện ký cam kết, đặc biệt là UBND cấp huyện, cấp xã cần quyết liệt triển khai thực hiện, các cơ sở ký cam kết cần nghiêm túc thực hiện các nội dung đã cam kết./.
Trần Quốc Tuấn - Chi cục QLCL nông lâm sản và thuỷ sản

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây