SẢN XUẤT CAO THỰC VẬT ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM

Thứ tư - 10/08/2022 04:20
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nghề nấu cao thực vật đã biết đến từ lâu, đặc biệt là cao từ các loại cây dược liệu. Ban đầu các hộ dân chủ yếu nấu chè vằng, nhận thấy nhu cầu thị trường đối với các loại sản phẩm này ngày càng cao nên các cơ sở sản xuất đã mạnh dạn mở rộng quy mô, sản xuất thêm nhiều loại cao từ cây dược liệu đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, giải quyết việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Hiện nay trên thị trường có khoảng trên 15 loại cao khác nhau từ cây dược liệu, mẫu mã đa dạng, bắt mắt, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, nhiều sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao.
SẢN XUẤT CAO THỰC VẬT ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM
Để có đầu ra ổn định với giá trị sản phẩm cao thì chất lượng sản phẩm sẽ là thước đo khẳng định thương hiệu cho chính các sản phẩm để đưa ra thị trường. Nhằm đáp ứng ngày càng cao hơn nữa nhu cầu của người tiêu dùng thì việc sản xuất ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm là một việc làm tất yếu. Sản phẩm cao thực vật được xem là đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) khi đạt được các tiêu chí sau:
Về cảm quan: Màu sắc đồng đều, mùi thơm đặc trưng của từng loại cao, không có mùi lạ, bao bì, chai lọ đựng sản phẩm đảm bảo vệ sinh. Có đầy đủ thông tin nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, thông tin công bố chất lượng sản phẩm hoặc tự công bố chất lượng sản phẩm theo quy định.
Về chất lượng: Vi sinh vật, dư lượng kim loại nặng, độc tố vi nấm, hóa chất, phụ gia được phép sử dụng không vượt ngưỡng cho phép; không có chất bảo quản, hoá chất, phụ gia cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Để có sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm cần tuân thủ các điều kiện đảm bảo chung về ATTP cơ sở sản xuất như sau:
Địa điểm sản xuất: Phù hợp với quy hoạch của địa phương; có khoảng cách thích hợp với các nguồn ô nhiễm như khu dân cư, bệnh viện, nghĩa trang, khu công nghiệp... nhằm tránh bị ô nhiễm cho sản phẩm; …
Kết cấu nhà xưởng, bố trí sản xuất: Đủ diện tích, dễ làm vệ sinh, không gây ô nhiễm cho sản phẩm; không có hiện tượng ngưng tụ hơi nước; các công đoạn sơ chế, chế biến được bố trí theo nguyên tắc 1 chiều, tránh gây ô nhiễm chéo…

Trang thiết bị sản xuất: Phù hợp để sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản, vận chuyển sản phẩm; trang thiết bị trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm: không thấm nước, không gây độc cho sản phẩm, dễ làm vệ sinh, không bị ăn mòn trong quá trình sơ chế, chế biến…
 

Vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị: Sử dụng chất tẩy rửa nằm trong danh mục được phép sử dụng; dụng cụ làm vệ sinh, bảo trì, bảo dưỡng, có quy trình và thực hiện đúng quy trình vệ sinh nhà xưởng…
Vệ sinh công nhân: Có khu vực thay bảo hộ lao động; có đủ nhà vệ sinh ở vị trí thích hợp; đủ trang thiết bị làm vệ sinh công nhân; có quy định và thực hiện đúng quy định vệ sinh công nhân; người trực tiếp sản xuất được khám sức khỏe định kỳ; được tập huấn kiến thức ATTP, …
Nguyên liệu và các yếu tố đầu vào sản xuất thực phẩm: Nước sử dụng phải đạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-1:2018/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; phụ gia, chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến trong danh mục được phép sử dụng, bảo quản và sử dụng theo đúng quy định; nguyên liệu phải được làm sạch và được loại bỏ tạp chất trước khi sử dụng…
Phòng, chống động vật gây hại và xử lý chất thải, nước thải: Có trang thiết bị và thực hiện phòng chống động vật gây hại có hiệu quả; có biện pháp xử lý nước thải, nước thải đáp ứng quy định trước khi xả ra môi trường; có dụng cụ/biện pháp thu gom, xử lý chất thải rắn…
Bao gói, ghi nhãn, bảo quản, vận chuyển: Vật liệu bao gói không gây ô nhiễm cho sản phẩm, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng và đã được chứng nhận hợp quy; Ghi nhãn đầy đủ thông tin, đúng quy định; có nơi bảo quản sản phẩm, được sắp xếp hợp lý và vệ sinh sạch sẽ;...
Quản lý chất lượng cơ sở: Có nhân lực và các quy định về thực hành sản xuất tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (SOP) nhằm đảm bảo ATTP; khuyến khích các cơ sở áp dụng các chương trình QLCL tiên tiến theo HACCP, ISO 22000...
Ghi chép và truy xuất nguồn gốc: Cơ sở phải ghi chép việc tiếp nhận và sử dụng nguyên lịêu, vật tư đầu vào của quá trình sản xuất; việc ghi chép các biểu giám sát thực hiện GMP, SOP; biện pháp khắc phục các sai lỗi; các ghi chép nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm,...
Để sản phẩm cao thực vật đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, đề nghị các cơ sở tuân thủ các quy định trên.
Hiện nay, các cơ sở sản xuất cao thực vật trên địa bàn tỉnh đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tập huấn, hướng dẫn sản xuất đảm bảo ATTP. Trong thời gian tới Chi cục tiếp tục tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sản xuất cao thực vật cho các cơ sở, tập huấn nâng cao kiến thức về ATTP trong sản xuất cao thực vật, lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu về ATTP… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng cao hơn yêu cầu của thị trường.
Nguyễn Thị Hải Dương
Chi cục QLCL Nông Lâm sản & Thuỷ sản Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây