KẾT QUẢ KHẢO NGHIỆM GIỐNG KEO LAI, KEO LÁ TRÀM TẠI TỈNH QUẢNG TRỊ

Thứ hai - 03/10/2022 23:12
Giống là yếu tố hàng đầu trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp quyết định đến năng suất và chất lượng rừng trồng. Trong những năm gần đây, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tiếp tục chọn lọc và công nhận thêm được nhiều giống quốc gia, giống tiến bộ kỹ thuật của Keo lai, Keo lá tràm có tiềm năng sinh trưởng và sức chống chịu tốt. Tuy nhiên, các giống nói trên mới chỉ đưa vào khảo nghiệm và được công nhận cho một số vùng sinh thái nhất định, để phát triển rộng rãi vào sản xuất cần thiết phải tiến hành khảo nghiệm mở rộng để chọn lọc được giống phù hợp với điều kiện lập địa từng địa phương.
KẾT QUẢ KHẢO NGHIỆM GIỐNG KEO LAI, KEO LÁ TRÀM TẠI TỈNH QUẢNG TRỊ
         Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ là một đơn vị nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trong nhiều năm qua, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Viện thực hiện nhiều đề tài, dự án khoa học công nghệ, xây dựng các hiện trường rừng giống, vườn giống, các mô hình khảo nghiệm giống cho các loài Keo và Bạch đàn.                  Thông qua các khảo nghiệm đã công nhận và xác định được một số giống triển vọng Keo lai, Keo lá tràm có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện lập địa của tỉnh Quảng Trị. 
1. Kết quả khảo nghiệm giống Keo lai
         Mô hình khảo nghiệm giống mới Keo lai đã được Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp xây dựng vào tháng 12/2013 tại Cam Lộ, Quảng Trị, gồm 56 dòng vô tính Keo lai và đối chứng là các dòng BV10, BV16, BV32, Keo tai tượng hạt. Kết quả đánh giá sinh trưởng giai đoạn 56 tháng tuổi cho thấy, trong 56 dòng Keo lai đưa vào khảo nghiệm thì có 4 dòng là BV523, BV584, BV434, BV350 có năng suất cao đạt từ 30,09 - 35,07 m3/ha/năm và vượt hơn so với các giống được công nhận trước đó là BV10, BV16, BV32 có năng suất từ 17,09 đến 29,42  m3/ha/năm. Dòng BV330  có năng suất 27,14 m3/ha/năm, chỉ kém hơn BV32 và cao hơn so với các dòng đã được công nhận BV16, BV10. Các dòng BV523, BV584, BV434, BV350 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống cây trồng lâm nghiệp cho Cam Lộ, Quảng Trị và những vùng sinh thái tương tự tại Quyết định số 761/QĐ/BNN-TCLN ngày 06/3/2019.
          Năm 2015, thông qua việc thực hiện đề tài cấp cơ sở của Trung tâm KHLN Bắc Trung Bộ đã xây dựng 2,0 ha khảo nghiệm mở rộng Keo lai tại Cam Hiếu, Cam Lộ, Quảng Trị với 9 dòng keo lai (BV10, BV16, BV32, BV71, BV73, BV75, AH1, AH7 ) và giống Keo tai tượng hạt đại trà là đối chứng. Sau 5 năm khảo nghiệm cho thấy, các dòng BV75, AH1 và AH7 có chỉ số chất lượng độ thẳng thân cao. Năng suất trung bình toàn khảo nghiệm đạt 24,66 m3/ha/năm và có 4 dòng (AH7, BV16, BV73 và BV33) có năng suất đạt trên 25 m3/ha/năm. Bốn dòng keo lai (AH7,BV33, BV16, BV73) đã chứng tỏ rất có triển vọng về sinh trưởng và chất lượng đối với vùng đất đồi núi tỉnh Quảng Trị.
         Năm 2016, một khảo nghiệm dòng vô tính các giống Keo lai tam bội đã được thiết lập tại Cam Lộ thuộc đề tài cấp Nhà nước: Nghiên cứu chọn tạo giống Keo tam bội sinh trưởng nhanh phục vụ trồng rừng gỗ lớn” (2014-2019) thuộc Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT đến năm 2020. Khảo nghiệm được thiết kế gồm các giống X01, X11, X101, X102, X201, X203, X204, X205, X1100, X1201 và 3 dòng Keo lai được sử dụng làm đối chứng là BV10, BV16, AH7. Kết quả sau 3 năm khảo nghiệm đã xác định được 4 dòng triển vọng X101, X102, X201, X205. Dòng X201 và X205 có năng suất vượt hoặc tương đương so với các giống đối chứng (BV10, BV16 và AH7). Trong đó dòng X205 có năng suất cao nhất (28,6 m3/ha/năm) và vượt 2 giống được công nhận AH7 và BV16 làm đối chứng. Dòng X102 thể hiện ưu thế sinh trưởng, đạt 22,7 m3/ha/năm. Ba dòng Keo tam bội X102, X201 và X205 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống cây trồng mới cho vùng Cam Lộ, Quảng Trị và những nơi có điều kiện sinh thái tương tự tại Quyết định số1458/QĐ-BNN-TCLN ngày 20/4/2020. Các dòng này đều có sinh trưởng nhanh, thân thẳng, cành nhánh nhỏ, có khả năng chống chịu sâu bệnh, chất lượng gỗ tốt, có năng suất tương đương hoặc vượt (> 15%) và có hình thân tốt so với các giống được sử dụng làm đối chứng ở khảo nghiệm.
    2. Kết quả khảo nghiệm giống Keo lá tràm
         Mô hình khảo nghiệm mở rộng các giống Keo lá tràm mới được công nhận với diện tích 2,0 ha đã được Trung tâm KHLN Bắc Trung Bộ xây dựng tháng 12/2015. Khảo nghiệm gồm 4 dòng Keo lá tràm giâm hom (Bvlt83, Bvlt84, AA9, Clt98) và giống Keo lá tràm hạt đại trà là đối chứng. Sau 5 năm trồng, cây trồng trong khảo nghiệm có sinh trưởng tốt, năng suất trung bình toàn khảo nghiệm đạt 15,54 m3/ha/năm. Ba dòng Keo lá tràm (Clt98, BVlt83 và AA9) có năng suất đạt trên 15 m3/ha/năm và đã chứng tỏ rất có triển vọng đối với vùng đất đồi núi tỉnh Quảng Trị.
          Năm 2015, thông qua việc thực hiện đề tài cấp Bộ của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã xây dựng 2 ha khảo nghiệm các giống vô tính Keo lá tràm tại Cam Lộ. Khảo nghiệm mở rộng gồm 10 giống Keo lá tràm (Clt7, Clt57, Clt98, Clt18, Clt26, AA9, Clt19, Clt43, Clt25) và 1 lô hạt hỗn hợp vườn giống Keo lá tràm. Mục tiêu của khảo nghiệm nhằm chọn được một số giống Keo lá tràm đã được công nhận phù hợp với lập địa và kỹ thuật lâm sinh để trồng rừng gỗ lớn trên lập địa sau khai thác ít nhất hai chu kỳ tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ. Kết quả cho thấy, ở giai đoạn 54 tháng tuổi, các dòng  Clt18, Clt98, Clt26 có sinh trưởng nhanh và cũng có năng suất cao nhất trong khảo nghiệm; năng suất của các dòng này đạt từ 19,1 đến 20,1 m3/ha/năm, vượt từ 41,9 đến 48,8% so với trung bình toàn khảo nghiệm và vượt 102 % so với giống đối chứng là lô hạt hỗn hợp vườn giống Keo lá tràm; Ba giống Clt18, Clt98, Clt26 được đề nghị công nhận mở rộng là giống cây trồng lâm nghiệp tại Cam Lộ, Quảng Trị và những nơi có điều kiện sinh thái tương tự.
          Năm 2017, Trung tâm đã xây dựng 2 ha khảo nghiệm dòng vô tính tại Cam Lộ gồm các giống Keo lá tràm nuôi cấy mô (Clt7, Clt57, Clt98, Clt18, Clt43, Clt26); cây giâm hom dòng Clt98 và giống Keo lá tràm hạt thu hái tại vườn giống thế hệ 2. Ở giai đoạn 50 tháng tuổi, năng suất trung bình khảo nghiệm đạt 20,4 m3/ha/năm, dao động từ 16,7 đến 23,6 m3/ha/năm. Năng suất của 4 dòng (Clt26, Clt43, Clt57, Clt7) đều đạt trên 20 m3/ha/năm. Giống Clt26 có năng suất bình quân đạt cao nhất trong khảo nghiệm là 23,6 m3/ha/năm.
3. Kết luận
Tại Quảng Trị, nên sử dụng các giống triển vọng của Keo lai (AH7, BV33, BV73, BV523, BV584, BV434, BV350), Keo lai đa bội (X101, X102, X201, X205) và Keo lá tràm (Clt18, Clt98, Clt26 , Clt43, Clt7, Clt57). Việc phát triển các giống mới này vào sản xuất kết hợp với các biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh bền vững sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái phục vụ tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tại địa phương.
image 20221004101717 1
Mô hình khảo nghiệm dòng vô tính keo tam bội tại Cam Lộ, Quảng Trị
(34 tháng tuổi: 12/2016 – 10/2018)    
ThS. Nguyễn Thị Thanh Nga
Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ
 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây