SỬ DỤNG MÁY BẪY ẢNH KỸ THUẬT SỐ TRONG CÔNG TÁC ĐIỀU TRA VÀ GIÁM SÁT ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TẠI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN BẮC HƯỚNG HÓA

Thứ hai - 04/10/2021 04:52
Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị được thành lập theo Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 14 tháng 3 năm 2007. Đây là khu vực có tính đa dạng sinh học cao và độc đáo, đặc trưng cho khu vực Nam Trung Bộ với nhiều loài động, thực vật có giá trị về mặt khoa học và giá trị bảo tồn.
SỬ DỤNG MÁY BẪY ẢNH KỸ THUẬT SỐ TRONG CÔNG TÁC ĐIỀU TRA VÀ GIÁM SÁT ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TẠI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN BẮC HƯỚNG HÓA
         Với hệ động, thực vật phong phú và đa dạng, việc áp dụng các phương pháp điều tra và giám sát để đánh giá một cách chính xác nguồn tài nguyên này luôn là một trong những nhiệm vụ được chú trọng. Trong những năm qua, Ban quản lý luôn đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học được tổ chức thực hiện điều tra và giám sát hàng năm. Số lượng các loài động hoang dã (ĐVHD) trong lâm phần được ghi nhận tăng lên đáng kể theo hàng năm, nhưng phần lớn thông tin thu thập được thiếu độ tin cậy và các bằng chứng thiếu thuyết phục từ điều tra phỏng vấn hay kế thừa các tài liệu nghiên cứu trước đây. Bên cạnh đó, nhiều loài động vật hoạt động vào ban đêm hoặc rất nhạy cảm với sự xuất hiện của con người cản trở việc ghi nhận hình ảnh và các dấu vết nên khó để khẳng định về sự hiện diện của loài trong lâm phần Khu bảo tồn.
        Năm 2021, được sự quan tâm của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về thực hiện điều tra đánh giá hiện trạng một số loài thú, chim  nguy cấp, quý, hiếm Ban quản lý đã mạnh dạn sử dụng máy bẫy ảnh kỹ thuật số (KTS) để ghi nhận và khẳng định sự hiện diện các loài động vật hoang dã. Đây là cơ sở để Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa xây dựng và đề xuất một số giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn các loài ĐVHD trong lâm phần được giao quản lý.
Loại bẫy ảnh (KTS) được sử dụng hiện nay là loại bẫy ảnh hồng ngoại nhãn hiệu Bushnell Core DS 30Mp. Đây là mẫu máy mới nhất hiện đại nhất về độ bền và chất lượng hình ảnh. Máy bẫy ảnh này sử dụng hệ thống cảm biến kép với 2 cảm biến camera, một cho việc quan sát ghi hình ban ngày và một cảm biến tối ưu hóa cho quan sát và quay ban đêm. Hình ảnh video nhận được có màu sắc rực rỡ, rõ nét tươi sáng về ban ngày và rõ nét, có độ tương phản cao về ban đêm. Có thể chụp ảnh ở độ phân giải lên đến 30MP và quay video 1080p ở tốc độ 60 khung hình/giây. Số lượng ảnh chụp tối đa từ 1-5 tấm cho mỗi lần kích hoạt, thời gian quay video từ 5 - 60s. Chế độ thiết lập có thể tùy chỉnh khoảng thời gian giữa các lần chụp từ 0.6 giây đến 60 phút để tránh làm đầy thẻ nhớ khi đặt máy bẫy ảnh quan sát cả năm. Thẻ nhớ SD/SDHC dung lượng hỗ tối đa 32GB phù hợp với nhu cầu, mục đích chụp ảnh, quay video. Tích hợp hệ thống cảm biến chuyển động PIR thông minh cho phép xác định được khoảng cách của chuyển động từ 100ft kích hoạt cảm biến camera trong 0.2s. Cảm biến này được lập trình để có thể tự động điều chỉnh độ nhạy dựa theo yếu tố của môi trường. Hệ thống đèn IR trên máy bẫy ảnh cũng có khả năng hoạt động tốt trong phạm vi 100ft hoàn toàn không phát sáng giúp ngụy trang tốt hơn. Các thông tin phụ bao gồm thời gian (ngày, giờ) vị trí địa lý, mặt trăng được tích hợp lên bức ảnh phù hợp cho quá trình nghiên cứu sau này.
           Sử dụng nguồn là 6 pin AA có thể hoạt động lên đến 12 tháng liên tục. Bushnell Core DS 30Mp là loại bẫy ảnh KTS rất nhỏ gọn, có thể hoạt động trong những điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt từ -20°C tới +60°C.
Để có thể ghi nhận được những hình ảnh về các loài ĐVHD trong rừng tự nhiên, công tác khảo sát thực địa được chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhân lực tham gia đến các hoạt động thực địa. Trong mỗi đợt công tác, cán bộ Khu bảo tồn cùng với chuyên gia khoa học, chuyên gia địa phương (đó là những người dân có kinh nghiệm về động vật hoang dã) thường đi theo nhóm từ 4-5 người để đảm bảo thực hiện được nhiều hoạt động đồng thời trong mỗi chuyến đi. Đầu tiên, nhóm công tác sẽ tiến hành khảo sát hiện trường để xác định những khu vực mà các loài động vật hoang dã thường hoạt động (kiếm ăn, uống nước, ăn muối khoáng và các hoạt động ngủ, nghỉ khác). Những khu vực này thường là các điểm muối khoáng, các bãi sình lầy, các khu vực đi lại, kiếm ăn có dấu vết để lại của động vật. Đó chính là những vị trí tốt để thiết lập bẫy ảnh ghi nhận về sự hiện diện của chúng. Tại những điểm này, chúng tôi thiết lập 1-2 máy bẫy ảnh và đặt trong thời gian khoảng 2-3 tháng.
Các thiết bị cần thiết mỗi khi tiến hành đặt bẫy ảnh bao gồm:
  •  Bẫy ảnh và sợi dây để buộc đính bẫy ảnh vào thân cây;
  •  Thẻ nhớ và pin;
  •  Máy định vị GPS cầm tay để xác định vị trí đặt bẫy ảnh;
  • Dao phát cây bụi trước trường bẫy ảnh, băng keo dán chống thấm  nước, dây cao su buộc cố định máy bẫy ảnh.
  •  Mẫu biểu ghi chép thông tin tại vị trí đặt bẫy ảnh (số hiệu máy, vị trí đặt máy, ngày đặt máy, mô tả sinh cảnh tại vị trí đặt máy, tên người ghi chép, ...);
Phương pháp thiết lập bẫy ảnh để ghi nhận ĐVHD trong rừng tự nhiên: Trong quá trình thực hiện các hoạt động thực địa, chúng tôi luôn nghiên cứu một cách chi tiết về vị trí và điều kiện hiện hữu để đưa ra các giải pháp về số lượng cũng như phương pháp đặt máy phù hợp nhằm thu thập được số liệu chính xác và hiệu quả. Nơi được đặt bẫy ảnh thường có vị trí thông thoáng và ít bị các vật cản ở phía trước góc chụp của máy. Các bẫy ảnh được thiết lập ở độ cao khoảng 20-60cm so với mặt đất. Các bẫy ảnh này được buộc đính vào những thân cây thẳng. Tuy nhiên, những thân được xác định để gắn bẫy ảnh phải có khoảng cách tối ưu từ vị trí bẫy ảnh đến vị trí trung tâm mà bẫy ảnh có thể ghi hình được khoảng cách tối ưu từ 1 – 5 m.
image 20211004155509 1
Lắp đặt máy ảnh kỹ thuật số
          Ngoài việc bố trí về số lượng, khoảng cách và độ cao, việc điều chỉnh vị trí bẫy ảnh đòi hỏi có độ chính xác cao nhằm thu thập được hình ảnh tối ưu nhất. Các bẫy ảnh phải được thiết lập theo phương thẳng đứng (vuông góc với mặt đất) và hướng camera được bố trí vuông góc (tương đối) với hướng mặt trời mọc và lặn (nghĩa là theo hướng Bắc - Nam). Cách bố trí như thế là để tránh trường hợp bẫy ảnh bị ngược sáng vào những lúc có ánh nắng mặt trời thì sẽ không ghi nhận được hình ảnh rõ nét của loài muốn ghi nhận. Hơn nữa, cách bố trí này sẽ tránh được ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào máy làm hỏng ống kính và bộ cảm biến. Khi có những vật cản ở phía trước góc chụp của máy (bụi cây, cành cây hoặc lá cây) thì chúng ta nên phát dọn thông thoáng vật cản ở khu vực mặt đất phía trước bẫy ảnh. Sau khi thiết lập bẫy ảnh, chúng ta phải tiến hành kiểm tra lại hoạt động của bẫy ảnh một vài lần trước khi rời khỏi vị trí đặt máy (thông qua màn hình máy bẫy ảnh kiểm tra hình ảnh chụp đã đẹp và đúng tiêu chuẩn chưa để có hướng điều chỉnh phù hợp).
         Sau khi thiết lập, chúng ta cần ghi chép cẩn trọng các thông tin liên quan đến thời gian, vị trí và môi trường xung quanh bẫy ảnh cho công tác giám sát và theo dõi. Chúng ta cần sử dụng máy định vị GPS cầm tay để xác định tọa độ vị trí nơi đặt máy và ghi chép vị trí đặt máy, số hiệu máy, giờ/ngày/tháng/năm thiết lập máy bắt đầu hoạt động. Ngoài ra, chúng ta cần mô tả sinh cảnh nơi đặt máy, thời tiết lúc đặt máy và tên người thiết lập máy.
Bài & ảnh: TRẦN VĂN HÙNG - BQL KHU BTTN BẮC HƯỚNG HÓA

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây