ỨNG DỤNG TIẾN BỘ KHOA HỌC KỸ THUẬT TRONG TRỒNG RỪNG SẢN XUẤT TẠI QUẢNG TRỊ

Thứ ba - 09/08/2022 23:56
Quảng Trị là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 470.123 ha, trong đó ¾ diện tích là đồi núi và cát ven biển. Diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp là 330.126,10ha và diện tích rừng, đất rừng sản xuất là 146.718,11 ha. Mỗi năm tỉnh Quảng Trị khai thác và trồng lại rừng với diện tích từ 6.000 - 8.000 ha. Các loại giống chủ yếu đưa vào trồng rừng sản xuất là Keo lai, Keo lá tràm và Keo tai tượng chiếm hơn 70% diện tích đất sản xuất lâm nghiệp toàn tỉnh.
ỨNG DỤNG TIẾN BỘ KHOA HỌC KỸ THUẬT TRONG TRỒNG RỪNG SẢN XUẤT TẠI QUẢNG TRỊ
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra mục tiêu duy trì độ che phủ rừng ổn định 50%, đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp gỗ nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung. Ngoài ra, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển được 100.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Nhằm hiện thực hoá các mục tiêu trên, trong những năm qua tỉnh Quảng Trị đã tập trung ưu tiên đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống và lâm sinh trong trồng rừng sản xuất nhằm mục đích nâng cao năng suất, chất lượng rừng đảm bảo nâng cao thu nhập cho người dân và đáp ứng phát triển ngành lâm nghiệp tỉnh theo hướng bền vững về Kinh tế - Xã hội - Môi trường.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã kinh doanh nhiều chu kỳ rừng trồng tập trung nên dẫn đến tình trạng suy thoái đất, giống bị thoái hóa và tình hình sâu bệnh hại phát triển làm suy giảm năng suất và chất lượng rừng. Bên cạnh đó, đa phần người trồng rừng còn ít áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rừng thâm canh nhằm nâng cao năng suất chất lượng rừng cũng như làm tăng tỷ lệ lợi dụng gỗ để nâng cao tỷ lệ gỗ xẻ. Ngoài ra, các chủ rừng thường đốt vật liệu hữu cơ sau khai thác dẫn đến mất một lượng lớn chất dinh dưỡng, suy giảm lý hóa tính của đất làm cho đất bị chai và giảm độ phì; Một số nơi chuẩn bị đất trồng rừng bằng cách cày, ủi toàn diện làm phá vỡ kết cấu đất mặt, tăng nguy cơ xói mòn đất. Nếu tiếp tục thực hiện ở các chu kỳ sau, lập địa tiếp tục bị suy thoái, khó phục hồi được; Việc sử dụng phân bón chưa hợp lý, sử dụng phân bón hoá học để duy trì năng suất rừng, không chú trọng đến các biện pháp quản lý hữu cơ, dẫn đến thoái hoá đất, dùng thuốc diệt cỏ thay vì phát cỏ làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ con người; Khai thác rừng chưa chú trọng đến việc khai thác giảm thiểu tác động, đường khai thác, vận xuất, vận chuyển được mở không đúng thiết kế kỹ thuật gây phá vỡ kết cấu bề mặt và xói mòn đất.
Trong những năm gần đây, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu chọn tạo các giống mới được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật và giống quốc gia cũng như các tiến bộ kỹ thuật mới về lâm sinh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng sản xuất đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí về quản lý rừng bền vững như:
Về giống:
Các giống được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật, giống quốc gia có năng suất cao, chất lượng tốt và có độ vượt từ 15 - 40% so với các giống đại trà, phải kể đến là: Bạch đàn urô với các giống U262, U416, U821; Bạch đàn lai U35, UP54, UP99, UE24, UE29; Keo tai tượng xuất xứ Pongaki và Cardwell; Keo lai BV10, BV16, BV32, BV33, BV71, BV73, BV75, TB1, TB11, AH1, AH7, BV434, BV523, BV584 và BV586, giống keo lai tam bội X101, X205 ...; Keo lá tràm: AA1, AA9, Clt7, Clt26, Clt98, Clt57, Clt43.
Về lâm sinh:
Song song với công tác chọn tạo giống, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, dự án hợp tác quốc tế về nghiên cứu các giải pháp quản lý rừng trồng bền vững thông qua việc quản lý lập địa, sản xuất gỗ lớn, các biện pháp kỹ thuật quản lý sâu bệnh hại rừng Keo và Bạch đàn. Các kết quả nghiên cứu về quản lý lập địa cho thấy năng suất rừng của Keo và Bạch đàn tăng đáng kể ở chu kỳ sau từ 7-10% so với các biện pháp kỹ thuật phổ biến đang áp dụng. Các biện pháp quản lý lập địa như: Quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác, bón phân hợp lý cho từng đối tượng Keo và Bạch đàn đã góp phần tích cực trong việc duy trì và tăng độ phì đất. Các kỹ thuật trên đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật "Quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác và bón phân lân cho rừng keo ở chu kỳ sau ở Trung Bộ và Đông Nam Bộ". Viện cũng đã nghiên cứu và phân lập được nhiều chủng vi sinh vật phân giải các chất hữu cơ, phân giải lân và các chất hữu cơ ..., vi sinh vật đối kháng nấm bệnh Keo và Bạch đàn thành chế phẩm sinh học, làm tăng độ phì đất, cải thiện năng suất rừng trồng. Các biện pháp kỹ thuật lâm sinh áp dụng trong trồng rừng gỗ lớn, chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn, phòng chống sâu bệnh hại rừng keo và Bạch đàn cũng đã được Viện nghiên cứu và xây dựng thành các hướng dẫn kỹ thuật... Các kết quả nghiên cứu cho thấy, năng suất và chất lượng rừng, tỷ lệ lợi dụng gỗ tăng đáng kể thông qua các biện pháp kỹ thuật lâm sinh như: trồng rừng với mật độ thích hợp, tỉa cành, tỉa thưa và bón phân để thúc đẩy cây sinh trưởng về đường kính, tạo thân cây thẳng đẹp, thích hợp làm gỗ xẻ.
Với những thành tựu về tiến bộ khoa học kỹ thuật đó, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ là đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đóng chân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có chức năng nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học kỹ thuật về lâm nghiệp đã thực hiện ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật cũng như xây dựng các mô hình khảo nghiệm mở rộng trên địa bàn nhằm mục đích để cho các tổ chức và cá nhân trồng rừng tham quan, học tập kinh nghiệm trong trồng rừng sản xuất. Trong những năm qua Trung tâm đã thực hiện chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân trồng rừng trên địa bàn tỉnh thông qua các lớp tập huấn: Quản lý và sản xuất cây giống; Kỹ thuật lâm sinh đối với rừng trồng thâm canh cung cấp gỗ lớn; Lập kế hoạch xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; Khai thác giảm thiểu tác động…, bước đầu đã có những thay đổi đáng kể trong nhận thức của người trồng rừng về vai trò của giống và các tiến bộ kỹ thuật lâm sinh trong trồng rừng sản xuất.
Từ những kết quả đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị các tổ chức, hộ gia đình và các cá nhân trồng rừng sản xuất đã có những bước chuyển biến tích cực đáng kể, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng. Trong đó, phải kể đến việc sử dụng các giống tiến bộ kỹ thuật, giống quốc gia có nguồn gốc như BV10, BV16, BV32, BV33, BV71, BV73, BV75, AH1, AH7 từ những cơ sở kinh doanh giống có uy tín. Đối với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về lâm sinh trong trồng rừng thâm canh cung cấp gỗ lớn tuy chưa được chú trọng nhưng một số tổ chức và cá nhân đã áp dụng biện pháp kỹ thuật quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác; trồng rừng với mật độ phù hợp cho mục đích trồng rừng gỗ lớn; tỉa cành, tỉa thưa để nâng cao chất lượng và tỷ lệ gỗ xẻ…
image 20220810105756 1
Để tiếp tục nâng cao nhận thức của người trồng rừng về ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng sản xuất cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng biết được lợi ích, tầm quan trọng của áp dụng tiến bộ kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, tham quan các mô hình trình diễn. Từ đó, giúp cho người trồng rừng định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững thời gian tới. Cùng với đó, tập trung xây dựng các mô hình rừng sản xuất áp dụng tiến bộ kỹ thuật thí điểm giúp họ áp dụng vào thực tin, thay đổi tập quán trồng rừng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, tăng tỷ lệ gỗ xẻ đáp ứng mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Nguyễn Hải Thành
Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây