KỸ THUẬT NUÔI CÁ LEO TRONG AO ĐẤT

Thứ ba - 27/04/2021 04:47
Cá Leo là loài cá nước ngọt có kích thước lớn, tốc độ phát triển nhanh, thịt ngon, giá trị thương phẩm cao, sức đề kháng với bệnh tốt và ít rủi ro. Hiện nay cá leo là một trong những đối tượng nuôi mới ở tỉnh ta. Để giúp bà con nắm vững kỹ thuật nuôi, chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật nuôi cá leo trong ao đất như sau:
cá leo
cá leo
I. Một số đặc điểm sinh học của cá Leo.
- Đặc điểm hình thái: Cá Leo có thân dài và dẹp bên, có hai đôi râu. Mắt nhỏ, không nằm dưới da, ở phía trên rạch miệng và gần chót mõm hơn gần điểm cuối nắp mang. Phần trán giữa hai mặt rộng và cong lồi. Mặt lưng của thân và đầu cá Leo có màu xám đen, ánh xanh lá cây và lợt dần xuống bụng vi hậu môn, vi đuôi, vi ngực có màu đen.
- Đặc điểm phân bố: Cá Leo sống ở sông, kênh, rạch và đồng ruộng. Cá Leo thích sống ở vùng nước ấm, nhiệt độ thích hợp từ 19 - 290C (thích hợp nhất từ  22 - 250C), pH từ 6,0 - 7,6.
- Đặc điểm dinh dưỡng: Tính ăn của nhóm cá da trơn nghiêng về thức ăn có nguồn gốc động vật: như động vật sống ở đáy, ấu trùng côn trùng thủy sinh, kể cả những côn trùng trên cạn. Cá Leo là loài cá dữ, thường sống ở các thuỷ vực ngọt sâu, diện tích rộng và chuyên kiếm ăn vào ban đêm.
- Đặc điểm sinh trưởng: Cá Leo sinh trưởng cũng như các loài cá khác, sự sinh trưởng chiều dài nhanh nhất vào năm đầu và sau đó giảm dần. Cá Leo có thể đạt kích cỡ chiều dài đến 200 cm, tuy nhiên phổ biến ở kích cỡ chiều dài 80 cm, kích cỡ tối đa nặng đến 25kg.
 II. Kỹ thuật nuôi cá Leo.
1. Ðiều kiện ao nuôi.
- Ao nuôi thông thoáng, không cớm rợp.
- Diện tích ao 1.000 - 3.000 m2, bờ ao chắc chắn, không bị rò rỉ, giữ được mức nước trong ao ổn định. Bờ phải cao hơn mức nước cao nhất 0,5m
- Có cống cấp và cống thoát riêng biệt. Nguồn nước cấp vào phải chủ động, không bị ô nhiễm. Mức nước trong ao: 1,4 - 1,6m là tốt nhất.
2. Cải tạo ao nuôi.
Cải tạo ao là một khâu hết sức quan trọng trong quá trình chuẩn bị ao nuôi bởi sau một vụ nuôi toàn bộ chất thải, thức ăn dư thừa, mầm bệnh... đều tích tụ ở đáy ao và ngấm vào trong nền đáy và bờ ao.
- Tháo cạn nước ao, dọn sạch cỏ rác ở ao và ven bờ, tu sửa lại bờ, cống ao, rào lưới quanh ao.
- Nạo vét bùn, chỉ nên để lại lớp bùn đáy 15-20cm.
 - Dùng vôi bột rải đều đáy ao với lượng 70-100 kg/1000 m2 để tẩy ao, khử trùng, diệt tạp. Phơi đáy ao 5 - 7 ngày.
- Cấp nước: Cho nước vào ao trước khi thả cá giống 3 - 5 ngày, nước được cấp vào ao phải qua túi lọc để ngăn địch hại theo dòng nước vào ao nuôi.
3. Chọn và thả giống.
- Mùa vụ thả:  Thả giống từ tháng 3 - 4 dương lịch.
- Chọn giống: Cá giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Chọn cá khoẻ mạnh, không dị hình, dị tật, không có dấu hiệu bệnh lý. Cá đồng đều, cân đối, không bị xây xát, không mất nhớt, bơi lội nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước theo đàn.
- Mật độ thả: Tùy thuộc điều kiện cụ thể của ao và trình độ kỹ thuật để thả nuôi với mật độ phù hợp, có thể thả 1,5 -  3 con/ m2.
- Cách thả: Thả lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Khi vận chuyển cá về nên ngâm bao cá trong ao khoảng 15-20 phút để trung hòa nhiệt độ cũng như làm quen với môi trường, sau đó mở bao cho nước ao tràn vào một ít và để cá từ từ bơi ra ngoài ao, phải làm nhẹ nhàng tránh làm đục nước nơi thả cá.
4. Cách chăm sóc và quản lý ao nuôi cá leo.
a. Thức ăn và cách cho ăn.
- Thức ăn: Có thể sử dụng thức ăn tươi sống, thức ăn chế biến hoặc thức ăn công nghiệp dành cho cá.
+ Thức ăn tươi sống: Có thể sử dụng cá tạp, ốc bươi vàng...rửa rạch cắt nhỏ vừa kích cỡ miệng cá.
+ Thức ăn chế biến phối trộn theo công thức: Bột cá 55,6% + Ðỗ tương 28,8% + Bột mì 7,1% + Cám gạo 5% + Dầu cá 1,5% + Vitamin 2%. Nguyên liệu phải được nghiền thành bột, trộn đều, cho thêm nước đủ độ ẩm và ép thành viên. Sau đó, sấy khô để bảo quản cho cá ăn dần.
+ Thức ăn công nghiệp: Thức ăn dành cho cá da trơn dạng viên nỗi.
-  Cách cho ăn: Lúc cá nhỏ nên cho ăn thức ăn công nghiệp 100% để đảm bảo về thành phần dinh dưỡng và chủ động được trong khâu cho ăn. Khi cá lớn có thể kết hợp thức ăn công nghiệp với thức ăn chế biến hoặc thức ăn tươi sống.
+ Cho ăn ngày 2 lần (6-7h sáng và 16-17h chiều): Nên cho ăn thức ăn chế biến hoặc thức ăn tươi sống vào buổi sáng và thức ăn công nghiệp vào buổi chiều.
+ Trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, giảm lượng thức ăn từ 20 - 50% so với bình thường.
+ Trong ao nuôi nên đặt các sàng để kiểm tra thức ăn khi sử dụng thức ăn tươi hoặc thức ăn chế biến. Cứ 1.000m2 đặt 2 sàng, diện tích sàng 1m2 được đặt cách đáy ao 10-20cm.
b. Chăm sóc và quản lý.
- Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi: Màu nước, độ trong... để có những điều chỉnh kịp thời. Nếu có nguồn nước tốt nên cho nước chảy qua ao nuôi. Trong trường hợp không có nước chảy qua thì dùng máy bơm để tạo dòng chảy trong ao. Ao đảm bảo được độ sâu mực nước trên 1,2m.
- Kiểm tra lượng thức ăn trên sàn, trên mặt ao để điều chỉnh tăng hoặc giảm lượng thức ăn cho phù hợp tránh trường hợp dư thừa hoặc thiếu thức ăn ảnh hưởng đến sự phát triển của cá.
- Mỗi tháng kiểm tra mẫu cá 1 lần để theo dõi tốc độ sinh trưởng phát triển  và phát hiện tình trạng phát sinh bệnh của cá trong ao nuôi.
- Trong quá trình nuôi cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp:
+ Làm sạch môi trường ao nuôi.
+ Tăng sức đề kháng cho cá.
+ Ngăn ngừa bệnh.
5. Thu hoạch.
- Sau thời gian 7 tháng nuôi, cá đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch.
- Trước khi thu hoạch 1-2 ngày cho cá giảm ăn rồi dừng ăn để tránh gây sốc cho cá trong khi thu hoạch, vận chuyển và lưu giữ cá.
 - Có thể thu hoạch cá thịt bằng cách đánh tỉa những con lớn hoặc thu hoạch một lần khi cá đạt kích cỡ đồng đều.
Trương Thị Quyết-TTKN

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây