TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH TÔM NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ; NHỮNG BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG, HẠN CHẾ LÂY LAN MẦM BỆNH VÀ XỬ LÝ AO NUÔI BỊ BỆNH.

Thứ sáu - 03/06/2022 04:29
Hiện nay, đang ở thời điểm nuôi tôm chính vụ của năm 2022, vì vậy hầu hết diện tích mặt nước đã được bà con tiến hành thả tôm nuôi. Tuy mới thả nuôi thời gian ngắn nhưng dịch bệnh trên tôm nuôi đã xuất hiện. Từ cuối tháng 4 năm 2022 đến nay, dịch bệnh tôm nuôi đã xảy ra ở 18 hộ dân trên địa bàn 02 xã (Vĩnh Sơn và Triệu Phước) của 02 huyện (Vĩnh Linh và Triệu Phong) với tổng diện tích bị bệnh là 9,28 ha. Theo kết quả xét nghiệm của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị tất cả các mẫu bệnh phẩm đều bị bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
         Ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kịp thời cấp 4.296 kg hóa chất chlorine từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ các hộ nuôi xử lý dập dịch nhằm ngăn chặn và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Với tình hình dịch bệnh đang diễn biến như hiện nay trong khi diện tích thả nuôi lớn, thời tiết thay đổi thất thường, khả năng lây lan nhanh của dịch bệnh, và việc các hộ nuôi có tôm bị bệnh đang xử lý, cải tạo ao hồ để thả nuôi lại. Nhằm ổn định tình hình nuôi, ngăn ngừa và hạn chế sự lây lan mầm bệnh, các hộ nuôi tôm cần lưu ý một số vấn đề sau:
1. Đối với các hộ đang có tôm nuôi trong ao
- Hạn chế đi lại qua các ao nuôi, vùng nuôi đang có tôm bị bệnh.
- Dùng lưới rào chắn quanh ao, rãi vôi quanh bờ để ngăn chặn các loài giáp xác mang mầm bệnh vào ao.
-  Nước trước khi cấp bổ sung vào ao nuôi cần phải được xử lý, tránh việc bơm nước trực tiếp vào ao nuôi.
- Tăng cường theo dõi tình hình các yếu tố thủy lý, thủy hóa trong ao nuôi và bổ sung vitamin C, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi.
- Áp dụng quy trình nuôi tiên tiến và ít thay nước để hạn chế dịch bệnh. Sử dụng các loại thức ăn, chế phẩm sinh học, kháng sinh, hóa chất nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố.
- Không sử dụng hoặc mượn các dụng cụ từ các ao nuôi bị bệnh về dùng mà chưa khử trùng.
2. Đối với các ao đang chuẩn bị thả nuôi
- Cải tạo ao hồ nuôi đúng quy trình  kỹ thuật
- Nguồn nước lấy vào ao nuôi phải được đưa vào ao lắng và xử lý bằng hóa chất diệt khuẩn trước khi cấp vào ao.
          - Không sử dụng các chất diệt tạp, hóa chất cấm hoặc có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật để xử lý môi trường ao nuôi.
- Chọn con giống thả nuôi có nguồn gốc rõ ràng, ở các trại giống có uy tín, đảm bảo chất lượng và phải có giấy kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Những hộ đã cải tạo ao hồ chuẩn bị nuôi mới chưa nên thả lại giống khi các hồ xung quanh đang bị bệnh.
3. Đối với ao nuôi khi có bệnh xảy ra
- Người nuôi tôm phải tuân thủ chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật, có ý thức cộng đồng, khi tôm bị bệnh tuyệt đối không được tháo nước ra bên ngoài khi chưa qua xử lý đúng theo yêu cầu kỹ thuật. Đồng thời phải báo ngay cho các hộ nuôi tôm trong vùng, chính quyền địa phương, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Kinh tế các huyện, thành phố để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan và phối hợp lấy mẫu gửi xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh.
- Hạn chế đi lại từ vùng có tôm bị bệnh sang các vùng nuôi tôm khác.       
- Khi có kết quả xét nghiệm nếu dương tính với các bệnh thuộc danh mục các bệnh nguy hiểm phải công bố dịch thì báo với Trạm Chăn nuôi và Thú y  huyện, thành phố  để được hướng dẫn làm thủ tục nhận hóa chất xử lý dập dịch.
- Xử lý dập dịch theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
4. Xử lý dập dịch ao nuôi bị bệnh bằng hóa chất chlorine
Để nâng cao hiệu quả xử lý và đảm bảo an toàn trong quá trình xử lý dập dịch ao nuôi tôm bị bệnh bằng hóa chất chlorine cần thực hiện theo các bước:
- Bước 1: Chuẩn bị thau, chậu, thùng chứa, áo quần bảo hộ, găng tay, khẩu trang, kính...
- Bước 2: Pha hóa chất
+ Liều lượng xử lý: 30 ppm (30 kg/1.000m3 nước)
+ Đầu tiên ta cho nước vào thau, chậu, thùng chứa; sau đó từ từ cho chlorine vào (không làm ngược lại vì đổ nước vào clo gây hiện tượng bắn nổ văng vào người nguy hiểm)
+ Hóa chất chlorine dạng bột do đó ngâm với nước 30-60 phút sau đó dùng que khuấy đều cho tan hết các hạt (tuyệt đối không dùng tay khuấy vì có thể làm bỏng da).
- Bước 3: Thực hiện khử trùng
+ Người thực hiện công tác khử trùng phải mang áo quần bảo hộ, găng tay, khẩu trang, kính.
+ Lựa chọn đứng đầu ngọn gió để tiến hành tạt hóa chất
+ Đối với môi trường xung quanh ao nuôi: Dùng ca nhựa múc hóa chất đã hòa tan với nước sau đó tạt đều lên bờ, kênh, mương nước để khử trùng.
+ Đối với ao nuôi: Dùng xuồng hoặc đi quanh ao tạt đều xuống ao. Bật máy sục khí để hóa chất được trộn đều cả ao. Sau khoảng 20-30 phút thì tắt sục khí.
+ Tuyệt đối không tạt chlorine nguyên hạt chưa hòa tan xuống ao vì hóa chất tan từ từ, nồng độ không đảm bảo để tiêu diệt mầm bệnh, hiệu quả đem lại không cao. Đặc biệt đối với ao lót bạt có thể lảm hỏng bạt.
+ Tất cả các dụng cụ như thau, chậu, chài, lưới, vợt...liên quan đến ao bị bệnh cần được ngâm, khử trùng cùng với ao nuôi.
- Bước 4: Quản lý ao nuôi sau khi xử lý
+ Đối với ao nuôi không sử dụng nước nuôi lại: ao nuôi sau khi xử lý hóa chất chlorine ngâm 7 - 10 ngày trước khi xả thải ra môi trường
+ Đối với ao nuôi sử dụng nước nuôi lại: Khi dùng Chlorine có thể để lại dư lượng của khí Clo gây độc cho thủy sản vì thế sau khi ngâm 7-10 ngày để tiêu diệt mầm bệnh thì nên tiến hành chạy quạt mạnh để giải phóng hết hàm lượng Clo tồn dư và có thể sử dụng bộ test Clo để kiểm tra hàm lượng Clo tồn dư trước khi thả nuôi (đối với bệnh đốm trắng, hạn chế tối đa việc sử dụng nước nuôi lại).
Phạm Quang Tuyến - Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây