NHỮNG LƯU Ý CHO NGƯỜI SẢN XUẤT LÚA HỮU CƠ VỀ TIÊU CHUẨN GẠO HỮU CƠ VIỆT NAM (TCVN11041-5:2018)

Thứ ba - 04/10/2022 04:17
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận số 168-KL/TU của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030; Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 về quy định chính sách hỗ trợ một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026: Chính sách hỗ trợ thực hiện dự án sản xuất láu hữu cơ… thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã và đang có nhiều người dân, hợp tác xã quan tâm và thực hiện canh tác lúa hữu cơ theo các tiêu chuẩn chứng nhận Việt Nam và Quốc tế.
Nhằm mục đích xây dựng căn cứ pháp lý cho người sản xuất áp dụng và chứng nhận sản phẩm hữu cơ, Bộ Khoa học công nghệ ban hành tiêu chuẩn TCVN 11041-5:2018 Nông nghiệp hữu cơ. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu đối với việc trồng lúa (Oryza sativa L.), thu hoạch và bảo quản thóc hữu cơ; sơ chế, chế biến và bảo quản gạo hữu cơ. Tiêu chuẩn này được áp dụng đồng thời với TCVN 11041-1:2017 và TCVN 11041-2:2017. Để áp dụng thành công tiêu chuẩn này trong sản xuất gạo hữu cơ, người sản xuất cần lưu ý:
1. Đánh giá lựa chọn khu vực sản xuất: 
Căn cứ thực tiễn sản xuất của đơn vị, hộ gia đình… tiến hành các hoạt động đánh giá/lựa chọn khu vực sản xuất lúa gạo hữu cơ là bước đầu tiên cần tiến hành trước khi quyết định bắt đầu chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ. Việc đánh giá, ngoài các quy định về khoảng cách an toàn với khu dân xư, nguồn ô nhiễm còn phải tuân thủ theo yêu cầu của QCVN 03-MT:2015 về giới hạn cho phép của một số kim loại nặng trong đất, QCVN 15:2008/BTNMT về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất, QCVN 08-MT:2015 về chất lượng nước mặt. Hoạt động đánh giá tại khu vực sản xuất cần được thực hiện hàng năm nhằm phát hiện kịp thời các mối nguy tiềm tàng như rác thải, hoạt động sản xuất công nghiệp.
2. Thiết kế khu vực sản xuất lúa gạo hữu cơ: Việc xây dựng, thiết kế khu vực sản xuất lúa hữu cơ phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm, điều kiện sản xuất lúa tại các vùng/ các khu vực ở Việt Nam. Đối với khu vực sản xuất lúa là diện tích sản xuất tập trung, nằm trong các khu vực/cánh đồng đã được quy hoạch của các địa phương. Điều kiện cơ sở hạ tầng của các khu vực canh tác lúa cơ bản đã được đầu tư tương đối đầy đủ, bài bản từ hệ thống đường giao thông nội đồng, đến hệ thống tưới (cơ bản đã được kiên cố hoá), hệ thống tiêu thoát nước. Đối với khu vực sản xuất lúa nằm trong các bờ bao (ngăn lũ, kiểm soát sự xâm nhập mặn vào khu vực sản xuất (VD một số nơi thuộc Đồng Bằng Sông Cửu long, các khu vực sản xuất lúa kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản…) thì việc thiết kế khu vực sản xuất phụ thuộc rất lớn vào đăc điểm nguồn nước cũng như khả năng cung cấp nước đảm bảo cho sự sinh trưởng phát triển của cây lúa, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc kiểm soát phèn, mặn. Trong trường hợp kết hợp trồng lúa với nuôi trồng thuỷ sản, cần đảm bảo khu vực sản xuất có đủ lượng nước cho sự sinh trưởng và phát triển của các loại thuỷ sản trong ruộng lúa, đồng thời cần thiết phải đào các rãnh lớn  trong ruộng lúa (để làm nơi cư trú của thuỷ sản. Độ sâu, chiều rộng và số lượng rãnh trên ruộng phụ thuộc vào tỷ lệ lúa/thuỷ sản mà đơn vị mong muốn áp dụng.
3. Chuẩn bị nhân sự, lao động: Đặc thù sản xuất nông nghiệp tương đối vất vả, hoạt động kiểm soát cần dựa vào thực tế tại khu vực sản xuất, sơ chế, chế biến cần ưu tiên sử dụng các lao động có kinh nghiệm, có đam mê với sản xuất hữu cơ làm các công tác kiểm soát, quản lý sản xuất; Đối với lao động phổ thông, thì tuỳ quy mô, đặc điểm của từng đơn vị thì có thể ký hợp đồng thuê các lao động cố định, hoặc thuê lao động thời vụ. Đối với quy mô sản xuất nhỏ/ các tổ hợp tác, HTX thì có thể áp dụng hình thức đổi công giữa các hộ trong nhóm. Cần có sự phối hợp, hợp tác với các cán bộ các trạm BVTV, trung tâm khuyến nông để triển khai, tuân thủ lịch thời vụ của địa phương, cũng như làm tốt công tác dự tính dự báo. 
4. Chuẩn bị giống cây trồng: Chọn giống lúa đưa vào sản xuất hữu cơ có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái của địa phương, chống chịu sinh vật gây hại và đảm bảo duy trì chất lượng giống trong quá trình sản xuất. Không được sử dụng giống biến đổi Gen, giống đột biến phóng xạ hay hóa chất, không dùng chất kích thích xử lý để xử lý hạt giống. Giống phải sạch, không bị nhiễm sâu bệnh. Hạt giống sử dụng là hạt giống lúa hữu cơ; Nếu không có sẵn hạt giống hữu cơ thì sử dụng hạt giống thu được từ cây lúa đã được canh tác theo phương thức hữu cơ ít nhất một vụ sản xuất. (đối với lúa thuần) hoặc bố mẹ phải được canh tác theo hữu cơ (đối với lúa lai).
5. Chuẩn bị phân bón: Phân bón là nguồn cung cấp dinh dưỡng rất cần thiết của cây trồng,đồng thời góp phần trả lại dinh dưỡng cho đất được cây hấp thụ và mất đi thông qua hoạt động thu hoạch sản phẩm. Tuy nhiên do sản xuất hữu cơ không sử dụng phân bón hoá học do vậy để đảm bảo sự sinh trưởng phát triển của cây trồng và phục hồi dinh dưỡng đất thì nguồn dinh dưỡng này phải phụ thuộc hoàn toàn vào các loại phân hữu cơ. Mặc dù thành phần dinh dưỡng trong phân hữu cơ nói chung thường thấp hơn so với phân hoá học, ngoài ra, khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cây trồng đối với phân hữu cơ thường chậm hơn so với phân bón hoá học. Nên có thể sử dụng các loại phân bón hữu cơ truyền thống hoặc các chế phẩm phân bón hữu cơ. Đối với phân bón hữu cơ khoáng, thành phần khoáng (thành phần dinh dưỡng đa lượng) phải có nguồn gốc thiên nhiên.
6. Chuẩn bị thuốc Bảo vệ thực vật: Chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học (có thể tham khảo danh mục thuốc BVTV được bộ NNPTNT ban hành hàng năm, tuy nhiên cần tìm hiểu kỹ thông tin về thành phần của các loại thuốc BVTV, và chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học (hiện đang có một số loại thuốc BVTV mặc dù ghi trên nhãn là Thuốc trừ sâu sinh học, tuy nhiên các hoạt chất sử dụng trong đó không phải chiết suất từ tự nhiên mà chiết xuất thông qua tổng hợp hoá học. Các loại thuốc như vậy sẽ không được sử dụng để phòng trừ sâu bệnh tại khu vực sản xuất lúa hữu cơ.
7. Quản lý các động vật gây hại khác: Để kiểm soát chim và chuột, có thể sử dụng các biện pháp vật lý như đánh bẫy, xua đuổi, lập hàng rào. Nếu sử dụng thiết bị kiểm soát động vật gây hại, cần kiểm tra nguồn gốc thiết bị và lưu hồ sơ về loại, sinh vật gây hại và mức độ nghiêm trọng của sự xâm nhập cũng như tác động đến quần thể thiên địch.
8. Thu hoạch, tuốt lúa, Phơi sấy: Cần vệ sinh máy móc trước khi thu hoạch đảm bảo không có sự lẫn tạp giữa sản phẩm hữu cơ và không hữu cơ, đồng thời cần đảm bảo các máy móc, thiết bị phục vụ thu hoạch không gây rò rỉ xăng dầu. Chỉ sử dụng bao bì mới hoặc bao bì sạch. Các bao bì phải được dán nhãn đúng cách (có thông tin về giống lúa, tình trạng hữu cơ) để tránh sự pha trộn giữa sản phẩm hữu cơ và các sản phẩm không phải hữu cơ. Cần ghi mã nhận diện lô hàng trên bao bì nếu chúng được bán trên thị trường ở dạng thóc hữu cơ. Nếu phơi thóc theo phương pháp truyền thống thì thì phải có sân phơi thóc hữu cơ riêng biệt, không được phơi trên đường giao thông. Phương tiện sử dụng để phơi thóc phải được làm sạch, đảm bảo không gây ô nhiễm trước khi phơi.
9. Hồ sơ sản xuất: Hoạt động trồng lúa hữu cơ cần lưu lại các minh chứng về việc tuân thủ. Việc lưu giữ hồ sơ nhằm đảm bảo truy xuất được tính toàn vẹn trong toàn bộ hoạt động sản xuất hữu cơ và khả năng thu hồi sản phẩm bằng cách theo dõi dữ liệu sản xuất (ví dụ: dữ liệu về vật tư, nguyên liệu đầu vào) và số lượng của từng bước trong chuỗi cung ứng, bao gồm cả việc bán hàng. Một số hoạt động cần lưu hồ sơ như sau: Sơ đồ khu vực sản xuất (gồm mã hiệu của các khu vực sản xuất, sơ chế, bảo quản, sơ chế, chế biến; Nhật ký mua hàng; Kiểm kê kho; Nhật ký sử dụng phân bón; Nhật ký BVTV; Nhật ký thu hoạch; Nhật ký bảo quản; Nhật ký phơi sấy; Nhật ký xay xát; Nhật ký bao gói, ghi nhãn; Nhật ký bán hàng.
Để góp phần nâng cao chất lượng Ngành hàng lúa gạo thông qua việc thúc đẩy phát triển sản xuất lúa hữu cơ, qua trình triển khai các HTX, hộ gia đình cần nghiên cứu kỷ các yêu cầu, quy định để tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện thực tiễn của mình.

(Nguồn tham khảo: Quyết định số 3965/QĐ-BKHCN, ban hành ngày 26-12-2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ về công bố Tiêu chuẩn quốc gia về Nông nghiệp hữu cơ)

Nguyễn Ngọc Thạch
Sở NN & PTNT

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây