NƯỚC VÀ TƯỚI TIẾT KIỆM CHO CÂY LÚA

Thứ hai - 06/03/2023 02:02
Lượng nước trên Trái Đất có vào khoảng 1,38 tỉ km³. Trong đó 97,4% là nước mặn trong các đại dương trên thế giới, phần còn lại, 2,6%, là nước ngọt, tồn tại chủ yếu dưới dạng băng tuyết đóng ở hai cực và trên các ngọn núi, chỉ có 0,3% nước trên toàn thế giới (hay 3,6 triệu km³) là có thể sử dụng làm nước uống (Wikipedia, 2010). Hơn 70% diện tích của Trái Đất được bao phủ bởi nước. Tài nguyên nước trên thế giới ngày nay càng trở nên căng thẳng, xu hướng phát triển kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trong nông nghiệp là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta, tài nguyên nước thuộc loại trên mức trung bình của thế giới. Dòng chảy mặt hàng năm khoảng 848 tỷ m3, trong đó 327 tỷ (chiếm 38,6%) sinh ra trong lãnh thổ và 521 tỷ m3 (chiếm 61,4%) từ lãnh thổ nước ngoài chảy vào. Nguồn nước ngầm có trữ lượng động khoảng 1500 m3/s. Tuy nhiên nguồn nước phân bố không đồng đều theo không gian và nhất là theo thời gian.
NƯỚC VÀ TƯỚI TIẾT KIỆM CHO CÂY LÚA
Sự cạn kiệt nguồn nước ngày càng gia tăng do sự gia tăng dân số làm cho chỉ số nước bình quân trên đầu người giảm. Năm 1945 là 14.520 m3 /người nay chỉ còn 4.840 m3 /người, tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến lượng mưa hàng năm ngày càng có xu thế giảm, những vùng có lượng mưa trong năm giảm nhiều hơn so với vùng có lượng mưa trong năm tăng, nhiệt độ không khí có xu thế ngày càng tăng lên, nên lượng bốc thoát hơi nước cũng tăng theo. Diện tích rừng và độ che phủ bị suy giảm vì bị tàn phá và cháy rừng dẫn đến giảm khả năng trữ và điều tiết nước. Sự phát triển theo hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn ngày càng tăng nhanh, trong khi nguồn nước đang đối mặt với nguy cơ bị ô nhiễm. Hậu quả của những yếu tố nêu trên dẫn đến tài nguyên nước giảm, nhu cầu dùng nước tăng gây ra sự thiếu hụt nước ngày càng gay gắt.
Hiện nay, phần lớn lượng nước được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp (đặc biệt là sản xuất lúa). Một trong những giải pháp nhằm khai thác sử dụng bền vững tài nguyên nước là sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả trong nông nghiệp, đó là định hướng mang tính chiến lược trước mắt và 2 lâu dài.
Thực hiện tưới tiết kiệm nước phụ thuộc vào điều kiện đất đai, cây trồng, khí hậu, đặc biệt là điều kiện kinh tế xã hội, tiêu thụ sản phẩm và sự chấp thuận của cộng đồng, kỹ thuật và sự tham gia của cộng đồng từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng đến quản lý hệ thống tưới tiết kiệm nước.
Trong các biện pháp tưới tiết kiệm cho cây lúa, biện pháp tưới tiết kiệm nước hiệu quả cao và được khuyến cáo nhiều nhất vẫn là kỹ thuật tưới ướt – khô xen kẽ theo khuyến cáo của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và các chuyên gia trồng trọt. Phương pháp này được triển khai thí điểm tại 4 vùng trồng lúa chính của cả nước, kết quả đều giảm được 50% số lần bơm tát nước, giảm tỉ lệ ngả đỗ. Theo IRRI, cây lúa không phải lúc nào cũng cần ngập nước và chỉ cần cho nước vào ruộng tối đa là 5cm, cụ thể như sau:
- Tuần đầu tiên sau sạ: Giữ mực nước từ bão hòa đến cao khoảng 1cm, mực nước trong ruộng sẽ được giữ cao khoảng 1-3cm theo giai đoạn phát triển của cây lúa và giữ liên tục cho đến lúc bón phân lần 2 (khoảng 20-25 ngày sau sạ), giai đoạn này nước là nhu cầu thiết yếu để cây lúa phát triển. Giữ nước trong ruộng ở giai đoạn này sẽ hạn chế được sự mọc mầm của các loài cỏ, bởi có nước làm môi trường thành yếm khí, hạt cỏ sẽ không mọc được và cũng cần sử dụng thuốc trừ cỏ phù hợp ở giai đoạn này.
Đặt ống và thước để theo dõi mực nước trong ruộng
- Giai đoạn từ 25-40 ngày: Đây là giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ và tối đa, phần lớn chồi vô hiệu thường phát triển ở giai đoạn này, nên chỉ cần nước vừa đủ. Lúc này giữ mực nước trong ruộng từ bằng mặt đến thấp hơn mặt ruộng 15cm (đặt ống nhựa có đục lỗ lên hàng, bên trong có chia vạch 5cm để theo dõi). Khi nước xuống thấp hơn 15cm thì cho nước vào ruộng ngập tối đa 5cm so với mặt đất ruộng. Khi nước hạ từ từ xuống dưới vạch 15cm thì cho nước vào tiếp. Ở giai đoạn này, lá lúa phát triển giáp tán, hạt cỏ có nảy mầm cũng không phát triển và cạnh tranh được với cây lúa. Đây cũng là giai đoạn cây lúa rất dễ bị bệnh khô vằn tấn công, mực nước không cao làm hạch nấm khô vằn sẽ không phát tán trong ruộng, bệnh ít lây lan. Cách điều tiết nước này sẽ làm phơi lộ mặt ruộng, vì vậy phương pháp này được gọi là “tưới ướt - khô xen kẽ’’. Mực nước dưới mặt đất càng xa (nhưng không thấp hơn 15cm so với mặt ruộng) sẽ giúp rễ lúa ăn sâu vào trong đất, vừa chống đổ ngả, vừa dễ thu hoạch.

- Giai đoạn lúa 40-45 ngày: Là giai đoạn bón phân lần 3 (bón đón đòng). Lúc này cần bơm nước vào khoảng 1-3cm trước khi bón phân, nhằm tránh ánh sáng làm phân hủy và phân bị bốc hơi, nhất là phâm đạm.
- Giai đoạn lúa 60-70 ngày: Đây là giai đoạn lúa trổ nên cần giữ nước cho cây lúa trổ và thụ phấn dễ dàng, hạt lúa không bị lép hửng.
- Cây lúa 70 ngày đến thu hoạch: Là giai đoạn lúa ngậm sữa, vào chắc và chín nên chỉ cần giữ mực nước từ bằng mặt đến thấp hơn mặt ruộng 15cm (khi cần thiết thì bơm nước vào thêm). Cần phải “xiết’’ nước 10 ngày trước khi thu hoạch để mặt ruộng được khô ráo, dễ cho việc sử dụng máy gặt.
Nguyễn Đăng Trình - Chi cục Thủy lợi

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây