KỸ THUẬT TRỒNG NGÔ SINH KHỐI

Thứ hai - 04/10/2021 05:15
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
1. Đặc điểm ngô sinh khối
Ngô sinh khối là loại cây trồng lương thực ngắn ngày, cây phát triển nhanh, khỏe mạnh, thân to, bộ rễ chân kiềng phát triển, có khả năng chống đổ. Thời gian sinh trưởng của ngô sinh khối ngắn hơn ngô lấy hạt, từ khi trồng đến khi thu hoạch 65-90 ngày (tùy theo giống). Năng suất của ngô sinh khối đạt trung bình từ 45 - 60 tấn/ha. Hiện nay Tổng Cty TM Quảng Trị có hợp đồng thu mua với giá tại ruộng 800đ/kg, với quy mô vùng trồng  tập trung 3-5 ha để chế biến thức ăn cho gia súc.
Ngô sinh khối là cây ngô được thu hoạch ở giai đoạn bắp ngô chín sáp. Thay vì thu hoạch để lấy hạt lúc bắp ngô đã chín hoàn toàn, cây ngô thu hoạch làm thức ăn cho gia súc ở giai đoạn bắp ngô chín sáp sẽ đảm bảo độ mềm, giàu dinh dưỡng và sự ngon miệng cho vật nuôi. Toàn bộ cây ngô (thân, lá, bắp) thường được băm/xay nhỏ để cho gia súc ăn trực tiếp, hoặc chế biến sâu hơn thành các thức ăn cho gia súc như ủ chua, viên nén hoàn chỉnh cho gia súc ăn cỏ...
2. Thời vụ trồng ngô sinh khối
Ngô sinh khối là cây trồng lấy toàn bộ cây, vì vậy cây có thể trồng được quanh năm. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và hệ thống luân canh cây trồng từng địa phương để lựa chọn khung thời vụ thích hợp nhất. Ở một số vùng có điều kiện thuận lợi (đất không ngập úng, đất bằng, chủ động tưới,..) thì thu hoạch xong vụ này là có thể trồng vụ khác.
3. Kỹ thuật làm đất
Cây ngô sinh khối là loại cây dễ trồng và có khả năng thích nghi trồng được với mọi loại đất khác nhau. Tuy nhiên, khi làm đất bà con cần:
- Làm đất kỹ, sạch cỏ dại, cày rạch hàng, lên luống hoặc không tùy điều kiện đất và thời vụ. Cày sâu 20 - 25cm và phay nhỏ đất để tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển, giúp cây ngô giảm khả năng chống đổ
- Nếu có điều kiện nên gieo hạt bằng máy gieo với chức năng rạch hàng, rải phân, gieo và lấp hạt hoặc máy gieo đẩy tay.
 - Nếu trồng vụ đông nên gieo hạt ủ nứt mầm hoặc làm bầu để đảm bảo mật độ và tiết kiện công lao động, rút ngắn thời gian cây sinh trưởng trên đồng ruộng.
4. Giống và mật độ gieo trồng
- Giống: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại giống ngô sinh khối có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh, năng suất sinh khối cao, có khả năng trồng được mật độ cao, chịu hạn như: VN172, ĐH17-5, LCH-9, NK66, NK7328, PSC747…,
- Lượng giống cho 1ha: 27 - 30kg; mật độ thích hợp: 7,7 - 8,3 vạn cây/ha; khoảng cách gieo: hàng cách hàng từ 60 - 65cm và cây cách cây 20cm. (như hình dưới)
http://www.khuyennongvn.gov.vn/portals/0/news_images/2020/09/hangweb/ngo_sinh_khoi1.jpg
- Trước khi gieo hạt, đất cần đảm bảo độ ẩm tốt nhất là 70 - 80% độ ẩm tối đa đồng ruộng, nếu độ ẩm đất dưới 55% thì nhất thiết phải tưới nước. 
- Sau khi đã lấp đất phủ phân bón 1-2cm, gieo hạt vào mỗi hốc từ 1 - 2 hạt (tùy theo tỷ lệ nẩy mầm và độ ẩm đất khi gieo), sau đó lấp đất phủ kín hạt 2 - 3cm.
Lưu ý: Nếu đất có kiến, sùng thì nên dùng thuốc BVTV (theo hướng dẫn ở vỏ bao bì sản phẩm) trộn với cát, đất bột rải đều xuống rãnh trước khi gieo hạt  
5. Kỹ thuật bón phân
Lượng phân bón:  8 - 10 tấn/ha phân chuồng hoặc 2.000 - 2.500kg phân hữu cơ vi sinh + đạm urê: 340 - 350kg + lân supe: 600 - 650kg và kali chlorua: 165 - 170kg;
Thời điểm bón:
+ Bón lót: toàn bộ (phân chuồng hoặc vi sinh + phân lân) + 1/4 lượng đạm.
+ Bón thúc lần 1 (khi ngô 4-5 lá thật): 1/4 lượng đạm + 1/2 lượng kali.
+ Bón thúc lần 2 (khi ngô 9-11 lá thật): 1/2 lượng đạm + 1/2 lượng kali.
Lưu ý: Nếu sử dụng phân  NPK tổng hợp, bà con có thể chọn loại phân và lượng bón để đạt mức bón tương đương.(thường phân NPK 16-16-8 thì lượng bón khoảng 200-240kg/ha).
6. Kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh
Chăm sóc:
Để đạt năng suất cao, sau khi gieo trồng xong bà con cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, tránh mọi nguy cơ gây mất cây (do chuột, trâu bò… phá) và tránh mọi yếu tố làm giảm độ đồng đều của cây ngô (do hạn quá hoặc mưa úng cục bộ)… để có kế hoạch tỉa, dặm cây kịp thời, đảm bảo mật độ cho ruộng ngô.
- Tỉa cây lần 1: Khi ngô có 2 - 3 lá thật tiến hành dặm, tỉa kịp thời, nếu bị khuyết cây, tốt nhất là dùng ngô bầu để dặm.
- Khi ngô có 4 - 5 lá thật: Tỉa bớt cây thừa, cây còi cọc (chỉ để 1 cây/hốc), tiến hành xới vun nhổ sạch cỏ, kết hợp bón thúc lần 1 và vun nhẹ quanh gốc
- Khi ngô từ 9 - 11 lá thật: Xới xáo, nhổ sạch cỏ, bón thúc lần 2 và vun chân cao chống đổ ngã.
Tưới tiêu:
- Khi ngô 9 - 11 lá thật là thời kỳ ngô đã bón thúc đợt 2, xới cỏ, bón phân và vun cao vào gốc để chống đổ ngã. Độ ẩm thích hợp là 70 - 75% độ ẩm tối đa đồng ruộng. Nếu đất khô cần thiết phải tưới cho ngô, tưới vào rãnh và lượng nước giai đoạn này là 600 - 700m3/ha.
- Khi ngô xoáy loa kèn (trước trổ 5 - 7 ngày) đến giai đoạn sau trỗ 2 tuần. Đây là thời kỳ tưới nước quan trọng nhất, nếu gặp hạn giai đoạn này sẽ giảm năng suất ngô đáng kể. Độ ẩm thích hợp là 75 - 80% độ ẩm tối đa đồng ruộng. Nếu đất khô cần thiết phải tưới cho ngô, tưới vào rãnh và lượng nước giai đoạn này là 700 - 800m3 /ha.
Tưới nước giai đoạn này có thể tăng năng suất ngô từ 30 - 40% so với không tưới.
Phòng trừ sâu bệnh:
Nguyên tắc phòng là chính, tức là chọn giống ngô ít nhiễm sâu bệnh; sử dụng biện pháp canh tác như luân canh cây trông, nhất là luân canh với cây họ đậu và lúa nước; thay đổi vụ trồng và chân đất.
Khi phải dùng thuốc BVTV để phòng trừ thì cần lưu ý một số thời điểm và đối tượng sâu bệnh chính sau:
- Thời kỳ ngô mọc lên khỏi mặt đất, bà con chú ý để phòng trừ sâu keo, sâu xám,..
- Thời kỳ ngô trổ cờ cần chú ý sâu đục thân, bệnh bạc lá,..
- Thời kỳ ngô đã thâm râu, trước thu hoạch ngô cây tươi từ 15 - 20 ngày, chú ý bệnh khô vằn, bạc lá,..
Nếu các giai đoạn trên có phát hiện các đối tượng gây hại thì bà con nên sử dụng các loại thuốc BVTV để phòng trừ kịp thời theo khuyến cáo của cán bộ chuyên môn hoặc theo hướng dẫn ở vỏ bao bì sản phẩm.
7. Kỹ thuật thu hoạch:
Khi cây ngô đến giai đoạn đông sữa chuyển sang chín sáp ở hạt ngô non thì bà con thu hoạch, lúc này hàm lượng các chất dinh dưỡng trong ngô cao mà năng suất chất xanh cũng cao.
Bà con có thể dựa vào các căn cứ sau để thu hoạch:
- Thời gian sinh trưởng của cây: Thông thường một giống ngô trung ngày thu hoạch cây làm thức ăn chăn nuôi gia súc để ăn tươi hoặc ủ chua từ 75 - 85 ngày sau gieo, lúc này cây ngô đang trong giai đoạn đông sữa chuyển sang chín sáp.
- Quan sát dạng thân cây, lá và bắp xanh: Thông thường cây ngô vào giai đoạn chín sáp thì 2 - 3 lá ở dưới chân đã chuyển màu vàng, màu sắc lá từ dưới và trên bắp 3 - 4 lá thường màu xanh đậm và lá dày lên rất chắc chắn.
- Khi phân tích hàm lượng dinh dưỡng trong cây ngô (thân, lá, bắp), nhất là trong hạt ngô về hàm lượng tinh bột, hàm lượng protein đạt ở chỉ số cao nhất (nếu có đủ điều kiện).
Lưu ý: Khi thu hoạch ngô cây tươi, nên thu vào ngày nắng ráo để cây, lá, bắp xanh không bị dính bùn đất, thuận lợi cho băm thái ngô cây và sản phẩm là ngô tươi xanh hoặc làm nguyên liệu ủ chua dễ đạt tiêu chuẩn chất lượng. Bà con có thể thu hoạch bằng máy liên hợp kết hợp băm thái luôn hoặc thu bằng thủ công rồi đem về nhà, về xưởng băm thái để chế biến thức ăn cho gia súc./.
                                          Chúc bà con áp dụng và thực hiện hiệu quả!
Thanh Tùng, Hồng Phong - TTKNQT

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây