ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT SẢN XUẤT LÚA CHẤT LƯỢNG CAO TRONG VỤ ĐÔNG XUÂN 2022-2023, HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU TÁI CƠ CẤU NGÀNH HÀNG LÚA GẠO CỦA TỈNH

Thứ ba - 06/06/2023 23:37
Lúa chất lượng cao là một trong những sản phẩm chủ lực Quốc gia, là cây trồng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị của Quốc gia. Ngành hàng lúa gạo có vị trí quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp và nông thôn, đóng góp cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ảnh hưởng đến đời sống của số đông nông dân, an sinh và ổn định xã hội và là ngành hàng có lợi thế về điều kiện sinh thái gắn với các giá trị văn hóa và di sản của nền văn minh lúa nước lâu đời của nước ta.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
          Tuy nhiên, sự phát triển của ngành lúa gạo đang đứng trước các thử thách do hiệu quả thấp, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và những ảnh hưởng tiêu cực do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt ở những vùng đồng bằng sản xuất lúa trọng điểm. Để vượt qua thử thách, phát huy lợi thế, giữ vững vị trí quan trọng của lĩnh vực trồng trọt, Lúa chất lượng cao được xác định là 1 trong 6 cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh giai đoạn 2022-2030 nhằm đáp ứng những yêu cầu mới cho sự phát triển cao hơn và bền vững hơn.
           Với định hướng Quốc gia về cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững với các mục tiêu (i) đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, làm nòng cốt cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia (ii) nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (iii) hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo (iv) thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu (v) sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái (vi) nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng (vii) xuất khẩu gạo chất lượng cao và giá trị cao.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nói chung và tái cơ cấu Ngành hàng lúa gạo nói riêng, những năm gần đây liên kết sản xuất lúa chất lượng cao đã trở thành định hướng hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và giá trị Ngành hàng lúa gạo của tỉnh nhà. Với sự tích cực, chủ động và sáng tạo trong công tác chỉ đạo tổ chức sản xuất từ tỉnh đến cơ sở, nhiều mô hình/dự án liên kết sản xuất Lúa chất lượng cao hình thành và phát triển mạnh mẽ.
             Vụ Đông Xuân 2022 - 2023, tuy gặp nhiều khó khăn do mưa lớn, ngập úng đầu vụ, có nơi phải gieo đi gieo lại 2-3 lần nhưng bằng việc áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, nhất là việc ứng dụng bộ giống mới, chất lượng cao cũng như các giải pháp chủ động thích ứng với thiên tai…nên sản xuất Vụ Đông Xuân năm nay được mùa và được giá. Theo đánh giá của các địa phương, năng suất lúa toàn tỉnh ước đạt trên 60,5 tạ/ha (Vụ ĐX năm ngoái chỉ đạt 41,5 tạ/ha, do thiên tai cuối vụ), sản lượng lúa ước đạt trên 16 vạn tấn. Một số địa phương có năng suất lúa đạt cao như huyện Hải Lăng ước đạt 66,8 tạ/ha (xã Hải Dương ước đạt 74 tạ/ha, Hải Phong 73,5 tạ/ha, Hải Định 73 ta/ha...); Triệu Phong 62 tạ/ha, Gio Linh 60 tạ/ha,.. Đặc biệt, giá lúa đầu mùa khá cao, giao động từ 6.000-7.500 đồng/kg (cao hơn 500 đồng/01 kg so với cùng kỳ năm trước), riêng lúa hữu cơ liên kết với Công ty Thương mại Quảng Trị thu mua với giá 12.000 đồng/kg lúa tươi tại ruộng (cao hơn năm trước 1.000 đồng/kg), nên người dân rất phấn khởi. 
Theo thống kê của các địa phương, Vụ Đông Xuân 2022-2023, toàn tỉnh có 1.058 ha lúa liên kết sản xuất với các Doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm; 172,08 ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, canh tác tự nhiên; 287 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, 40 ha lúa theo hướng VietGap, 88 ha ATTP, 161 ha sản xuất lúa giống; 310 ha sản xuất lúa thương phẩm. Trong đó, nổi bật nhất là các mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ, VuietGAP, an toàn thực phẩm giữa các HTX, người dân trên địa bàn với Công ty cổ phần tổng công ty thương mại Quảng Trị; Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị; Liên danh Công ty Giống ADI và Công ty phân bón Sông Gianh; Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh... Việc phát triển sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể: (i) Người dân đã có chuyển biến tích cực trong tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn, thực hiện dồn ghép tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất sạch, an toàn vào sản xuất…; (ii) Việc không sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học, tận dụng hệ vi sinh vật bản địa… đã góp phần giúp khôi phục, tái tạo hệ sinh thái đồng ruộng, bảo vệ độ phì nhiêu của đất, bảo vệ thiên địch cũng như các loài thủy sinh sống trong ruộng lúa. (iii) Ngoài ra, việc canh tác sạch đã góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng cũng như mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người sản xuất (hiệu quả mang lại gấp 1,2-1,5 lần so với canh tác thông thường), sau khi trừ chi phí người dân đạt lợi nhuận từ 30-40 triệu đồng/ha.
           Việc đạt được những kết quả tích cực trong tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo là nhờ kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất được đúc rút qua nhiều năm và ngay từ tháng 12/2022, Ngành Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh đã ban hành phương án tổ chức sản xuất nông nghiệp năm 2023, trong đó giao chỉ tiêu nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan đơn vị; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là sớm ban hành hướng dẫn về cơ cấu giống và lịch thời vụ khoa học, sát đúng với thực tiễn; Cử cán bộ bám sát đồng ruộng thực hiện tốt công tác dự tính dự báo, chủ động phòng trừ dịch bệnh; Kịp thời xử lý khi có mưa lớn xảy ra và chủ động nguồn giống chất lượng để gieo lại ở những nơi bị ngập úng đầu vụ; Áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Tổ chức sản xuất trên cánh đồng lớn có liên kết với Doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
          Trong thời gian tới, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, Quảng Trị định hướng tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sinh thái và nông nghiệp tuần hoàn. Đối với cây lúa phấn đấu đến năm 2025 có 1.000 ha và năm 2030 có 2.500 ha sản xuất hữu cơ, canh tác tự nhiên và chuyển đổi cơ cấu giống lúa sang chủ yếu là giống chất lượng cao; Phát triển mạnh thương hiệu Gạo hữu cơ Quảng Trị. Phát triển ngành hàng lúa gạo gắn với hình thành hệ thống các nhà máy sơ chế/chế biến gạo hữu cơ và các sản phẩm chế biến sâu từ gạo. Tận dụng tối đa phế phụ phẩm trong sản xuất lúa như rơm rạ, cám gạo để phục vụ phát triển chăn nuôi, phân bón vi sinh và công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm. Xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính để nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả, bền vững góp phần vào tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam. Hướng tới mục tiêu tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.
Nguyễn Ngọc Thạch – Phòng KHTC

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây