ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ SỨC KHỎE CÂY TRỒNG TỔNG HỢP (IPHM) TRÊN CÂY TRỒNG CHỦ LỰC TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2030

Thứ ba - 08/08/2023 05:16
ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ SỨC KHỎE CÂY TRỒNG TỔNG HỢP (IPHM) TRÊN CÂY TRỒNG CHỦ LỰC TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2030
 
image 20230808161808 1
 
 
Ảnh: Trao giấy chứng nhận cho học viên tại Hội nghị tổng kết Khóa đào tạo nâng cao cho các giảng viên TOT-IPM lên TOT-IPHM  tại Quảng Trị năm 2023
        IPHM (Integrated Plant Health Management) là hệ thống quản lý cây trồng mà các biện pháp tác động dựa trên nền tảng môi trường cụ thể về: đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích nhằm giảm những tác động gây bất lợi cho cây trồng và phát huy các yếu tố nội tại của cây trồng, ngăn chặn sự bùng phát của sinh vật gây hại, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. IPHM là cách tiếp cận mới trong chiến lược bảo vệ thực vật, được phát triển trên nền tảng IPM gắn với nông nghiệp sinh thái, lấy sức khỏe cây trồng làm trung tâm, cách tiếp cận mang tính toàn diện, xem xét tất cả các yếu tố sinh học, phi sinh học, bao gồm cả giống, đất, nước, phân bón, địa hình, cảnh quan nông nghiệp, môi trường… để tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng phát triển khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt, chủ động ngăn ngừa dịch hại với phương châm “phòng là chính” và giảm thiểu hoặc không cần sử dụng hóa chất, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế, hoàn toàn phù hợp với những định hướng, mục tiêu lớn mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới.
         Thực hiện Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV ngày 23 tháng 9 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam, giai đoạn 2022 - 2030, Sở Nông nghiệp và PTNT đã trình UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 1273/QĐ-UBND ngày 19/6/2023 về phê duyệt Kế hoạch “Thúc đẩy ứng dụng chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực tỉnh Quảng Trị đến năm 2030” với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) nhằm bảo đảm sức khỏe cây trồng, chủ động phòng chống sinh vật gây hại, nâng cao được giá trị sản phẩm trồng trọt, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao nhận thức cho nông dân về sức khỏe cây trồng và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
        Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 1348/QĐ-BVTV-TV ngày 25/5/2023 của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật về việc giao nhiệm vụ tổ chức lớp tập huấn nâng cao cho các giảng viên TOT-IPM lên TOT-IPHM, từ ngày 16/6 đến ngày 26/6/2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Trung tâm BVTV vùng Khu 4 triển khai khóa đào tạo nâng cao cho các giảng viên TOT-IPM lên TOT-IPHM năm 2023. Đây là một trong những hoạt động nằm trong Kế hoạch “Thúc đẩy ứng dụng chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực tỉnh Quảng Trị đến năm 2030”.
         Tham gia khóa học gồm 30 học viên là công chức, viên chức các đơn vị trong ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị. Với khung thời gian gồm 11 ngày học tập. Phương pháp đào tạo trao đổi hai chiều, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, thực tế, lấy học viên làm trung tâm, tập trung vào đào tạo các kỹ năng như kỹ năng thuyết trình, thảo luận nhóm, kỹ năng tập huấn cho người lớn tuổi, phương pháp huấn luyện 2 chiều … các học viên đã hoàn thành các nội dung chương trình theo tài liệu hướng dẫn của Cục BVTV biên soạn, tập trung vào 11 chuyên đề và 1 chủ đề đặc biệt, trong đó tập trung vào các nội dung: Kiến thức, nguyên tắc của IPHM; Sức khỏe cây trồng; Sức khỏe đất và dinh dưỡng cho cây trồng; Chuỗi liên kết sản xuất; Quản lý cỏ dại bền vững; Thuốc bảo vệ thực; Biện pháp đấu tranh sinh học; Nông nghiệp sinh thái; Nông nghiệp 4.0 chuyển đổi số; Yêu cầu kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản Việt Nam. Chủ đề đặc biệt: Hướng dẫn Thủy sinh – Bể cá Mini. Qua khóa đào tạo, học viên được bổ sung những kiến thức cơ bản về IPHM, biết cách xây dựng nội dung một lớp huấn luyện nông dân về IPHM trên cơ sở khung của chương trình IPHM đã được Cục BVTV xây dựng. Các học viên cũng được rèn luyện, hoàn thiện các phương pháp huấn luyện, kỹ năng truyền đạt, tuyên truyền, kỹ năng hoạt động nhóm, đào tạo cho người lớn tuổi... Các hoạt động trò chơi, văn nghệ được xem là linh hồn, là món ăn tinh thần để giúp nông dân giải trí, thả lỏng sau các buổi học căng thẳng của lớp huấn luyện IPHM. Những bài hát, điệu hò truyền thống của chương trình IPHM được các học viên thể hiện đầy nhiệt huyết. Song song với khóa đào tạo giảng viên IPHM, Trung tâm BVTV vùng Khu IV phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Trị cũng mở 1 lớp huấn luyện nông dân (FFS) tại huyện Gio Linh cho 30 học viên là nông dân nòng cốt. Đây sẽ là lớp học hiện trường để sau khi được cấp chứng chỉ IPHM, các học viên của lớp TOT sẽ tiến hành giảng dạy, nâng cao tay nghề.    
          Kết thúc khóa học, 30 học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo và được cấp giấy chứng nhận, trong đó có 26 học viên xếp loại xuất sắc chiếm tỷ lệ 86,6%, 03 học viên xếp loại giỏi chiếm tỷ lệ 10%, còn lại 01 học viên xếp loại khá chiếm tỷ lệ 3,3%. Tất cả học viên khóa TOT-IPM đều có đủ trình độ để tổ chức, giảng dạy các lớp IPHM cho nông dân trên các loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao của tỉnh. Đây sẽ là các nhân tố tích cực để tuyên truyền, nhân rộng chương trình IPHM, là hạt nhân để thực hiện thành công Quyết định số 1273/QĐ-UBND ngày 19/6/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy ứng dụng chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực tỉnh Quảng Trị đến năm 2030. 
       Trong thời gian tới, trên cơ sở Quyết định số 1273/QĐ-UBND ngày 19/6/2023 của UBND tỉnh, hàng năm, Chi cục Trồng trọt và BVTV sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương chủ động xây dựng và triển khai các nội dung cụ thể; tiến hành tổ chức nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả cao, thiết thực và tiến hành đánh giá, sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện Kế hoạch nhằm rút ra những kết quả đạt được, những nội dung còn hạn chế để tiếp tục đề xuất điều chỉnh, nhân rộng trong giai đoạn tiếp theo. Tổ chức đảm bảo tiến trình, nhằm thúc đẩy ứng dụng chương trình IPHM trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2023 - 2030.
Nguyễn Thái Bình - Chi cục Trồng trọt và BVTV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây