GỠ KHÓ CHO VIỆC MỞ RỘNG DIỆN TÍCH SẢN XUẤT LÚA HỮU CƠ

Thứ tư - 20/09/2023 22:45
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra mục tiêu đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là phấn đấu đến năm 2025 có 1.000 ha lúa hữu cơ. Tuy nhiên, đến nay đã nửa nhiệm kỳ trôi qua nhưng việc thực hiện nghị quyết đang gặp nhiều khó khăn, diện tích sản xuất lúa hữu cơ toàn tỉnh vẫn còn thấp, tiến độ nhân rộng diện tích còn chậm.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm tại HTX Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh do Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị phối hợp triển khai
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm tại HTX Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh do Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị phối hợp triển khai
Rào cản từ quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở hạ tầng 
         Là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai trồng lúa hữu cơ, đến nay trên địa bàn huyện Hải Lăng đã có 29,58 ha lúa được chứng nhận hữu cơ và 25,2 ha lúa được chứng nhận VietGAP. Dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ có gần 45 ha được chứng nhận lúa hữu cơ và 40 ha được chứng nhận Viet GAP. Để triển khai hiệu quả việc canh tác lúa hữu cơ, Hải Lăng đã quan tâm thu hút, mời gọi các doanh nghiệp có điều kiện tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hữu cơ, theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện. Nhiều đơn vị tham gia liên kết sản xuất lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ với hiệu quả cao như Công ty Obi (Ong Biển), Quế Lâm, Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị. Phối hợp với Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị và các đơn vị liên quan khảo sát, chọn quy hoạch gần 1.500 ha để vận động tham gia sản xuất lúa hữu cơ giai đoạn 2021 – 2030 tại 44 Hợp tác xã (HTX) và 78 vùng. Trong đó, riêng năm 2022, Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã liên kết sản xuất, tiêu thụ được 75 ha, vụ đông xuân 2022 – 2023 liên kết sản xuất, tiêu thụ được 36 ha. 
         Mặc dù việc phát triển sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường, tuy nhiên các địa phương cũng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Văn Ngọc Tiến Đức cho biết, hiện tại, hệ thống tưới tiêu trên địa bàn huyện chưa đáp ứng nhu cầu theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ (đảm bảo thường xuyên để diệt trừ, hạn chế cỏ dại). Nguyên nhân là nước tưới từ nguồn Nam Thạch Hãn thực hiện chế độ đóng, mở định kỳ (5 đóng, 5 mở) nên rất khó khăn trong việc điều tiết nước đáp ứng đủ nhu cầu cho vùng sản xuất lúa hữu cơ. Cao trình hệ thống đê bao chung của toàn huyện chưa đảm bảo an toàn khi có mưa lũ lớn. Một số hệ thống đê bao, cống phai, trạm bơm chưa được đầu tư và xuống cấp nên không đáp ứng được việc tiêu úng khi gặp thời tiết bất lợi. Hệ thống giao thông nội đồng chưa đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa trong vùng sản xuất lúa hữu cơ như các khâu vận chuyển phân hữu cơ, vận chuyển mạ để cấy... làm phát sinh, tăng chi phí sản xuất. Cùng với đó, việc chưa có cơ sở bảo quản, chế biến tại chỗ khiến sản phẩm dễ bị thất thoát sau thu hoạch khi gặp điều kiện bất lợi của thời tiết. Ngoài ra, dù công tác dồn thửa đổi điền trong những năm qua đã được thực hiện khá hiệu quả nhưng vùng sản xuất nhiều nơi vẫn còn manh mún do thuộc nhiều hộ sở hữu, ảnh hưởng lớn đến áp dụng cơ giới hóa và quản lý điều hành sản xuất. 
        Hiện nay, tỉnh chưa hoàn thiện công tác quy hoạch các vùng sản xuất lúa hữu cơ; cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất. Công tác dồn thửa đổi điền, hình thành cánh đồng lớn để ứng dụng cơ giới hóa tại các địa phương còn chưa nhiều. Các chính sách hỗ trợ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của doanh nghiệp và người dân. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp hữu cơ bắt buộc tuân thủ quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, tổ chức sản xuất có hợp đồng liên kết, sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn, chi phí sản xuất và duy trình chứng nhận hữu cơ khá cao trong khi nhiều thời điểm giá bán còn khá thấp… Nhiều nông dân chưa quen với phương thức tổ chức sản xuất này, dẫn đến e ngại trong đầu tư phát triển sản xuất. Các công trình phụ trợ (giao thông nội đồng, nguồn nước…) phục vụ sản xuất chưa đồng bộ, dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Ngoài ra, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm lúa gạo của tỉnh chưa được các HTX, doanh nghiệp quan tâm. Trên địa bàn chưa có nhiều doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với chế biến sâu dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Bên cạnh đó, chi phí chứng nhận sản phẩm và duy trì chứng nhận khá cao trong khi mức chênh lệch giá thu mua của doanh nghiệp với chi phí sản xuất chưa cao cũng là rào cản để thúc đẩy phát triển sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn.
Triển khai đồng bộ các chính sách
       Vụ đông xuân vừa qua, ông Nguyễn Văn Tuần ở tại HTX Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh hợp tác với Trung tâm KN tỉnh và Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị trồng 4 ha lúa hữu cơ, sử dụng giống lúa ST25. Cùng tham gia chương trình hợp tác này còn có 16 hộ dân khác tại HTX Tiên Mỹ với tổng diện tích 14 ha. Đây là diện tích đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ như: đã được sản xuất theo hướng hữu cơ từ các vụ trước, ruộng chủ động tưới tiêu nước, giao thông thuận lợi, liền vùng liền thửa, có vùng đệm cách ly an toàn, nguồn nước tưới, thành phần đất đai đảm bảo. Tham gia thực hiện, ông Tuần và các hộ dân được Trung tâm KN tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí về giống, khay mạ và vật tư phân bón, chế phẩm. Tổng công ty Thương mại Quảng Trị cho vay trả chậm phần còn lại đến cuối vụ. Đồng thời, đảm nhận khâu sản xuất mạ khay, cung ứng phân hữu cơ, các chế phẩm dinh dưỡng, thảo mộc và dịch vụ cấy lúa, phun chế phẩm bằng máy bay không người lái và cam kết bao tiêu toàn bộ với giá lúa tươi thu mua tại ruộng là 12.000đ/kg. Kết quả, trừ chi phí ông lãi ròng gần 37 triệu đồng/ha/vụ. Cao hơn gần gấp 2 lần so với canh tác thông thường. 
Giám đốc Trung tâm KN tỉnh Trần Cẩn cho biết, mô hình được áp dụng quy trình canh tác lúa hữu cơ nano của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Toàn bộ các khâu cày, cấy, phun chế phẩm, thu hoạch đều sử dụng cơ giới hóa. Ngoài phân bón hữu cơ, mô hình còn sử dụng thêm các chế phẩm sinh học có nguồn gốc động, thực vật hữu cơ để bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa. Phun chế phẩm sinh học, thuốc thảo mộc bằng drone. Thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và máy sấy. Kết quả, mô hình đạt năng suất lúa tươi bình quân khoảng 65 tạ/ha. Trừ chi phí cho lợi nhuận hơn 30,8 triệu đồng/ha. “Với năng suất và giá bán như ký kết ban đầu, mô hình đã tạo được sự tin tưởng của nông dân. Đây cũng là hình thức quảng bá cụ thể, trực tiếp và cũng là cách ngắn nhất để mở rộng mô hình trong thời gian tới trên các đồng ruộng của huyện Vĩnh Linh”, ông Cẩn khẳng định.
        Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc cho biết, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từ năm 2017, ngành nông nghiệp đã chú trọng công tác phát triển sản xuất nông sản hữu cơ nói chung và cây lúa nói riêng. Đặc biệt là chủ động tham mưu ban hành các Nghị quyết chuyên đề với các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất hữu cơ; chủ động kết nối, mời gọi các doanh nghiệp, các địa phương rà soát, quy hoạch, lựa chọn các vùng sản xuất tập trung để xây dựng các mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ bền vững nhằm tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sản xuất hữu cơ. Chủ động phối hợp với các địa phương trong tổ chức triển khai và tăng cường chuyển giao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nhất là ứng dụng máy cấy, thiết bị bay không người lái để bón phân, phun chế phẩm sinh học nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm hữu cơ đảm bảo chất lượng theo quy định.
Đơn cử như Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã phối hợp với các địa phương khảo sát, quy hoạch vùng sản xuất hữu cơ trên địa bàn 4 huyện trọng điểm lúa với diện tích trên 3.600 ha, gồm: huyện Hải Lăng 1.500 ha, huyện Triệu Phong 1.600 ha, huyện Vĩnh Linh 300 ha; huyện Gio Linh 200 ha; đề xuất xây dựng, đầu tư Nhà máy sản xuất mạ khay và phân bón hữu cơ, kho chứa và nhà máy sấy, đóng gói sản phẩm lúa hữu cơ Sepon... Góp phần đưa diện tích sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên trên địa bàn tỉnh đạt trên 172 ha (122 ha hữu cơ; 50 ha canh tác tự nhiên) và dự kiến đến cuối năm 2023 ước đạt trên 350 ha, đạt 35%  so với chỉ tiêu Nghị quyết. Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức cũng như thay đổi tập quán canh tác của người dân, làm nền tảng cho việc phát triển sản xuất lúa hữu cơ trong những năm tới, ngành Nông nghiệp cũng đã phối hợp mở rộng diện tích sản xuất Lúa theo các tiêu chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm, hướng hữu cơ… đạt 415 ha (trong đó 287 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, 40 ha lúa theo hướng VietGap, 88 ha lúa ATTP).
        Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc, để hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 1.000 ha lúa hữu cơ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngành nông nghiệp đang tiếp tục phối hợp với các sở ngành, địa phương, huy động, lồng ghép các nguồn lực để có những giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất lúa hữu cơ. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách của trung ương, địa phương hỗ trợ chi phí giống lúa, vật tư… phục vụ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, chứng nhận sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ. Tăng cường công tác nghiên cứu, đề xuất, chỉnh sửa, bổ sung các chính sách của trung ương và địa phương về mở rộng vùng nguyên liệu, chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tín dụng… nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và các hộ gia đình tổ chức, phát triển sản xuất nông sản hữu cơ nói chung và lúa hữu cơ nói riêng. Thực hiện có hiệu quả hơn nữa việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, đẩy mạnh công tác liên kết gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của đội ngũ ban giám đốc HTX, nhất là trong việc chuyển đổi số, liên kết hợp tác với doanh nghiệp, quảng bá xây dựng thương hiệu. Có chính sách đủ mạnh về ưu đãi thuê đất, cơ sở hạ tầng... để khuyến khích lồng ghép, tích tụ ruộng đất, thu hút, mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.
AN KHANG - Báo Quảng Trị
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây