KHUYẾN NÔNG – “CẦU NỐI” CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG LIÊN KẾT TIÊU THỤ SẢN PHẨM

Thứ ba - 08/08/2023 04:16
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết tiêu thụ sản xuất, xây dựng các mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất là những nội dung quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Để thực hiện đạt hiệu quả những nội dung này, không thể thiếu vai trò của hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở.
KHUYẾN NÔNG – “CẦU NỐI” CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG LIÊN KẾT TIÊU THỤ SẢN PHẨM
        Ngay từ khi thành lập Trung tâm Khuyến nông đã xác định việc xây dựng các mô hình sản xuất mới, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống khuyến nông, giúp hình thành và lan tỏa nhiều phương thức sản xuất mới, sâu rộng đến bà con nông dân, từ đó nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ thuật cho lao động nông nghiệp trong quá trình sản xuất. Nếu như giai đoạn 1993-2003 nhiệm vụ trọng điểm là công tác giống, nâng cấp bộ giống nhằm nâng cao năng suất, đảm bảo an ninh lương thực, giai đoạn 2003-2013 tập trung các chương trình đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn để nhằm chuyển giao kỹ thuật mới, tiên tiến giúp bà con nông dân cơ giới hóa máy móc, giảm chi phí sản xuất, hạn chế sâu bệnh hại, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích thì giai đoạn từ năm 2014 trở lại đây chuyển qua định hướng kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hữu cơ tuần hoàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm nâng cao giá trị hàng hóa thông qua các chỉ số thu nhập, chất lượng, môi trường, kinh tế, cơ giới hóa máy móc tiến tới công nghệ số 4.0.
         
sản phẩm Ocop các huyện thị trong tỉnh

Hàng năm, trong vụ Hè Thu, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.000 ha đất không đủ nước tưới do hạn hán để canh tác nhất tập trung ở huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ... Diện tích đất lúa thiếu nước này bị bỏ hoang hoặc một số diện tích nhỏ có chuyển sang cây trồng cạn nhưng hầu hết diện tích sản xuất manh mún nhỏ lẻ, chưa tập trung. Rất nhiều diện tích đất lúa vụ Hè Thu phải dừng sản xuất do thiếu nước tưới dẫn đến mỗi năm bỏ hoang, mất thu nhập và tính chất cải tạo đồng ruộng trên chính vùng đất đó. Do đó, việc chuyển đổi trên diện tích đất lúa thiếu nước vụ Hè Thu sang canh tác các cây trồng cạn ngắn ngày, sử dụng ít nước là yêu cầu cấp thiết.
Đối với các mô hình chuyển đổi cây trồng tăng vụ như đậu xanh, dưa hấu, ngô lai, ngô sinh khối...  đã giúp cho nông dân chuyển đổi các vùng trồng lúa thiếu nước sang trồng ngô lai, ngô sinh khối, đậu xanh, dưa hấu và một số cây màu khác có giá trị kinh tế cao, tạo ra những cánh đồng sản xuất có hiệu quả tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Các mô hình trồng cây ăn quả, cà phê, hồ tiêu, sản xuất rau, hoa đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như thay đổi giống tốt, đầu tư thâm canh nhất là quy trình sạch bệnh, đã hạn chế dịch bệnh xảy ra, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao.
          Trước đây, tập quán canh tác truyền thống và theo kinh nghiệm, việc áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu chọn giống đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch, tiêu thụ đang còn hạn chế nên năng suất thấp và hiệu quả kinh tế chưa cao. Chuyển đổi đất trồng lúa thiếu nước vụ Hè Thu hoặc các cây trồng hiệu quả thấp sang trồng các cây trồng cạn (Dưa hấu, đậu xanh, ngô sinh khối...) áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mới, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định, hiệu quả.
        Cụ thể, mô hình Dưa hấu đảm bảo an toàn VSTP có dán tem truy xuất nguồn gốc QR code, thực hiện ở huyện Gio Linh và huyện Vĩnh Linh với tổng quy mô 12 ha trên đất lúa chuyển đổi vụ Hè Thu 202, 2021 đã đem lại hiệu quả nhất định, năng suất trung bình 20 tấn/ha, lợi nhuận từ  90-100 triệu đồng/ha, cao hơn 4-5 lần so với trồng lúa. Mô hình được duy trì và nhân rộng trên nhiều địa bàn, thay đổi nhận thức của bà con trong việc canh tác sản xuất an toàn, đảm bảo nguồn gốc, bền vững, thân thiện với môi trường. Các mô hình trồng cây ăn quả như trồng cam bưởi đã cho hiệu quả bước đầu mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân. Mô hình trồng thâm canh giống cà phê, tái canh cây cà phê với quy mô 30 ha tại vùng miền núi Hướng Hóa, thay thế diện tích cà phê già cỗi từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê...
        Đặc biệt, sau kỳ đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị” để nâng cao và thực hiện đồng bộ mối quan hệ liên kết giữa nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối nhằm phát huy vai trò chủ thể của nông dân. Trong đó, doanh nghiệp được xem là khâu kết nối giữa sản xuất và thị trường. Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, phát triển sản xuất hàng hóa lớn gắn với dự báo về thị trường đầu ra.
Thực hiện chủ trưởng của Đảng, chính sách của Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã tích cực phối kết hợp với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để hướng dẫn, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản phẩm cho người dân. Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết sản xuất và tiêu thụ là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân và doanh nghiệp. Trung tâm đã thực hiện thành công mô hình sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm trên quy mô 31,5 ha tại 2 điểm: HTX Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (17,5 ha) và HTX Tiên Mỹ huyện Vĩnh Linh (14 ha) trong hai vụ Đông Xuân 22021-2022 và 2022-2023. Sử dụng giống lúa chất lượng cao ST25, cơ giới hóa máy móc. Điểm mới của mô hình là sử dụng mạ khay, máy cấy giúp ruộng lúa có mật độ thích hợp, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng khoẻ, quang hợp tốt, đẻ nhánh mạnh, bông dài, hạt chắc trên bông tăng, tỷ lệ lem lép hạt thấp, ít bị sâu bệnh phá hại, cây lúa khỏe mạnh, bộ lá xanh bền, sạch sâu bệnh; thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và sử dụng máy bay không người lái để phun chế phẩm sinh học và chế phẩm thảo mộc cho cây lúa thay cho phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tiết kiệm nhân công, giải phóng sức lao động cho con người, sức khỏe người sản xuất được đảm bảo, tạo ra được sản phẩm sạch, chất lượng cho người tiêu dùng. Mô hình được Công ty Thương mại Quảng Trị thu mua lúa tươi ngay tại ruộng với giá 11.000-12.000 đ/kg, thu rơm với giá 500.000đ/ha, lợi nhuận cuối cùng đạt từ 25-27 triệu đồng, cao hơn lúa thông thường khoảng 7,5 triệu đồng/ha. Mô hình có kết quả nỗi bật không kém đó là sản xuất ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước, liên kết tiêu thụ sản phẩm được thực hiện tại huyện Gio Linh với diện tích 10 ha trong vụ Hè Thu 2022, bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo bước đột phá mới trong việc thực hiện luân canh cây ngô với cây lúa, góp phần hạn chế nguồn bệnh trong đất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, với năng suất sinh khối 50-55 tấn/ha, được công tyThương mại Quảng Trị thu mua với giá 1.000đ/kg tại ruộng, mang lợi nhuận là 23.8 triệu đồng/ha, cao gấp rất nhiều lần so với trồng lúa, hạn chế vấn đề hoang hóa đất.
         Với chức năng, nhiệm vụ của mình, khuyến nông Quảng Trị đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp lớn ở nhiều nơi trong tỉnh và ngoại tỉnh để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và những đặc trưng của Quảng Trị. Từng bước đưa đơn vị trở thành cầu nối cho các doanh nghiệp đến đầu tư, xây dưng dựng vùng nguyên liệu, phù hợp với thế mạnh ở địa phương.
         Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Nguyễn Phú Quốc đánh giá rất cao hiệu quả mang lại của các mô hình sản xuất gắn với kết tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm KN tỉnh và Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị triển khai. Đặc biệt là trong việc mang lại niềm tin cho nông dân cả về mặt kinh tế và kỹ thuật. Đây là yếu tố cốt lõi của việc liên doanh, liên kết trong các hoạt động sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Tạo ra sự iên kết trong sản sản xuất bền vững, nâng cao giá trị của chuỗi lúa gạo, chuỗi giá trị hàng hóa tăng thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, đối với mô hình lúa hữu cơ, ông Quốc cho biết, xác định trồng lúa hữu cơ là hướng đi tất yếu để cho ra sản phẩm đạt cả 3 tiêu chí: kinh tế, xã hội và môi trường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ; các mô hình liên doanh liên kết bao tiêu sản phẩm, mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết, tạo cánh đồng lớn để sản xuất lúa hữu cơ hướng tới mục tiêu xuất khẩu”, ông Quốc cho hay.
        Trong định hướng đó, Trung tâm Khuyến nông  Quảng Trị đã thực sự đóng góp nổi bật với vai trò là đơn vị chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và kết nối bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân, các HTX, tổ hợp tác sản xuất các sản phẩm nông sản theo chuỗi liên giá trị.
Trần Thị Thúy - TTKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây