ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG TRONG HOẠT ĐỘNG KHUYẾN NÔNG

Thứ sáu - 01/12/2023 02:47
Một trong những hoạt động xuyên suốt của khuyến nông Quảng Trị từ khi thành lập đơn vị đến nay chính là thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của Khuyến nông và đã được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp Quảng Trị giao trọng trách triển khai thực hiện.
ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG TRONG HOẠT ĐỘNG KHUYẾN NÔNG
       Thực hiện nhiệm vụ này trong những năm qua, hoạt động truyền thông đã đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, các biện pháp canh tác, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, giới thiệu các mô hình sản xuất điển hình ở khắp mọi nơi trong tỉnh đến với người làm nông nghiệp. Nếu chỉ biết xây dựng mô hình hiệu quả mà không làm tốt công tác truyền thông thì việc chuyển giao các chủ trương chính sách, tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ không đến được với người dân, người dân sẽ không biết được những mô hình hay, cách làm mới và không nhân rộng được các mô hình được đánh giá là cho hiệu quả kinh tế cao. Điểm nổi bật rõ nét của công tác thông tin tuyên tuyền khuyến nông là phối hợp với các cơ quan, đơn vị để tuyên truyền chủ trương, chính sách và phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, giới thiệu các quy trình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cây trồng, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và các đối tượng nuôi trồng thủy sản, giải đáp những khó khăn, vướng mắc,... tư vấn giúp người nông dân tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao hơn trên cùng đơn vị diện tích. Cụ thể:
       Về công tác thông tin tuyên truyền: Bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trung tâm chủ động và phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị, Viễn thông tỉnh... để thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền cho nông dân, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để cung cấp cho nông dân những thông tin cơ bản về chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về nông nghiệp, nông thôn, giúp nông dân nắm bắt kịp thời, chủ động trong sản xuất. Kết quả, trong gần 30 năm qua đã biên soạn in ấn 66.000 cuốn sách, tờ gấp kỹ thuật, 12.000 bộ lịch nông vụ, biên tập và phát hành 210.110 Bản tin Nông nghiệp, xây dựng 798 chuyên mục Trang Nông nghiệp và phát sóng 2.390 buổi trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, chuyên mục bạn nhà nông trên Báo Quảng Trị có 1.065 số. Xây dựng được 50 tủ sách khuyến nông cho 50 xã nghèo, xây dựng trang website khuyến nông Quảng Trị được đông đảo người xem, cập nhật, tìm hiểu và khai thác thông tin. Thông qua các mô hình trình diễn, đã tổ chức 435 cuộc hội nghị đầu bờ có trên 22.100 lượt người tham gia, tổ chức 48 cuộc tham quan học tập ngoài tỉnh cho hơn 600 cán bộ, thành viên HTX và nông dân chủ chốt tham gia học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp.
      Phát huy hiệu quả đạt được, trong năm nay (năm 2023) Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị tiếp tục phối hợp với các đơn vị truyền thông đại chúng có diện phủ sóng, phát hành lớn, những đơn vị truyền thông chuyên ngành để nâng cao hiệu quả tuyên truyền như Báo Nông nghiệp, Báo Dân Việt, Báo Quảng Trị, Đài Truyền hình Quảng Trị... để đặt hàng tổ chức tuyên truyền hơn 26 chuyên mục phát trên sóng truyền hình, hàng chục tin thời sự và hàng trăm tin, bài, ảnh… phản ảnh về hiệu quả các mô hình/hoạt động khuyến nông trên địa bàn toàn tỉnh. Một số loạt bài ngay sau khi báo đăng tải đã nhận được phản hồi tích cực của cơ quan chức năng và được sự đón nhận, quan tâm của đông đảo bà con nông dân, Doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh như các bài: Cơ hội kiện toàn, đổi mới hoạt động khuyến nông từ tổ khuyến nông cộng đồng; Đầu tư vườn ươm hiện đại sản xuất giống cây lâm nghiệp cho Quảng Trị; Hệ thống khuyến nông đóng góp tích cực trong tiến trình đổi mới của ngành nông nghiệp Quảng Trị; Khuyến nông Quảng Trị giúp nhà nông ở chảo lửa làm ăn hiệu quả; Khuyến nông góp phần quan trọng đưa nông nghiệp Quảng Trị tăng trưởng 30 năm qua...; hay loạt bài về áp dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ và hiệu quả mô hình: Mô hình nuôi bò BBB thâm canh thích ứng biến đổi khí hậu; Giống gà lai 18M1 thích ứng tốt điều kiện nắng nóng; Nuôi lợn an toàn sinh học trên vùng đất cát; Nuôi thành công cá chim vây vàng trong ao; Tăng thu nhập nhờ nuôi xen ghép nhiều loại thủy sản; Lợi nhuận tăng gấp đôi nhờ trồng lúa hữu cơ liên kết; Lần đầu áp dụng, lúa sạ cụm bằng máy hiệu quả tăng rõ rệt...
      Thông qua các hoạt động thông tin tuyên truyền, công tác khuyến nông được cấp ủy chính quyền cơ sở và nông dân đánh giá cao. “Khuyến nông” đã thực sự trở thành thương hiệu, người đồng hành cùng người dân trong quá trình sản xuất và phát triển kinh tế ở địa phương.
       Về công tác đào tạo, huấn luyện: Từ khi thành lập đến nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới về sản xuất nông nghiệp luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của hoạt động khuyến nông. Qua đó, đã tổ chức hơn 8.810 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, dịch bệnh trên vật nuôi cho hơn 285.600 lượt nông dân tham gia. Tập huấn nâng cao năng lực cho khuyến nông viên cơ sở 265 lớp có 8.617 lượt người tham gia, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông cho 1.123 lượt người tham gia. Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với 40 lớp cho 1.250 học viên là nông dân tham gia. Đặc biệt, những năm gần đây đã tranh thủ hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã tổ chức 21 lớp tập huấn nâng cao năng lực, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho cán bộ KN các cấp, thành viên tổ KNCĐ và bà con nông dân với hơn 630 lượt học viên tham gia; tổ chức đoàn cán bộ học tập kinh nghiệm khuyến nông ở các tỉnh Nam trung bộ có 30 người tham gia; tổ chức 04 diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng thâm canh cây Keo lai tại vùng Bắc Trung Bộ”; “Giải pháp phục hồi sản xuất cây hồ tiêu sau bão, lụt”; “Giải pháp phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu”; “Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng”;  có hơn 600 đại biểu đến từ các tỉnh phía Bắc Trung Bộ tham gia; tổ chức 5 cuộc tọa đàm “Bàn giải pháp tổng hợp để khắc phục thiệt hại trên cây lúa và hoa màu do ảnh hưởng của thiên tai”, “Trao đổi kinh nghiệm xây dựng Quy chế hoạt động của tổ Khuyến nông cộng đồng”, “Sinh kế cho vùng bị bị ảnh hưởng thiên tai”, “Tổ KNCĐ với giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng”; Tọa đàm về việc thực hiện nhiệm vụ của tổ KNCĐ, giải pháp phát triển khuyến nông cộng đồng tại vùng nguyên liệu với 550 đại biểu đến từ Trung ương, địa phương Quảng Trị và các tỉnh lân cận tham gia. Tổ chức truyền thông nhân rộng một số mô hình, dự án khuyến nông trên địa bàn với 5 nội dung có 350 đại biểu tham dự.
       Thông qua công tác đào tạo, huấn luyện, cán bộ khuyến nông đã trực tiếp trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nông dân, giải quyết những vấn đề nông dân cần, làm cho mối quan hệ giữa khuyến nông với nông dân ngày càng gắn kết chặt chẽ, thực sự trở thành người bạn đồng hành của nông dân, đúng với phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”
       Nhờ đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền và đào tạo huấn luyện mà nông dân đã kịp thời nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; thông tin kịp thời về thị trường nông sản, những điển hình tiên tiến trong sản xuất, tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới thành công…
Nguyễn Thanh Tùng - TTKNQT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây