Tăng cường phòng chống rét trong nuôi trồng thủy sản

Thứ tư - 24/01/2024 22:07
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết từ tháng 12/2023 và đầu năm 2024 hiện tượng rét đậm, rét hại sẽ xảy ra tại các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thuỷ sản nuôi. Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành công văn số 1481/TS-NTTS ngày 04 tháng 12 năm 2023 về việc tăng cường sản xuất và phòng, chống rét trong nuôi trồng thủy sản. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, đảm bảo an toàn cho sản xuất, giảm thiểu thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản; đồng thời đảm bảo tốt công tác chuẩn bị các điều kiện cho vụ nuôi năm 2024, chúng tôi khuyến cáo bà con một số biện pháp sau
Tăng cường phòng chống rét trong nuôi trồng thủy sản
* Đối với ao nuôi cá: Cần duy trì mực nước ao nuôi từ 1,5 - 2,5m, tăng cường bổ sung vitamin C tăng sức đề kháng cho cá kết hợp với bổ sung dinh dưỡng trong những ngày nắng ấm nhiệt độ trên 20°C. Thường xuyên theo giỏi diễn biến thời tiết để tính toán thời gian thu hoạch hợp lý tránh sự ảnh hưởng của mưa lạnh. Kiểm soát tốt lượng thức ăn tránh dư thừa. Thường xuyên kiểm tra đê bao đảm bảo chắc chắn và giữ nước tốt, hệ thống tiêu nước tránh tràn ao hoạt động bình thường. Tăng cường bón vôi quanh ao nhằm hạn chế dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào và ổn định môi trường nước ao nuôi. Trong ao nuôi mặn lợ cần chủ động nguồn nước cấp để kịp thời bổ sung lượng nước tránh hiện tượng ngọt hóa, cấp nước ngầm nhằm tăng nhiệt độ nước trong ao nhằm ổn định môi trường sống cho đối tượng nuôi trong những ngày mưa rét.
* Đối với nuôi lồng bè trên sông, hồ chứa: Di chuyển hệ thống lồng vào nơi kín gió, vùng nước ấm hoặc tĩnh trong lưu vực sông, hồ. Chuẩn bị chủ động máy tạo oxy cung cấp cho cá khi cần thiết. Sử dụng vôi bột đựng trong bao tải treo ở đầu nguồn nước hoặc khu vực cho ăn trong các lồng bè. Treo túi vôi cách mặt nước khoảng 1/3 - 1/2 độ sâu của nước trong lồng bè. Liều lượng sử dụng là 2 - 3 kg vôi/10m3 nước và khi vôi tan hết lại tiếp tục treo túi khác để phòng bệnh cho cá. Hạ dây neo lồng đến mức có thể để đảm bảo độ sâu trong lồng giúp cá có môi trường sống ấm hơn trong mùa lạnh.
* Đối với nuôi tôm: Duy trì dàn quạt nước và sục khí nhằm cung cấp đủ lượng oxi đầy đủ hợp lý tại các vị trí trong ao. Kiểm tra hệ thống điện, bờ đê ao hồ đảm bảo chắc chắn, hoạt động tốt. Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời. Chủ động nguồn nước cấp đảm bảo cung cấp đủ trong suốt quá trình nuôi. Kiểm soát tốt lượng thức ăn, cho ăn nhiều cữ hơn bình thường, nếu trong giai đoạn chuyển số thức ăn, cần kéo dài thời gian cho ăn số nhỏ hơn giai đoạn chuyển số bình thường.
* Một số lưu ý khác:
- Xác định điều kiện nuôi phù hợp cho từng địa phương, nuôi qua vụ đông cần chọn địa điểm tránh gió đông bắc, có bờ đê cao đảm bảo mực nước tối ưu từ 2 - 2,5m.
- Theo giỏi đảm bảo khẩu phần cho ăn hợp lý. Nếu nhiệt độ dưới 15°C thì ngưng cho ăn. Nhiệt độ từ 15 - 20°C nên giảm ½ lượng thức ăn.
- Đối với ao nước ngọt cần bổ sung bèo làm nơi trú ẩn cho cá. Nếu điều kiện cho phép cần che kín ao để đảm bảo môi trường sống thích hợp.
- Gây màu nước và giữ màu nước đảm bảo trong điều kiện thích hợp nhằm hấp thụ lượng nhiệt tốt đa của mặt trời.
- Trong các trại ương dưỡng cá giống cần có hệ thống nâng nhiệt bằng điện hoặc hệ thống nhiệt mặt trời.
- Hạn chế tối đa dùng lưới kéo, phương tiện đánh bắt cá trong giai đoạn mưa rét tránh xây xát, ảnh hưởng đến vận động và dễ nhiễm bệnh đến động vật nuôi.
Để đảm bảo cho đàn tôm cá tồn tại và phát triển qua mùa đông, tốt nhất nên dùng tổng hợp các biện pháp phòng chống rét, với phương châm “phòng hơn chống”. Cần chuẩn bị đủ vật tư, nguyên nhiên vật liệu chủ động cho phòng chống rét cho tôm, cá. Đối với những đối tượng nuôi thương phẩm đạt kích cỡ, khi nhiệt độ xuống quá thấp cần thu hoạch ngay tránh gây thiệt hại cho nuôi trồng thuỷ sản.
  Lê Văn Lưu, Trương Thị Quyết – TTKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây