Tình trạng sử dụng cá Nóc và biện pháp quản lý nhằm phòng tránh ngộ độc cá Nóc

Thứ tư - 24/01/2024 21:21
Cá nóc hay còn gọi là cá cóc, cá bống biển, cá đùi gà, thuộc bộ cá nóc, chứa độc tố Tetrodotoxin (TTX) - một loại độc tố thần kinh có khả năng gây ngộ độc cấp tính cho người và gia súc. Độc tố cá nóc rất độc, với người chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người
Tình trạng sử dụng cá Nóc và biện pháp quản lý nhằm phòng tránh ngộ độc cá Nóc
       Trên thế giới có đến hơn 120 loài khác nhau, tại Việt Nam theo như thống kê có khoảng 66 loài và trong đó có 40 loài có khả năng gây độc tố, cá nóc phân bố trên khắp các vùng biển từ Bắc đến Nam nhưng chủ yếu từ Đà Nẵng đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong những năm gần đây, hàng loạt các vụ ngộ độc do tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ cá nóc đã xảy ra ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước, nhất là các khu vực dân cư ven biển. Theo số liệu của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong 5 năm (1999-2003) cả nước có 176 vụ ngộ độc do cá nóc với 737 người mắc, trong đó có 127 người chết. Ngày 3/6/2019, tại Khoa Cấp cứu BVĐKTƯ Cần Thơ tiếp nhận 01 bệnh nhân (trú tại huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) được chuyển đến trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê, co giật, tê cứng tay chân, cứng hàm do ăn cá nóc. Ngày 25/12/2022, tại Quảng Ninh, sau khi ăn gan cá nóc, người phụ nữ 53 tuổi bị tê nóng lưỡi, môi, tê tay chân, tím tái, suy hô hấp. Ngày 14/3/2023, UBND thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) xác nhận, trên địa bàn có xảy ra vụ ngộ độc cá nóc khiến 1 người tử vong, 3 người qua cơn nguy kịch.
Mặc dù các cơ quan chức năng cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ cá nóc, thậm chí đã có lệnh cấm ngư dân khai thác, vận chuyển, thu mua và tiêu thụ cá nóc dưới mọi hình thức (Chỉ thị số 06/2003/CT-BTS, ngày 22/12/2003 của Bộ Thủy sản về việc ngăn chặn ngộ độc cá nóc), song cho đến nay ở nhiều địa phương vẫn tồn tại việc khai thác, buôn bán và sử dụng cá nóc như một mặt hàng hải sản phổ biến. Nhiều cơ sở chuyên sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cá nóc như cá nóc muối khô, nước mắm cá nóc, chả cá nóc… vẫn hoạt động. Vì vậy, các trường hợp ngộ độc và tử vong cá nóc vẫn xảy ra trên khắp cả nước.
       Chất độc của cá nóc gọi là tetrodotoxin (TTX) là một loại độc tố thần kinh cực độc, tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh của con đực và nhiều nhất là ở trứng cá của con cái vì vậy con cái độc hơn con đực và đặc biệt là vào mùa sinh sản của cá (từ tháng 2 đến tháng 7). Đây là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.200 lần so với cyanua. Độc tố của một con cá đủ giết chết 30 người. Bình thường nó tồn tại trong cá ở dạng tiền độc tố Tetrodomin không độc; nhưng khi cá bị ươn hoặc bị va đập, tiền chất Tetrodomin sẽ biến đổi thành chất TTX gây độc. Tetrodotoxin không phải là protein, tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy, nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại (có thể bị phân hủy trong môi trường kiềm hay acid mạnh). Hơn nữa, chất độc của cá nóc có sức bền vững cao: Ngâm vào dung dịch acid chlohydric 0,2 - 0,5% trong khoảng 8 giờ mới bị phá hủy. Khi đun sôi ở nhiệt độ 100oC trong 6 giờ độc tố TTX mới giảm đi 50%, nó chỉ mất đi khi được đun sôi ở 200oC trong 10 phút. Vì thế, không thể làm mất độc cá nóc bằng cách nấu và chế biến thông thuờng.
       Trên thế giới, người ta nghiên cứu chất tetrodotoxin để làm thuốc kích thích thần kinh, gây tê, gây mê, giảm đau, chữa một số bệnh tim mạch và ung thư. Chất tetrodotoxin có trong cơ thể cá nóc ở dạng tiền độc tố có tên là tetrodomin không độc, nhưng khi cá bị va đập hoặc bị ươn, chất này sẽ chuyển ngay thành tetrodotoxin rất độc.
       Thực tế cũng chứng minh khi bắt được cá, ngư dân thường đập chết, làm va đập mạnh, làm cá ươn hoặc không loại bỏ hết phủ tạng lúc làm thịt, khiến chất độc ngấm vào thịt cá (vốn không độc), do đó người ăn vào sẽ bi ngộ độc. Liều gây độc cho người bình thường là từ 1 – 4mg, tức chỉ cần ăn 10g thịt cá nóc có chất độc là đã bị ngộ độc.
       Sau khi ăn cá nóc có TTX, chất độc này hấp thụ nhanh qua đường ruột, dạ dày trong 5 - 15 phút, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20 phút và thải tiết qua nước tiểu sau 30 phút tới 3 - 4 giờ.
       Triệu chứng ngộ độc là liệt trung khu thần kinh thị giác, thần kinh vận động, rồi đến trung khu hô hấp và tim mạch. Người ăn phải cá nóc có độc tố TTX, sau 5 phút đến 3-4 giờ mới xuất hiện hiểu hiện đầu tiên là ngứa ỏ miệng, tê miệng lưỡi, tay chân, sau đến cảm giác chóng mặt, choáng váng, đau đầu, mặt ửng đỏ, toát mồ hôi, đau bụng, nôn mửa, mệt lả, co giật, cứng hàm và lưỡi.
       Trường hợp nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao (60%) nếu cấp cứu chậm. Nguyên nhân tử vong do ngộ độc cá nóc là: liệt cơ hô hấp và hạ huyết áp.
       Đến nay, ngộ độc cá nóc vẫn chưa có thuốc đặc trị. Người bị ngộ độc cá nóc bị ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng.
       Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là các xã vùng ven biển bãi ngang thuộc các huyện như: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng thường xuất hiện cá nóc vào thời điểm từ tháng 2 đến tháng10 hàng năm, rộ nhất là các tháng 4,5,6 bà con ngư dân sau khi khai thác chọn lựa theo kinh nghiệm trên mỗi chuyến biển đã đưa sản phẩm cá nóc ra thị trường tiêu thụ. Vì vậy để phóng tránh ngộ độc cá nóc cần lưu ý:
* Đối với UBND các xã, thị trấn:
- Tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao hiểu biết và nhận thức của ngư dân và bà con đối với sự nguy hại của cá nóc đối với sức khỏe và tính mạng để mọi người tự giác không đánh bắt, thu gom vận chuyển, mua bán, chế biến, tiêu dùng cá nóc;
- Tổ chức cho các tàu cá có chiều dài dưới 15 mét, cơ sở kinh thủy sản nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo quy định tại Quyết định số 32/2019/QĐ-UBND ngày 29/7/2019 của UBND tỉnh Quảng Trị
- Nghiêm cấm các hành vi thu gom, vận chuyển, bảo quản, chế biến, tiêu thụ cá nóc hoặc sản phẩm chế biến từ cá nóc dưới mọi hình thức;
- Giám sát việc đánh bắt, vận chuyển, thu mua cá nóc của các hộ đánh bắt thủy hải sản; việc buôn bán, kinh doanh cá nóc tại các bến cá, chợ cá trên địa bàn. Phối hợp với cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố về ngộ độc cá nóc tại địa phương.
* Đối với các cơ sở đánh bắt, thu gom: 
+ Phải loại bỏ số cá nóc bị lẫn trong hải sản khai thác; việc loại bỏ cá nóc không được gây ô nhiễm môi trường.
+ Loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt tại bến cá, không thu gom cá tại các bãi cá.
+ Không bán cá nóc và các sản phẩm từ cá nóc.
* Đối với các cơ sở sơ chế, chế biến:
+ Loại bỏ cá nóc lẫn cá thường khi phơi khô.
+ Không phơi cá nóc làm cá khô, không làm chả cá nóc hay bột cá nóc để ăn và để bán.
+ Không làm cá nóc đông lạnh hoặc bất cứ hình thức nào để bán.
+ Loại bỏ cá nóc trước khi chế biến các sản sẩm từ cá.

* Đối với các cơ sở kinh doanh:
+ Không bán cá nóc và các sản phẩm từ cá nóc.
* Đối với người tiêu dùng:
+ Không ăn cá nóc tươi và bất cứ sản phẩm nào chế biến từ cá nóc.
       Các tổ chức/cá nhân nếu còn khai thác, thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh cá nóc sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 6, điều 11 của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Theo đó mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Để đề phòng ngộ độc cá nóc, cách tốt nhất là hãy “nói không với cá nóc”.
Nguyễn Thị Thu Hà - Chi cục QLCL NLS&TS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây