GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN - VÌ MỘT NGÀNH THỦY SẢN XANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ hai - 11/03/2024 23:33
Quảng Trị có chiều dài bờ biển gần 75 km, trải dài trên các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Ngoài khơi có đảo Cồn Cỏ cách đất liền (Mũi Lay) 17 hải lý với diện tích tự nhiên khoảng 2,3 km2, vùng biển xung quanh đảo là nơi trú ngụ, sinh trưởng của các loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Đây là ngư trường quan trọng đối với hoạt động khai thác hải sản. Với diện tích rộng gần 8.400 km2, trữ lượng hải sản khoảng 60.000 tấn/năm, ngư trường Quảng Trị được đánh giá là nơi tập trung nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, thuận lợi cho khai thác, đánh bắt thủy, hải sản… Với hệ sinh thái đa dạng, có nhiều rạn san hô đặc trưng, cỏ biển, đây còn là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển.
GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN - VÌ MỘT NGÀNH THỦY SẢN  XANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
       Thời gian qua, triển khai thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật, lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo xây dựng: 01 văn bản quy phạm pháp luật về Quy chế quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, 01 Chỉ thị, 07 kế hoạch, 05 văn bản chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện, đồng thời, phối hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã ký kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2022-2025. 
       Sau 5 năm triển khai Luật Thủy sản năm 2017, đối với lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã đạt những kết quả nổi bật như sau:
       Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề cương nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá đa dạng sinh học tổng thể Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ”. Đồng thời, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng dự thảo Đề cương và dự toán nhiệm vụ “Điều tra nguồn lợi thủy sản ở vùng lộng và vùng ven bờ tỉnh Quảng Trị”;
       Công tác bảo tồn biển: đã thực hiện tốt công tác quản lý Khu bảo tồn biển thông qua các hoạt động như: Tuần tra kiểm soát, giáo dục nâng cao nhận thức, truyền thông và phát triển cộng đồng, cứu hộ rùa biển và các loài động vật biển nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị, lặn kiểm tra giám sát rạn san hô và nền đáy biển… thành lập được một đội Tình nguyện viên bảo vệ Rùa biển trên đảo Cồn Cỏ từ những ngư dân và các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng huyện đảo Cồn Cỏ và tại các xã bãi ngang cửa lạch ven biển tỉnh Quảng Trị, đặc biệt kịp thời vận động tổ chức cứu hộ thả 70 cá thể Rùa biển về với đại dương. 
       Công tác tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản: thả hơn 104.650 con cá giống các loại như: Trăm, trôi, mè, chép, rô đồng,… về với các đập thủy lợi, Hồ chứa và các thủy vực tự nhiên để tái tạo, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, thả hơn 2.000 con cá mú giống tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt nhằm tăng cường nguồn lợi cho khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ và thả hơn 100.000 con giống tôm sú ở cửa biển.
        Trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa thành lập đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định tại Điều 10 Luật Thủy sản và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ. Tuy nhiên, trên các Hồ chứa thủy lợi, các thủy vực, vùng nước tự nhiên, các đơn vị quản lý và chính quyền địa phương đã giao cho một số hộ ngư dân quản lý, bảo vệ, khai thác một số đối tượng cá trưởng thành.
        Hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và chính quyền địa phương triển khai từ 24 đến 28 chuyến tuần tra bằng tàu kiểm ngư trên biển (3-4 ngày/chuyến), phạm vi hoạt động tại vùng bờ, vùng lộng thuộc vùng biển tỉnh Quảng Trị và tại các cảng cá, chợ cá và từ 08 đến 10 chuyến tuần tra bằng ca nô kiểm ngư trên vùng nội đồng (2 ngày/chuyến), phạm vi hoạt động là các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Đã xử phạt 183 vụ, trong đó số tiền xử phạt 995 triệu đồng.
       Trong 05 năm qua với sự nỗ lực của tỉnh đã nâng cao được nhận thức, ý thức, trách nhiệm của tăng ni, phật tử và người dân trong hoạt động thả giống phóng sinh loài thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học thông qua nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, có ý nghĩa và hiệu quả. Hình thành được phong trào phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản đặc biệt là trong dịp kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Thủy sản, lễ Phật đản, lễ Vu Lan và các ngày lễ lớn trong năm của Phật giáo tạo được sự lan tỏa tích cực và rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh. Góp phần tăng cường tái tạo, phục hồi quần đàn các loài thủy sản đang bị suy giảm trong các thủy vực tự nhiên, hạn chế việc khai thác, đánh bắt bằng các phương pháp, ngư cụ có tính hủy diệt nguồn lợi. Công tác quản lý động vật hoang dã quý hiếm được quan tâm nên trong thời gian qua, nhất là công tác cứu hộ rùa biển đưa về với đại dương. 
        Bên cạnh những mặt đạt được, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của địa phương vẫn còn một số khó khăn tồn tại như sau: chưa ban hành kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh; kinh phí triển khai còn hạn chế; tàu kiểm ngư đã củ; nhiều nghề khai thác truyền thống từ trước đến nay của người dân như đăng, đáy, xăm bãi ven bờ và vùng nội địa đã nuôi sống bao nhiêu người dân,  không mang tính hủy diệt, tuy nhiên đã cấm sử dụng gây khó khăn cho người dân. Công tác điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm chưa được Cục Thủy sản hướng dẫn, xây dựng và trình cơ quan thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn nghề khai thác, định mức kinh tế - kỹ thuật để có cơ sở triển khai.
       Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT một số nội dung sau:
       - Sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: (i) Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (ii) Chương trình quốc gia bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản để địa phương có căn cứ xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh cho phù hợp theo quy định của Luật Thủy sản.
       - Quan tâm đầu tư đóng mới 01 chiếc tàu Kiểm ngư có công suất và kích thước bảo đảm hoạt động chống khai thác bất hợp pháp trên biển.
       - Đề nghị bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 15/6/2019 của Chính phủ về thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư địa phương hoặc người đứng đầu cơ quan quản lý kiểm ngư địa phương, trưởng phòng kiểm ngư địa phương thuộc Chi cục. 
       - Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, tổ chức quản lý cảng cá, hệ thống cộng tác viên địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan về thực hiện điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm. Ban hành các tiêu chuẩn nghề khai thác, các định mức kinh tế - kỹ thuật; tài liệu hướng dẫn về loài/nhóm loài thủy sản, phân ô ngư trường khai thác phục vụ điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm.
                                                                          Lê Đức Thắng – Chi cục Thủy sản



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây