Cần canh tác lúa bằng giải pháp Sạ cụm – Bón vùi phân trên đồng đất Quảng Trị

Thứ năm - 25/01/2024 21:58
Sạ cụm hay còn gọi là sạ khóm, sạ định vị hay cấy bằng hạt giống là giải pháp gieo giống đang được người nông dân trong cả nước quan tâm, do tính hiệu quả vượt trội của giải pháp này.
Cần canh tác lúa bằng giải pháp Sạ cụm – Bón vùi phân  trên đồng đất Quảng Trị
Từ yêu cầu của sản xuất đến đáp ứng của máy sạ cụm 
        Trước hết, ruộng sạ cụm chỉ sử dụng lượng hạt giống tối thiểu (từ 40 – 60 kg/ha), giúp giảm được 60 – 70% lượng hạt giống sử dụng so với tập quán gieo sạ quá dày hiện nay (Theo yêu cầu của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị, tại thời điểm vụ Đông Xuân 2023-2024, lượng giống gieo sạ bình quân 80 kg/ha và khuyến cáo phải dưới 100 kg/ha. Tuy nhiên trong thực tế, mật độ gieo sạ của một số địa phương còn cao hơn nhiều, cao hơn mức khuyến cáo từ 1-2kg/sào tức nông dân gieo khoảng 100-120kg/ha. Như vậy, có thể nói máy sạ cụm đã phát huy hiêu quả ngay ở khâu đầu tiên là giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ và kéo theo hàng loạt lợi thế khác, như:
- Giảm lượng phân bón vô cơ so với sạ lan, sạ dày khoảng 10 – 15% (do sạ cụm sạ thưa, nhu cầu dinh dưỡng giảm);
- Giảm sử dụng thuốc BVTV từ 1 – 2 lần phun/vụ (do sạ thưa, ruộng lúa đầy đủ ánh sáng, nên giảm áp lực sâu, bệnh);
- Giảm sử dụng thuốc trừ cỏ hóa học (mà thay vào đó có thể làm cỏ bằng cơ giới do ruộng lúa được sạ theo hàng, theo cụm dể chăm sóc, làm cỏ);
- Giảm chi phí sản xuất (do giảm giống, giảm phân, giảm sử dụng thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ…);
- Giảm ô nhiễm môi trường (do giảm phân bón vô cơ, giảm sử dụng thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ ...);
- Giảm phát thải (do giảm lượng vật tư đầu vào, như giống, phân bón, thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ hóa học, nước tưới …);
- Giảm tình trạng ruộng lúa đổ ngã (do sạ thưa, ruộng lúa đầy đủ ánh sáng, thân lúa cứng, rể lúa ăn sâu, đồng thời các cây lúa sinh trưởng phát triển theo cụm, đan xen nhau, nương tựa nhau …chống đổ ngã tốt hơn);
- Giảm chi phí khử lẩn trong sản xuất giống (do ruộng lúa sạ theo cụm, theo hàng nên dễ khử lẫn);
- Tăng năng suất lúa (do lúa sạ theo cụm, theo hàng nên tiệm cận và phát huy được hiệu ứng hàng biên/hàng lề bờ);
- Tăng chất lượng hạt lúa/gạo (do ruộng sạ cụm ít sử dụng thuốc BVTV nên hạt lúa sạch, không tồn dư thuốc BVTV, đồng thời do sạ thưa, ruộng lúa đầy đủ ánh sáng nên hạt lúa sáng, chắc, mẫy …);
- Tăng hiệu quả kinh tế sản xuất lúa (do tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất lúa).
Tính ưu việt của việc sử dụng máy sạ cụm trong canh tác lúa:
- Nông dân không cần phải đầu tư đồng bộ cả dàn máy sạ cụm mà chỉ cần đầu tư bộ phận công tác (bộ phận sạ lúa theo cụm) với kinh phí phù hợp để kết nối với các loại máy làm đất, như máy cày lớn, máy xới nhỏ… để có thể sử dụng “đấu nối, kết ghép” vừa để làm đất vừa phục vụ gieo giống theo nhu cầu, đáp ứng được việc vừa giảm chi phí đầu tư thiết bị đồng bộ ban đầu, vừa tăng thời gian hoạt động của máy móc đã đầu tư trước đó.
- Máy sạ cụm sử dụng hạt giống khi sạ, khỏi phải qua công đoạn gieo mạ khá phức tạp, tốn thêm chi phí, và do đó giá thành khâu gieo giống bằng giải pháp sạ cụm chỉ bằng 1/3 so với giá thành khâu gieo giống bằng giải pháp cấy.
- Dàn sạ cụm liên kết được với nhiều thiết bị, máy móc khác nhau, có vòng bánh, cở bánh, cấu trúc bánh khác nhau, tương thích với nhiều địa hình, nền ruộng lún lầy khác nhau nên khắc phục được tình trạng nền ruộng sình lầy, không đảm bảo độ cứng cho máy cấy hoạt động.
       Ngoài ra, máy sạ cụm còn có năng suất làm việc cao hơn (6–8 ha/ngày) so với máy cấy chỉ đạt 3–4 ha/ngày, giúp đẩy nhanh lịch thời vụ gieo giống tập trung, đáp ứng yêu cầu của sản xuất.
       Các lợi thế trên bắt nguồn từ việc sử dụng lượng hạt giống tối thiểu trong gieo sạ, và quan trọng hơn của sạ cụm là không chỉ giảm lượng giống mà thông qua cấu trúc của thiết bị sạ cụm, hạt giống được phân bố đều trên mặt ruộng theo hàng, theo cụm với mật độ gieo theo yêu cầu; qua đó giúp ruộng lúa tiếp cận và phát huy được lợi thế của hiệu ứng hàng biên/hàng bờ cho sinh trưởng, phát triển mà các hình thức gieo sạ khác không đáp ứng được.
       Có thể nói, sạ cụm đã hội tụ đủ các lợi thế vể mặt kỹ thuật của giải pháp cấy, đồng thời còn khắc phục được mặt hạn chế về chi phí khâu cấy quá cao và khả năng vượt lầy trên nền đất yếu chưa khắc phục được.
       Mặt khác, nếu sạ cụm kết hợp được với giải pháp bón vùi phân cùng lúc với gieo sạ thì sẽ khai thác triệt để hơn các lợi thế của sạ cụm, đồng thời cộng hưởng thêm các lợi thế sau:
- Giảm thất thoát phân bón, đặc biệt là phân đạm do bốc hơi hoặc trôi theo dòng nước nếu nước tràn mặt ruộng và qua đó cũng giảm ô nhiểm môi trường;
- Kích thích rễ lúa ăn sâu, giúp hạn chế lúa đổ, ngã, nhất là ở vụ Hè Thu, đồng thời tăng khả năng chịu hạn cho ruộng lúa nếu gặp hạn, mặn cuối vụ Đông xuân;
- Phân được bón vùi liền kề với cụm lúa sạ, giúp cụm lúa tiếp cận với phân và hút phân dễ dàng, hạn chế việc mất phân do cỏ dại xung quanh, từ đó giúp nâng cao được hiệu suất sử dụng phân bón;
- Phân được thiết bị sạ cụm kết hợp bón vùi trong khi gieo sạ nên tiết kiệm được chi phí công lao động bón vải nhiều lần sau này;
       Đặc biệt, bón vùi phân đồng thời cùng lúc với gieo sạ sẽ cung cấp khoáng chất dinh dưỡng cho cây lúa kịp thời ngay từ những ngày đầu sau sạ, đảm bảo nhu cầu khoáng của cây lúa, giúp cây lúa sung sức, đẻ nhánh sớm, tập trung là yêu cầu cấp thiết cho ruộng lúa sạ cụm, sạ thưa, nhằm đảm bảo số nhánh, số bông/m2 cho năng suất lúa tối đa.
       Với những lợi thế trên, giải pháp sạ cụm kết hợp bón vùi phân có thể giúp giảm lượng phân bón 20 – 30% so với quy trình bón phân vải trên mặt ruộng nhiều lần như cách làm hiện nay của bà con nông dân.
Từ kết quả thực tế trên đồng ruộng
       Hiện nay bà con nông dân đang đón nhận máy sạ cụm như là giải pháp cơ giới hóa hiệu quả khâu gieo giống cho sản xuất lúa. Có thể nói máy sạ cụm là tiến bộ kỹ thuật kép, vừa nâng cao năng suất lao động, vừa nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế sản xuất lúa, và hơn thế nữa, máy sạ cụm là cuộc “cách mạng” trong giảm lượng giống lúa sử dụng.
       Tại tỉnh Quảng Trị, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Công ty TNHH TM-DV Sài Gòn Kim Hồng và một số địa phương triển khai mô hình sạ cụm vụ Đông Xuân 2022-2023 và vụ Hè Thu 2023 bước đầu đã khẳng định lợi thế vượt trội của giải pháp sạ cụm, kết quả một số điểm mô hình cụ thể:
       Mô hình tại HTX Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh (Vụ Đông Xuân 2022-2023), có quy mô: 01 ha, sử dụng Giống lúa ST 25 với lượng giống: Sạ cụm (50 kg/ha).
Kết quả: Qua thực tế sản xuất cho thấy, máy sạ lúa theo cụm đã giúp người nông dân giảm được một lượng giống khá cao, từ 60 – 70% so với tập quán sạ dày hiện nay. Nếu như lượng giống bà con nông dân sử dụng hiện nay phổ biến là 100 – 120 kg/ha thậm chí 130 kg/ha thì khi sử dụng máy sạ lúa theo cụm chỉ sử dụng 40 – 60 kg/ha. Đặc biệt, từ chỗ giảm giống đã kéo theo giảm phân, giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và chất lượng hạt lúa, tăng lợi nhuận cho nông dân... nhất là giảm được tình trạng lúa đổ ngã khi gặp gió, mưa lớn vào giai đoạn trỗ - chín. Quan trọng nhất là năng suất lúa ở vụ đầu tiên đã đạt 6,2 tấn/ha trong lúc lúa đài trà đạt 5,4 tấn/ha. Hiệu quả mô hình tăng hơn so với đại trà từ 6-8 triệu đồng/ha.
       Mô hình tại HTX Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Vụ Hè Thu 2023), có quy mô: 02 ha, sử dụng giống lúa Bắc Thơm 7 với lượng giống sạ cụm từ 50-60 kg/ha.
Kết quả: Tại ruộng trình diễn máy sạ lúa theo cụm cho thấy, năng suất làm việc khá cao. Trong điều kiện bình thường có thể đạt 6 - 8 ha/ngày, gấp đôi năng suất làm việc của máy cấy lúa hiện nay, giúp đẩy nhanh lịch thời vụ. Máy sạ lúa theo cụm hoạt động sạ bằng hạt giống, quy trình hoạt động, cách thức vận hành của máy sạ lúa theo cụm  đơn giản,  phù hợp với khả năng tiếp nhận của người nông dân. Qua thực tế sản xuất cho thấy, là giảm được lượng giống sử dụng đáng kể. Lượng giống gieo trung bình từ 100-120kg/ha, nay sạ cụm giảm lại chỉ còn 60kg/ha, có ruộng chỉ 50kg/ha (nói chung giảm được ít nhất là 40kg/ha). Công suất làm việc của thiết bị tối thiểu 3- 4ha/ngày (với những mảnh ruộng nhỏ) và từ 6-8ha/ngày (nếu đất liền thửa); phù hợp cho việc gieo cấy trong vụ Hè Thu (rút ngắn thời gian gieo cấy). Nhờ sạ thưa đã giảm áp lực sâu bệnh đáng kể (vụ Hè Thu chủ yếu phun phòng một số bệnh chính), ruộng lúa thẳng hàng, thông thoáng, tiếp nhận đầy đủ ánh sáng, cây đẻ nhánh tốt. Cuối cùng năng suất vẫn đạt hoặc cao so với các phương pháp gieo sạ khác trong vùng; ít sâu bệnh, đổ ngã (đặc biệt là vào vụ Hè Thu) do mật độ thông thoáng hơn. Qua đánh giá năng suất giống Bắc Thơm 7 vụ Hè Thu đã đạt 5,6 tấn/ha, năng suất của sạ cụm và sạ hàng đều có năng suất như nhau nhưng do chi phí của sạ cụm thấp hơn nên cho lợi nhuận cao hơn từ 2-3 triệu đồng/ ha. Đặc biệt sạ cụm có năng suất cao hơn sạ lan từ 0,4-0,6 tấn/ha và có lợi nhuận cao hơn sạ lan của bà con trong vùng từ 4-6 triệu đồng/ha.
       Ngoài ra, các mô hình còn tiết kiệm các nguồn vật tư đầu vào khác, như phân bón, thuốc BVTV, nước tưới… và các lợi ích khác, như giảm ô nhiểm môi trường, giảm phát thải…cùng với gia tăng năng suất và hiệu quả kinh tế sản xuất lúa, gia tăng thu nhập cho người nông dân.
       Qua đó, có thể khẳng định: Sạ cụm có nhiều lợi thế hơn hẳn so với sạ lan, đồng thời nếu kết hợp sạ cụm với bón vùi phân cùng lúc với gieo sạ thì các lợi thế trên sẽ được khai thác triệt để, đem đến kết quả vượt trội so với các hình thức gieo giống và bón phân khác. Sạ cụm – Bón vùi phân là giải pháp canh tác lúa tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính, đáp ứng yêu cầu của ngành nông nghiệp đề ra là “chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh trong canh tác lúa” và hoàn toàn phù hợp để vận dụng/ áp dụng vào sản xuất lúa trên đồng đất tỉnh ta./.
Thanh Tùng, Chí Công - TTKNQT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây