QUẢN LÝ DỊCH HẠI HỒ TIÊU TRONG MÙA MƯA

Thứ sáu - 01/12/2023 04:00
Tỉnh Quảng Trị có vùng đất đỏ bazan màu mỡ thích hợp cho việc trồng các cây công nghiệp dài ngày trong đó có cây hồ tiêu. Đặc thù khí hậu và đất đai đã tạo cho hạt tiêu Quảng Trị có mùi thơm, vị cay rất đặc trưng, được thị trường trong, ngoài nước ưa chuộng. Do đó cây hồ tiêu là cây công nghiệp dài ngày chủ lực đặc trưng của tỉnh, gắn bó với người nông dân.
ảnh internet
ảnh internet
      Tuy nhiên, năng suất hồ tiêu của tỉnh ta còn quá thấp so với trung bình chung của cả nước. Bên cạnh đó, giá cả vật tư tăng cao và giá hồ tiêu xuống thấp làm hạn chế quá trình đầu tư chăm sóc đã làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.
       Trong một vài năm gần đây, nhiều diện tích hồ tiêu bị thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu. Rét đậm, rét hại, mưa lũ, nắng nóng ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của hồ tiêu đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh gây hại nhiều diện tích, hại nặng trên các vườn thoát nước kém. Nhiều đối trượng dịch hại thường xuyên xuất hiện trên các vườn hồ tiêu như tuyến trùng, bệnh chết nhanh, chết chậm. Trong mùa mưa bệnh chết nhanh và chết chậm thường gây hại nặng.
       Bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora gây ra, là bệnh rất nguy hiểm cho cây Hồ tiêu. Triệu chứng bệnh ban đầu là các chóp rễ bị biến màu nâu nhạt sau chuyển sang nâu đen, mép lá hơi co lại rồi chuyển màu vàng trước khi rụng, mạch dẫn dây tiêu bị thâm đen. Cây tiêu héo rất nhanh, từ khi thấy triệu chứng lá bắt đầu héo đến khi cây chết chỉ sau 1-2 tuần, các thân dây chính vẫn bám trên trụ (có trường hợp khi cây chết lá bị héo khô nhưng không rụng).
       Nấm bệnh phát sinh, xâm nhiễm và gây hại rễ tiêu vào đầu hoặc giữa mùa mưa nhưng cuối mùa mưa mới gây chết hàng loạt. Bệnh phát sinh và lây lan mạnh nếu vườn không được thoát nước tốt, không làm tốt khâu vệ sinh đồng ruộng, bón phân không cân đối. Nấm bệnh tồn tại trong đất, trong tàn dư cây trồng, lây lan qua đường nước, qua không khí là nguồn bệnh cho các vườn hồ tiêu và tiếp tục gây hại cho tiêu trồng lại nếu không có biện pháp xử lý triệt để.
       Bệnh chết chậm: Bệnh này do sự kết hợp gây hại của tuyến trùng và một số nấm trong đất gây ra. Trong đó gây hại chủ yếu là tuyến trùng giống Meloidogyne spp. tạo ra các nốt u sưng trên rễ; các loài nấm trong đất gây hại như Fusarium, Rhizoctonia solani, Pythium sp., … ngoài ra rệp sáp hại rễ làm tăng mức độ bệnh.
      Tuyến trùng chui vào hệ rễ tơ và rễ chùm hút dịch cây, khi vào rễ tiêu chúng tạo ra những u bướu để cung cấp thức ăn cho tuyến trùng. Khi tuyến trùng chui vào rể tiêu tạo điều kiện cho các loại nấm gây hại rễ làm cho rễ thối chỉ còn rễ cọc nên khả năng hấp thu dinh dưỡng và vận chuyển nước bị giảm mạnh từ đó gây hiện tượng vàng lá, cây còi cọc; lá và đốt dây rụng dần, sau 2-3 năm chỉ còn lại các dây thân chính.
      Các loài tuyến trùng gây hại trực tiếp và tạo ra các vết thương, qua đó nấm bệnh xâm nhập gây hại làm cho rễ kém phát triển. Tuyến trùng và nấm thường xâm nhập gây hại nặng hầu hết các tháng trong năm, biểu hiện triệu chứng rỏ ở các tháng mùa khô. Quá trình này lặp lại trong 2-3 năm làm cho cây hồ tiêu tàn lụi.
      Để quản lý tốt 2 loại bệnh này cần tạo hệ thống thoát nước trong mùa mưa: Đào hệ thống thoát nước theo ô bàn cờ, độ sâu 40 -50 cm (3 hàng ngang một rãnh, 3 hàng dọc 1 rãnh), nếu đất có độ dốc cao thì đào theo hình xương cá; đào rãnh thoát nước chính sâu trên 50cm xung quanh vườn.
Phá bỏ bồn giữ nước quanh gốc để chống đọng nước. Vệ sinh vườn tiêu, tỉa bớt cành của cây choái; cắt cành, dây lươn sát mặt đất để gốc tiêu thông thoáng, giảm độ ẩm, bón vôi hạn chế lây lan nguồn nấm bệnh từ đất lên.
Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm bệnh chết nhanh, chết chậm, thu gom tàn dư cây bị bệnh mang ra khỏi khu vực vườn tiêu rồi đốt tiêu hủy, xử lý đất tại các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột; phải xử lý hố trồng bằng chế phẩm sinh học trước khi trồng lại.
       Phòng bệnh bằng chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng Trichoderma, xạ khuẩn Streptomyces,…Các chế phẩm sinh học trên bón kết hợp với các đợt bón phân cho cây, rắc chế phẩm trong vùng rễ tiêu rồi phủ lớp đất lên, tưới đủ ẩm.
       Đối với những vườn hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh cần xử lý bằng các loại thuốc đặc hiệu có hoạt chất Phosphonate, Metalaxyl,... (như Agrifos-400, Ridomil Gold 68WP, Mataxyl 500WP,...) bằng cách phun lên toàn bộ cây và tưới vào gốc với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
      Đối với vườn bị bệnh chết chậm cần trừ tuyến trùng bằng thuốc chứa hoạt chất Chitosan, Clinoptilolite …như Tervigo, Map Logic...; trừ nấm gây bệnh bằng thuốc có hoạt chất Fosetyl-aluminium, Copper Hydroxide,... như Aliette, Champion...Xử lý vào đầu hoặc giữa mùa mưa, liều lượng và cách sử dụng thuốc theo khuyến cáo ghi trên bao bì. Sau xử lý thuốc 7 ngày, xử lý kích thích ra rễ bằng một trong các loại thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón có khả năng kích thích ra rễ hoặc phân hữu cơ sinh học.  Cần thu gom, tiêu hủy cây bệnh nặng hoặc cây chết, vệ sinh đồng ruộng; xử lý hố trồng tổi thiểu 30 ngày trước khi trồng lại./.
Nguyễn Văn Khoa - Chi cục TT BVTV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây