CHUỐI TIÊU HỒNG Ở LẠI TRÊN ĐẤT A NGO

Thứ hai - 13/11/2023 21:45
Với diện tích thử nghiệm của đề tài 1 ha, hộ gia đình Anh Hồ Văn Tia ở thôn A Ngo, xã A Ngo, huyện ĐaKrông nhờ trồng chuối Tiêu hồng đã thu hoạch đạt năng suất bình quân 40 tấn/ha, cho lợi nhuậntrung bìnhtừ 80 đến hơn 100 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.
Hội nghị đầu bờ mô hình thâm canh chuối Tiêu Hồng
Hội nghị đầu bờ mô hình thâm canh chuối Tiêu Hồng
       Đến với vùng đất A Ngo những ngày đầu tháng 5 năm 2021, khi chúng tôi đi khảo sát thực địa để chọn điểm thực hiện đề tài Khoa học về thâm canh cây chuối Tiêu hồng với mục đích đưa giống chuối mới vào canh tác bên cạnh giống chuối lùn bản địa và tìm ra quy trình canh tác phù hợp nhất giúp người dân thay đổi phương thức trồng truyền thống tự phát sang trồng có quy mô, có quy trình, có chăm sóc đầu tư để tăng năng suất, hiệu quả, giá trị, tăng thu nhập từ chính cây chuối là cây trồng quen thuộc có từ lâu đời ở địa phương. Thực hiện điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng tại 5 xã A Ngo, A Vao, A Bung, Tà Rụt và Mò Ó với tổng số 100 hộ được điều tra. Các chỉ tiêu khảo sát gồm tình hình canh tác cây chuối của hộ, diện tích trồng chuối, thời vụ, tập quán canh tác về mật độ, bón phân, chăm sóc… Chúng tôi dừng chân ở xã ANgo và chọn được hộ anh Hồ Văn Tia, 1 hộ gia đình người dân tộc Vân Kiều, thu nhập chủ yếu từ trồng trọt trên vườn đồi một số cây màu như ngô, sắn, chuối.
       Có trồng chuối, có thu nhập nhưng cách trồng của hộ a Tia và các hộ đồng bào ở đây theo kiểu “nhờ trời”, không chăm sóc, không bón phân, không tỉa cây con mà để các chồi phát triển thành bụi, năng suất thấp, buồng ngắn, ít nải… Nói chung việc ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất canh tác cây chuối còn rất nhiều hạn chế. Phần lớn là chuối lùn bản địa, năm sau lấy chồi lại từ cây mẹ không được lựa chọn kỹ càng, sâu bệnh nhiều, chất lượng giảm sút và dần bị thoái hóa, chưa tương xứng với tiềm năng đất đai và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm bản địa của người dân.
       Để thực hiện được các nội dung của đề tài về 2 yếu tố thí nghiệm là mật độ và phân bón, nhóm nghiên cứu đã thiết kế lô trồng, phân ô, chia thửa thành 9 công thức được bố trí ngẫu nhiên, trong đó các công thức phân bón 220N:60P:440K; 240N:65P:480K; 260N:70P:520K tính cho 1 gốc/năm được bố trí trên nền của 3 mật độ 2000, 2500, 2778 cây/ha. Tổng diện tích 1 ha kể cả ô bảo vệ và đường biên phân ô. Sau đó hướng dẫn hộ gia đình rào xung quanh lô trồng để bảo vệ vườn cây.
Khó khăn trăn trở từ việc đưa giống chuối nào để thực hiện phù hợp với vùng đất vốn xưa nay cây chuối lùn đã là cây đặc sản, bản địa của người dân nơi đây. Để chính quyền địa phương đồng thuận, để người dân chấp nhận, chúng tôi mang quyết tâm cao đưa giống chuối mới vào thử nghiệm để lần đầu tiên cây chuối Tiêu hồng được bén rễ trên đất A Ngo. Với hy vọng về một bức tranh phủ xanh một màu xanh của cây chuối, được đi dưới những hàng chuối cao đều thẳng tắp, những buồng chuối dài nặng cây trĩu quả và tiếng cười của bà con miền sơn cước, chúng tôi bắt đầu hướng dẫn hộ gia đình thực hiện với phương châm bắt tay chỉ việc từ những công việc cơ bản nhất như đào hố, lấp phân...
Đưa giống chuối nuôi cấy mô vào thực hiện, hộ gia đình a Tia ngỡ ngàng vì lâu nay a vốn quen với kiểu trồng chuối bằng cây con cao khoảng 1m. Chưa từng thấy cây chuối mà theo a nói nhỏ bẳng chiếc đũa, cao bằng gang tay có thể trồng được. E ngại, chần chừ vì giống chuối không những mới mà còn nhỏ, thế nhưng a cũng thử 1 lần mạnh dạn thực hiện cùng sự hướng dẫn sát sao của đội ngũ cán bộ Trung tâm Khuyến nông, đơn vị thực hiện đề tài.
       Với ưu điểm của giống chuối nuôi cấy mô là cây đồng đều, sạch bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, sau 11-13 tháng trồng là cho thu hoạch, năng suất cao hơn so với các giống chuối thông thường, đạt yêu cầu cây giống khi xuất vườn theo tiêu chuẩn 10 TCN 530:2002, chiều cao 25-35cm, đường kính thân 10-15mm, 4-7 lá thật, được cung ứng từ Viện KHKT Bắc Trung Bộ và xuống giống trồng mới vào tháng 11 năm 2021.
       Qua quá trình theo dõi, cây chuối Tiêu hồng nuôi cấy mô đã thể hiện được đặc tính của giống, sinh trưởng và phát triển rất mạnh, thân cây to, khỏe, cứng cáp, lá dày, ít sâu bệnh hại. Sau gần 8 tháng trồng đã trỗ buồng và hơn 3 tháng sau khi trỗ cho thu hoạch, thời gian từ trồng đến thu hoạch vụ đầu tiên hơn 11 tháng ở công thức mật độ 2000 cây/ha, năng suất 43,5 tấn/ha và 12,5 tháng ở công thức 2778 cây/ha, năng suất 35 tấn/ha. Điều này chứng tỏ, mật độ cây trồng ảnh hưởng rất nhiều đến sinh trưởng phát triển, thời gian thu hoạch và đặc biệt là năng suất cây chuối. Trong đó, mật độ thưa 2000 cây/ha (khoảng cách hàng - hàng 2,5m; cây - cây 2m) thể hiện được sự ưu việt về cả mặt sinh trưởng và năng suất thu được.
       Thu hoạch bình quân toàn vườn năng suất đạt 40 tấn/ha, giá bán từ 3000- 4000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng/ha, anh Tia không khỏi vui mừng phấn khởi vì kết quả đạt được và vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì sự sinh trưởng mạnh mẽ của cây chuối mà anh chứng kiến trong quá trình chăm sóc. Thời gian cho thu hoạch nhanh, năng suất lại cao, anh Tia cho hay: “Trước đây trên mảnh vườn này gia đình tôi trồng vài luống ngô luống sắn xen ít bụi chuối ở góc vườn, còn lại đất bỏ hoang. Trồng chuối ở trên đồi thì năng suất rất thấp, 1 năm rưỡi có khi 2 năm mới thu hoạch. Nay có mô hình của Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ cây giống, phân bón và hướng dẫn nên gia đình đã biết cách trồng, chuối nhanh phát triển, nhanh cho trái, chỉ 1 năm đã thu hoạch được, buồng dài, quả to, sạch, đẹp, gia đình rất phấn khởi vì từ nay trở đi đã biết cách trồng chuối để có thu nhập trang trải cuộc sống”.
       Không những cho năng suất cao, mà chuối Tiêu hồng còn được đánh giá cao về mẫu mã quả đẹp, khi chín hoàn toàn quả vàng cuống xanh, lâu nhũn không giống như các giống chuối khác. Quả thơm ngon, không quá ngọt đậm. Test mẫu kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm trong quả chuối chín các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng như: chì Pd, Cadimi Cd, các vi sinh vật Ecoli, Salmonella đều ở mức an toàn.
       Cũng trong năm đầu tiên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo thuộc Sở Khoa học và Công nghệ trong việc tiến hành lấy mẫu cây chuối làm vật liệu đầu dòng cho công tác nuôi cấy mô của Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị. Cây được chọn lấy mẫu là những chồi con có chiều cao không quá 1 m, cây khỏe, không bị sâu bệnh. Đây là cơ sở để tiến tới sản xuất giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu về giống cho nông dân trong và ngoài địa bàn huyện Đakrông.
       Cây chuối tiếp tục phát triển tốt ở vụ thứ hai, các chỉ tiêu về sinh trưởng và năng suất cũng tập trung ở công thức mật độ 2.000 cây/ha, chiều cao cây từ 2,2 - 2,9m, số lá 7 - 11 lá/cây, 8 - 11 nải/buồng… Vườn cây về cơ bản không có đối tượng sâu bệnh hại nguy hiểm. Năng suất trung bình tương đương vụ thứ nhất đạt 40 tấn/ha, cao nhất là 43 tấn/ha ở công thức mật độ 2.000 cây/ha (2,5m x 2m), phân bón 240N:65P:480K/gốc/năm.
       Cũng như vụ thứ nhất công tác chống đổ, bao buồng chuối được gia đình nghiêm túc thực hiện. Chống đổ cây chuối Tiêu hồng bằng cọc tre từ sớm đã hạn chế được mức thấp nhất thiệt hại trong thời tiết mưa gió trong hai năm thực hiện mô hình. Sử dụng túi nilon để bao buồng chuối giúp bảo vệ và hạn chế sâu bệnh, tuy nhiên cần phải bao buồng sớm khi quả bắt đầu cong lên sẽ giảm thiệt hại từ sâu hại, nhất là sâu gặm vỏ làm ảnh hưởng đến mẫu mã quả.
          Ở vụ thứ 2, năng suất tương đương vụ thứ nhất, nhưng giá trị và hiệu quả kinh tế cao hơn do vụ thứ 2 không tốn chi phí mua giống, cây con phát triển từ chồi của cây mẹ ở vụ 1, vì vậy lợi nhuận hộ gia đình thu được đạt hơn 100 triệu đồng/ha, cao hơn vụ thứ nhất.
          Quá trình thực hiện 2 năm có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thử thách. Mô hình thực hiện ở địa bàn miền núi và triển khai trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh Covid 19, rất khó khăn trong việc di chuyển đi lại, thiết kế lô trồng, cung cấp vật tư, giống. Theo lịch thời vụ dự kiến trồng tháng 10/2021 nhưng lô giống bị hủy do lệnh cấm lưu thông phương tiện từ chỉ thị 16 của đợt đại dịch. Trung tâm Khuyến nông phải đặt hàng toàn bộ lô giống mới để triển khai thực hiện kịp mùa vụ vào giữa tháng 11/2021. Năm 2022, ảnh hưởng của bão Noru gây mưa to, gió lớn làm cho một số cây bị nghiêng, đỗ. Tuy nhiên nhờ làm tốt công tác bảo vệ, chống đỗ bằng cọc tre nên đã hạn chế rất nhiều tình hình thiệt hại trước ảnh hưởng của gió bão. Bên cạnh đó giá chuối xuống thấp so với các năm trước, chỉ 3000 đồng/kg, trong khi những năm trước 5000- 6000 đồng/kg làm ảnh hưởng đến tâm lí e ngại đầu tư của bà con. Tuy nhiên,nhờ thực hiện theo quy trình nên năng suất đạt cao, trung bình khoảng 40 tấn/ha , cho lợi nhuận cao hơn so với các loại cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích.
       Vượt qua những khó khăn, thử thách, với những kết quả, thành công được ghi nhận từ những đợt kiểm tra của các Sở ban ngành, trong đó đơn vị quản lý đề tài là Sở Khoa học công nghệ đã đánh giá cao về hiệu quả của đề tài. Ông Trần Ngọc Lân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị cho biết: đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định mô hình chuối tiêu hồng ở xã A Ngo rất thành công, các thông số kỹ thuật đều đạt và vượt chỉ tiêu. Thời gian tới, Sở Khoa học Công nghệ sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và địa phương để hỗ trợ nhân rộng mô hình.
       Mô hình không những thành công về mặt hiệu quả kinh tế mà còn thành công về mặt xã hội. Minh chứng từ việc tìm đến vườn cây tham quan học hỏi của bà con và cán bộ địa phương trong và ngoài vùng. Họ được tận mắt chứng kiến kết quả, nhìn thấy cách làm khoa học, bài bản có quy trình, có chăm sóc mà cán bộ Khuyến nông hướng dẫn đã đem lại hiệu quả, thu nhập thực sự. Một số hộ ở huyện Vĩnh Linh xa xôi qua phương tiện truyền thông đã nắm bắt được thông tin hiệu quả của mô hình và lặn lội hàng trăm cây số lên tận vườn tham quan, mua giống từ chồi con về để trồng  thử nghiệm tại hộ của mình.
       Ông Trần Cẩn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết: “Đề tài thực hiện đúng tiến độ, cây chuối Tiêu hồng sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao đã cho thấy sự phù hợp và thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Trên cơ sở đạt được, Trung tâm Khuyến nông sẽ hoàn thiện quy trình kỹ thuật để ban hành áp dụng vào sản xuất trên địa bàn tỉnh”. Cây chuối Tiêu hồng lần đầu tiên bén rễ trên đất A Ngo và đã ở lại với bà con nơi đây!
Lê Tú - Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây