TRỒNG MÔN NỊT TRÁI VỤ - GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ TRONG CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG TRÊN ĐẤT CÁT BẠC MÀU

Thứ sáu - 01/12/2023 03:33
Cầm trên tay những củ môn chắc nịch, to tròn, mỗi cây chỉ lấy một củ cái, bà con nông dân ở thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Thái không giấu nỗi niềm vui từ kết quả của vụ thu hoạch môn trên chính mảnh đất cát bạc màu bấy lâu nay canh tác các loại cây trồng kém hiệu quả hoặc bỏ hoang. Với năng suất thu được không bằng chính vụ nhưng giá bán cao nhờ trái vụ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 5- 6 lần so với trồng lạc.
TRỒNG MÔN NỊT TRÁI VỤ - GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ TRONG CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG TRÊN ĐẤT CÁT BẠC MÀU
       Vĩnh Thái là một xã bãi ngang ven biển huyện Vĩnh Linh, có diện tích khoảng 14,5 km² với dân số trên 3.700 người. Thu nhập chủ yếu từ hoạt động đánh bắt thủy hải sản và canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn đất nông nghiệp ở đây là cát bạc màu nên sản xuất canh tác gặp không ít khó khăn. Chính vì thế, bên cạnh thế mạnh khai kinh tế biển, xã Vĩnh Thái cũng chú trọng lựa chọn các loại cây, con nuôi phù hợp với đặc điểm đất đai đặc thù của xã. Trong đó, cây môn nịt là một trong những loại cây trồng ưu tiên đưa vào cơ cấu cây trồng của địa phương mang lại giá trị, nâng cao thu nhập cho bà con.
       Được sự hỗ trợ từ kinh phí tiểu hợp phần 3 “Các gói đầu tư tạo lợi ích từ rừng ven biển” của dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển” (FMCR) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Với sự đồng hành của Trung tâm Khuyến nông, đơn vị chỉ đạo kỹ thuật các gói sinh kế nông nghiệp đã triển khai mô hình trồng môn nịt theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm trên 2 ha đất cát tại thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh.
       Nhóm cộng đồng tham gia vào dự án gồm 20 thành viên, trong đó có 70% thành viên là phụ nữ có hoạt động sinh kế chính trước đây là trồng lạc. Với mục tiêu của Dự án  là nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong sản xuất cây trồng theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm, nâng cao tính chủ động cho cộng đồng, thân thiện môi trường, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng ven biển của địa phương.
       Mô hình được triển khai từ đầu năm 2023 với các hoạt động tập huấn kỹ thuật quy trình trồng môn theo hướng hữu cơ, tập huấn ủ phân hữu cơ vi sinh từ phân chuồng với phương pháp chia sẽ, trao đổi để người dân nắm bắt, thảo luận đồng thời phối hợp với UBND xã, nhóm cộng đồng để quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện mô hình theo yêu cầu đã đề ra. Tháng 4 năm 2023, mô hình bắt đầu xuống giống trồng mới.
       Đây là lần đầu tiên mô hình thực hiện tại địa phương với phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ và trồng trái vụ. Cây trồng cũ nhưng với phương pháp mới. Ban đầu thực hiện dự án cũng không tránh khỏi những khó khăn thử thách, sự e ngại của bà con. Tuy nhiên, với sự quan tâm của địa phương, sự quyết liệt trong chỉ đạo các mô hình của Trung tâm Khuyến nông, mô hình đã triển khai thực hiện thuận lợi, sau 7 tháng trồng đã cho thu hoạch.
Việc áp dụng quy trình trồng theo hướng hữu cơ đảm bảo an toàn thực phẩm, mô hình đã thành công, kết quả tại cuộc hội nghị đầu bờ, các ban ngành, chính quyền địa phương và bà con nông dân ghi nhận và đánh giá cao kết quả của mô hình.
      Thời vụ trồng tháng 4 dương lịch, mật độ  từ 25.000 - 30.000 cây/ha đảm bảo cho cây môn sinh trưởng và phát triển tốt, thời gian sinh trưởng khoảng  200- 210 ngày. Đất đai được xử lý bằng vôi trước khi trồng, phân chuồng bón lót được xử lý ủ hoai mục cùng chế phẩm Tricoderma. Các loại phân bón thúc trong mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh và phân hữu cơ khoáng. Quá trình bón thúc chia thành 4 lần kết hợp với mỗi lần bón là chăm sóc làm cỏ, vun gốc, theo dõi sâu bệnh hại...
       Cây môn vừa sử dụng củ vừa sử dụng thân lá nên việc phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời để cây sinh trưởng phát triển thuận lợi, bảo vệ bộ lá giúp cây quang hợp tốt là yếu tố quan trọng. Đặc biệt, đối với mô hình trồng môn theo hướng hữu cơ đòi hỏi sự chuyên cần, tích cực quan sát, theo dõi và phát hiện các đối tượng sâu, bệnh hại và có biện pháp phòng trừ hiệu quả, an toàn. Chỉ cần 2-3 ngày không kiểm tra, phát hiện, không xử lý thì cây môn sẽ bị gây hại nặng, có thể dẫn đến thất thu. Mô hình tuyệt đối không dùng thuốc BVTV hóa học mà chỉ dùng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học thân thiện môi trường và an toàn cho người sử dụng. Quá trình sinh trưởng phát triển ở mô hình xuất hiện các loại sâu bệnh hại như rệp mềm chích hút, nhện đỏ, sâu ăn lá, cháy lá (đốm lá)... Tuy nhiên mức độ nhiễm sâu bệnh ít hơn trồng chính vụ do tổng số giờ nắng nhiều, thời tiết tương đối mát mẻ, lượng mưa ẩm ít hơn chính vụ. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con xử lý kịp thời nên đã hạn chế tối đa sự gây hại của sâu bệnh và không ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
       Theo đánh giá, mô hình cho kết quả cao và mang lại hiệu quả kép cho bà con. Đó là vừa thu hoạch sản phẩm chính củ môn (củ cái), năng suất 10-12 tấn/ha, giá bán từ 20.000-25.000 đồng/kg, cao hơn so với giá chính vụ (giá bán chính vụ 15.000 - 17.000 đồng/kg), vừa thu đáu (củ con) năng suất khoảng 3,2 tấn/ha, giá bán 10.000 đồng/kg hoặc làm giống thì giá bán cao hơn nhiều, vừa thu thân môn làm dưa muối năng suất 7,5 tấn/ha, giá bán 3.000-5.000 đồng/kg. Với 1 ha sản xuất, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 147,3 triệu đồng, tương đương khoảng 7,4 triệu đồng/sào, cao gấp 5- 6 lần so với trồng lạc.
       Thuận lợi của mô hình khi triển khai là mục tiêu phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp địa phương và nguyện vọng của người sản xuất. Chính quyền địa phương quan tâm, ủng hộ. Các hộ tham gia tích cực, tự nguyện, đặc biệt mô hình với sự tham gia của nhóm cộng đồng hầu hết là chị em phụ nữ nên quá trình thực hiện nghiêm túc, chỉn chu. Dự án hỗ trợ 100% giống, phân bón hữu cơ nên chi phí đầu vào giảm, giúp bà con yên tâm thực hiện.
       Tham dự hội nghị đầu bờ tổng kết mô hình, ông Diệp Hồng Cương, phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh cho rằng mô hình thực sự có hiệu quả, giải quyết được vấn đề cơ cấu cây trồng, chọn được đối tượng phù hợp cho địa phương. Tuy năng suất thấp hơn chính vụ nhưng giá cao gần gấp đôi đã mang lại thu nhập cao, gấp 5-6 lần so với trông lạc, mở ra hướng đi mới cho địa phương. Kết thúc mô hình xã nên có định hướng duy trì nhân rộng. Bên cạnh đó lưu ý trong kỹ thuật canh tác, sau khi trồng môn trái vụ xong nên luân canh trồng lại một vụ cây khác như lạc, ném rồi mới trồng môn để hạn chế sự tập trung của sâu bệnh, cải tạo đất, bổ sung dinh dưỡng nhằm mang lại hiệu quả canh tác cao nhất.
       Bên cạnh hiệu quả kinh tế, mô hình còn mang lại hiệu quả xã hội và môi trường là tận dụng được thời gian nhàn rỗi của người dân để trồng, chăm sóc, thu hoạch góp phần giải quyết cao công ăn việc làm cho lao động địa phương, ổn định sinh kế. Canh tác theo hướng hữu cơ sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Lê Tú - Trung tâm Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây