TÁC HẠI CỦA BỆNH SÁN LÁ GAN TRÂU BÒ VÀ HƯỚNG DẪN BIỆN PHÁP PHÒNG, TRỊ BỆNH

Thứ tư - 20/09/2023 03:35
Trâu bò là loại vật nuôi được nhiều người chăn nuôi lựa chọn để phát triển các mô hình nông nghiệp. Đây là mô hình kinh tế có tính bền vững và hiệu quả, giúp xóa đói giảm nghèo và tạo được thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Tuy nhiên chăn nuôi trâu bò ở vùng đồng bằng thường mắc phải bệnh sán lá gan do nguồn bệnh (kén) sống nhiều và bám vào cây cỏ thủy sinh trên đồng ruộng gây nên, đây là một trong những yếu tố làm giảm hiệu quả kinh tế cho chăn nuôi trâu bò.
TÁC HẠI CỦA BỆNH SÁN LÁ GAN TRÂU BÒ VÀ HƯỚNG DẪN BIỆN PHÁP PHÒNG, TRỊ BỆNH
Vì vậy, để khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của loại vật nuôi này, ngoài việc chọn giống bò có năng suất cao; áp dụng kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng tốt; tiêm phòng vắc xin phòng một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm… thì bà con cần chú ý đến công tác phòng trị sán lá gan cho trâu bò để vật nuôi được sống khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao.
          1. Nguyên nhân gây bệnh sán lá gan ở trâu bò
          Bệnh sán lá gan ở trâu bò do 2 loài sán lá là Fasciola gigantica và sán Fasciola hepatica gây ra. 
Sán lá trưởng thành sẽ sống trong các ống dẫn mật để đẻ trứng. Trứng của chúng theo ống dẫn mật tiết về ruột rồi theo phân ra ngoài môi trường. Khi trứng gặp điều kiện thuận lợi như thời tiết nóng ẩm hay rơi vào nước, trứng sẽ nở thành mao ấu và di chuyển trong nước. Mao ấu chui vào cơ thể ký chủ trung gian (các loài ốc nhỏ sống ở ruộng, ao hồ, mương máng). Trong cơ thể ốc, mao ấu bắt đầu phát triển thành vĩ ấu rồi chui ra khỏi ốc. Khi vĩ ấu ra ngoài tự nhiên, chúng rụng đuôi và biến thành ấu trùng cảm nhiễm (thường gọi là kén) 
          Nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh sán lá gan ở trâu bò là do chúng ăn phải thức ăn, nước uống chứa kén sán. Kén thường bám vào các loài cây thủy sinh, cây cỏ hay trôi nổi trong nước. Khi vào cơ thể trâu bò, màng kén sẽ bị phân hủy, giải phóng ấu trùng. Ấu trùng tiếp tục di chuyển vào ống dẫn mật, chúng ở lại đó và tiếp tục phát triển đến giai đoạn trưởng thành. Sán lá trưởng thành sống trong ống dẫn mật của gan khoảng từ 3 - 11 năm.

          2. Triệu chứng trâu bò nhiễm sán lá gan
          Bệnh sán lá gan ở trâu bò thường có 2 trạng thái là thể cấp tính và thể mãn tính. Để nhận biết trâu bò bị bệnh sán lá gan, bà con có thể dựa vào các triệu chứng sau: 
          * Thể cấp tính: Thường xảy ra ở nghé, bê dưới 1 năm tuổi với các biểu hiện: 
          - Trâu, bò bỏ ăn, có triệu chứng chướng hơi dạ cỏ, ỉa chảy dữ dội, đi phân lỏng màu vàng xám, có mùi tanh. 
          - Vài ngày sau triệu chứng trên, súc vật nằm bẹp không đi lại được. Nếu không được điều trị kịp thời, gia súc có thể chết trong tình trạng rối loạn điện giải, mất nước, và kiệt sức. 
          * Thể mãn tính: 
- Bệnh sán lá gan ở trâu bò khiến con vật gầy dần, cơ thể suy nhược.
- Trâu, bò ăn ít lại, niêm mạc nhợt nhạt, lông bị xù, khô và dễ rụng (đặc biệt rụng lông ở 2 bên xườn),
- Có dấu hiệu thủy thũng ở mi mắt, yếm ngực. Trâu, bò nhai lại yếu, thiếu máu.
- Thường xuyên bị chướng bụng nhẹ, ỉa chảy hoặc táo bón kéo dài.
- Một vài con trâu, bò nhiễm sán lá gan sẽ có triệu chứng thần kinh. 
- Trường hợp nặng trâu, bò có thể chết vì kiệt sức.
3. Biện pháp phòng, trị bệnh sán lá gan ở trâu bò.
          Bệnh sán lá gan ở trâu bò là một trong những bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe vật nuôi, có thể khiến con vật yếu dần và chết. Điều này, gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập của bà con. Để hạn chế tính trạng trâu, bò bị nhiễm sán lá gan, bà con nên chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh là chính. Khi con vậy đã nhiễm bệnh, bà con cần điều trị kịp thời, đúng lúc và đúng cách để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. 
*Phòng bệnh:
Người chăn nuôi cần làm tốt công tác vệ sinh thú y, tiêu độc khử trùng chuồng trại; diệt mầm bệnh ở trong môi trường tự nhiên: ủ phân để diệt trứng sán lá gan. Định kỳ chủ động tẩy sán lá gan 2 lần/năm cho toàn đàn trâu vào tháng 4  tháng 8 hàng năm.
* Điều trị bệnh
          Khi phát hiện trâu. bò bị nhiễm sán lá gan, người chăn nuôi cần tiến hành điều trị nhanh chóng, kịp thời cho con vật bằng một trong các loại thuốc sau:
          - Thuốc Fasinex: Bà con có thể sử dụng thuốc Fasinex với liều dùng 12mg/kg thể trọng để cho gia súc bị nhiễm bệnh uống, hoặc có thể trộn vào thức ăn cho chúng ăn. Loại thuốc này có hiệu quả tốt đối với cả sán lá gan trưởng thành, sán dạng non hay đang di hành trong nhu mô gan.
- Thuốc Dertil - B của công ty Hanvet: Đây là loại thuốc dạng viên nén tròn, màu hồng. Bà con cho gia súc bị bệnh dùng với liều 1 viên cho 50kg thể trọng. Thời gian cho trâu bò uống tốt nhất là vào buổi sáng. Sau khi uống, có thể cho trâu bò đi chăn thả bình thường. 
          - Thuốc Fasciolid, Tolzan F, Okazan để tiêm cho trâu bò theo liều lượng của nhà sản xuất. 
          Trong quá trình dùng thuốc để phòng, trị bệnh sán lá gan, bà con cần sử dụng thêm các loại thuốc bổ để tăng cường sức đề kháng và bồi bổ cho trâu bò như: VTM C, ADEB comlex.

          Nếu trâu bò quá gầy, sau khi tẩy sán lá gan bà con cần tiêm thêm các loại thuốc bổ tốt như: Bayer-Castosal hoặc Bio-Metosal,… đồng thời, đảm bảo chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tốt để cơ thể vật nuôi nhanh chóng phục hồi.
Văn Thị Hằng
                                                          Trạm Chăn nuôi và Thú y Hải Lăng
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây