HỎI ĐÁP : Một số người dân có hỏi công dụng của cây chè dây?

Thứ hai - 05/07/2021 04:21
Trả lời : Đặc điểm cây chè dây và công dụng.
HỎI ĐÁP : Một số người dân có hỏi công dụng của cây chè dây?
Chè dây (gọi Chè dây rừng, chè dây leo, Chè dây, bạch liễm, điền bồ Chè, hồng huyết long, ngưu khiên tỵ, chè hoàng thau, chè hoàng gia, song nho Quảng Đông…), có tên khoa học là Ampelopsis cantoniensis (Hook. & Arn.) Planch, thuộc họ Nho Vitaceae.
Theo kết quả điều tra cho thấy Cây chè dây (Ampelopsis cantoniensis) đang tồn tại và phát triển tương đối tốt ở các khu vực rừng tự nhiên phục hồi sau nương rẫy Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và một số khu vực khác ở tỉnh Quảng Trị.
Qua tìm hiểu tài liệu, sách, tạp chí khoa học gồm: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi, Từ điển cây thuốc của Võ Văn Chi, Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam của tập thể tác giả ở Viện Dược liệu, thì cây Chè dây có dược lý rất tốt trong việc phòng, điều trị một số bệnh tật cho con người, đặc biệt cây chè dây điều trị những người mắc bệnh dạ dày. Đây là loài thảo dược phổ thông, rất dễ kiếm và trồng nó nhưng lại có tác dụng rất tốt.
Về hình thái, sinh thài học:
Cây chè dây thường dài khoảng 1 – 2m, phần tua bám vào thân cây cổ thụ rất chắc chắn. Lá cây bản to, dài, đầu lá nhọn, có răng cưa ở hai mép. Lá cây có màu xanh, không có lông, bề mặt nhẵn bóng, phần viền lá màu tím sẫm. Khi mới mọc, lá cây Chè dây có màu hơi tím, sau đó chuyển dần sang màu xanh. Khi đạt độ trưởng thành lá cây sẽ có màu xanh đậm.
   Cây Chè dây có hoa trắng, trên cùng một cây sẽ có hoa đực và hoa cái mọc xen kẽ với nhau. Hoa chè nở thành chùm, thụ phấn nhờ côn trùng. Vào mùa hè hoa chè sẽ nở và kết trái vào đầu mùa thu. Quả của cây chè dây có màu đỏ hơi tím, gần giống với màu lá non, mỗi quả có khoảng 3 – 4 hạt.
   Sự phân bố: chè dây mọc hoang ở các khu vực miền núi Tây Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Hòa Bình… và các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Hà Tĩnh… Ngoài Việt Nam, Chè dây còn mọc tại nhiều nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Lào…Theo nghiên cứu của các nhà khoa học đã được công bố về cây chè được bào chế thành những bài thuốc chữa bệnh sau:
Trị đau dạ dày: Dùng 30 – 50g Chè dây pha Chè hoặc sắc nước uống mỗi ngày. Điều trị mỗi đợt từ 15 – 30 ngày.
Phòng bệnh sốt rét: Sử dụng chè dây và hồng bì mỗi vị 60g, lá đại bì, rễ cỏ xước, lá tía tô, rễ xoan rừng mỗi vị 12g, vỏ hoặc lá cây vối 12g. Sắc các vị thuốc với 400ml nước đến khi cạn còn khoảng 100ml thì đem uống. Sử dụng bài thuốc 3 ngày, mỗi ngày 1 lần.
Chữa đau nhức, tê thấp: Giã nát một nắm lá chè dây tươi, hơ nóng qua lửa rồi gói vào mảnh vải sạch. Đắp trực tiếp bã chè giã lên vị trí nhức, đau.
Điều trị ổ mủ do nhiễm trùng: Dùng 15g Chè dây sắc cùng rượu theo tỉ lệ 1:1 lấy nước uống. Ngoài ra người bệnh có thể hầm chung Chè dây với thịt heo nạc để ăn.
Điều trị đau thắt bụng trên, tiêu chảy: Sử dụng 50g chè dây tươi, 15g gừng tươi sắc cùng với 2 chén nước để uống. Người già và trẻ em hoặc người bị bệnh nhẹ có thể giảm liều. 
Trị cảm mạo, hầu họng sưng đau, sốt: Dùng Chè dây sắc nước uống mỗi ngày 15 – 60g.
Ảnh: Cây Chè dây ngoài tự nhiên
        Hiện nay ở một số tỉnh đã phát triển trồng và bán sản phẩm từ cây chè dây rất có hiệu quả. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị việc sử dụng cây chè dây trong điều trị và làm nước uống hàng ngày vẫn chưa được phổ biến, bên cạnh đó công tác nghiên cứu và phát triển loài cây dược liệu vẫn chưa được quan tâm. Đã đến lúc các cơ quan, đơn vị chuyên môn nên tìm hiểu nghiên cứu và xây dựng mô hình cũng như xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường cho loài cây chè dây, đồng thời cần có chính sách đầu tư cho người dân vùng núi, nhất là người dân đồng bào tiểu số sống gần rừng có những mô hình phát triển bền vững để giảm tác động đến rừng tự nhiên và xem cây chè dây (Ampelopsis cantoniensis) là một định hướng phát triển cây dược liệu cho tương lai gần nhằm bảo tồn và phát triển bền vững loài dược liệu./.
Sưu tầm & biên soạn: Hoàng Văn Chiến- BQL Khu BTTN Đakrông

Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây