SỬ DỤNG CHẾ PHẨM SINH HỌC XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG VÀ ĐỒNG RUỘNG SAU LŨ LỤT

Chủ nhật - 20/12/2020 21:47
Ảnh hưởng của mưa lũ liên tiếp trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã làm ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và đất sản xuất nông nghiệp. Nếu như các đợt lụt nhỏ có tác dụng bồi đắp phù sa, tiêu diệt sâu bệnh, chuột bọ… thì các đợt lụt to, ngập sâu diễn ra liên tục và dài ngày đã phần nào làm mất đi kết cấu của một số diện tích đất canh tác.
        Có thể kể đến như mất đất sản xuất nông nghiệp do dòng chảy cuốn trôi tầng đất canh tác, chỉ còn trơ trọi lại đá. Hoặc bị bồi lấp thêm một lớp đất đá dày từ cường độ lớn các dòng chảy cuốn theo cát, sỏi, đá vùi lấp trùm lên trên mặt ruộng phải mất rất nhiều công sức mới có thể san gạt canh tác trở lại. 
       Ở các huyện Đồng bằng, sau mưa lũ dài ngày, nguồn rác thải trôi theo dòng  chảy tấp thành đống, dọc theo bờ sông, đồng ruộng như thân lá cây, xác bã động vật …ứ động, việc cải tạo đất sản xuất đang là nỗi lo lắng của nhiều bà con nông dân bởi sau lũ vấn đề ô nhiễm môi trường tiềm ẩn nhiều mầm mống sâu bệnh là nguy cơ bùng phát dịch hại, đất đai mất cân bằng dinh dưỡng, một số nơi đất ruộng bị bồi lấp bởi bùn cát, gây bết dính, nén đất, tích tụ khí độc về sau gây nghẹt rễ, ngộ độc hữu cơ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây trồng. Vậy giải pháp nào để giải quyết vấn đề cải tạo đất sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ, lấy lại độ tơi xốp phì nhiêu vốn có.
        Một trong những giải pháp cải tạo đất đai mang lại hiệu quả và có xu hướng phát triển mạnh trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là sử dụng chế phẩm sinh học.  
Chế phẩm sinh học là những sản phẩm được điều chế, chiết xuất từ những thành phần nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, có nguồn gốc từ thực vật (rong, rêu, tảo...), động vật (giun quế, côn  trùng...), vi sinh vật... Các sản phẩm này có độ an toàn cao, thân thiện với con người và môi trường, không độc hại cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản, xử lý môi trường.     
       Trong chế phẩm sinh học thường chứa các chủng vi sinh vật có lợi, nhóm các chủng vi sinh vật thông dụng nhất là nhóm Các vi sinh vật đối kháng, cạnh tranh thức ăn với vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn Trichoderma, Bacillus spp và được dùng trong phòng trừ nấm bệnh hại cây trồng, xử lý các chất thải hữu cơ và các khí độc trong môi trường ao nuôi…
        Khi sử dụng, vi sinh vật trong chế phẩm sẽ được kích hoạt và phát huy tác dụng nhờ đó các chất hữu cơ sẽ nhanh chóng được phân hủy. Với khả năng hoạt động nhanh và mạnh của vi sinh vật, việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lí trên đồng ruộng và xử lý môi trường, cải tạo đất đai sau lũ lụt sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề: 
-    Phân hủy và làm hoai mục nhanh các loại rác hữu cơ tạo ra phân bón hữu cơ ngay trên đồng ruộng, góp phần làm sạch môi trường.
-    Cân bằng dinh dưỡng, vi sinh vật… của hệ sinh thái trong môi trường đất
-    Có tác dụng cải tạo đất, giúp đất tơi xốp, thoáng khí, tăng độ phì nhiêu cho đất, hạn chế các tác nhân gây bệnh tồn tại trong đất.
-    Tăng sức đề kháng cho cây trồng.
-    Tiêu diệt côn trùng gây hại mà không gây hại đến môi trường như các thuốc BVTV có nguồn gốc từ hóa học….
*Cách xử lí
-  Phun trực tiếp tại đồng ruộng: 
+ Chuẩn bị và phun chế phẩm: Hòa tan chế phẩm (dạng nước hoặc dạng bột) vào bình phun và phun đều trên mặt ruộng với lượng như trên bao bì hướng dẫn.
+ Cày vùi rơm rạ, phế phẩm: Sau khi phun chế phẩm xong, cho máy cày vào cày lật gốc rạ, đảm bảo cho rơm rạ được cày vùi kỹ vào đất. Sau đó, cho nước vào ruộng ngập khoảng 3 – 5cm và trang  lại cho bằng phẳng để ruộng trống 7-10 ngày.
+ Hoàn tất quá trình:Sau khi để ruộng trống 7-10 ngày, cho nước vào và gieo sạ bình thường.
-    Ủ phân hữu cơ từ việc thu gom rác thải hữu cơ sau mưa lũ: 
+ Thu gom các loại thân lá cây, rác hữu cơ bị tấp ứ sau lũ tại điểm có nền ủ tương đối bằng phẳng, cao ráo. Có thể bỏ thêm trong đống ủ 1 - 2 kg Đạm và Lân mỗi loại để bổ sung nguyên tố khoáng cho thành phẩm phân hữu cơ vi sinh.
 + Sau đó trộn với chế phẩm sinh học đảo đều rồi chất thành đống, mỗi đống ủ cao không quá 1,5 m.
+ Phủ bạt ủ trong thời gian từ 30-45 ngày.
+ Trong quá trình ủ, thường xuyên kiểm tra chất lượng đống ủ nếu thấy khô tưới thêm nước để đảm bảo các Vi sinh vật trong chế phẩm hoạt động tốt, xác bã hữu cơ nhanh chóng được phân hủy. 
         Các vi sinh vật trong chế phẩm sẽ hoạt động và làm hoai mục nhanh các nguyên liệu hữu cơ trong đống ủ để cho ra sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh tơi xốp, giảm mùi hôi.  Sản phẩm này giúp người dân vùng lũ giải quyết nhanh lượng rác hữu cơ ứ động, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường và có thêm phân bón tại chổ để phục vụ sản xuất trong vụ đông xuân sắp tới khi mà các loại phân chuồng đã bị lũ cuốn trôi.
*Một số lưu ý khi sử dụng chế phẩm:
        Có nhiều loại chế phẩm sinh học trong nông nghiệp tùy theo mục đích và nhu cầu sử dụng khác nhau , Trong đó chế phẩm cải tạo đất, xử lí chất hữu cơ, phòng trị bệnh thường chứa các loại vi sinh vật đối kháng như nấm Trichoderma, Bacillus spp nên cần lưu ý trong quá trình sử dụng như sau: 
       Trichoderma nên được sử dụng hết trong 1 lần vì trong môi trường tự nhiên không có thức ăn Trichoderma sẽ giảm số lượng nhanh chóng trong 3-4 tháng, sau 6 tháng thì hoàn toàn mất tác dụng.
          Tưới ẩm đất thường xuyên sau khi sử dụng, tránh khô hạn lâu ngày, thiếu độ ẩm và phải tiếp xúc với ánh sáng thường xuyên sẽ làm Trichoderma giảm số lượng và kém hiệu quả.
        Chỉ sử dụng nấm Trichoderma với các loại phân chuồng, phân hữu cơ, phân vi sinh. Các loại phân vô cơ với nồng độ đậm đặc sẽ làm chết nấm làm giảm hiệu quả khi sử dụng.
       Không trộn chung Trichoderma với vôi bột khi sử dụng, do vôi có tính kháng khuẩn nên cũng làm chết nấm Trichoderma.
         Không pha trộn Trichoderma với các loại thuốc BVTV có hoạt chất hóa học sẽ làm chết Trichoderma gây mất tác dụng.
        Một số loại chế phẩm sinh học cải tại đất đai, môi trường, phân hủy chất hữu cơ…thông dụng được sử dụng hiện nay: Chế phẩm sinh học Compo-QTMIC của Trung tâm ứng dụng KHCN-Sở KHCN Quảng Trị ; Chế phẩm sinh học BIMA của công ty CN sinh học TPHCM; Chế phẩm sinh học Tricodecma CNX của công ty Công nghệ xanh; Chế phẩm sinh học EM vườn sinh thái của trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội; Chế phẩm sinh học Tricodecma AT của công ty Công nghệ sạch NN Hà Nội; Chế phẩm sinh học Tricodecma Bacillus của công ty Hưng Điền TPHCM. 
Sử dụng chế phẩm sinh học là một phương pháp hữu hiệu trong việc cải tạo đất đai, đồng ruộng,  ngăn chặn mầm bệnh và kiểm soát dịch bệnh,  khử mùi hôi và hạn chế côn trùng gây bệnh, giúp người dân chủ động ủ phân bón tại chỗ, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sau mùa mưa lũ.
Lê Tú - Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây