CÁC ĐỐI TƯỢNG DỊCH HẠI CẦN CHÚ Ý Ở GIAI ĐOẠN LÚA TRỔ CHÍN

Chủ nhật - 04/04/2021 23:22
Vụ Đông Xuân năm nay cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên hầu hết các vùng trồng lúa đều gieo quá dày nên một số đối tượng có thể gây hại nặng giai đoạn lúa trổ- chín và ảnh hưởng lớn đến năng suất cần chú ý gồm:
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
1. Bệnh đạo ôn
Trong giai đoạn đứng cái- làm đòng, bệnh đạo ôn lá đã phát sinh gây hại một số vùng, giai đoạn lúa trổ bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng phát sinh gây hại nhiều vùng nếu không kịp thời phòng trừ, đặc biệt là những ruộng gieo trồng các giống nhiểm, bón thừa đạm, ruộng xanh tốt...
Bệnh được lan truyền bằng bào tử phát tán theo gió, xâm nhập vào phiến lá, cổ lá đòng, cổ bông, cổ gié. Các vị trí khác nhau của bông lúa đều có thể bị bệnh với triệu chứng các vết màu nâu xám hơi teo thắt lại. Vết bệnh trên cổ bông xuất hiện sớm thì bông lúa bị lép, gây bông bạc; nếu bệnh xuất hiện muộn khi hạt đã vào chắc thì gây hiện tượng gẫy cổ bông. Vết bệnh ở hạt không định hình, có màu nâu xám hoặc nâu đen. Nấm ký sinh vỏ trấu và có thể ở bên trong hạt. Hạt giống bị bệnh là nguồn truyền bệnh từ vụ này qua vụ khác.
Nhiệt độ tối thích cho bệnh phát sinh gây hại 22 - 280C, ẩm độ > 90%. Bệnh gây hại hầu hết các giống đang gieo trồng trên địa bàn Quảng Trị, hại nặng một số giống như HC95, Bắc Thơm 7, P6... và ruộng bón thừa đạm.
Khi ruộng bị bệnh cần tiến hành tăng cao mức nước và tiến hành phun thuốc phòng trừ bằng các loại thuốc có hoạt chất Tricyclazole, Isoprothiolane, Fenoxanyl + Tricyclazole,... như Map Famy, Beam, Filia.... Những chân ruộng đã bị đạo ôn lá, cần tiến hành phun phòng đạo ôn cổ bông trước khi lúa trổ 5-7 ngày.
2. Rầy nâu, rẩy lưng trắng
Rầy nâu và rầy lưng trắng là đối tượng thường xuyên gây hại lúa ở địa bàn tỉnh ta cả 2 vụ. Rầy non và trưởng thành chích vào thân cây lúa để hút nhựa làm cho cây vàng úa, khi mật độ cao gây hiện tượng cháy rầy, lúc đầu là từng đám, sau có thể lan rộng ra cả ruộng và cả cánh đồng nếu không phòng trừ kịp thời. 
Rầy lưng trắng non màu trắng, hình quả trám hoạt động nhanh nhẹn hơn rầy nâu. Trứng rầy lưng trắng có dạng quả chuối tiêu dài và nhọn. Rầy đẻ trứng trong bẹ lá hoặc trên gân lá, mỗi ổ từ 2 - 7 trứng. Mới đẻ có màu trong suốt, sau chuyển màu vàng sắp nở có 2 điểm mắt màu đỏ. Rầy non có 5 tuổi, mới nở màu trắng đục đến tuổi 3 xuất hiện các vệt vằn trên lưng. Rầy trưởng thành màu đen nâu dài 3,5 -4 mm với 1 dải trắng trên mảnh lưng giữa.
Trưởng thành rầy nâu màu nâu có 2 dạng cánh: Cánh dài phủ kín bụng và cánh ngắn khoảng 2/3 thân. Trứng hình bầu dục cong, một đầu to, một đầu nhỏ, trong suốt. Trứng đẻ trong bẹ lá hoặc gân lá. Rầy non có 5 tuổi, màu vàng xám sau thành vàng nâu, thân hình tròn, dài 1 - 3 mm.
Rầy nâu và rầy lưng trắng thường xuất hiện từ đầu vụ, tích luỹ mật độ đến giai đoạn lúa làm đòng- trổ bông sẽ gây hại nặng cho đến khi lúa chín.
Để quản lý tốt đối tượng này cần thăm đồng thường xuyên nếu thấy rầy xuất hiện với mật độ khoảng 700 – 1000 con/m2 cần tiến hành phun thuốc ngay bằng các loại thuốc có hoạt chất Pymetrozine (Chess 50WG,...); Nitenpyram (Starcheck 775 WP, ...), Thimeathoxam (Goldra 250 WG, Actara 25 WG...)... Khi phun chú ý phải đáp ứng đủ lượng nước thuốc  từ 30-40 lít/sào và phun vào gốc lúa.
3. Bệnh Khô vằn  
Bệnh khô vằn gây hại chủ yếu ở một số bộ phận của cây như bẹ lá, phiến lá và cổ bông. Vết bệnh ở lá và bẹ lá lúc đầu là vết đốm hình bầu dục màu lục tối hoặc xám nhạt, sau lan rộng ra thành dạng đám mây. Khi bệnh nặng, cả bẹ và phần lá phía trên bị chết lụi.
Bệnh khô vằn phát sinh mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao và ẩm độ cao. Nhiệt độ khoảng 24 - 320C và ẩm độ bão hoà hoặc lượng mưa cao thì bệnh phát sinh phát triển mạnh, tốc độ lây lan nhanh. Vụ đông xuân năm nay hầu hết các vùng đều có mật độ lúa dày là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh phát sinh và gây hại trên diện rộng. Bón phân đạm nhiều, bón đạm tập trung thúc đòng bệnh sẽ phát triển mạnh hơn. Bón nhiều lần cũng làm cho mức độ bị bệnh cao. Bón kali có tác dụng làm giảm mức độ nhiễm bệnh của cây.
Sử dụng thuốc hoá học phòng trừ bệnh chỉ đưa lại hiệu quả khi bệnh mới phát sinh ở những bẹ lá già và thuốc hoá học phải được phun tiếp xúc với tầng lá dưới của cây kết hợp với rút cạn nước trên đồng ruộng. Trên những chân ruộng bị bệnh  dùng các loại thuốc có hoạt chất Validamyxin, Hexaconazole như: Valydan 3DD, Vivadamy 3SL, Anvil 5SC...; Có thể sử dụng các loại thuốc phổ rộng như Newtec, Amistar Top,... để phòng trừ nhóm bệnh lem lép, khô vằn; 
4. Bệnh bạc lá lúa 
Bệnh thường gây hại nặng giai đoạn lúa trổ và chín sữa. Vết bệnh tạo thành các sọc như giọt dầu từ mép lá gần đỉnh, vết bệnh phát triển dần theo cả chiếu dài và chiều rộng tạo thành một vết cháy ở mép và đỉnh lá, màu vàng xám nhạt, giữa vết cháy và phần xanh còn lại của lá có ranh giới rõ ràng bởi một đường nâu sẫm. vết bệnh có thể lan rộng làm cả phiến lá khô bạc trắng, vào sáng sớm khi còn ướt sương hoặc ngày mưa dầm ẩm ướt trên vết bệnh sinh những giọt keo màu vàng hoặc khô lại thành hạt nhỏ như trứng cá. 
Vi khuẩn xâm nhập qua thủy khổng, lỗ khí ở trên mút lá, mép lá và đặc biệt qua vết thương xây xát trên lá. Điều kiện mưa ẩm, nhất là mưa giông thuận lợi cho việc phát triển của bệnh 
Khi ruộng bị bệnh tiến hành phun thuốc phòng trừ bằng các loại thuốc có hoạt chất Ningnanmycin, Bronopol như Diboxylin, Bonny, Xantoxin, Starner...;
Cần cẩn thận trong việc phun thuốc giai đoạn lúa trổ chín, chú ý thời gian cách ly của thuốc, không nên phun thuốc lúc lúa đang trổ- phơi màu.
Bên cạnh các đối tượng trên, trong giai đoạn lúa trổ- chín còn có nhiều đối tượng như sâu đục thân, bệnh lúa von, nhện gié, bệnh lem lép, bệnh thối thân.... phát sinh, gây hại. Cần tích cực thăm đồng, theo dõi diễn biến của từng đối tượng dịch bệnh  để có  biện pháp phòng trừ sát đúng./.
NGUYỄN VĂN KHOA - CHI CỤC TTBVTV

 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây