Áp dụng một số biện pháp an toàn sinh học đối với gia cầm trong điều kiện chăn nuôi nông hộ

Thứ năm - 25/01/2024 21:43
Chăn nuôi gia cầm là một nghề sản xuất truyền thống có từ lâu đời, luôn chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất của ngành chăn nuôi. Sản lượng thịt gia cầm luôn đứng vị trí thứ hai sau thịt lợn, ngoài ra còn cung cấp cho thị trường một lượng lớn sản phẩm từ thịt và trứng.
Áp dụng một số biện pháp an toàn sinh học đối với gia cầm trong điều kiện chăn nuôi nông hộ
       Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện Gio Linh đang phải đối mặt với một số thách thức lớn. Trên 80% số hộ nuôi gia cầm là chăn nuôi gia cầm theo phương thức phân tán, nhỏ lẻ trong nông hộ, năng suất và hiệu quả chăn nuôi chưa cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Chính vì vậy việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm tại nông hộ là rất cần thiết.  Đây là giải pháp chăn nuôi hiệu quả, an toàn, có tính bền vững cao. Để thực hiện chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học trong nông hộ, người dân cần áp dụng một số biện pháp sau:
1. Về con giống
       Con giống mua về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch. Trước khi nhập đàn, con giống phải được nuôi cách ly theo quy định hiện hành.
       Nếu tự sản xuất con giống, phải chọn con giống từ đàn gia cầm bố mẹ đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, không chọn gà trống gà mái nở ra trên cùng đàn để nuôi sinh sản. Chọn gia cầm có đặc điểm phù hợp với hướng sản xuất (thịt hoặc trứng)
 2. Về chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi
       Chuồng nuôi phải cách biệt với nhà ở, không nuôi chung gia cầm với các loại vật nuôi khác và không nuôi nhiều loại gia cầm chung với nhau (gà, ngan, vịt,...)           
       Nuôi gia cầm trong nông hộ cần có chuồng. Chuồng trại phải thoáng mát, khô ráo sạch sẽ, tránh gió lùa, tránh tác động mạnh. Xung quanh vườn phải có hàng rào bao quanh; không được thả rông.
       Trước chuồng nuôi có khay hoặc hố sát trùng, có khu vực thay giày dép, ủng, đồ bảo hộ trước khi vào khu vực nuôi. Không để các phương tiện đi lại (xe máy, xe đạp…) cạnh chuồng.
       Phải có kho chứa (bố trí riêng biệt cho từng nhóm: Thức ăn, nguyên liệu thức ăn; Dụng cụ chăn nuôi; Hóa chất sát trùng độc hại)
       Xung quanh mỗi dãy chuồng phải có rãnh thoát nước thải, cuối dãy hoặc cuối mỗi khu vực chăn nuôi phải có hố ga (hầm biogas)
       - Bảo đảm có nước sạch thường xuyên. Dụng cụ chăn nuôi và vệ sinh chỉ dùng riêng cho từng dãy chuồng. Cọ rửa và phơi khô sau khi sử dụng hằng ngày. Nếu nuôi sinh sản phải có đủ ổ đẻ.
3. Về thức ăn, nước uống
       - Không cho gia cầm ăn thức ăn mốc, thiu hoặc thức ăn có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đang bị dịch bệnh. Thức ăn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng cho gia cầm theo từng lứa tuổi.
       - Không dùng thức ăn quá hạn sử dụng, không nhập thức ăn từ vùng có dịch.
       - Phải đảm bảo có nước sạch thường xuyên.
4. Vệ sinh phòng bệnh
       - Trước khi vào khu vực nuôi, người chăn nuôi phải rửa tay chân sạch sẽ và mặc quần áo bảo hộ.
       - Hạn chế người và động vật ra vào khu chăn nuôi, dùng lưới ngăn không cho gia cầm tiếp xúc với chim hoang dã.
       - Định kỳ phun thuốc sát trùng trong và xung quanh chuồng nuôi.
       - Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
       - Khi đàn gia cầm có triệu chứng bỏ ăn, ủ rũ phải báo ngay cho nhân viên thú y. Không dấu dịch bệnh, không bán chạy gia cầm bệnh.
       - Sau khi xuất bán gia cầm, cần vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi, vườn chăn thả.
       - Thu gom phân đánh đống ủ kỹ (từ 15-30 ngày) để tiêu diệt mầm bệnh.
       - Để trống chuồng ít nhất 15 ngày trước khi đưa đàn mới vào nuôi. Nếu bị dịch bệnh thì phải để trống chuồng ít nhất 3 tháng.
       - Thực hiện “5 không”: Không chăn thả rông gia cầm; Không mua, bán gia cầm bị bệnh; Không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; Không giấu dịch; Không vứt xác gia cầm bừa bãi.
       Chăn nuôi theo hình thức an toàn sinh học mang lại nhiều lợi ích rõ rệt như: Giảm tỷ lệ dịch bệnh, hạn chế sử dụng kháng sinh, giúp bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao thu nhập cho người nuôi. Người chăn nuôi cần chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học cần thiết để đem lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển chăn nuôi bền vững.
Bùi Thị Trang Nhung - Trạm CNTY Gio Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây