DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG

Thứ sáu - 01/12/2023 03:46
Từ ngày 26/10/2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xảy tại 36 hộ, 15 thôn, 08 xã của 02 huyện, thị xã, với tổng số 127 con (27 nái, 54 lợn thịt và 46 lợn sữa) bị bệnh, chết buộc chôn hủy, trọng lượng tiêu hủy 5.859 kg (nái: 3.643kg, thịt: 2.004kg, lợn sữa: 212kg). Trong đó tại huyện Triệu Phong, dịch đang bùng phát và có chiều hướng lây lan nhanh tại 10 xã.
ảnh internet
ảnh internet
       Nhận định tình hình: Sau một thời gian dài, dịch bệnh không xuất hiện nên người chăn nuôi và một số địa phương đã có tâm lý chủ quan (mua con giống không rõ nguồn gốc) và chưa tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống cần thiết trong quá trình chăn nuôi (không tuân thủ các biện pháp an toàn trong chăn nuôi); trong đó, việc người chăn nuôi dấu dịch, bán chạy, không báo cáo cho chính quyền địa phương do tâm lý do không nhận được hỗ trợ khi phải tiêu hủy lợn bệnh; mầm bệnh phát tán và lây lan nhanh sau đợt mưa lũ cuối tháng 10/2023, đặc biệt là hiện tượng người dân vứt xác lợn chết ra môi trường tại một số địa phương; công tác chủ động phòng bệnh cho vật nuôi, nhất là tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho lợn đạt tỷ lệ thấp.
       Với tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ đang còn phổ biến, mầm bệnh tồn tại trong môi trường chăn nuôi do vi rút gây ra bệnh DTLCP có sức đề kháng cao trong môi trường; Lợn khỏi bệnh có khả năng mang vi rút trong thời gian dài; có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, rất khó để loại trừ được mầm bệnh thì trong thời gian tới nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục tái phát và lây lan diện rộng trong trong toàn tỉnh là rất cao, đặc biệt trong điều kiện nuôi tái đàn lợn, tăng đàn lợn ngày càng gia tăng phục vụ cho nhu cầu thực phẩm dịch Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới, cùng với việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi còn hạn chế như hiện nay.
       Để giúp người chăn nuôi tích cực, chủ động trong phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sản xuất, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn một số nội dung chính về bệnh DTLCP, biện pháp phòng, chống như sau:
1. Biểu hiện của bệnh DTLCP
Bệnh DTLCP có thời gian ủ bệnh từ 3-15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày; vi rút xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh.
       Biểu hiện của bệnh trên các đàn lợn là khác nhau tùy thuộc vào độc lực vi rút, số lượng vi rút xâm nhập và đường xâm nhập. Bệnh ở thể quá cấp tính làm con vật chết nhanh mà không hoặc ít có biểu hiện triệu chứng. Ngoài ra bệnh còn xảy ra ở thể á cấp tính hoặc không điển hình.

       Lợn sốt cao (40,5 - 420C), trong 2-3 ngày đầu tiên giảm bạch cầu, tiểu cầu. Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chống đống, lợn thích nằm chỗ bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể sẫm màu xanh tím. Trong 1-2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt khí lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mữa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên, có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu. Lợn chết trong vòng 6-13 hoặc 20 ngày. Lợn mang thai có thể sẩy thai ở mọi giai đoạn. Tỷ lệ chết cao lên tới 100%.
2. Chẩn đoán, phát hiện bệnh DTLCP
       Có thể chẩn đoán bệnh dựa vào các đặc điểm dịch tễ học, các biểu hiện như đã nêu ở trên, bệnh tích (lách đen, dễ nát; Xoang bao tim, xoang bụng có tích có tích dịch màu vàng nhạt, tuy nhiên bệnh DTLCP thường ghép với một số bệnh thường xảy ra ở lợn như bệnh Dịch tả lợn cổ điển, bệnh Đóng dấu lợn; do đó cần chẩn đoán trong phòng thí nghiệm để khẳng định bệnh.
3. Các biện pháp kỹ thuật phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu phi.
a) Về chuồng trại.
- Khu vực chăn nuôi phải đảm bảo sự cách ly giữa vật nuôi và nơi ở của người và động vật khác bằng hàng rào bao quanh hoặc nơi biệt lập hoặc được nuôi nhốt hoàn toàn trong chuồng.
- Chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Hướng chuồng phù hợp: tốt nhất là hướng Đông Nam hoặc hướng Nam để đón ánh nắng sáng chiếu vào sàn, đảm bảo luôn khô, thoáng. Không bị gió lùa hoặc đầu gió; mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
- Mật độ và diện tích chuồng nuôi phù hợp: Mật độ nuôi là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất và sức đề kháng bệnh của vật nuôi, song hầu như ít được nông dân tuân thủ nên đã làm cho môi trường chuồng trại kém thông thoáng, dễ phát sinh dịch bệnh và khả năng lây nhiễm bệnh cao.
- Khu chăn nuôi, chuồng nuôi bố trí hợp lý; có khu cách ly vật nuôi mới nhập về, vật nuôi ốm. Có nơi thu gom và xử lý chất thải. Có hố sát trùng ở cửa ra vào, đầu mỗi dãy chuồng trại nhằm hạn chế sự lây nhiễm khi có dịch bệnh xảy ra.
+ Đối với nuôi lợn theo phương thức chuồng hở phải có lưới bao quanh chuồng nuôi để ngăn chặn các loại động vật, chuột, côn trùng... tiếp xúc với lợn.
+ Đối với các trang trại có quy mô lớn, cần xây dựng khu vực xuất bán lợn thịt ra khỏi khu vực chăn nuôi, có xe nội bộ vận chuyển lợn từ các khu chuồng nuôi ra khu vực bán.
- Xây dựng hệ thống Biogas, hệ thống chứa phân để xử lý chất thải chăn nuôi, nhằm ngăn chăn sự ô nhiễm môi trường phù hợp với các tiêu chuẩn về vệ sinh chăn nuôi. Sự lây lan dịch bệnh thông thường từ phân, nước tiểu và từ xác chết của vật nuôi; ủ và chứa đựng phân đúng qui cách để loại trừ hầu hết các loại dịch bệnh từ vi khuẩn.
b) Yêu cầu về con giống
       Lợn nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, chất lượng con giống đảm bảo. Đối với lợn nhập từ tỉnh khác, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Trước khi nhập đàn, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần. Không tăng đàn, tái đàn đối với các hộ chăn nuôi không đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.
      c) Chăm sóc, nuôi dưỡng
- Sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng, không bị mốc. Trường hợp sử dụng thức ăn tận dụng phải được xử lý nhiệt trước khi cho ăn. Không sử dụng thức ăn thừa trong máng cho đàn lợn mới. Tăng cường khẩu phần ăn giàu dinh dưỡng, rau xanh cho lợn.
- Nước phục vụ cho chăn nuôi phải đảm bảo an toàn, sử dụng nước giếng đào, giếng khoan. Không sử dụng nước từ các ao, hồ, sông, cho lợn ăn, uống, tắm, rửa chuồng trại. Tăng cường sức đề kháng cho lợn bằng cách bổ sung vitamin, điện giải và các chế phẩm sinh học vào thức ăn.
- Áp dụng phương thức quản lý "cùng vào-cùng ra" theo thứ tự ưu tiên, dãy chuồng, ô chuồng.
- Tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh cho lợn như: Vắcxin dịch tả lợn, Tụ huyết trùng, Tai xanh, Lở mồm long móng…cho từng loại lợn và từng lứa tuổi phù hợp.
- Định kỳ vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi (1 lần/tuần) bằng các loại hóa chất như: Iodine 10%, benkocid và vôi bột...; Phân, chất độn chuồng cần được thu gom và ủ với vôi bột trước khi sử dụng.
- Hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi. Nếu xung quanh có dịch bệnh, không cho người ngoài đến; người chăn nuôi cũng không sang nơi có dịch. Khi xuất bán lợn không nên cho người và phương tiện vào trong nếu chưa được sát trùng đúng quy định.
 d) Phòng chống dịch bệnh
       Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và quan trọng nhất; thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại chuồng trại, vùng chăn nuôi lợn, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất và vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi ca giết mổ lợn; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để nuôi lợn.
 - Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, lợn bị bệnh.
 - Tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh, nghi bị bệnh.
- Đối với cơ sở giết mổ, chế biến thịt lợn phải thực hiện lợn đưa vào giết mổ phải có nguồn gốc rõ ràng, nghiêm cấm không được giết mổ lợn khi nghi ngờ lợn có biểu hiện bị bệnh phải dừng ngay việc giết mổ thông tin cho cán bộ thôn, cán bộ thú y xã biết để kiểm tra xác minh và có biện pháp xử lý kịp thời.
- Tuyệt đối không giấu dịch, thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã, chính quyền khi nào phát hiện lợn, các sản phẩm lợn nghi bị bệnh, nghi nhiễm mầm bệnh hoặc khi được vận chuyển nhập lậu, nghi nhập lập. Khoanh vùng dịch, vùng đệm để áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể và phù hợp cho từng vùng.
- Không điều trị lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
- Chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Mọi thông tin trao đổi về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh và thông báo dịch xin liên hệ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, địa chỉ Km3 - đường 9D, Thành phố Đông Hà, số điện thoại: 02333.569 895 để được tư vấn kịp thời./.
                                                            Nguyễn Thị Thúy Hằng
TP. Quản lý dịch bệnh - Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây