Kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp trên đất khô hạn ven biển

Thứ tư - 24/01/2024 21:27
Quảng Trị là tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có tổng diện tích đất tự nhiên là 473.744ha. Với bờ biển dài 75 km, có diện tích đất cát ven biển hơn 34.000 ha, chiếm 7,2% diện tích tự nhiên, nằm tập trung trên địa bàn thuộc 4 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Hiện nay trồng rừng trên đất cát ven biển không những phòng hộ bảo vệ đất, điều hòa khí hậu, chống cát bay, cát nhảy, cải tạo môi trường sinh thái, tránh tình trạng bị hoang mạc hoá, sa mạc hoá mà một số cây lâm nghiệp còn cung cấp gỗ củi, đồng thời cho trái cây, nhựa cây làm thực phẩm, thuốc trừ sâu sinh học, nhiên liệu sinh học, lấy tinh dầu …
Kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp trên đất khô hạn ven biển
       Trước những khó khăn và thách thức đó phải chọn những loài cây trồng hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, việc lựa chọn cây lâm nghiệp đa tác dụng được trồng ở ven biển cũng đã thể hiện rõ tác dụng phòng hộ, bảo vệ và cải thiện môi trường, góp phần cung cấp lâm sản tại chỗ cho người dân. Một số cây lâm nghiệp đa tác dụng như: cây dầu lai, cây dầu mè, cây cọc rào, cây diezen, cây chà là ăn trái, cây trôm lấy nhựa, cây xoan chịu hạn, cây phi lao, cây keo lưỡi liềm, tràm gió… Dưới đây, xin giới thiệu “Kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp trên đất khô hạn ven biển”.
1. Điều kiện gây trồng:

- Nhiệt độ bình quân hàng năm từ 23-27°C , các vùng cát ven biển có ảnh hưởng của gió biển
- Lượng mưa bình quân trên 700mm/năm , độ ẩm không khí trung bình năm không dưới 80%
- Độ cao dưới 100m so với mực nước biển, độ dốc dưới 20° thích hợp là 10°, địa thế là dạng bãi cồn đến dạng đụn, thực bì từ đất trống đến thảm cỏ thưa
- Đất đai trên cát ven biển bị di động hoặc bán di động, không bị ngập úng mùa mưa
2. Tiêu chuẩn cây giống
- Cây con có bầu, tuổi cây từ 2,5 - 4 tháng tuổi; đường kính cỗ rễ tối thiểu đạt 0,2 cm; chiều cao từ 25-35cm. Cây phát triển sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, không cụt ngọn, bộ rễ phát triển tốt và có nhiều nốt sần cố định đạm
- Cây ghép: Đường kính cành ghép trên
0,4 cm, có 1-2 đợt lộc ổn định, chiều cao tính từ mắt ghép từ 25-30 cm, không có sâu bệnh gây hại. Thông thường sau ghép 2-3 tháng là cây đạt tiêu chuẩn trồng. Không được để cây giống lâu trong vườn ươm trên 6 tháng vì bộ rễ bị bó lại, cong queo sau khi trồng cây sẽ sinh trưởng kém.
- Cây giống phải đủ tiêu chuẩn và sinh trưởng tương đối đồng đều. Chọn giống tốt, có năng suất cao và có khả năng chống chịu sâu bệnh hại. Bên cạnh đó chọn cây giống phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và nhu cầu thị trường.
3. Bố trí hệ thống đai rừng và kết cấu rừng:

- Hệ thống đai trồng rừng trên đất cát ven biển được bố trí từ chân tiến dần lên đỉnh đụn cát. Đai chính vuông gốc hoặc gần vuông gốc với hướng gió hại chính, song song với đường đồng mức. Đai phụ vuông gốc với đai chính, khoảng cách giữa các đai là 100m-200m. Bề rộng đai rừng trên đụn, cồn cát bay tối thiểu 100m, ở cồn, bãi cát cố định tối thiểu là 20m; bên trong là khu vực canh tác nông nghiệp
- Áp dụng kiểu đai có kết cấu trồng xen theo băng 1-3 loài cây với tầng cây cao, tầng cây trung bình chắn gió, và cây thấp cây bụi chống cát bay, cát lấp.
4. Xử lý thực bì, làm đất, đào hố, bón phân:
- Xử lý thực bì: Đất có thảm cỏ không cần xử lý thực bì, nơi có cây bụi, thảm tươi phát dọn thực bì toàn diện, các cành nhánh nhỏ, lá cây cần giữ lại để bồi hoàn cho đất. Thực bì được xử lý trước khi trồng rừng ít nhất 1 tháng, và không nên đốt thực bì để tăng độ phì trong đất, giảm thiểu hiện tượng xói mòn bề mặt
- Làm đất: Làm đất bằng cơ giới sử dụng máy múc hố theo mật độ quy định của từng loại cây, múc đất đảo đất và lấp hố, sau đó dùng cuốc bón phân trộn đảo phân. Làm đất bằng thủ công thì đào hố có kích thước 40x40x40cm.
- Đào hố trước 15 ngày – 1 tháng khi đào hố để phần đất tốt tơi xốp trên mặt một bên, hố cuốc thẳng hàng theo đường đồng mức. Khi lấp hố thì đưa phần đất tốt lớp đất mặt xuống đáy hố cùng với thảm mục có thể xới thêm phần đất mặt xung quang hố lấp đất gần ngang miệng hố
- Bón phân: bón lót phân NPK thì 0,2-0,5kg/ hố hoặc phân hữu cơ từ 2-20kg/hố và cũng tuỳ theo cây trồng mà có thể bổ sung thêm hàm lượng dinh dưỡng. Khi bón kết hợp với lúc lấp hố, phân được trộn đều để lấp đất gần ngang miệng hố. Thời điểm bón lót và lấp hố trước khi trồng 7-10 ngày.
5. Mật độ, thời vụ, bốc xếp vận chuyển cây đi trồng:
- Mật độ, khoảng cách cây trồng: Tuỳ theo loài cây và mục đích trồng mà xác định mật độ và khoảng cách trồng cây phù hợp.
+ Với các loài cây trồng phòng hộ để chắn gió, che phủ đất có thể trồng dày (1m x 0,5m), (1m x 1m), (2m x 1m), (1,5mx2m).
+ Cây trồng lấy gỗ: 3m x 2m.
+ Cây ăn quả: (5m x 4m), (5m x 5m), (6m x 5m).
- Kích thước luống: Thường rộng 1 - 1,2m và dài 5 - 10m.
- Kích thước hố: Cây ăn quả (60 - 80cm), cây lâm nghiệp (30 - 40cm). Riêng cây trồng ở nơi có tầng cát dày cần đào hố sâu 80 - 100 cm (phi lao trồng ở cồn cát).
- Thời vụ trồng: Trồng vào đầu mùa mưa với lượng mưa đủ lớn đảm bảo độ ẩm của đất, tránh trồng những ngày có gió heo may.
- Bốc xếp vận chuyển cây: Tưới nước đủ ẩm 1 đêm trước khi bốc xếp cây, tránh làm vỡ bầu, dập nát gẫy ngọn trong quá trình bốc xếp và vận chuyển. Cây chuyển tới phải trồng ngay, nếu chưa trồng phải xếp ở nơi râm mát và tưới nước đảm bảo độ ẩm cho bầu, nhưng không quá 4-5 ngày.
6. Kỹ thuật trồng cây:
- Trồng cây theo các bước như sau:
+ Đảo trộn hỗn hợp đất và phân sau đó lấp hố trước khi trồng 7-10 ngày.
+ Cuốc giữa hố 1 lỗ vừa bầu cây con.
+ Xé bỏ túi bầu sao cho không bị vỡ bầu, giá thể trong bầu
+ Đặt cây thẳng đứng vào hố trồng, lấp đất ngang mặt bầu cây con.
+Trồng cây mặt bầu cao hơn mặt đất 0,5-1cm.
+ Lấp kín mặt bầu, ấn từ từ cho đến khi chặt đất quanh gốc cây, tránh trường hợp ấn quá mạnh lên đất trong bầu gây vỡ bầu
+ Cắm cọc và buộc giữ, định vị cây con khỏi đổ ngã.
+ Sau đó phủ rơm rạ hay cỏ khô tủ lên mô để giữ ẩm (không tủ sát gốc cây).
+ Che mát cây con thời gian đầu (không che qúa 50% ánh sáng mặt trời).
+ Và nên tưới nước ngay sau khi trồng cây.
7. Kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng:
- Trồng dặm sau 1 tháng trồng đảm bảo tỉ lệ sống trên 90%. Chăm sóc 3 năm liền để cây ổn định, năm đầu chăm sóc 1 lần sau khi trồng 1-2 tháng; năm thứ 2 và năm thứ 3 chăm sóc 2 lần mỗi năm và bón thúc phân lần vào lần thứ nhất của năm
- Làm cỏ, vun gốc: Cỏ quanh gốc cây với bán kính 0,5 - 1m cần được làm sạch, vun lớp đất mặt vào gốc cây. Lưu ý, vun gốc không được cuốc sâu ảnh hưởng đến rễ cây.
- Bón phân: Sử dụng phân bón hợp lý, tiết kiệm, tuỳ theo thành phần dinh dưỡng có trong đất, giống cây, tuổi cây, từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây. Tận dụng, bổ sung thêm các loại phân chuồng hoai mục.
- Tưới nước: Phải đảm bảo nước tưới cho cây trồng trên vùng đất khô hạn, đặc biệt với cây nông nghiệp, cây ăn quả.
- Tỉa cành, tạo tán: Đối với cây ăn quả, cần quan tâm tỉa cành, tạo tán để có được bộ khung vững chắc, cành phân bố đều, cân đối, đảm bảo đủ ánh sáng. Nên đốn tỉa về mùa khô để hạn chế xâm nhập của nấm.
- Hỗ trợ thụ phấn: Đối với một số loài cây ăn quả có hoa đơn tính khác gốc (chà là ăn quả, đu đủ…) hoặc một số loài cây có hoa lưỡng tính nhưng không tự thụ phấn .
- Bảo vệ và phòng trừ sâu bệnh hại: Rừng phòng hộ chắn gió, cố định cát không tỉa thưa, chỉ chặt phần cây bị khô tận dụng làm củi. Không chăn thả trâu bò vào rừng từ sau khi trồng cây cao hơn 3-4m ; cấm vơ quét lá, chặt phá cây cành, chỉ được tận dụng cành khô làm củi. Đối với các cánh rừng có trồng xen các loại cây ăn quả, các cây thu hái lâm sản thì thường xuyên kiểm tra, chăm sóc, theo dõi, kịp thời phát hiện và xác định rõ loại sâu bệnh hại. Khẩn trương xử lý sâu, bệnh đúng cách, đúng thuốc và đúng lúc để diệt tận gốc các loại sâu, bệnh hại cây trồng. Và luôn đảm bảo tốt công tác PCCC trên khu vực.
* Lưu ý: Những giải pháp kỹ thuật nêu trên được áp dụng cụ thể khi trồng từng loài cây phù hợp với đặc điểm điều kiện đất đai, khí hậu ở từng nơi.
Minh Tuấn – Trạm KN Gio Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây