KỸ THUẬT TRỒNG XEN CÂY ĐINH LĂNG

Thứ hai - 02/08/2021 05:49
Cây Đinh lăng là cây thuộc họ Ngũ gia bì, cây trồng khá dễ, cây thường được trồng để lấy lá, rễ, thân. Lá cây có thể được dùng làm thuốc trị bệnh hoặc làm rau gia vị. Thân, cành cây chữa bệnh tê thấp, đau lưng, đau thần kinh tọa. Lá cây chữa cảm sốt, mụn nhọt, sưng tấy. Rễ cây được dùng làm thuốc bổ, dùng khi cơ thể suy nhược gầy yếu. Ngoài ra cây Đinh lăng còn được biết đến là một loài cây thuốc chữa bệnh cực kỳ hiệu quả và được ví như nhân sâm Việt; chính vì như vậy, cây Đinh lăng hiện nay được rất nhiều bà con áp dụng và nhân rộng thành nhiều mô hình trang trại vô cùng hiệu quả
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
        Để giúp bà con nông dân trồng xen cây đinh lăng với các loại cây ăn quả đạt hiệu quả, xin giới thiệu một số biện pháp kỹ thuật trồng xen và chăm sóc cơ bản như sau:
1. Kỹ thuật trồng:
- Thời vụ:  từ tháng 7 – 9 (áp dụng tại huyện Hướng Hóa); từ tháng 9 – 11( áp dụng cho huyện Đakrông và các huyện vùng đồng bằng) khi đất đủ ẩm; nên chọn những ngày râm mát hoặc có mưa nhẹ để trồng.
-  Phương thức trồng: Đối với cây đinh lăng trồng xen với cây ăn quả (Cam, bưởi):
 Cây đinh lăng trồng xen cần được trồng theo băng giữa hai hàng cây ăn quả...để tận dụng được đất, chống xói mòn rất tốt và giúp cây phát triển trong giai đoạn đầu.
 Bố trí trồng theo băng xen giữa hai hàng cây Cam: Có nghĩa giữa hai hàng cây Cam trồng xen với 01 hàng cây Đinh Lăng và cách gốc Cam 2,0m; Nghĩa là giữa 2 hàng đinh lăng sẽ làm 01 luống để trồng cây: chiều cao luống 20cm, chiều dài tùy thuộc vào lô vườn cam.
 Bố trí trồng theo băng xen giữa hai hàng cây Bưởi: Có nghĩa giữa hai hàng cây Bưởi trồng xen với 01 hàng cây Đinh Lăng và cách gốc Bưởi 2,5m; Nghĩa là giữa 2 hàng đinh lăng sẽ làm 01 luống để trồng cây: chiều cao luống 20cm, chiều dài tùy thuộc vào lô vườn bưởi.   
- Mật độ trồng: Mật độ trồng xen với vườn Cam 4.200 cây/ha, cự ly hàng khoảng 4 m, cự ly cây khoảng 0,6 cm; Mật độ trồng xen với vườn Bưởi 3.300 cây/ha, cự ly hàng khoảng 5 m, cự ly cây khoảng 0,6 cm. Bố trí hàng theo đường đồng mức.
- Lượng phân bón lót cho 1 ha: Phân hữu cơ vi sinh Quế lâm 1 - 1,3tấn và phân chuồng hoai 17 - 22 tấn.
- Làm đất: Làm đất toàn diện, dùng máy cày cơ giới cày sâu 40 cm, rộng 40 cm giữa hai hàng cây ăn quả trên toàn diện tích trồng, sau đó bón lót phân vi sinh Quế lâm 0,3 kg/cây và phân chuồng hoai 5kg/cây, đảo trộn phân và lấp hàng trước khi trồng 1 tháng; sau đó rạch hàng lại tiến hành trồng cây.
-  Kỹ thuật trồng:
 Đào hố, hoặc rạch hàng ở chính tâm hàng (hoặc hố) một lỗ hoặc hàng sâu 20cm hơn chiều cao bầu (hàng hoặc hố đã được đào và bón phân lấp hố trước đó).
 Xé vỏ bầu theo đường nối dọc túi bầu, đặt bầu vào giữa hố hoặc hàng giữ cho cây thẳng đứng, lấp đất và dậm chặt đất quanh, vun thêm đất mặt vào xung quanh  gốc cao hơn cổ rễ 2 - 3 cm.
2. Kỹ thuật chăm sóc đinh lăng
Thời kỳ cây còn nhỏ, cần cung cấp đủ nước, diệt trừ cỏ dại thường xuyên để tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng là rất cần thiết.
- Tưới nước: Cần định kỳ tưới nước vào thời gian nắng nóng nhằm cung cấp đủ nước cho cây sinh trưởng phát triển.
- Làm cỏ: Làm cỏ cần tiến hành thường xuyên, mỗi năm làm cỏ, xới xáo từ 2 – 3 lần. Tùy theo đặc điểm của từng vùng ta có cách thức xử lý cỏ phù hợp khác nhau, phơi khô cỏ sau đó tủ lại xung quanh gốc cây.
- Trồng dặm:  Sau khi trồng 1- 2 tuần tiến hành kiểm tra phát hiện cây chết,  cần lấy các cây giống dự trữ  5%  (Cây trồng dặm) để bổ sung trồng dặm kịp thời vụ. Cây trồng dặm cần chú ý chăm sóc tốt để cho cây nhanh hồi phục và nảy mầm.
- Bón thúc phân: Bón phân vào tháng 2, tháng 3 năm sau, nghĩa là sau trồng 4 – 5 tháng (vụ xuân), bón phân hữu cơ vi sinh và kết hợp bón phân NPK theo hướng dẫn trên bao bì. Cuối năm thứ 2 vào tháng thứ 15, bón thêm phân chuồng 5-6 tấn/ha hoặc phân vi sinh. Năm thứ 3 vẫn tiếp tục bón phân như năm thứ 2.
- Kỹ thuật cắt tỉa cành
Từ năm thứ 2 trở đi, cây bắt đầu phát triển đầy đủ cành lá, chúng ta bắt đầu cắt tỉa. Thời gian cắt tỉa thường rơi vào tháng 4, tháng 9 hằng năm.
Mỗi gốc chỉ nên để 1 – 2 cành to để cây tập trung nuôi những cành chính. Kết hợp phun thuốc và xử lý chất thải khi vệ sinh và phun thuốc, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.
3. Phòng trừ sâu bệnh: Cây thường không có sâu bệnh nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên giai đoạn đầu mới trồng có thể bị sâu xám cắt lá mầm và ăn vỏ thân, giai đoạn cây phát triển mạnh ít bị ảnh hưởng bởi nấm và sâu bọ gây hại hoặc một số tác nhân môi trường 
4. Kỹ thuật thu hái, chế biến, bảo quản: Có thể có nhiều hình thức thu hoạch như sau:
- Tỉa cành, lá ở tháng thứ 12 – 15
-  Cắt toàn bộ thân, để lại củ
-  Thu hoạch từ năm thứ 3 trở lên
Đặng Thị Mến - Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây