DỰ BÁO SVGH CHỦ YẾU VÀ ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ TỪ 16/5/2022 đến 15/6/2022

Thứ năm - 02/06/2022 20:51
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
1. Trên cây lúa: Các đối tượng dịch hại đầu vụ có khả năng phát sinh như:
Chuột, ốc bươu vàng sẽ gây hại nhiều nơi, hại mầm lúa và cây lúa non. Rầy các loại, bệnh lùn sọc đen có thể phát sinh gây hại lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh. Bệnh vàng lá- nghẹt rễ do ngộ độc hữu cơ khả năng phát sinh gây hại nhiều vùng, nhất là những vùng lúa vụ Đông Xuân bị ngập lụt không thu hoạch được. Tuyến trùng phát sinh gây hại trên những chân ruộng cao, thiếu nước tưới, không làm đất kỹ. Sâu keo, bọ trĩ, dòi đục nõn có thể phát sinh gây hại một số vùng, chú ý trên những ruộng khô hạn, thiếu nước thường bị bọ trĩ, dòi đục nõn hại nặng.
Biện pháp phòng trừ:
- Khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại, cày vùi gốc rạ, làm đất kỹ kết hợp bón vôi, sử dụng các loại chế phẩn phân hủy gốc rạ nhằm khử chua, khử độc cho đất và tiêu diệt nguồn sâu bệnh.
- Phát động ra quân tổ chức diệt chuột và ốc bươu vàng để hạn chế chuột và ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ. 
- Chuẩn bị đầy đủ vật tư kịp thời gieo cấy vụ Hè Thu theo lịch thời vụ đã đề ra. Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng các loại thuốc: Cruiser plus, Map silo... để hạn chế rầy lưng trắng truyền bệnh lùn sọc đen trong giai đoạn đầu của cây lúa.
- Theo dõi chặt chẽ mật độ rầy, bệnh lùn sọc đen và các đối tượng sâu, bệnh khác để có biện pháp quản lý kịp thời. 
Chú ý: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đầu vụ cần ưu tiên các loại thuốc ít ảnh hưởng đến thiên địch và bảo đảm sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng.
2. Trên cây hồ tiêu: Bệnh chết nhanh, chết chậm tiếp tục phát sinh gây hại nhiều vùng, nhất là những vùng thoát nước kém. Các đối tượng khác như tuyến trùng, rệp sáp, bệnh thán thư... tiếp tục gây hại ở các vườn bị bệnh, vùng ổ dịch. 
Biện pháp phòng trừ: Kiểm tra, xử lý thuốc phòng trừ tuyến trùng, rệp sáp, bệnh chết nhanh, chết chậm.... Đối với bệnh chết nhanh cần thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện bệnh sớm, thu gom tàn dư cây bị bệnh mang ra khỏi khu vực vườn và đốt tiêu hủy, xử lý đất tại các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột. Sử dụng các loại thuốc hóa học đặc hiệu hoạt chất Phosphonate; Metalaxyl+ Mancozeb; Metalaxyl ... như: Agrifos-400, Ridomil gold 68WP, Mataxyl 500WP... bằng cách phun lên toàn bộ cây và tưới vào gốc với liều lượng và cách sử dụng thuốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất để phòng trừ bệnh. 
3. Trên cây cà phê: Rệp các loại, bệnh thán thư, khô cành, gỉ sắt... tiếp tục phát triển, gây hại nhiều nơi ảnh hưởng đến phát triển quả, hại nặng trên các vườn cà phê già cỗi, các vườn không chú trọng công tác phòng trừ sâu bệnh.
Biện pháp phòng trừ: Tăng cường chăm sóc, xử lý thuốc phòng trừ sâu bệnh, bổ sung phân bón đảm bảo dinh dưỡng cho cây nuôi quả.
4. Trên cây cao su: Bệnh xì mủ, loét sọc mặt cạo tiếp tục gây hại. Bệnh phấn trắng, corynespora...gây hại một số vùng
Biện pháp phòng trừ: Kiểm tra vườn thường xuyên, phát hiện và xử lý cây bị bệnh xì mủ, loét sọc mặt cạo. Tiến hành bôi thuốc trên miệng cạo và vết xì mủ bằng các loại thuốc đặc hiệu để tránh lây lan nhiều nơi. Phun thuốc trừ bệnh phấn trắng trên những vườn nhiễm bệnh nặng để đảm bảo sản lượng mủ. Thường xuyên điều tra phát hiện bệnh rụng lá đốm tròn cao su để có biện pháp xử lý kịp thời.
5. Trên cây sắn: Bệnh khảm lá virus tiếp tục lây lan ra các vùng trồng sắn khác. Rệp sáp bột hồng, bọ phấn, nhện đỏ, bệnh chổi rồng khả năng phát sinh gây hại một số vùng.
Biện pháp phòng trừ: Điều tra, khoanh vùng bị nhiễm bệnh khảm lá virus, diệt trừ bọ phấn môi giới và tiêu hủy cây bị bệnh không để lây lan ra diện rộng. Theo dõi các đối tượng sâu, bệnh khác như nhện đỏ, rệp sáp bột hồng, bệnh chổi rồng,... để có biện pháp xử lý sớm và hiệu quả./.
CHI CỤC TRỒNG TRỌT & BVTV

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây