MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT KHI TIÊU HỦY GIA SÚC, GIA CẦM MẮC BỆNH

Thứ hai - 05/07/2021 04:10
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT KHI TIÊU HỦY  GIA SÚC, GIA CẦM MẮC BỆNH
1. Yêu cầu chung
- Việc tiêu huỷ cần hoàn thành càng sớm càng tốt để hạn chế tối đa cơ hội phát tán của mầm bệnh. Trong trường hợp chưa kịp tiêu hủy ngay, xác động vật và sản phẩm động vật phải được phun thuốc sát trùng. 
- Ưu tiên cho việc tiêu huỷ tại chỗ, chỉ vận chuyển đi xa khi không có đủ điều kiện tiêu huỷ tại chỗ.
- Xác động vật, sản phẩm động vật tiêu huỷ phải được giám sát chặt chẽ nhằm ngăn ngừa các loài vật nuôi, côn trùng, động vật hoang dã phát tán mầm bệnh ra môi trường.
- Động vật tiêu hủy phải được làm chết trước khi tiêu huỷ.
2. Đối tượng cần tiêu huỷ khi có dịch
Xác gia súc, gia cầm bị dịch hoặc nghi mắc bệnh bắt buộc phải tiêu hủy; Phân, rác, thức ăn dư thừa trong chuồng; Vật dụng rẻ tiền mau hỏng sử dụng trong chăn nuôi.
3. Bảo hộ cho người trực tiếp làm việc giết, chôn, huỷ
- Cấm những người không có phận sự vào khu vực chôn lấp.
- Cán bộ thú y, những người tham gia tiêu huỷ động vật bệnh phải được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động.
- Phương pháp tiêu độc khử trùng đối với người tham gia tiêu hủy:
+ Những người tham gia thu gom, giết, huỷ… có tiếp xúc với gia súc, gia cầm mắc bệnh phải thực hiện các biện pháp khử trùng cá nhân.
+ Quần áo, mũ, ủng, kính loại dùng nhiều lần, cần tiêu độc khử trùng bằng cách nhúng vào một trong dung dịch thuốc sát trùng Glutaraldehyde 2%, Chlorine 23% trong 5-10 phút sau khi sử dụng, sau đó giặt lại bằng nước sạch, phơi khô.
+ Sát trùng tay bằng cồn 70%, Virkon hoặc xà phòng. Không được rửa tay bằng các lọai thuốc sát trùng gây kích ứng như formol, chlorine, dung dịch kiềm.
+ Súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn miệng của cơ sở y tế.
+ Đốt bỏ hoặc chôn lấp những loại quần áo bảo hộ, khẩu trang, dụng cụ chỉ dùng 1 lần sau khi sử dụng.
4. Làm chết gia súc, gia cầm đem đi tiêu hủy
- Gia cầm được làm chết bằng cách làm trật khớp cổ, bỏ vào bao nylon. Khi đầy bao, dùng dây cột chặt miệng bao, xếp thành đống chờ vận chuyển đến nơi tiêu huỷ;
- Gia súc được làm chết bằng cách dùng búa đập vào đầu; Xác gia súc, gia cầm được xếp vào xe, phun thuốc sát trùng lên bề mặt đống xác trước khi vận chuyển đến nơi chôn; Thùng xe chở xác gia súc, gia cầm cần kín, không để phân, xác gia cầm rơi dọc đường vận chuyển;
5. Chuyên chở gia súc, gia cầm đến nơi tiêu huỷ
- Xác động vật, sản phẩm động vật mang đi tiêu hủy phải được vận chuyển trong xe có sàn kín, được che phủ bằng các tấm nylon, ở trên nóc, không để phân, xác gia súc, gia cầm hoặc sản phẩm động vật rơi trên đường vận chuyển.
- Xác động vật hoặc sản phẩm động vật mang đi tiêu hủy phải được chứa trong các túi, hoặc bọc kín trong các tấm được làm bằng vật liệu nylon, không được chất đầy vượt quá thành của thùng xe.
- Phải vệ sinh, khử trùng tiêu độc phương tiện vận chuyển trước khi rời khỏi nơi nhiễm bệnh và tại khu vực chôn lấp sau khi dỡ hết động vật, sản phẩm động vật cần tiêu hủy.
6. Lựa chọn địa điểm chôn thích hợp
- Địa điểm chôn lấp phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
- Đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, địa điểm chôn phải ở cuối khu giết mổ và cuối hướng gió chính.
- Không chôn động vật và sản phẩm động vật ở vùng ngập nước hoặc có mực nước ngầm nông.
- Chôn lấp gia súc, gia cầm tại nơi có dịch xảy ra (trang trại): Biện pháp này có ưu điểm là hạn chế sự phát tán mầm bệnh khi vận chuyển xác gia súc, gia cầm. Các trại chăn nuôi có diện tích lớn, cách xa khu dân cư có thể chôn lấp gia súc, gia cầm ngay trong trang trại. Hố chôn cách khu chăn nuôi, nguồn nước giếng và nơi ở của công nhân ít nhất 50 - 100m, tuỳ thuộc vào số lượng gia súc, gia cầm cần chôn lấp.
- Bãi chôn lấp phải xa các thành phố, khu đông dân cư, công trình văn hoá, khu du lịch, đền chùa, bệnh viện, trạm Y tế (phải từ 3.000m trở lên);
- Nên chôn xác gia cầm trong khu vực có nhiều cây cối (cây lấy gỗ, lấy nhựa hoặc cây ăn quả) để quá trình vô cơ hoá trong hố chôn xẩy ra nhanh chóng, hạn chế ô nhiễm môi trường.
6.2. Chôn lấp trong khu vực quy hoạch
- Đường vào khu chôn lấp phải đảm bảo cho việc vận chuyển xác gia súc, gia cầm hoặc các thứ cần chôn dễ dàng;

 
 
- Kích thước của hố chôn phụ thuộc khối lượng các chất cần chôn. Hố chôn không rộng quá 3m, chiều sâu 1,5 - 3m (tuỳ vào mực nước ngầm), chiều dài không cố định;
- Tính toán kích thước hố chôn: Thể tích hố gấp 3-4 lần khối lượng cần chôn. Ví dụ:
Kích thước hố chôn Trọng
lượng (tấn)
Ước tính số lượng (con)
Sâu (1,5-2m) x rộng (1,5-2m) x dài (1,5 -2m) 1 tấn 500-700 con gia cầm; 15- 20 lợn
Sâu (2-3m) x rộng (2,5-3m) x dài (3 -4m) 5 tấn 2500-3500 con gia cầm; 100-120 lợn
Sâu (2-3m) x rộng (2,5-3m) x dài (6 -7m) 10 tấn 5000-7000con gia cầm; 200-250 lợn
- Số lượng gia súc, gia cầm được chôn lấp/hố càng lớn thì khoảng cách an toàn (cách nhà dân, nguồn nước ...) càng xa.
7. Các bước tiến hành chôn gia súc, gia cầm 
- Bước 1. Khi việc đào hố hoàn tất, cho phân rác, chất độn chuồng xuống đáy hố.  (Chú ý: Lượng phân rác cũng được tính chung trong khối lượng gia cầm cần chôn lấp khi đào hố để bảo đảm rằng thể tích hố chôn gấp 3-4 lần khối lượng vật chất cần chôn lấp)
- Bước 2. Xếp xác động vật và sản phẩm động vật cần tiêu huỷ xuống đáy hố
- Bước 3. Rải một lớp phân rác lên trên đống xác. 
Chú ý: + Có thể rắc một lớp vôi bột (0,8-1 kg/m2) lớp trên cùng đống xác;
 + Tuyệt đối không dùng dầu hay xăng để đốt trước khi lấp đất.
- Bước 4. Lấp đất cho bằng miệng hố và nén chặt. 
- Bước 5. Tiếp tục 
+ Đắp thêm đất ở trên miệng hố theo hình chóp cụt với chiều cao khoảng 0,6-1m và rộng ra xung quanh miệng hố 0,3-0,4m để tránh nước mưa chảy vào hố chôn. 
+ Có thể dùng nước để làm ẩm lớp đất phía trên cho dễ thao tác.
+ Trọng lượng của khối đất phía trên có tác dụng ngăn chặn thú ăn thịt đào xác và giúp cho việc khử mùi, hấp thụ nước bẩn tạo ra do phân huỷ.
- Bước 6. Phía ngoài khu vực hố chôn, cách khoảng 1m, tạo một rãnh nước với kích thước: rộng 20-30cm và sâu 20-25 cm, có tác dụng dẫn nước mưa ra thoát ra ngoài, tránh ứ đọng nước quanh hố chôn.
- Bước 7. Trên bề mặt hố chôn, rắc vôi bột với lượng 0,8kg/m2, hoặc phun dung dịch chlorine nồng độ 2%, với lượng 0,2 - 0,25 lít/m2 để diệt mầm bệnh phát tán trong quá trình thao tác .
- Bước 8. Sau khi hoàn tất việc chôn, phải đặt biển cảnh báo khu vực chôn lấp, cử người quản lý hố chôn trong 1-2 ngày đầu để tránh việc đào bới lấy xác gây hậu quả nguy hiểm, hạn chế sự qua lại của người hay vật nuôi quanh khu vực chôn lấp.
8. Kiểm tra sau khi chôn lấp
- Khu vực chôn lấp phải được kiểm tra 1 tuần/lần trong vòng 1 tháng đầu sau khi chôn lấp. Nếu phát hiện thấy hiện tượng lún, sụp, bốc mùi hôi cần có biện pháp xử lý: lấp đất, phun thuốc sát trùng…
- Các hộ gia đình hoặc các trang trại cách hố chôn < 100m, cần lấy mẫu kiểm tra nguồn nước sau khi chôn lấp từ 3 - 4 tuần và kiểm tra lại 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện ô nhiễm nguồn nước và có biện pháp xử lý.
Nguyễn Thị Thúy Hằng – Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây