CHĂM SÓC CÂY HỒ TIÊU SAU THU HOẠCH

Thứ hai - 02/08/2021 05:52
Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 2.500 ha hồ tiêu, tập trung chủ yếu ở 04 địa phương: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hóa, trong đó diện tích cho sản phẩm khoảng 2.100 ha, sản lượng bình quân đạt khoảng trên 2.000 tấn/năm (Nguồn: Cục thống kê tỉnh Quảng Trị).
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Với đặc trưng khí hậu đặc thù của vùng nhiệt đới, nên sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị có mùi vị đặc trưng riêng, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng; được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm hạt tiêu Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị cũng đã ban hành được quy trình kỹ thuật sản xuất hồ tiêu mang chỉ dẫn địa lý Quảng Trị.
Thời gian gần đây, bên cạnh tăng cường khuyến khích các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu giữa doanh nghiệp và nông dân, Sở NN-PTNT Quảng Trị đẩy mạnh phát triển, mở rộng diện tích tiêu hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện cây tiêu trên địa bàn tỉnh đang vào chính vụ thu hoạch. Khi thu hoạch  chúng ta đã lấy đi một phần dinh dưỡng của cây tiêu, mỗi mắt trái, mắt lá hái đi là vết thương hở, dễ làm cho tiêu nhiễm bệnh. Việc chăm sóc cây tiêu vào lúc này rất quan trọng. Cung cấp một lượng dinh dưỡng lớn để hồi phục cây, tạo mầm hoa và cho trái ở vụ tiếp theo. Hơn nữa, đây là giai đoạn rất nhạy cảm của cây với thời tiết, các loại dịch bệnh như nấm phát sinh mạnh. Nếu không được chăm sóc, cứ để phát triển tự nhiên thì sẽ thiếu dinh dưỡng, khiến cây năm được năm mất mùa.
Để chăm sóc tốt cho cây tiêu sau thu hoạch, bà con cần thực hiện đúng cách và đúng lúc người trồng tiêu cần lưu ý các công việc sau:
Tạo hệ thống rãnh thoát nước tốt
Cây tiêu không chịu được nước đọng, do vậy ở những vuờn tiêu trồng trên đất bằng phẳng hoặc đất có độ dốc thấp, vào mùa mưa phải có hệ thống thoát nước tốt. Khi đất trong vườn còn nhão bùn không đi lại nhiều, chỉ chăm sóc (làm cỏ, bón phân…) khi tạnh ráo, đất đủ ẩm, tơi xốp.
– Hệ thống mương thoát nước chính: Được đào xung quanh vườn tiêu, có tác dụng ngăn không cho nước từ nơi khác chảy vào vườn tiêu và thu nước từ hệ thống mương nhỏ. Hệ thống mương thoát nước chính thường được đào sâu 50 – 60 cm, rộng 40 – 50 cm, có thể tạo hố tự thấm, rút nước nước tại chỗ quanh gốc tiêu.
– Hệ thống mương phụ: sâu 30 – 40 cm, rộng 20 – 25 cm, đào vuông góc với hướng nước chảy để chống xói mòn và hạn chế tốc độ dòng chảy. Hệ thống mương này giúp tiêu thoát nước trong vườn tiêu ra hệ thống mương thoát nước chính.
Đối với đất bằng thì cách 2 hàng tiêu đào 1 mương phụ, đất dốc thì cách 4-5 hàng tiêu đào 1 mương phụ.
Xới lớp đất mặt và bón phân
Hồ tiêu sau thu hoạch cần một lượng chất dinh dưỡng vượt trội để phục hồi và phát triển. Do đó, trong thời gian này, bà con cần chú ý theo dõi và bón thêm các loại phân phù hợp. Có thể kết hợp những lần xới xáo để bón thêm phân. 
Phân hữu cơ:
Lượng phân bón:
+ Phân chuồng, phân rác hoai mục: bón 15-20 kg/trụ/năm.
+ Phân hữu cơ sinh học/phân hữu cơ vi sinh: 3-5 kg/trụ/năm.
Chu kỳ bón:  Mỗi năm một lần, tiến hành vào đầu mùa mưa khi đất đủ ẩm.
Phương pháp bón: Đào rãnh theo mép tán, sâu 10 – 15cm, bón phân và lấp đất. Trong quá trình đào rãnh không được làm tổn thương bộ rễ tiêu, bón kết hợp tủ gốc
Phân vô cơ:
Lượng phân bón:
 
Tuổi cây Phân Urê
(gam)
Supe lân
(gam)
KCl
(gam)
Tiêu đã cho trái 300-500
(480-800 kg/ha)
500-700
(800-1.120 kg/ha)
250-260
(400-416 kg/ha)
Có thể sử dụng các loại phân vô cơ thương phẩm khác nhau để bón cho vườn tiêu như phân đơn hoặc phân tổng hợp NPK. Khi sử dụng các loại phân thương phẩm, phải quy đổi theo nguyên chất để hàm lượng các loại phân bón không quá thấp, hoặc quá cao so với hướng dẫn.
Cách bón: 3 lần
+ Lần 1: Sau khi kết thúc thu hoạch khoảng 10 ngày: Bón toàn bộ phân lân + 1/3 phân đạm + 1/3 phân kali; 
Đây là lần bón rất quan trọng nhằm cung cấp dinh dưỡng giúp cây phục hồi sau thời kỳ nuôi quả, đồng thời tạo những mầm cành quả mới tạo tiền đề cho năng suất cao vào mùa vụ tới. Tuy nhiên, giai đoạn này thời tiết ở trên địa bàn tỉnh thường khô hạn nên cần tưới đủ ẩm để bón phân.
+ Lần 2: Đầu mùa mưa: Khi đất đủ ẩm, bón 1/3 đạm +1/3 kali.
+ Lần 3: Cuối mùa mưa: Bón hết lượng phân còn lại.
Phương pháp bón: Bón phân khi đất đủ ẩm, cào lá, xác bã thực vật, rải lên mặt đất theo mép tán, xăm xới nhẹ, lấp phân vào đất, tránh làm đứt rễ. Dùng rơm rạ, cỏ khô tủ lại.
Có thể sử dụng các loại chế phẩm sinh học đặc dụng cho cây tiêu để phun thay cho phân bón vô cơ.
Bón vôi: Những vùng đất chua cần bón thêm vôi, mỗi gốc 100-200g vôi bột. Vôi được bón bằng cách rải đều trên mặt đất, xung quanh tán tiêu hoặc ủ chung với phân chuồng rồi đem bón.
Cắt cành, tạo dáng
Khi cành lá chính vươn cao dùng dây nilon cột dây tiêu vào cây choái để cây tiêu bám vào đó mà phát triển, chú ý không cột quá chặt làm gẫy, dập dây tiêu. Cắt các cành dây lươn để tập trung nuôi cành ngang là cành cho trái sau này; cắt cành có sâu, bệnh, cành chết héo đem đốt, cắt bớt các cành mọc sát mặt đất cho thoáng gốc.
Những vườn tiêu có cây choái sống cần chú ý tỉa bớt cành lá của cây choái để vừa tạo thông thoáng cho gốc tiêu vừa đề phòng mưa gió làm gãy cây.
Phòng trừ  bệnh hại  hồ tiêu rất khó chữa thậm chí là không chữa được mà hậu quả lại rất nghiêm trọng, do vậy, công tác phòng bệnh, chăm sóc đúng kỹ thuật là giải pháp tối ưu cần thực hiện.
Thu hoạch xong cũng là lúc chuẩn bị chuyển sang mùa mưa - mùa của rất nhiều loại bệnh gây hại hồ tiêu. Bà con cần chú ý thăm vườn để phòng các loại sâu, bệnh hại như: chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng, thán thư, rệp, bọ xít…
Phòng ngừa bệnh chết nhanh, chết chậm và tuyến trùng. Khi mưa tới, bà con đưa phân vào gốc, thì cũng cần tưới vào gốc sản phẩm trichodemar chứa nhiều nấm đối kháng để phòng bệnh rất hiệu quả. Tưới phòng Furadan, ... để đặc trị cho phytopthora.
Thoát nước tốt vào mùa mưa, tránh sự đọng nước ở gốc hồ tiêu. Làm sạch cỏ dại trong vườn, tránh làm đứt rễ khi bón phân, tránh gây vết thương cho thân ngầm và rễ hồ tiêu nhất là vào mùa mưa, trồng xen cây vạn thọ, hoa cúc …
  
Trần Thị Thúy – Lê Tú – Trung tâm Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây