BỆNH VIÊM PHỔI Ở DÊ VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, ĐIỀU TRỊ BỆNH

Thứ ba - 27/04/2021 04:30
Hiện nay, chăn nuôi dê thịt nhốt chuồng đang trở thành một nghề đem lại thu nhập khá cho bà con nông dân trên địa bàn Quảng Trị. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra tại một số hộ chăn nuôi dê nhốt chuồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chúng tôi thấy nhiều hộ chăn nuôi dê nhốt chuồng xuất hiện bệnh Viêm phổi ở dê gây thiệt hai lớn cho người chăn nuôi. Để giúp bà con nông dân có hiểu biết đầy đủ về bệnh, chúng tôi xin giới thiệu bệnh Viêm phổi ở dê và các biện pháp phòng và điều trị bệnh để bà con nông dân chủ động trong quá trình chăn nuôi nhằm giảm thiểu thiệt hại do bệnh gây ra.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
1. Nguyên nhân gây bệnh
- Bệnh do vi khuẩn viêm phổi và các tạp khuẩn có sẵn trong đường hô hấp của dê khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển gây ra bệnh ở dê. Ngoài ra, bệnh có thể do Pasteurella Haemotica hay Pasteurella Multocida gây ra. Tỷ lệ mắc bệnh lên đến 100% và tỉ lệ tử vong khá cao từ 50-100%.
- Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi của dê. 
- Bệnh thường xuất hiện vào thời kỳ giao mùa hoặc khi thời tiết thay đổi, độ ẩm cao, chuồng trại ẩm ướt, chật chội, mất vệ sinh, dê dính nước mưa,… kết hợp với sức đề kháng kém, dê không đủ sức chống chọi với sự tấn công của vi khuẩn gây bệnh làm tăng tỷ lệ dê mắc bệnh.
- Bệnh lây lan qua đường hô hấp. Vi khuẩn từ dê bệnh được thải ra môi trường theo dịch chảy ra từ mũi, miệng của chúng sẽ phát tán vào không khí hoặc môi trường chăn nuôi, dê khỏe mạnh hít thở hoặc ăn uống thức ăn nước uống có chứa mầm bệnh sẽ mắc bệnh.
- Vi khuẩn gây bệnh có thể tồn tại khoảng 1-3 ngày trong môi trường tự nhiên. Vi khuẩn dễ ràng bị tiêu diệt dưới ánh nắng mặt trời và các thuốc sát trùng thông thường như: Han-Iodine, Benkocid, nước vôi 10%, vôi bột,...
2. Triệu chứng bệnh 
- Thời gian ủ bệnh từ 3-4 ngày
- Khi mới bắt đầu mắc bệnh, dê sẽ có những triệu chứng như: sốt cao 41-45,5OC trong khoảng 2-3 ngày, nước mắt, nước mũi chảy dịch liên tục.
- Dê bắt đầu ăn ít thậm chí bỏ ăn, uể oải, ít vận động, chỉ nằm một chỗ.
- Niêm mạc mắt có màu đỏ sẫm; thở ngày một khó khăn; ho nhiều, chuyển từ ho khan sang ho khạc ra dịch mũi khi bệnh đã trở nên trầm trọng.
- Nếu bệnh nặng và dê có những biểu hiện cấp tính có thể gây tử vong rất nhanh sau 4-6 ngày khởi bệnh
Nếu cơn cấp tính qua đi, bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính khiến dê ngày càng ốm yếu, gầy gò, thở ngày một khó khăn, khả năng hồi phục kém và thường chết sau 30-45 ngày vì xung hô hấp.
3. Bệnh tích 
Một số dấu hiệu thường thấy khi mổ khám dê mắc bệnh:
- Niêm mạc mũi, phế quản, tiểu phế quản bị tụ huyết, xuất huyết, có nhiều dịch và bọt khí.
- Trong trường hợp có nhiễm ghép tụ cầu khuẩn sẽ xuất hiện thêm dịch mủ trong các tiểu phế nang và tiểu thùy phổi.
- Ở giai đoạn mãn tính: dê mắc bệnh sẽ xuất hiện màng giả ở niêm mạc phế quản và một số tiểu thùy phổi bị viêm, xơ hóa màu nâu đỏ như màu thịt.
4. Phòng bệnh
Để giảm tối thiểu mức độ mắc bệnh và làm cho dê sinh trưởng, phát triển tốt, điều cần thiết là khi nuôi nhốt phải cho dê ở chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát. Giữ vệ sinh môi trường sống và chuồng trại sạch sẽ là biện pháp phòng bệnh viêm phổi ở dê hiệu quả nhất.
- Chuồng trại phải cao ráo, cách xa nguồn nước tự nhiên như: kênh, rạch, ao, hồ, … cách xa nhà ở và đường xá. Ngoài ra, chọn những nơi có trồng cây tạo bóng mát để xây dựng chuồng trại, không gian rộng rãi, thoáng mát thuận tiện cho việc cung cấp thức ăn, nước uống, dọn dẹp vệ sinh, đặc biệt là tuyệt đối không xả chất thải ra môi trường xung quanh.
- Tạo môi trường thoáng mát cho dê ở. Mặt trước của chuồng nuôi dê nên quay về hướng Đông Nam hoặc Đông, Nam. Như vậy, chuồng nuôi sẽ thoáng mát, khô ráo nhờ ánh mặt trời chiếu vào buổi sáng. Điều cần thiết là phải đảm bảo chuồng trại thông thoáng, chống ngột ngạt. Đặc biệt là ở thời điểm khi thời tiết chuyển mùa, độ ẩm cao, không khí ngột ngạt có thể gây thêm một số bệnh khác cho dê. Tuyệt đối không được để dê bị ướt nước mưa.
- Hằng ngày nên thực hiện dọn dẹp, thu gom, xử lý phân, nước tiểu, thức ăn, nước uống còn thừa, thay mới nước uống và không xả chất thải ra ngoài môi trường. Thông thường, dê không thích sử dụng thức ăn cũ, thức ăn rơi vãi, không uống nước có cặn. Vì vậy, cần lưu ý cho ăn đủ lượng; đồng thời vệ sinh máng ăn, máng uống trước khi cho cho dê ăn.
- Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại từ 1-2 lần/tuần bằng các loại thuốc sát trùng thông thường như: Han-Iodine, Benkocid, nước vôi 10%, vôi bột,...
- Thường xuyên theo dõi kiểm tra sức khỏe, bệnh tật từng con. Cắt móng chân thường xuyên, kiểm tra dê có bị nhiễm ký sinh trùng gây bệnh như: ve, bét, giun sán, ghẻ, …
- Tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho dê theo hướng dẫn của cơ quan thú y. 
5. Điều trị bệnh
- Cách ly những con dê bị bệnh ra khỏi đàn dê khỏe mạnh.
- Điều trị dê mắc bệnh liên tục trong 4-5 ngày bằng một trong các loại kháng sinh dưới đây:
+ Tylosin-50: Tiêm bắp 3-5 ml/20-25 kg thể trọng.
+ Tiamulin: Tiêm bắp 1,5 ml dung dịch Tiamulin 10% cho 7-10 kg thể trọng.
+ Genta-Tylo: Tiêm bắp 1 ml/15-20kg thể trọng.
+ Ampi-Kana: Tiêm bắp 15-20mg/kg thể trọng.
- Kết hợp tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch các dung dịch tăng sức đề kháng cho dê như: Vitamin C, Gluco-C, Cafein, Vitamin B1,… hoặc tiêm bắp ADE-Bcomplex.
- Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng của dê. Thức ăn, nước uống cho dê phải thơm ngon, không nhiễm mầm bệnh, dễ tiêu hóa, đảm bảo đủ lượng, đủ chất.
Đào Văn An - Chi cục Chăn nuôi và Thú y

 

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1.8 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây