CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT QUẢNG TRỊ 35 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Thứ năm - 27/06/2024 22:33
Cách đây 35 năm, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII, tháng 7 năm 1989 đã ban hành Quyết định tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Theo đó, cùng với việc lập lại tỉnh Quảng Trị vào ngày 01/7/1989, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Quảng Trị được thành lập theo Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 22/07/1989 của UBND tỉnh Quảng Trị. Ban đầu Chi cục có 8 biên chế do đồng chí Nguyễn Văn Hiếu làm Chi cục Trưởng. Tháng 2 năm 1993, thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, các Trạm BVTV được sáp nhập về Chi cục để thống nhất đầu mối quản lý chuyên ngành, bộ máy được tổ chức kiện toàn từ tỉnh đến huyện, thị với tổng số́ 28 cán bộ, có 3 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 7 Trạm BVTV, mỗi trạm 3 - 4 cán bộ. Với chức năng chính là thực hiện công tác BVTV trên địa bàn.
CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT QUẢNG TRỊ  35 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
      Năm 2016, thực hiện Thông tư 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV liên Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và PTNT thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, theo đó ngày 25/02/2016  UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành  Quyết định 05/2016/QĐ-UBND về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và PTNT. Từ đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV được thành lập trên cơ sở sáp nhập Phòng Trồng trọt trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT với Chi cục Bảo vệ thực vật với 02 chức năng chính là quản lý nhà nước chuyên ngành và tổ chức thực thi pháp luật về sản xuất trồng trọt, giống cây trồng nông nghiệp, sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, phân bón, bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật nội địa, thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng và quản lý dịch vụ công thuộc phạm vi lĩnh vực được giao trên địa bàn tỉnh. Biên chế được giao là 38 chỉ tiêu, trong đó có 14 công chức, 23 viên chức hưởng lương từ ngân sách và 01 hợp đồng lao động theo Nghị định 111. Tổ chức bộ máy của Chi cục đã được kiện toàn cơ bản ổn định và đi vào hoạt động hiệu quả, gồm 01 Chi cục trưởng và 02 phó chi cục trưởng, 04 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 8 trạm Trồng trọt và BVTV tại 09 huyện, thành phố, thị xã. 
      Xác định được chức năng, nhiệm vụ quan trọng của ngành trồng trọt trong sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực đóng góp trên 60% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp, trong 35 năm qua, Chi cục Trồng trọt  và BVTV đã chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch và hoạch định chiến lược trong lĩnh vực Trồng trọt và BVTV; không ngừng đào tạo phát triển nguồn nhân lực thông qua việc xây dựng quy chế chính sách đào tạo, đưa ra yêu cầu chuẩn hoá trình độ cán bộ đáp ứng với yêu cầu vị trí việc làm. So với khi mới thành lập, lúc đó Chi cục chỉ có 8 biên chế gồm 3 kỹ sư, 2 trung cấp, 3 công nhân, đến nay đội ngũ cán bộ Chi cục có 15 Thạc sỹ (39%), 22 Đại học (59%) và 01 Trung cấp lái xe (2%); về lý luận chính trị có 04 Cử nhân, cao cấp; 18 trung cấp và 16 sơ cấp. Với đội ngũ công chức, viên chức của Chi cục được đào tạo bài bản, có trình độ cao, có kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, có đạo đức, phẩm chất chính trị tốt, lập trường tư tưởng vững vàng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, là những hạt nhân tích cực trong thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nghành nông nghiệp của tỉnh nhà.
      Trãi qua từng giai đoạn phát triển, Chi cục đã linh hoạt tập trung tham mưu các giải pháp phù hợp để đẩy mạnh phát triển sản xuất trên địa bàn, đặc biệt tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND, HĐND tỉnh ban hành nhiều chương trình, đề án, chính sách quan trọng phục vụ cho sự phát triển nông nghiệp, đồng hành, hỗ trợ tích cực cho Doanh nghiệp, triển khai có hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, Chi cục đã phối hợp với các địa phương, các Doanh nghiệp để quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất tập trung có liên kết với doanh nghiệp, điễn hình như vùng sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng; Vùng sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Gio An huyện Gio Linh và xã Kim Thạch huyện Vĩnh Linh; Vùng sản xuất cà phê đặc sản, chanh leo tại huyện Hướng Hóa; Vùng sản xuất các loại cây ăn quả có múi tại Hải Lăng,... Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.000 ha lúa, 100 ha cây ăn quả canh tác theo hướng hữu cơ, canh tác tự nhiên có chứng nhận; có hơn 30 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trồng Dưa lưới, rau ăn lá trong nhà lưới, nhà kính; hơn 60 ha Hồ tiêu canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và Châu Âu...; Cùng với việc phát triển vùng trồng, cấp và giám sát mã số vùng trồng (MSVT) được đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 30 mã số vùng trồng với quy mô gần 2.500ha (trong đó 11 MSVT phục vụ xuất khẩu) và 01 mã cơ sở đóng gói.
      Với sự chuyển đổi cơ cấu và cả phương thức canh tác, trãi qua 35 năm từ khi tái thành lập tỉnh, ngành trồng trọt đã và đang phát triển theo một tư duy mới, tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã góp phần đưa ngành nông nghiệp tỉnh nhà lên một bước phát triển mới, giai đoạn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, sản phẩm sản xuất ra có chứng nhận tiêu chuẩn gắn sản xuất với liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị và vị thế của các mặt hàng nông sản của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế. Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh từ chổ chưa có liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT kết nối, đồng hành với nhiều đối tác Doanh nghiệp lớn nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên 6.584 ha cây trồng. Thông qua các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh có chỗ đứng trên thị trường nội địa và xuất khẩu, như: Gạo hữu cơ Quảng Trị xuất khẩu sang châu Âu, Gạo canh tác tự nhiên Triệu Phong; Cà phê Arabica Khe Sanh; Chè Vằng hòa tan; Cà gai leo An Xuân; Tiêu Cùa, Tiêu Vĩnh Linh… đã khẳng định hiệu quả trên cả 3 mặt Kinh tế - Xã hội - Môi trường, giúp các địa phương ổn định đầu ra, yên tâm sản xuất và lợi nhuận mang lại cao hơn 30% so với sản xuất truyền thống. 
      Trong công tác Bảo vệ thực vật Chi cục đã chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT nhiều giải pháp kịp thời trong lĩnh vực Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (KDTV). Áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào công tác dự tính dự báo sâu bệnh hại, đến nay có trên 15.000 ha cây trồng được áp dụng thiết bị bay không người lái (Dron) để phun thuốc BVTV, chế phẩm sinh học và phân bón, giảm chi phí công lao động và vật tư đầu vào, nhất là giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật phun trên đồng ruộng, góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Nhờ đó, trong 35 năm qua Chi cục luôn bảo vệ thành quả sản xuất với mức thiệt hại do sâu bệnh gây ra dưới 5% sản lượng. Cùng với việc tham mưu tổ chức sản xuất và bảo vệ thực vật, công tác quản lý vật tư nông nghiệp và giống cây trồng luôn được Chi cục chú trọng nhằm đảm bảo chất lượng vật tư đầu vào và nguồn giống tốt cho sản xuất. Triển khai nhiều đợt kiểm tra, quản lý, đồng thời tuyên truyền phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật đến toàn thể người dân, nhất là các cơ sở kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp trên địa bàn để kinh doanh dảm bảo theo quy định pháp luật.
      Với những sáng tạo các giải pháp trong tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện, sau 35 năm nhìn lại, năng suất các loại cây trồng đều tăng mạnh, năm sau cao hơn năm trước. So với ngày mới tái lập tỉnh, đến năm 2023, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 58 tạ/ha, cao hơn 35 tạ/ha; Sản lượng lương thực có hạt đạt 30,56 vạn tấn, tăng hơn 19 vạn tấn; Năng suất ngô đạt 34,7 tạ/ha, tăng hơn 24 tạ/ha; Năng suất lạc đạt 22,8tạ/ha, tăng hơn 15 tạ/ha ngày mới tái lập.
      Bên cạnh việc tham mưu phát triển sản xuất, công tác cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên của Chi cục. Trong đó, cải cách thể chế, cải cách TTHC và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức được xem là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả công tác CCHC, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác thực hiện nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
      Trong 35 năm qua, tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, hàng năm, Chi cục đã tổ chức các phong trào thể thao, hội thi nấu ăn, các đợt tham quan học tập, các cuộc giao lưu văn nghệ cho công chức, viên chức trong toàn đơn vị nhằm giao lưu học tập lẫn nhau; Tổ chức đóng góp các Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, do thiên tai... Đồng thời phát động các phong trào gây quỹ, tạo thu nhập tăng thêm cho người lao động trong đơn vị. Đời sống của công chưc, viên chức và người lao động được nâng cao.
      Nhìn lại từng giai đoạn tuy có những thay đổi về tổ chức, song được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Lãnh đạo Sở, sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành tích trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn của tỉnh nhà. Là đơn vị luôn dẫn đầu của ngành về cải cách hành chính, tham mưu đề xuất kịp thời, chất lượng trong công tác chỉ đạo sản xuất trên địa bàn. Đội ngũ cán bộ Chi cục không ngừng trưởng thành về mọi mặt. Nhiều năm liền Chi cục được công nhận là đơn vị điễn hình, xuất sắc. Với những kết quả công tác và thành tích đạt được, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và được Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho nhiều tập thể và cá nhân trong đơn vị. 
      Trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng, đang tập trung cơ cấu lại trên cơ sở định hình bộ sản phẩm 6 cây 02 con gắn với phát triển các đặc sản địa phương, Chi cục tiếp tục tập trung tham mưu chuyển hướng từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hữu cơ, sản xuất quy mô nhỏ sang quy mô lớn, chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, xem Doanh nghiệp là động lực chính thúc đẩy sản xuất phát triển theo chuỗi giá trị liên kết bền vững. 
      Phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tích xuất sắc của 35 năm xây dựng và phát triển với phương châm:  “Kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, năng động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, tập thể Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Trị cam kết tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới./. 
Bùi Phước Trang - Chi cục trưởng, CC TT&BVTV
 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây