CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ DỊCH HẠI TỔNG HỢP (IPM) SAU 30 NĂM NHÌN LẠI

Thứ năm - 27/06/2024 22:37
Năm 1994, được sự tài trợ của tổ chức Nông lương thế giới (FAO) và Cục Bảo vệ thực vật, Quảng Trị chính thức tham gia chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa với 4 lớp huấn luyện cho 120 nông dân. Trải qua 30 năm thực hiện, đến nay chương trình đã phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với nhiều cây trồng khác nhau như lạc, rau, hồ tiêu, cà phê, sắn, cây ăn quả...với hơn chục nghìn nông dân tham gia.
CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ DỊCH HẠI TỔNG HỢP (IPM)  SAU 30 NĂM NHÌN LẠI
      Điểm nổi bật của nội dung chương trình là xử lý đồng ruộng dựa trên 4 nguyên tắc: Trồng cây khỏe; Bảo tồn thiên địch; Thăm đồng thường xuyên; Nông dân trở thành chuyên gia. Muốn trồng cây khỏe người sản xuất phải nắm được đặc điểm sinh lý của cây trồng qua từng giai đoạn, các yếu tố ảnh hưởng, nhu cầu của cây trong các giai đoạn đó, từ đó đưa ra biện pháp chăm sóc một cách khoa học. Trước năm 1994, để phòng trừ sâu bệnh người dân thường tiến hành phun thuốc định kỳ, không quan tâm đến mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cũng như ngưỡng kinh tế dẩn đến hiệu quả kinh tế thấp, ô nhiểm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người, làm mất cân bằng sinh thái ” Càng phun thuốc sâu thì sâu hại càng phát triển” , chương trình IPM đã khắc phục bằng cách dựa vào đấu tranh sinh học trong tự nhiên, chuyễn giao kiến thức cho người dân nắm bắt về các đối tượng thiên địch hay còn gọi là kẻ thù tự nhiên của sâu hại. Lợi dụng khả năng tiêu diệt sâu hại của thiên địch giúp cho con người không cần sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ. Tuy nhiên ở một mật độ nào đó của thiên địch mới có khả năng khống chế được sâu hại, vì vậy để xử lý đồng ruộng một cách chính xác người dân phải thăm đồng thường xuyên, mục đích điều tra được mật độ dịch hại và thiên địch trên đồng ruộng, điều kiện thời tiết khí hậu, các yếu tố ảnh hưởng. Từ đó tiến hành phân tích hệ sinh thái đồng ruộng và đưa ra biện pháp quản lý phù hợp nhất. Với những kiến thức được trang bị đó học viên sau khi huấn luyện có thể truyền đạt kiến thức cho người khác cùng thực hiện và trở thành các chuyên gia trên đồng ruộng. 
      Bên cạnh nội dung huấn luyện một cách khoa học thì phương pháp huấn luyện của chương trình càng ưu việt. Với các phương pháp huấn luyện cho người lớn tuổi, tổ chức hoạt động nhóm, bắt tay chỉ việc ” Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ”, huấn luyện bằng phương pháp đặt câu hỏi... đã giúp cho học viên hiểu biết sâu sắc về nội dung chương trình.
      Việc áp dụng chương trình IPM trên các loại cây trồng đã giúp người dân sử dụng các loại thuốc, phân bón một cách hợp lý, khoa học hơn. So với năm 1994, lượng thuốc hóa học được sử dụng giảm trên15%, đồng thời lượng thuốc BVTV sinh học tăng 6,4%; lượng lúa giống gieo sạ giảm 16%. Hàng năm thiệt hại do sâu bệnh gây ra từ trên 5% giảm xuống còn  dưới 3%. Năng suất các loại cây trồng khi áp dụng chương trình đều tăng, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với sản xuất đại trà từ 10-15%. Sản lượng lương thực năm 1989 đạt 11,3 vạn tấn đến năm 2023 đạt 30,54 vạn tấn có sự đóng góp không nhỏ của chương trình IPM. Đặc biệt, đối với cây rau, lượng thuốc BVTV, phân đạm giảm đáng kể, số lần phun thuốc giảm từ 4 - 5 lần xuống còn 1-2 lần, dư lượng các loại hóa chất đều ở dưới ngưỡng cho phép, sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Việc áp dụng đồng bộ các kỹ thuật IPM giúp giảm chi phí, tăng năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, mang lại hiệu quả góp phần xây dựng nông thôn mới.
Với những ưu điểm nổi trội của chương trình, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường, các tổ chức trong và ngoài nước đã đồng hành cùng FAO tiến hành tài trợ cho chương trình như tổ chức Danida, Oxfam, Plant, Phần Lan, Ngân hàng thế giới (WB)...Ở tỉnh, hàng năm UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để tổ chức mở lớp, vì vậy mà đến nay chương trình IPM đã tiến hành hầu khắp địa bàn các xã, các HTX trong toàn tỉnh.
      Do quá trình gia tăng dân số, toàn cầu hóa và suy thoái môi trường đang diễn ra hết sức nhanh chóng nên những mối đe dọa đến sức khỏe càng trở nên phức tạp hơn. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), IPHM là một cách tiếp cận mới trong chiến lược bảo vệ thực vật, được phát triển trên nền tảng IPM gắn với nông nghiệp sinh thái. IPHM lấy sức khỏe cây trồng làm trung tâm, khắc phục được một số điểm yếu của IPM. IPHM có tính toàn diện hơn, xem xét tất cả các yếu tố sinh học, phi sinh học, bao gồm cả giống, đất, nước, phân bón, địa hình, cảnh quan nông nghiệp, môi trường… để tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng phát triển khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt, chủ động ngăn ngừa dịch hại với phương châm “phòng là chính” và giảm thiểu hoặc không cần sử dụng hóa chất. 
      Trên địa bàn Quảng Trị, UBND Tỉnh đã ban hành quyết định số 1273/UBND ngày 19/06/2023 về “Kế hoạch thúc đẩy ứng dụng chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực tỉnh Quảng Trị đến năm 2030”. Cục BVTV đã hổ trợ đào tạo nâng cao 32 giảng viên IPM lên IPHM để tiếp tục triển khai chương trình IPHM cho người sản xuất phù hợp với thực tế hiện nay.
      Với đội ngũ 35 giảng viên IPM Quốc gia được FAO và Cục BVTV đào tạo, 20 giảng viên được Trung tâm BVTV vùng Khu 4 đào tao qua các thời kỳ và 32 giảng viên IPHM hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyễn giao tiến bộ kỹ thuật mang tầm quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ba mươi năm nhìn lại chương trình IPM, chúng ta thật đáng tự hào về những kết quả đã đạt được của chương trình góp phần nâng cao đời sống của người dân và phát triển kinh tế xã hội./.
Nguyễn Văn Khoa - Chi cục TT&BVTV

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây