CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BVTV ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC KHẢO NGHIỆM CÁC GIỐNG LÚA MỚI CÓ NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG CAO, PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

Thứ năm - 27/06/2024 22:43
Xác định giống là yếu tố quyết định đến sản xuất nông nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với BĐKH, trong những năm qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tích cực phối hợp với các công ty, doanh nghiệp sản xuất giống lúa, triển khai nhiều mô hình khảo nghiệm, sản xuất thử các giống lúa mới. Qua đó, đánh giá kết quả đã lựa chọn được các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở các vùng miền của tỉnh và bổ sung vào bộ giống lúa của tỉnh. Từ đó, từng bước thay thế các giống lúa cũ, truyền thống có năng suất và chất lượng thấp, khả năng chống chịu sâu bệnh hại kém và hiệu quả kinh tế thấp.
CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BVTV ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC KHẢO NGHIỆM CÁC GIỐNG LÚA MỚI CÓ NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG CAO, PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
      Từ năm 2019 đến nay, Chi cục phối hợp với các công ty sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất trình diễn  trên 20 giống lúa mới (ĐD2, QR1, TBR225, ADI28, LP5, DT80, TBR39, HĐ9, Hana số 7, TBR87, BT09, VNR10, VNR20, A1, LT2, ĐH15, SHPT3, ĐB18, TBR87, MĐ1, BĐR999, DT82, ĐD18, BDR57, Hà Phát 3, HG244….) trên địa bàn các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh. Qua đánh giá bước đầu ghi nhận có nhiều giống triển vọng, có TGST ngắn, năng suất, chất lượng cao (62-75 tạ/ha), ít nhiễm sâu bệnh, khả năng chống chịu tốt với điều kiện khí hậu bất thuận phù hợp để tổ chức sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị như: ĐD2, Hà phát 3, VNR10, Dự hương 8, LP5, DT80, VRN10, ADI28, HG12, QR1. 
      Qua theo dõi sản xuất thử nghiệm các giống lúa từ năm 2019 đến nay, kết quả hầu hết các giống lúa mới đưa vào sản xuất thử nghiệm đều có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp để tổ chức sản xuất 02 vụ trên địa bàn tỉnh (ĐX: 110 -115 ngày, HT: 85-95 ngày); trừ giống TBR39 có thời gian sinh trưởng >130 ngày. Khả năng chống chịu thời tiết bất thuận khá tốt (rét và nắng nóng, gió Tây Nam); ít nhiễm hoặc nhiễm nhẹ các đối tượng sâu bệnh hại chính (đạo ôn, rầy các loại, nhện gié…), chống đổ ngã khá tốt; Có năng suất, chất lượng cao, nhiều giống có triển vọng để bố trí vào sản xuất, thay thế dần các giống lúa cũ đã thoái hóa, năng suất, chất lượng thấp nhiễm sâu bệnh trên địa bàn.
      Từ những đánh giá trong quá trình tổ chức khảo nghiệm, thử nghiệm, Chi cục đã chọn được 09 giống lúa mới, có triển vọng để đưa vào cơ cấu bộ giống lúa chủ lực trên địa bàn gồm: ĐD2, Hà phát 3, VNR10, LP5, DT80, ADI28, HG12 với những đặc tính nổi trội, cụ thể như sau:
      Giống lúa ĐD2: Thời gian sinh trưởng 110-112 ngày (Đông Xuân) và 85-90 ngày (vụ Hè Thu); chỉ số chiều cao cây 100 cm, hình dạng hạt lúa thon dài, màu vàng sáng; Hạt gạo nhỏ, thon dài, cơm dẻo, ngon, có mùi thơm nhẹ; năng suất 70-72 tạ/ha (vụ Đông Xuân) và 60-68 tạ/ha (vụ Hè Thu); có khả năng chịu rét tốt, chống đổ ngã khá tốt, ít nhiễm sâu bệnh; chống chịu tốt với điều kiện nắng nóng và chưa phát hiện nhược điểm nào của giống.
      Giống lúa Hà Phát 3: Là  giống lúa cảm ôn, thích ứng rộng trên nhiều chân đất, thời gian sinh trưởng trong vụ Đông Xuân là 110-115 ngày, Hè Thu 93-95 ngày. Giống lúa Hà Phát 3 chịu thâm canh, sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh tập trung; cây cứng, chống đổ tốt, trổ bông tập trung, chín đồng đều; ít nhiễm các đối tượng sâu bệnh hại.
      Giống lúa ADI28: Là giống lúa cảm ôn, gieo được 2 vụ/năm, thích ứng rộng nhiều chân đất, chịu thâm canh; Thời gian sinh trưởng: Vụ ĐX 115-120 ngày, vụ Hè Thu 90-95 ngày; cây có dạng hình gọn, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, trỗ bông tập trung, bông to, hạt màu vàng sáng, thon dài, tỷ lệ hạt chắc cao, chiều cao cây 100-110cm, cây cứng, chông đổ tốt, chống chịu rét, kháng bệnh đạo ôn, khô vằn khá tốt. Năng suất bình quân 70-80 tạ/ha, thâm canh có thể đạt tới 80 tạ/ha
      Giống lúa LP5: Thời gian sinh trưởng 120 ngày (Đông Xuân) và 95 ngày (vụ Hè Thu); chỉ số chiều cao cây 100cm, hình dạng hạt lúa thon dài, màu vàng sáng; Hạt gạo nhỏ, thon dài, cơm dẻo, ngon, có mùi thơm nhẹ; năng suất 68-70 tạ/ha (vụ Đông Xuân) và 60-68 tạ/ha (vụ Hè Thu); có khả năng chịu rét tốt, chống đổ ngã khá tốt, ít nhiễm sâu bệnh; chống chịu tốt với điều kiện nắng nóng và chưa phát hiện nhược điểm nào của giống.
      Giống lúa DT80: Thời gian sinh trưởng 110-115 ngày (Đông Xuân) và 90-95 ngày (vụ Hè Thu); chỉ số chiều cao cây 85-90cm, hình dạng hạt lúa thon dài, màu vàng sáng; Hạt gạo nhỏ, thon dài, cơm dẻo, ngon; năng suất 62-65 tạ/ha (vụ Đông Xuân) và 58tạ/ha (vụ Hè Thu); có khả năng chịu rét tốt, chống đổ ngã trung bình, chống chịu tốt với điều kiện nắng nóng; khả năng chống chịu sâu bệnh khá nhưng nhiễm nhẹ đốm nâu.
      Giống lúa VRN10: Thời gian sinh trưởng 120 ngày (Đông Xuân) và 94 ngày (vụ Hè Thu); chỉ số chiều cao cây 95-100cm, hành dạng hạt lúa to, dài, màu vàng nhạt; Hạt gạo trong, cơm mềm, vị đậm, thơm nhẹ; năng suất 66-70 tạ/ha (vụ Đông Xuân) và 72 tạ/ha (vụ Hè Thu); có khả năng Chống đổ tốt, chịu nắng nóng, gió Tây Nam khá tốt, ít nhiễm các đối tượng sâu bệnh hại chính và chưa phát hiện nhược điểm nào của giống.
      Giống lúa HG12: Thời gian sinh trưởng 115-120 ngày (Đông Xuân) và 90- 95 ngày (vụ Hè Thu); chỉ số chiều cao cây 100-105cm, hình dạng hạt lúa màu vàng sáng, mẫu mã đẹp; Hạt gạo trắng trong, cơm mềm dẻo, ngon, vị đậm, có mùi thơm; năng suất 68-70 tạ/ha (vụ Đông Xuân) và 60-68 tạ/ha (vụ Hè Thu); có khả năng chịu rét tốt, chống đổ ngã khá tốt, ít nhiễm sâu bệnh; chống chịu tốt với điều kiện nắng nóng và chưa phát hiện nhược điểm nào của giống.
      Qua kết quả tổ chức các Hội thảo đầu bờ, đây là các giống lúa được nhiều đại biểu, nhiều địa phương, bà con nông dân đánh giá là giống lúa chất lượng có giá trị cao, bán được giá hơn các giống khác và đề nghị đưa vào sản xuất đại trà thay thế cho một số giống lúa có năng suất, chất lượng không cao, không còn phù hợp với điều kiện thời tiết và tình hình sâu bệnh gây hại như hiện nay, nhằm nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân trồng lúa.
      Để có cơ sở và kịp thời khuyến cáo cho các địa phương đưa các giống lúa mới vào sản xuất từ vụ Đông Xuân 2023-2024, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT bổ sung giống lúa ADI28, HG12 vào cơ cấu giống lúa chủ lực của tỉnh từ vụ Đông Xuân 2023-2024, đồng thời đưa giống lúa VRN10 vào giống lúa bổ sung (cơ cấu ≤20% diện tích)và đưa dần vào sản xuất các giống lúa LP5, DT80, LP5 đã thử nghiệm có triển vọng (cơ cấu ≤10% diện tích).
      Trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và BVTV tiếp tục phối hợp với các công ty sản xuất giống lúa trong và ngoài tỉnh, tổ chức khảo nghiệm, sản xuất thử các giống lúa mới, triển vọng, có năng suất, chất lượng cao, có khả năng phù hợp với điều kiện sản xuất trên dịa bàn tỉnh, lựa chọn, thay thế dần các giống lúa cũ, không còn phù hợp, đồng thời phục tráng một số giống lúa chất lượng cao đã bị thoái hóa trong quá trình sản xuất… Nhằm mang lại bộ giống lúa chủ lực của tỉnh đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, sản lượng, nhu cầu thị trường, chống chịu sâu bệnh và phù hợp với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết do biến đổi khí hậu gây ra./. 
Lê Văn Tùng, Cáp Thị Liên - Chi Cục TT&BVTV

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây