NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH KHẮC PHỤC BÒ CÁI CHẬM ĐỘNG DỤC SAU KHI SINH

Thứ hai - 02/08/2021 05:40
Hiện nay, trong khi diện tích đất đai ngày càng bị thu hẹp đã gây ra rất nhiều trở ngại cho việc chăn nuôi bò theo phương thức chăn thả hoặc bán chăn thả fđặc biệt vùng gò đồi, do đó nghề chăn nuôi bò sinh sản bằng phương pháp nhốt chuồng là hướng đi mới, phù hợp với định hướng phát triển chăn nuôi của rất nhiều địa phương. Tuy nhiên, để chăn nuôi bò sinh sản nhốt chuồng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi thì điều quan trọng nhất là phải làm tăng khả năng sinh sản của đàn bò, rút ngắn khoảng cách giữa các lứa đẻ, tăng số bê con sinh ra. Chính vì vậy, việc tìm ra nguyên nhân bò cái chậm động dục trở lại và cách khắc phục là hết sức cần thiết.
NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH KHẮC PHỤC BÒ CÁI CHẬM ĐỘNG DỤC SAU KHI SINH
          Bò cái chậm động dục trở lại, có rất nhiều nguyên nhân: Có thể những bò này không động dục hoặc động dục thầm lặng (phải đặc biệt chú ý hoặc dùng một số biện pháp hỗ trợ thì mới có thể phát hiện được). Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do: Nuôi dưỡng kém, thành phần và giá trị dinh dưỡng của thức ăn trong khẩu phần thiếu hoặc mất cân đối, dẫn đến tình trạng bò gầy yếu; bò mắc các bệnh liên quan đến buồng trứng, tử cung như: buồng trứng kém phát triển, u nang buồng trứng, viêm tử cung với thể vàng tồn lưu,… dẫn đến thiếu hoặc rối loạn điều tiết hormone sinh dục; chăm sóc, nuôi dưỡng kém và quản lý hệ thống chăn nuôi không tốt, bò cái ít được vận động, không tiếp xúc với những bò cái trưởng thành hoặc bò đực; cũng có thể do bò đẻ lứa đầu hoặc do bê con đang bú mẹ và theo mẹ,… Tùy theo nguyên nhân gây nên hiện tượng chậm động dục, các đối tượng bò cái chậm động dục sẽ được áp dụng các giải pháp kỹ thuật thích hợp để khắc phục khác nhau.
1/ Đối với bò gầy yếu:
         Người chăn nuôi cần lưu ý với bò cái trước và sau đẻ phải chăm sóc, nuôi dưỡng đúng quy trình. Bò phải được nuôi với khẩu phần ăn đầy đủ năng lượng, protein, vitamin ADE, khoáng đa lượng và vi lượng,… Nếu sau khi đẻ bò gầy yếu thì phải tác động bằng dinh dưỡng với khẩu phần ăn bổ sung bao gồm: thức ăn tinh, thô xanh, rơm khô, bã bia, rỉ mật,… với tỷ lệ thích hợp, bổ sung khoáng bằng đá liếm tự do. Kết hợp chăn thả trên sân chơi để bò có điều kiện vận động, tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
2/ Đối với bò thể vàng tồn lưu:
         Thông thường trứng không được thụ tinh thì thể vàng sẽ bị tiêu biến và con vật động dục trở lại. Nếu trứng được thụ tinh, hormon do thể vàng tiết ra có tác dụng giữ an toàn cho thai và con vật không động dục trong suốt thời gian mang thai, trường hợp này gọi là thể vàng sinh lý.
Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tường thể vàng tồn lưu ở bò nhưng chủ yếu do có những vật thể tồn tại trong tử cung (phôi, thai chết, thai chết ngâm, thai gỗ, u nhầy, tử cung có mủ,…). Nên biện pháp khắc phục khi bò bị thể vàng tồn lưu: có thể dùng tay bóc thể vàng thông qua trực tràng, tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi phải có kinh nghiệm.
Ngoài ra, có thể dùng hormone sinh sản, chế phẩm đặt âm đạo để điều trị bệnh thể vàng tồn lưu ở bò:
+ Ngày 1: Tiêm 2 ml Han-Prost và 2,5 ml Gonadorelin.
+ Ngày 7: tiêm 2,5 ml Gonadorelin.
Sau khi tiêm ngày thứ 7 theo dõi động dục ở bò để phối giống, nhưng tốt nhất nên bỏ qua chu kỳ đầu đến chu kỳ động dục thứ 2 mới thực hiện phối giống.
3/ Đối với bò bị u nang buồng trứng:
           Hiện tượng nang trứng không rụng mà lưu lại buồng trứng có đường kính lớn hơn 2,5 cm gọi là u nang buồng trứng.
Nguyên nhân gây bệnh u nang buồng trứng hiện nay chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, bệnh u nang buồng trứng thường phát hiện trong các trường hợp chế độ chăm sóc nuôi dưỡng kém, thức ăn không cân đối dinh dưỡng (mức canxi ăn vào quá nhiều) thiếu chất nhất là thiếu Vitamin A, D, E, B, thức ăn nhiễm độc tố nấm mốc,…
Do vậy, để phòng bệnh u nang buồng trứng cần kiểm soát thức ăn đảm bảo chất lượng, không bị nhiễm độc tố nấm mốc, cân bằng tỷ lệ canxi.
Điều trị bệnh u nang buồng trứng có có thể áp dụng một trong các cách sau:
  • Tiêm hCG
  • Tiêm GnRH
  • Tiêm PGF2a
  • Tiêm Progesteron
Bóp vỡ u nang (qua trực tràng): cách làm này nguy hiểm, cần phải thận trọng. Trường hợp này tốt nhất điều trị theo chỉ dẫn của cán bộ thú y.
4/ Đối với bò bị viêm nhiễm đường sinh dục:
          Phổ biến là viêm tử cung. Nguyên nhân chủ yếu làm tử cung của bò bị viêm nhiễm là do bò bị sót nhau, đường sinh sản bị tổn thương trong khi đẻ. Đặc biệt, bò càng béo, thai càng to thì khi đẻ càng khó, sót nhau và nguy cơ viêm nhiễm càng cao.
Triệu chứng bò bị viêm tử cung rõ nhất là dịch thải từ tử cung kéo dài quá 2 tuần hoặc có mùi rất hôi (cổ tử cung luôn mở). Để khắc phục hiện tượng này cần giữ vệ sinh chỗ nằm của bò mẹ, không cho bò khỏe tiếp xúc với bò ốm. Bổ sung Selen và vitamin E vào khẩu phần. Duy trì thể trạng của bò không quá gầy, không quá mập bằng cách điều chỉnh lượng thức ăn tinh và thức ăn thô. Khi bò bị bệnh, bà con chăn nuôi nên điều trị bằng kháng sinh theo chỉ dẫn của cán bộ thú y. 
Trên đây là một số nguyên nhân và các giải pháp khắc phục hiện tượng chậm động dục lại của bò sau khi đẻ. Khi tìm ra được nguyên nhân và cách khắc phục sẽ giúp rút ngắn khoảng cách các lứa đẻ để tăng nhanh số lượng đàn bò, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người chăn nuôi. Đây cũng là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh phát triển hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.

 
Bê lai
Lê Tùng – Hoàng Hương - Trung tâm Khuyến nông
 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây