KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC KHAI THÁC TRÀM NĂM GÂN LẤY TINH DẦU

Thứ hai - 26/08/2024 23:06
Giống tràm năm gân là giống tràm mới, được du nhập, chọn giống và lai tạo từ giống tràm của Úc, Tràm năm gân (Melaleuca quinqenervia) là loài cây có thân gỗ, thường cao 8 – 12m, trên đất khô hạn chỉ cao 4 - 5m; võ cây tạo thành nhiều lớp dễ bong tróc; lá mọc so le, hình trái xoan hẹp và có 5 gân nổi lên rõ rệt.Tràm năm gân hiện nay được trồng nhiều vùng trên khắp cả nước. Là giống cây chịu được sương muối ở mức độ thấp. Có thể trồng được ở cả các rừng gió mùa ven biển; rừng thưa, bãi cỏ, cây bụi; đồi cát ven biển; trên đất cát pha và đất thịt pha cát, đất mặn ven biển, đất bị đá ong hóa, kể cả những vùng đất đồi khô hạn, khí hậu khắc nghiệt....
KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC  KHAI THÁC TRÀM NĂM GÂN LẤY TINH DẦU
      Tràm năm gân là một trong những loài có hàm lượng và chất lượng tinh dầu cao trong hơn 42 loài Tràm được nghiên cứu về tinh dầu. Tinh dầu Tràm năm gân với tên gọi "niaouli oil" là một mặt hàng có giá trị cao trên thị trường; có chứa tinh dầu 1,8-cineole, cho hương thơm nồng, được dùng làm chất khử trùng để điều trị vết thương, điều trị các triệu chứng của bỏng, viêm da, dị ứng, viêm đại tràng, viêm phổi và viêm phế quản, viêm mũi họng, viêm nướu răng, chốc lở, bệnh vẩy nến, viêm xoang, viêm miệng và viêm amidan. Ngoài ra còn được sử dụng như một hương liệu trong thực phẩm, xà phòng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, nước hoa và như một lọai thuốc xông có hiệu quả để phòng trừ côn trùng trong cất trữ hạt giống...
1.  Điều kiện gây trồng: 
- Nhiệt độ trung bình hàng năm 22 - 27oC. 
- Nhiệt độ trung bình tối thấp >15oC.
- Lượng mưa hàng năm 1600 - 2600 mm.
- Số tháng mưa (tính >100 mm) 5-6 tháng.
- Độ cao: Tràm năm gân <500 m trên mặt biển.
- Địa hình: Đất bằng hoặc độ dốc thoải dưới 15o.
- Thành phần cơ giới: Đất thịt nhẹ, đất thịt pha cát, đất cát pha.
- Độ sâu tầng đất: Trên 60 cm, độ pH = 3,2 - 5,5.
2. Nguồn giống: 
Các giống Tràm năm gân dòng Q8, Q15, Q16, Q23 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận theo Quyết định 796/QĐ-BNN-TCLN ngày 13/4/2012 và Quyết định 3229/QĐ-BNN-TCLN ngày 01/8/2017 và do cơ quan chuyên môn hoặc chủ nguồn giống có chứng chỉ cung cấp. 
3. Xử lý thực bì, làm đất, phương thức trồng và kỹ thuật trồng:
3.1. Xử lý thực bì 
- Đất thảm cỏ: Không xử lý thực bì. 
- Đấtcó cây bụi, thảm tươi: phát dọn toàn diện.
- Đất sau khai thác: Đào hết gốc, dọn sạch đưa khỏi lô trồng.
3.2. Làm đất, đào hố  
- Làm đất toàn diện  trước trước khi trồng 15 ngày đến 1 tháng.
+ Nơi đất bằng hoặc dốc thoải < 10o làm đất toàn diện bằng cơ giới.  
+ Nơi đất dốc >10o làm đất toàn diện bằng dụng cụ thủ công.
+ Trên đất ngập phèn hoặc đất pha cát: Đắp líp cao 50cm-60 cm, rộng 4m-5m, khoảng cách líp 1,5m-2m. 
- Cày rạch hàng: Nơi đất bằng hoặc dốc thoải < 10o; cày hàng đơn, mỗi hàng cách nhau 1,5m.
- Đào hố: Nơi đất dốc, kích thước hố trồng 30 cm x 30 cm x 30 cm. 
3.3. Mật độ và phương thức trồng
- Tràm năm gân trồng mật độ 11.100 cây/ha (cự ly trồng 1,5 m x 0,6 m).
- Trồng tập trung    
3.4 Thời vụ trồng và thời tiết khi trồng 
- Thời vụtrồng: Tháng  3-4 (vụ xuân), hoặc tháng 9-12 (mùa mưa). 
- Thời tiết lúc trồng mưa nhẹ hoặc ngày râm mát. 
3.5. Tiêu chuẩn cây trồng
Tiêu chuẩn cây con đem trồng: cao 25 - 30 cm, đường kính gốc 1,5 - 2 mm, không cụt ngọn, lá xanh, khoẻ mạnh, không sâu bệnh.
3.6. Trồng cây 
- Bón lót:100g NPK /hố;  0,5-1kg/hố phân vi sinh;  cách bón: trộn đều phân NPK, phân vi sinh với đất mặt đến 1/ 3 phía dưới hố, sau đó lấp đất đến miệng hố, và bón lót phân trước 7-10 ngày.
- Trồng cây: Trước khi trồng phải xé bỏ vỏ bầu và tránh làm vỡ bầu, đào một lỗ sâu ở giữa hố, đặt cây đứng thẳng và tiến hành lấp đất vào hố, dùng hai tay ém chặt đất xung quanh bầu, rồi vun đất cao hơn mặt đất theo hình mu rùa 2-3cm.
3.7. Chăm sóc cây trồng 
Chăm sóc liên tục hàng năm (trước và sau khai thác). 
-  Năm thứ nhất: Sau 1 tháng trồng tiến hành kiểm tra tỷ lệ cây sống, trồng dặm cây bị chết, nhổ sạch cỏ dại quanh gốc cây, kịp thời phát hiện sâu bệnh hại. 
-  Năm thứ hai: Phát dọn thực bì 3-4 lần/năm tùy vào tình hình thực tế, đảm bảo cây không bị cỏ dại, dây leo xâm lấn. Bón thúc 2 lần/năm (200g NPK/cây/lần; 1-2kg/ cây phân vi sinh) kết hợp với vun gốc theo hàng cây, mỗi bên rộng 40 cm.
3.8. Bảo vệ cây trồng  
- Kiểm tra thường xuyên, bảo vệ nghiêm ngặt, chống trâu bò phá hoại. 
- Thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh. Khi sâu bệnh xuất hiện phải kịp thời phun thuốc, không để sâu bệnh phát sinh thành dịch.
- Kịp thời chặt bỏ cây bị bệnh (≥ 50% tán cây bị hại), đưa ra khỏi khu trồng và đốt cả cây.
- Phòng chống cháy rừng: Phát dọn thực bì trước mùa khô, tạo đường băng cản lửa rộng 3m bằng cày lật đất. 
4. Kỹ thuật khai thác và chăm sóc sau khai thác tràm năm gân:
4.1. Tuổi khai thác và mùa vụ khai thác 

- Tuổi khai thác lần đầu:  Khai thác thu hoạch lần đầu Tràm năm gân sau khi trồng 18-20 tháng tuổi, bộ lá phát triển mạnh, tiến hành cắt tỉa đúng kỹ thuật để tràm dễ tái sinh, tránh làm chết cây, tận dụng lá để chưng cất tinh dầu sau đó khai thác hàng năm.
- Mùa và thời điểm khai thác:  Khai thác cuối đông - đầu xuân trước khi cây bật chồi mới, hoặc tháng 11 và tháng 12.Khai thác vào thời điểm lá đã già, chọn thời điểm nắng ráo thu hoạch để đạt lượng tinh dầu cao nhất và chất lượng tốt, tránh khai thác lúc mưa to, gió lào và nắng gắt, tránh khai thác vào ngày rét đậm, rét hại.
4.2. Kỹ thuật khai thác 
- Chiều cao gốc cắt:
+ Trồng trên cạn, độ cao cắt 40 cm.  
+ Trồng nơi ngập nước, độ cắt cao 60 cm. 
+ Lưu ý: Để lại cành có lá dưới vết cắt (nếu có cành).
- Dụng cụ khai thác: cắt bằng kéo chuyên cắt cành, cưa hoặc bằng dao sắc.
- Phương pháp cắt: 2 bước
+ Bước 1: Cắt toàn bộ cành có lá để chưng cất tinh dầu, chiều dài cành  lá tối đa 60 cm.
+ Bước 2: Chặt hoặc cắt bỏ thân cây với chiều cao cách mặt đất 30 - 40cm.
- Xử lý sau khi cưa cắt: Kiểm tra vết cắt, dùng dao sắc gọt nhẵn vết xước, dùng nước vôi bột quét lên trên bề mặt cắt.
4.3. Trồng dặm và chăm sóc sau khai thác
-  Trồng dặm sau khai thác
Sau khai thác 1,5-2 tháng kiểm tra cây mọc chồi, trồng dặm kịp thời cây không mọc chồi (hoặc cây chồi bị chết) bằng cây giống cùng loại. 
Chăm sóc sau khai thác
Khi chồi cao hơn 30cm, tiến hành chăm sóc
- Lần 1 (đầu mùa mưa):
+ Phát dọn thực bì: Phát dọn thực bì toàn diện.
+ Xới cỏ theo hàng cây trước khi bón thúc, mỗi bên rộng 40 cm.
+ Bón thúc: 100g NPK/cây hoặc bổ sung phân hữu cơ, bón cách gốc 25 cm.
+ Vun gốc theo hàng cây, mỗi bên rộng 40 cm.
-  Lần 2(cuối mùa mưa)
+ Phát dọn thực bì: Phát dọn thực bì toàn diện.
+ Xới cỏ theo hàng cây trước khi bón thúc, mỗi bên rộng 40 cm.
+ Bón thúc: 100g NPK/cây hoặc bổ sung phân hữu cơ, bón cáchgốc 25 cm.
+ Vun gốc theo hàng cây, mỗi bên rộng 40 cm.
-  Khai thác các năm sau
+ Độ cao cắt chồi năm sau: Cao hơn so với độ cao năm trước 1-2 cm.
+ Khai thác hàng năm: Mỗi năm khai thác 1-2 lần khi chồi, lá đã ổn định. 
Lê Minh Tuấn - Trạm Khuyến nông Gio Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây