MỘT SỐ THÀNH TỰU VÀ ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU, CHUYỂN GIAO KHOA HỌC CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP TẠI TỈNH QUẢNG TRỊ

Thứ hai - 20/05/2024 22:03
Trong giai đoạn 2012-2023, ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị đã giành được những thành tựu to lớn trong việc nâng cao diện tích, chất lượng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu lâm sản và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Để đạt được thành công trên là nhờ có các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ trong việc phát triển lâm nghiệp, nông thôn miền núi mà đòn bẩy là phát triển nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Nhiều giống cây lâm nghiệp mới có năng suất cao, chất lượng tốt đã được chọn, tạo và phát triển trong sản xuất; nhiều tiến bộ kỹ thuật (TBKT) đã chuyển giao vào sản xuất và mang lại hiệu quả thiết thực. Trong thời gian tới, ngành lâm nghiệp Quảng Trị cần thực hiện tốt các định hướng nghiên cứu và giải pháp góp phần thực hiện tốt đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Bài viết này sẽ tổng kết những thành tựu chính đã đạt được của khoa học công nghệ ngành lâm nghiệp triển khai ở tỉnh Quảng Trị trong thời gian 2012-2023, đồng thời xác định được các tồn tại và đề xuất các định hướng phát triển cho thời gian tới.
MỘT SỐ THÀNH TỰU VÀ ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU, CHUYỂN GIAO KHOA HỌC CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP TẠI TỈNH QUẢNG TRỊ
1. Một số thành tựu nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2012-2023
1.1. Lĩnh vực chọn tạo giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp
Thông qua các khảo nghiệm tại Cam Lộ, Quảng Trị đã có 38 giống được công nhận tại vùng Bắc Trung Bộ gồm 6 giống Keo lai, 2 giống Keo tam bội, 3 giống Keo lá tràm, 8 giống Keo tai tượng, 5 giống Keo lá liềm và 12 giống Bạch đàn. Các giống được công nhận đều có năng suất cao, trung bình đạt từ 20-35 m3/ha/năm. Đặc biệt có 04 giống Keo lai BV523, BV584, BV434, BV350 được công nhận năm 2019 tại Cam Lộ , Quảng Trị đạt từ 30 - 35,1 m3/ha/năm; Đã ứng dụng chỉ thị phân tử tạo được một số dòng tam bội Keo có sinh trưởng vượt trội. Trong đó, có 02 giống Keo lai tam bội X201, X205 đã được công nhận năm 2020 tại Cam Lộ, Quảng Trị với năng suất đạt từ 22,7-26,8 m3/ha/năm; Công nghệ nhân giống Keo, Bạch đàn bằng mô, hom đã được áp dụng khá phổ biến tại Quảng Trị để nhân giống hàng loạt cây con có chất lượng cao, nâng tỷ lệ sử dụng giống mới trong trồng rừng kinh tế; Đối với các loài cây bản địa, đã nghiên cứu chọn giống (cây trội), xây dựng các khảo nghiệm, vườn giống cho 8 loài cây bản địa có triển vọng tại vùng Bắc Trung Bộ như Sồi phảng, Giổi xanh, Re gừng, Huỷnh, Lát hoa, Gáo trắng, Dầu rái, Sao đen; Đã xây dựng được 78 ha vườn giống, rừng giống, rừng khảo nghiệm giống của các loài Keo tai tượng, Keo lá tràm, Keo lá liềm, Bạch đàn urophylla, Bạch đàn pelita tại Cam Lộ, Quảng Trị nhằm chọn tạo giống mới và thu hái hạt giống phục vụ nghiên cứu và trồng rừng tại vùng Bắc Trung Bộ; Đã xây dựng các quy trình, hướng dẫn kỹ thuật nhân giống cho các loài Keo, Bạch đàn và các loài cây bản địa và cây LSNG. Đã được Bộ NN&PTNT công nhận 8 TBKTvà Bộ Khoa học Công nghệ công bố 13 TCVNvề tiêu chuẩn cây giống cho các loài cây chủ lực mọc nhanh.
1.2. Lĩnh vực lâm sinh 
Đã xác định được tập đoàn các loài cây trồng rừng chủ yếu cho vùng sinh thái Bắc Trung Bộ; Xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật gây trồng rừng cho hơn 30 loài cây bản địa lấy gỗ phục vụ công tác trồng rừng; Đã nghiên cứu 2 gói kỹ thuật tổng hợp cho trồng rừng thâm canh cung cấp gỗ lớn các loài Keo, Bạch đàn trên đất đã khai thác 2 chu kỳ và đất trồng mới; xác định được cơ sở khoa học để chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ thành rừng cung cấp gỗ lớn cho các loài Keo, Bạch đàn; Xác định các biện pháp kỹ thuật gây trồng Bần trắng, Bần không cánh tại vùng Bắc Trung Bộ; Đã xác định được đặc điểm sinh học của nấm Ceratocystis sp. gây bệnh chết héo trên Keo lai, Keo lá tràm và Keo tai tượng, Sâu róm xanh ăn lá hại Quế, Sâu đo ăn lá, Mọt đục thân Keo tai tượng và Sâu róm thông, Sâu róm 4 túm lông hại Thông nhựa; dự tính, dự báo và xác định được biện pháp phòng trừ loài Sâu đo ăn lá, Mọt đục thân Keo tai tượng và Sâu róm thông, Sâu róm 4 túm lông hại Thông nhựa; Đã xác định được một số giải pháp kỹ thuật phục hồi rừng tự nhiên; Ứng dụng công nghệ không gian địa lý (viễn thám, GIS và GPS) trong giám sát tài nguyên rừng với độ chính xác cao (trên 80%); Đã tư vấn xây dựng phương án Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng VFCS cho nhiều doanh nghiệp và tổ chức khác nhau; xây dựng 02 mô hình điểm về cấp chứng chỉ rừng VFCS cho nhóm hộ gia đình theo hình thức Hợp tác xã tại Yên Bái và Quảng Trị.
1.3. Lĩnh vực điều tra, quy hoạch, quản lý tài nguyên rừng và đa dạng sinh học
Đã triển khai xác định được hiện trạng diện tích rừng, đánh giá chất lượng các loại rừng, và kiểm kê các loại rừng theo chủ rừng tại tỉnh Quảng Trị. Xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và chuyển tin cháy rừng từ ảnh vệ tinh và phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng ở Việt Nam. Bảo tồn và phát triển một số loài cây rừng nguy cấp, quý hiếm bao gồm các loài cây gỗ và LSNG như Sao hải nam, Sao lá hình tim, Thông đỏ, Trúc vuông, Giổi lá to, Bạch tùng, Dầu song nàng, Gụ mật, Chai lá cong, Lan kim tuyến, Cát sâm, Trà hoa vàng, Kiền Kiền, Gụ lau ... 
1.4. Lĩnh vực công nghiệp rừng
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu thiết kế, xây dựng và lắp đặt thành công nhà giâm hom cây lâm nghiệp cải tiến, quy mô bán công nghiệp và công nghiệp. Nhà giâm hom cải tiến có thể sản xuất cây giống quanh năm, đặc biệt sử dụng rất hiệu quả đối với vùng có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, có gió mùa Đông Bắc và gió Lào, tỷ lệ giâm hom thành công đối với Keo, Bạch đàn từ 70% lên trên 90%. Chi phí vốn đầu tư xây dựng nhà giâm hom cải tiến ước tính giảm từ 30-35% so với nhà giâm hom thông thường. Đã chuyển giao cho một số công ty, hợp tác xã sản xuất giống cây lâm nghiệp tại huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị,... với công suất sản xuất của nhà giâm hom từ 500.000 - 1.000.000 cây giống/năm. 
1.5. Lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp
Đã nghiên cứu và đề xuất các chính sách phát triển trồng rừng sản xuất cung cấp gỗ lớn; Nghiên cứu, xác định giá trị hấp thu carbon một số kiểu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách về quản lý rừng bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển...; Đã đánh giá được các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gỗ và sản phẩm gỗ rừng trồng trên 11 tỉnh (trong đó có Quảng Trị).
1.6. Chuyển giao TBKT và dịch vụ khoa học công nghệ
Trong giai đoạn 2012-2023, các đơn vị nghiên cứu KHCN trong ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị đã tích cực triển khai các hợp đồng dịch vụ, sản xuất kinh doanh cung cấp cây giống lâm nghiệp, trồng rừng cung cấp nguyên liệu, tỉa thưa; điều tra thành phần thực vật; xác định giá trị môi trường rừng, sản xuất kinh doanh các sản phẩm LSNG (Nấm linh chi, Nấm ăn, Đông trùng hạ thảo,...) cung cấp cho thị trường. Thông qua các dự án giống gốc, dự án giống giai đoạn 2011-2020 do Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ làm chủ đầu tư đã chuyển giao giống gốc, công nghệ mô - hom, công nghệ xây dựng các vườn giống và rừng giống cho nhiều đơn vị sản xuất giống vùng Bắc Trung Bộ với số lượng khoảng 2 triệu cây giống gốc và 4000 bình giống gốc Keo lai, Keo lá tràm góp phần tăng tỷ lệ sử dụng cây vô tính trong trồng rừng. Thông qua triển khai các dự án khuyến lâm đã đẩy mạnh công tác chuyển giao TBKT cho các địa phương để ứng dụng rộng rãi, đã xây dựng nhiều mô hình thâm canh rừng kinh tế Keo tai tượng, Keo lai, Thông caribea, Tràm, Quế, Giổi ăn hạt,... bằng các giống TBKT và biện pháp thâm canh bền vững rừng trồng. Từ các kết quả nghiên cứu nổi bật, các đơn vị đã công bố các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và các phóng sự truyền hình về các hoạt động khuyến lâm, hội thảo khoa học. 
2. Một số tồn tại trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lâm nghiệp tại tỉnh Quảng Trị
    Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lâm nghiệp tại tỉnh Quảng Trị vẫn còn gặp một số tồn tại gồm: Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ Lâm nghiệp trong những năm qua đã bị giảm mạnh; Các nhiệm vụ nghiên cứu tập trung nhiều cho cây mọc nhanh, cây bản địa, LSNG. Các nghiên cứu liên quan đến môi trường rừng và biến đổi khí hậu, nông lâm kết hợp, nghiên cứu về rừng tự nhiên còn rất hạn chế; Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao KHCN và thương mại hóa sản phẩm KHCN trong lĩnh vực lâm nghiệp; Công tác chuyển giao giống vào thực tiễn còn hạn chế; Dịch vụ khoa học công nghệ của các đơn vị nghiên cứu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn sản xuất; Cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện trường nghiên cứu của các đơn vị nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; Đội ngũ cán bộ khoa học chất lượng cao, cán bộ khoa học đầu ngành còn thiếu.
3. Định hướng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2024 - 2030 
- Tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, cải thiện các giống cây trồng lâm nghiệp cho các loài cây chủ yếu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống. 
- Nghiên cứu và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng rừng thâm canh và xây dựng các mô hình trồng rừng đa chức năng. Nghiên cứu phục hồi rừng tự nhiên nghèo kiệt bằng các loài cây gỗ lớn bản địa và cây LSNG có giá trị; 
- Nghiên cứu phát triển LSNG dưới tán rừng trồng cây gỗ lớn, dưới tán rừng tự nhiên và các loài cây LSNG đa mục đích, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của rừng. Xây dựng, hoàn thiện quy trình khai thác, bảo quản và sử dụng hiệu quả một số loài LSNG: Mây nếp, Song Mật, Sa nhân, Sâm cau, Chè vằng, Cà gai leo, An xoa... 
- Nghiên cứu phòng trừ sâu bệnh hại rừng trồngcác loài Keo, Bạch đàn bằng các biện pháp phòng trừ tổng hợp. 
- Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây rừng, tập trung vào các loài cây quý hiếm, bị đe dọa; Tập trung khai thác và phát triển nguồn gen cho các loài cây có tiềm năng đưa vào sản xuất diện rộng.
- Nghiên cứu cơ chế/chính sách đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong lâm nghiệp (từ tạo rừng cho tới chế biến, thị trường, xuất khẩu). 
- Đẩy mạnh xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm, mô hình chuyển giao giống và TBKT mới vào sản xuất. 
- Nâng cao năng lực nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị, cơ sở làm việc cho các đơn vị nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để từng bước hiện đại hóa, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu quan trọng của ngành Lâm nghiệp.
TS. Vũ Đức Bình - TT Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây