TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, ĐẤU TRANH, NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG BUÔN BÁN ĐỘNG VẬT RỪNG TRÊN TUYẾN BIÊN GIỚI VIỆT – LÀO

Thứ hai - 11/03/2024 23:52
Hướng Hóa là huyện miền núi nằm về phía tây của tỉnh Quảng Trị, với đặc thù là địa phương có chung đường biên giới với Nước CHDCND Lào hơn 156 km; có 06 Đồn Biên phòng đóng quân dọc tuyến từ Đồn Biên phòng Hướng Lập, xã Hướng Lập vào đến Đồn Biên phòng Ba Tầng, xã ba Tầng. Huyện có 08 xã và 01 thị trấn tiếp giáp với 3 huyện của Nước CHDCND Lào; trên tuyến có 01 Cửa khẩu chín là Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo và 03 Cửa khẩu phụ (Cửa khẩu Tà Rùng, xã Hướng Việt, Cửa khẩu Cheng, xã Hướng Phùng và Cửa khẩu Thanh, xã Thanh); ngoài ra có hàng trăm đường mòn, lối mở đi lại giữa dân cư hai bên vùng biên giới để giao thương hàng hóa, kết nối tình nghĩa bạn bè, anh em của người đồng bào dân tộc thiểu số, tạo mối quan hệ truyền thống hữu nghị bền chặt, keo sơn giữa hai 2 nước.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, ĐẤU TRANH,  NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG BUÔN BÁN ĐỘNG VẬT RỪNG TRÊN TUYẾN BIÊN GIỚI VIỆT – LÀO
       Với những lợi thế về đặc điểm tự nhiên, như vị trí địa lý, địa hình… nên vùng giáp ranh của huyện với nước Bạn rất thuận lợi để phối hợp phát triển kinh tế, xã hội, và đảm bảo an ninh, quốc phòng.  Bên cạnh những thuận lợi củng không ít khó khăn,  vất vã của các lực lượng thừa hành pháp luật trong việc phòng chống tệ nạn, buôn bán hàng hóa bất hợp pháp qua biên giới trong đó có nạn buôn bán động vật rừng trái pháp luật. 
       Để kịp thời đấu tranh ngăn chặn tình trạng trên, hàng năm UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức đánh giá thực hiện Quy chế phối hợp đã ký kết về công tác đấu tranh ngăn chặn tình hình vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp trên địa bàn giữa Hạt Kiểm lâm, Ban chỉ huy quân sự, Công an huyện với 06 Đồn Biên phòng trong đó có công tác đấu tranh ngăn chặn bảo vệ động vật rừng thẩm lậu qua biên giới. Hạt Kiểm lâm chỉ đạo các Trạm Kiểm lâm ở các xã vùng biên nắm bắt tình hình, tổ chức đấu tranh ngăn chặn tình hình buôn bán động vật rừng; chỉ đạo các công chức. Kiểm lâm địa bàn phụ trách các xã, thị trấn giáp biên tham mưu cho chính quyền địa phương cấp xã phối hợp các Đồn Biên phòng tăng cường tuyên truyền vận động Nhân dân trong vùng nhằm nhận thức, hiểu biết pháp luật về bảo vệ động vật rừng, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện, tố giác các đối tượng vi phạm cho lực lượng Kiểm lâm hoặc lực lượng Biên phòng, Công an để tổ chức ngăn chặn. Trên địa bàn toàn huyện, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với UBND các xã, cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về vai trò, tác dụng của việc bảo vệ động vật rừng, tác hại của việc mua bán, vận chuyển, sử dụng động vật rừng hoặc bộ phận của chúng để chữa bệnh, đồng thời, vận động các hộ gia đình có nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng hoặc thả về tự nhiên vì đây là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật rừng nếu không hợp tác chấp hành sẽ bị xử lý theo quy định. Nhờ vậy, trong năm 2022, 2023 có 02 người dân giao nộp 01 cá thể Rùa 04 mắt và 01 cá thể Khỉ mặt đỏ (thuộc loài quý hiếm nhóm IIB),  Hạt Kiểm lâm đã tổ chức thả về môi trường thiên nhiên.
        Việc thường xuyên hướng dẩn, giám sát chặt chẽ 11 cơ sở gây nuôi động vật rừng trên địa bàn nhằm để ngăn chặn, tránh tình trạng đưa động vật rừng ngoài vào cơ sở nuôi để hợp thức hóa, một phần giúp cho các chủ cơ sở có kiến thức chuyên sâu về chăm sóc, cứu hộ cho từng loài vật nuôi của mình, bảo vệ môi trường trong sạch và rút ngắn thời gian sinh trưởng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
       Phối hợp với Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn thiên nhiên (VFBC) ký cam kết với 35 nhà hàng, quán ăn trên địa bàn nhằm tuyên truyền vận động các chủ nhà hàng, quán ăn không mua, bán, sử dụng động vật rừng, sản phẩm động vật rừng làm thực đơn cho khách hàng.
       Sẳn sàng phối hợp kịp thời với Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) để xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo trên các trang mạng xã hội, nhất là trang FaceBook về hành vi mua, bán động vật rừng trái pháp luật. Thời gian qua, Hạt đã phối hợp tiếp nhận thông tin và xử lý hơn 10 trường hợp.
       Tính từ đầu năm 2022 đến nay nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng, nhất là lực lượng Biên phòng, các Trạm Kiểm lâm, các công chức Kiểm lâm địa bàn ở các xã, thị trấn vùng biên phát huy tinh thần trách nhiệm của mình đã tăng cường đấu tranh ngăn chặn được hàng chục vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật rừng, phải nói tình hình vi phạm giảm hẳn. Năm 2022, đã bắt giữ và xử lý 05 vụ, tịch thu 24 cá thể động vật rừng/58,0kg, phạt tiền 39.000.000đ, thả về môi trường tự nhiên 23 cá thể động vật rừng/46,5kg; năm nay, đến tại thời điểm này mới bắt giữ và xử lý 02 vụ vi phạm, xử phạt 4.250.000đ về hành vi quảng cáo và mua trái pháp luật;  tịch thu, thả về môi trường thiên nhiên 10 con Khướu đá mun.
       Mặc dù, tình trạng buôn, bán động vật rừng trên tuyến bên giới ngày càng giảm, nhưng với sự quảng bá, phô trương hấp dẩn về lợi ích bổ dưỡng của các loài động vật rừng, hay thị hiếu ưa chuộng nuôi, nhốt những loài động vật rừng có dung mạo đẹp, tiếng hót hay của chúng thì công tác đấu tranh phòng chống vẫn còn nhiều gian nan, vất vả, trong khi đó: Lực lượng Kiểm lâm địa bàn còn mỏng; đời sống người dân vùng giáp biên còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào hoạt động thu lượm, khai thác lâm sản. Việc nắm các thông tin liên quan từ người dân vùng biên gặp nhiều khó khăn do nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận người dân bản địa đôi lúc còn xem hành vi săn, bẫy bắt, mua bán, vận chuyển động vật rừng là một hoạt động bình thường như là một hoạt động sinh kế hằng ngày. Các nguồn động vật rừng thẩm lậu nhỏ lẽ, không được mua, bán hay vận chuyển theo các tuyến đường, tụ điểm, phương thức nhất định. Động vật rừng là các tang vật có kích thước nhỏ, số lượng ít nên dễ cất dấu, lại vận chuyển trên nhiều phương tiện khác nhau. Các đối tượng mua, bán, vận chuyển động vật rừng trái phép hoạt động ngày càng tinh vi.
       Trên cơ sở nhận định một số khó khăn đó, cần đặt ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng mua, bán động vật rừng trái pháp luật trên tuyến biên giới như sau:
       - Ở cấp tỉnh sớm ký kết Quy chế phối hợp với Nước bạn Lào về công tác tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng mua, bán và vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên tuyến biên giới.
       - Ở cấp huyện hàng năm tiếp tục tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp đã được ký kết nhằm chủ động tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn đạt hiệu quả.
       - Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở nuôi động vật rừng trên địa bàn để ngăn chặn, tránh tình trạng đưa động vật rừng vào trại nuôi để hợp thức hóa.
       - Kịp thời thu thập thông tin và xử lý từ các trang mạng xã hội có hoạt động quảng cáo, mua, bán động vật rừng trái pháp luật.
       - Kiểm lâm địa bàn tham mưu UBND cấp xã tiếp tục tăng cường phối hợp tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng mua, bán và vận chuyển động vật rừng trái pháp luật trên địa bàn, đặc biệt là các tuyến biên giới.
       - Hãy kêu gọi mọi người chung tay: “ Không tiêu thụ động vật rừng và sản phẩm của chúng”.
- Xử lý nghiêm  các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp nói chung, vi phạm quy định về bảo vệ động vật rừng nói riêng.
                                      Trương Thanh Minh - Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây