Thực trạng và tiềm năng phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng của tỉnh Quảng Trị

Thứ năm - 25/01/2024 20:54
Trên thế giới, nhu cầu về gỗ và lâm sản ngoài gỗ đang tăng lên nhanh chóng do sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp như chế biến thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm. Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, nhu cầu toàn cầu về gỗ đạt mức khoảng 1,7 tỷ m3 vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng lên 2,1 tỷ m3 vào năm 2030.
Thực trạng và tiềm năng phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng của tỉnh Quảng Trị
       Tại Việt Nam, ngành Lâm nghiệp đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, sản lượng gỗ chế biến và xuất khẩu tăng đều hàng năm. Kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể cho ngành lâm nghiệp là tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân hằng năm từ 5,0% đến 5,5%; trị giá xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 18-20 tỷ USD và tiêu thụ lâm sản thị trường trong nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. (dẫn theo Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Theo đánh giá của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu sử dụng các sản phẩm thủ công của ngành nghề nông thôn được dự báo gia tăng trong những năm tới, nhất là các nhóm ngành hàng thủ công mỹ nghệ.
       Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng đã thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, đây là chủ trường đúng đắn của Đảng và nhà nước. Khi nhận rừng, cộng đồng hộ gia đình được hưởng lợi lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng và các giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng mang lại, điều đó có nghĩa là nguồn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng đang ngày đêm bị khai thác cạn kiệt, dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học, cấu trúc rừng thiếu bền vững…khi các nguồn thu từ lâm sản ngoài gỗ giảm sút, các nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, hấp thu cacbon chưa có hoặc không có thì việc giao đất giao rừng lại là gánh nặng cho cộng đồng và hộ gia đình nhận rừng; điều đó cũng dẫn đến chủ trương của Nhà nước để “rừng thực sự có chủ” cũng là vấn đề nan giải. Cùng với việc khai thác mà không có trồng mới, trồng bổ sung, năng lực đâu tư tài chính yếu, các chính sách hỗ trợ sau khi giao rừng để phát triển, gây trồng lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng còn rất hạn chế, dẫn đến chưa hình thành được các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn…, do đó mục tiêu giao đất giao rừng để người dân phát triển kinh tế đã không đạt được kết quả như mong đợi.
       Để đạt được mục tiêu phát triên Lâm nghiệp bền vững, tăng thu nhập cho người dân trong hoạt động sản xuất Lâm nghiệp, đòi hỏi một phương pháp kết hợp giữa quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, đa dạng loài cây trồng dưới tán rừng, ưu tiên phát triển các loài cây mục tiêu, các loài có giá trị kinh tế cao, sử dụng các phương pháp canh tác bền vững, đẩy mạnh chế biến sâu và xuất khẩu …là những định hướng quan trọng để dẫn đến thành công. Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh việc kiểm soát, giám sát và xử lý các hoạt động làm suy giảm chất lượng, diện tích rừng, đẩy mạnh phục hội chất lượng rừng tự nhiên, ổn định thảm thực vật rừng …sẽ góp phần đảm bảo môi trường và duy trì nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
       Được đánh giá là tỉnh có nhiều thuận lợi để canh tác dưới tán rừng như diện tích rừng tự nhiên lớn, thổ nhưỡng phần lớn là núi đất, khí hậu giao thoa của Bắc - Nam, Đông - Tây của dãy Trường Sơn. Vùng có cao độ thấp từ 300-500m so với mặt nước biển phân bố ở các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên huyện Đakrông, Cam Chính, Cam Nghĩa huyện Cam Lộ, Linh Thượng huyện Gio Linh, Vĩnh Ô huyện Vĩnh Linh… rất phù hợp cho phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ dùng làm nguyên liệu, vật liệu xây dựng như song mây, tre nứa. Vùng có cao độ cao hơn 500-1100m như Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Linh.. huyện Hướng Hóa. Xã Húc Nghì, Tà Long, Tà Rụt, A Bung, A Vao.. huyện Đakrông, đây là vùng có khí hậu mát mẻ, lượng mưa lơn rất phù hợp cho phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ làm dược liệu như sâm ba kích, sâm ngọc linh, thất diệp nhất chi hoa, sa nhân….Nhận thức được tiềm năng và cơ hội, từ những năm 2000 Quảng Trị đã bắt đầu thực hiện các mô hình gây trồng lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Mặc dù chưa có báo cáo đánh giá chính thức, nhưng qua điều tra và tổng hợp thông tin cho thấy các mô hình trồng mây nước dưới tán rừng tại hơn 10 xã của hai huyện Đakrông và Hướng Hóa; Sâm ngọc linh, Sa nhân tím ở khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, Sâm Ba kích tại xã Hướng Hiệp, nuôi ong dưới tán rừng thại thôn Cợp xã Hướng Lập… đã ghi nhận sự phù hợp về khí hậu, đất đai và tập quán canh tác của người dân địa phương. Đây cũng là những khẳng định bước đầu về triển vọng phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao tại Quảng Trị.
       Có nhiều thuận lợi, nhưng Quảng Trị cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như: Thiếu quy hoạch chi tiết cho vùng sản xuất nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, các loài cây lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt là cây dược liệu phát triển còn manh mún, không có khả năng cung cấp thành hàng hóa; Thiếu công nghệ, nhà máy chế biên LSNG cả về số lượng lẫn chất lượng, sản phẩm LSNG thu hoạch được bán thô hoặc sơ chế thô đã làm giảm 90% giá trị của sản phẩm; Khó khăn trong việc liên kết sản xuất theo chuỗi từ trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ, hợp tác giữa nhà nông và doanh nghiệp chưa phổ biến; Quản lý chất lượng hầu như chưa được quan tâm dẫn đến chất lượng của một số LSNG không đồng đều, giá thấp và không cạnh tranh. Ngoài ra cũng còn có những khó khăn khác như kinh doanh dịch vụ hệ sinh thái, cacbon chưa phổ biến, cán bộ kỹ thuật, quản lý đang còn thiếu kinh nghiệm, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn cũng làm hạn chế hoạt động lưu thông của lâm sản ngoài gỗ.
       Để biến những thuận lợi, tiềm năng đất đai dưới tán rừng thành cơ hội để phát triển Lâm nghiệp theo hướng bền vững, đa giá trị…điều quan trọng nhất là phải thay đổi về nhận thức, quan điểm, phải xem lâm sản ngoài gỗ là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là ngành sản xuất đặc thù cung cấp nguyên liệu, vật liệu cho nhiều ngành kinh tế khác, kể cả ngành du lịch.
       Có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh rằng “giá trị của gỗ chỉ chiếm 10% giá trị của một khu rừng” như vậy có thể thấy rằng, từ trước đến nay chung ta chỉ quan tâm đến gỗ, có nghĩa là chỉ quan tâm 10% giá trị của khu rừng, còn 90% còn lại đang được khai thác hạn chế. Vì vậy, sản xuất lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng sẽ là một sinh kế bền vững cho cộng đồng sống gần rừng khi chúng ta khai thác được hết giá trị của hệ sinh thái rừng và đây cũng là cơ hội để bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn văn hóa địa phương.
       Để biến khó khăn thành thuận lợi, cơ hội thành giá trị kinh tế. Quảng Trị cần xác định loài cây lâm sản ngoài gỗ thích hợp, lập quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu dưới tán rừng cho từng loài, nhóm loài, có sự tham gia của các cơ quan quản lý, nghiên cứu, giáo dục và cộng đồng địa phương trong việc khảo sát, đánh giá, lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp bảo vệ, khai thác và sử dụng bền vững LSNG; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, quản lý chất lượng lâm sản ngoài gỗ theo tiêu chuẩn Quốc tế, Quốc gia. Thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản LSNG sau thu hoạch, áp dụng các công nghệ tiên tiến và hiện đại để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm LSNG, giảm thiểu lãng phí và ô nhiễm môi trường. Hoàn thiện và ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất, canh tác dưới tán rừng…Với lợi thế tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan đẹp và đặc biệt là cộng đồng Vân kiều, Pa cô có nhiều nét văn hóa đặc sắc, có kiến thức bản địa trong khai thác, sử dụng và gây trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ. Vì vậy, Quảng Tri hoàn toàn có đủ điều kiện và cơ hội để khai thác tiềm năng đất đai dưới tán rừng cho phát triển sinh kế, biến giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng thành lợi ích kinh tế, góp phần phát triển kinh tế, xã hội thông qua sử dụng bền vững, đa giá trị của hệ sinh thái rừng./.
Trần Hiệp, Ngọc Tuấn - Chi cục Kiểm Lâm

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây