BỆNH CHƯỚNG HƠI DẠ CỎ Ở TRÂU BÒ VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ

Thứ ba - 04/10/2022 20:55
Chướng hơi dạ cỏ ở trâu bò là bệnh thường gặp vào mùa mưa, do trâu bò ăn phải những thức ăn dễ lên men, sinh hơi. Điều kiện chăn thả không tốt vào thời điểm trời giá rét, có nhiều sương muối. Do kế phát từ cảm nắng, trâu bò bị què, bại liệt, ốm lâu ngày khiến chúng không thể đi lại, vận động được, nằm lì một chỗ. Kế phát từ bệnh tụ huyết trùng, liệt dạ cỏ, dạ cỏ không tiêu hóa thức ăn, tắc thực quản, viêm họng làm con vật không ợ được hơi, viêm màng bụng…
BỆNH CHƯỚNG HƠI DẠ CỎ Ở TRÂU BÒ VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ
I. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chủ yếu do trâu bò ăn phải những loại thức ăn dễ lên men, sinh hơi. Đặc biệt về mùa xuân trâu bò thường xuyên mắc bệnh do chúng ăn quá nhiều cỏ non, cỏ xanh có chứa nhiều nước, chất nhầy. Những loại thức ăn có chứa nhiều gluxit như bã mía, căn đường, thân cây ngô, ngọn mía, thức ăn có nhiều chất nhầy như dây khoai lang, thức ăn có nhiều protein như bã đậu, thức ăn mất phẩm chất bị mốc, lúa ngập nước, cỏ úa… ăn phải những cây có độc như lá sắn, măng tre
Do bà con chăn thả trâu bò vào thời điểm giá rét, có nhiều sương muối.
Trâu bò bị què, bại liệt, ốm lâu ngày, nằm lì một chỗ không hoạt động…
Trâu bò phải cày kéo quá sức, cơ thể chúng bị suy nhược, sức đề kháng giảm nên dễ mắc phải một số bệnh truyền nhiễm gây sốt cao cũng gây ra bệnh chướng hơi dạ cỏ.

II .Triệu chứng chướng hơi dạ cỏ

Gia súc sau khi ăn khoảng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ sẽ xuất hiện các biểu hiện khởi bệnh chướng hơi dạ cỏ ở trâu bò như sau:
- Bụng trâu bò phình to ra làm vật nuôi bị đau bụng, không đứng hoặc nằm yên một chỗ, đi loanh quanh và lấy đuôi quất mạnh vào vùng bụng trái nơi gần dạ cỏ
- Nếu lấy tay gõ vào vùng hõm hông trái nghe có âm thanh như tiếng trống, nếu lấy tay ấn vào vùng dạ cỏ của trâu bò sẽ có cảm giác căng căng như cảm giác ấn tay vào quả bóng cao su có chứa hơi bên trong.
- Nếu nghe kĩ vùng dạ cỏ sẽ có âm thanh của nhu động dạ cỏ vang lên, ban đầu âm thanh dồn dập, về sau cường độ giảm dần rồi mất hẳn, đôi lúc chỉ nghe tiếng nổ lép bép vang lên.
Khi bệnh tiến triển nặng hơn sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng bệnh chướng hơi dạ cỏ trầm trọng hơn:
- Bụng trâu bò ngày một phình to hơn, đến mức vùng hõm hông bên trái – vị trí của dạ cỏ lồi hẳn lên cao, có khi cao hơn cả mỏm xương ngoài cánh công
- Mức độ đau bụng của gia súc ngày càng cao, thậm chí vã cả mồ hôi ra, làm trâu bò mất sức nhanh, uể oải. Vật nuôi rơi vào trạng thái sợ hãi khiến chúng ngừng ăn và ngừng cả tập tính nhai lại.
- Bệnh chướng hơi dạ cỏ ở trâu bò khiến dạ cỏ phình to ra, chèn ép vào các cơ quan nội tạng khác, khiến gia súc khó thở, thở gấp và tăng dần, thậm chí dạng 2 chân trước ra để thở hoặc thè lưỡi ra để thở.
- Các cơ quan trong đó có cả hệ tuần hoàn bị chèn ép, khiến máu ở cổ và đầu không chảy về tim được, ứ đọng lại làm tĩnh mạch cổ phồng to, gây ra tim đập nhanh lên đến 140 nhịp/phút, mạch càng ngày càng yếu dần đi, huyết áp giảm dần
- Từ các biểu hiện khó thở và thiếu máu tuần hoàn sẽ khiến trâu bò bị rơi vào hôn mê và tử vong rất nhanh do bị ngạt và máu nhiễm độc. Lỗ mũi và hậu môn chảy máu tươi, thậm chí bị lòi dom
 

III. Chẩn đoán bệnh chướng hơi dạ cỏ

Dựa vào các đặc điểm và triệu chứng đặc trưng xuất hiện trên vật nuôi để chẩn đoán xem trâu bò có mắc bệnh chướng hơi dạ cỏ:
- Bệnh khởi phát, tiến triển và diễn biến rất nhanh, ngay sau khi ăn từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ
- Vùng bụng trái căng phồng hẳn lên, gõ vào thấy âm trống ở vùng dạ cỏ
- Ấn tay vào vùng bụng dạ cỏ sẽ có cảm giác tương tự như khi ấn tay bào quả bóng cao su căng hơi bên trong
- Dùng troca chọc vào dạ cỏ sẽ có rất nhiều khí thoát theo lỗ kim ra ngoài
- Trâu bò khó thở rất nặng
- Cần phân biệt bệnh chướng hơi dạ cỏ ở trâu bò với bệnh bội thực dạ cỏ có những đặc điểm như sau: bệnh tiến triển chậm hơn, chỉ xuất hiện sau khi ăn từ 6 -9 tiếng đồng hồ, gõ tay vào vùng dạ cỏ thấy âm đục tuyệt đối, nếu ấn tay vào vùng dạ cỏ sẽ để lại vết lõm nếu nhấc tay ra.

IV. Điều trị chướng hơi dạ cỏ

Nguyên tắc điều trị: Muốn điều trị bệnh chướng hơi dạ cỏ ở trâu bò hiệu quả cần phải tìm mọi cách để tháo hơi ra khỏi dạ cỏ càng sớm càng tốt bằng cách, sử dụng các biện pháp để đẩy hết thức ăn ra khỏi dạ cỏ, ngăn chặn và ức chế quá trình sinh hơi do thức ăn lên men trong dạ cỏ, sử dụng các phương pháp để có thể hồi phục và tăng cường nhu động của dạ cỏ đồng thời kết hợp các biện pháp hỗ trợ để vật nuôi có sức chống lại bệnh.

Cách chăm sóc trâu bò bị chướng hơi dạ cỏ:

- Giữ cho vật nuôi đứng tư thế cao đầu, mông thấp để tăng cường lưu thông máu và dễ thở
- Dùng tay kéo lưỡi trâu bò giúp chúng dễ thở hơn, nên kéo theo nhịp thở của trâu bò để đem lại hiệu quả cao nhất.
- Dùng dây mềm đưa vào giữa miệng rồi buộc lên sau tai để trâu bò nhai dây giúp thoát hơi ra ngoài.
- Moi sạch phân ở trực tràng ra ngoài
- Đốt vài quả bồ kết tán nhỏ thành bột rồi thổi hoặc chà vào cuống lưỡi làm cho trâu bò hắt hơi.
- Dùng cỏ khô, rơm chà sát vào vùng dạ cỏ ngày từ 2 -3 lần, mỗi lần 10 -15 phút để tăng cường nhu động của dạ cỏ
- Nếu lượng hơi tích lại quá nhiều làm dạ cỏ phình to ra, khiến vật nuôi có biểu hiện ngạt thở thì bắt buộc phải chọc troca để hơi thoát ra. Trong trường hợp trâu bò mắc bệnh chướng hơi dạ cỏ kèm theo sủi bọt thì bọt khí sẽ bịt lỗ troca, không cho khí thoát ra ngoài. Lúc đó bà con cần phải thông troca cho hơi thoát ra.
- Khi vật nuôi hồi sức và có thể ăn được thì chỉ cho ăn các loại thức ăn thô nhiều chất xơ như rơm, cỏ. Không cho vật nuôi ăn các loại thức ăn dễ sinh hơi do lên men như: cỏ non, cám, ngô, khoai, đậu tương…

Cách ức chế các phản ứng lên men sinh khí của vi sinh vật trong dạ cỏ bằng cách cho uống các dung dịch sau:
- Rượu tỏi: giã 3 - 4 củ tỏi hòa trộn với 100ml rượu và 1 lít nước sạch
- 1 - 1,5 lít nước dưa muối chua
- Dung dịch dấm ăn: pha 500ml dấm ăn với 1 lít nước sạch hoặc vắt chanh với khế chua lấy nước cốt cho trâu bò bị chướng hơi dạ cỏ uống
- Cho uống 3 - 5 lít bia
Tiêm kháng sinh chống nhiễm trùng sử dụng một trong các loại thuốc sau:
- Ampi septol 1ml/10kg thể trọng
- Gentamycine 1ml/10kg thể trọng

V. Phòng bệnh chướng hơi dạ cỏ:

- Không cho trâu bò ăn quá nhiều cỏ non, các cây họ đậu hoặc thức ăn chứa nhiều nhựa như: rau khoai lang, rau muống non, lá sắn, thức ăn dễ lên men, sinh hơi…
- Khi thay đổi thức ăn thì cần thay đổi từ từ với hàm lượng vừa phải để hệ vi sinh trong dạ cỏ thích nghi, tránh làm gia súc bị rối loạn tiêu hóa. 
Nguyễn Ngọc Chiến – Trạm KN Đakrông

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây